Xiaomi và giờ là Google đã chứng minh rằng loại bỏ jack cắm tai nghe thực sự mang lại nhiều lợi ích
Khi iPhone đè bẹp các đối thủ về hiệu năng, và khi cha đẻ của Android cũng phải lên tiếng bênh vực quyết định bỏ jack tai nghe, rõ ràng là quyết định gây tranh cãi này CÓ mang lại những lợi ích không thể chối cãi. Thêm vào đó, hãy nhìn ví dụ Galaxy Note 8.
Với thân hình gần như giống hệt iPhone 6 và 6s, iPhone 7 có lẽ sẽ đi vào trí nhớ của các iFan với 2 thay đổi... không mong muốn: nút Home có cảm giác bấm tệ hơn và jack tai nghe bị loại bỏ. Riêng quyết định thứ hai là gây tranh cãi hơn cả: jack tai nghe đã tồn tại hàng chục năm và đã có mặt trên hầu hết các chủng loại PC, các thiết bị di động từ thập niên 90 cho tới nay.
Song, quyết định của Apple vẫn được một loạt các đối thủ khác "học hỏi". Motorola (Lenovo) nhanh nhảu loại bỏ jack tai nghe trên Moto Z từ khi iPhone 7 vẫn chỉ là tin đồn. HTC loại bỏ cổng tai nghe trên cả U Ultra lẫn U11. Chiếc Mi 6 của Xiaomi cũng đi theo Apple; cha đẻ của Android là Andy Rubin cũng đã ra mắt một chiếc điện thoại không có jack cắm tai nghe.
Đáng chú ý nhất, cả 2 mẫu Pixel 2 và Pixel 2 XL được Google ra mắt ngày hôm qua đều không có cổng tai nghe.
Trong bài phỏng vấn với người dùng Reddit, Andy Rubin khẳng định: "Jack tai nghe là những linh kiện rất lớn và chúng không phù hợp với kiến trúc màn hình tràn của Essential Phone. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, nhưng để tích hợp jack cắm tai nghe chúng tôi sẽ phải chấp nhận nhiều đánh đổi khó chịu. Chúng tôi sẽ phải tạo ra một cái "cằm" rất lớn cho màn hình, giảm thời lượng pin khoảng 10%, hoặc là phải làm khe lồi cho jack cắm".
Chính giám đốc sản phẩm của Google, Mario Queiroz cũng đã phải khẳng định như sau về bộ đôi Pixel 2 và Pixel 2 XL: "Lý do lớn nhất để loại bỏ cổng tai nghe là để tạo ra một con đường thiết kế cơ học cho tương lai. Chúng tôi muốn có màn hình gần cạnh hơn... Năm ngoái có thể là quá sớm. Năm nay thì có nhiều điện thoại theo cùng xu hướng trên thị trường".
Như vậy, không phải vô cớ mà jack cắm tai nghe nên bị loại bỏ khỏi thân hình smartphone. Sau nhiều năm thay đổi thiết kế, rõ ràng là những chiếc smartphone đã đạt đến độ mỏng "chuẩn" nhất. Những chiếc điện thoại dày dặn, dù có cảm giác cầm và chất lượng gia công tốt như HTC One, cũng ngày một hiếm gặp hơn. Nhu cầu thời lượng pin cũng vẫn gay gắt: ngay cả sau sự cố Note7, nhiều fan của Samsung cũng vẫn than phiền về dung lượng bị cắt giảm của pin trên Note8.
Điều này đặt ra bài toán: làm thế nào để mở rộng tính năng trên điện thoại trong khi không gian dành cho các linh kiện đã trở nên quá thiếu thốn? Câu trả lời được Apple đưa ra là... cắt bỏ cổng tai nghe. 90% người dùng phản đối, nhưng khi nhìn lại, ít nhất iPhone 7 đã không phải chịu chung một số phận với Note7: vừa cố chạy theo độ mỏng, vừa cố tăng dung lượng pin và... cháy. Năm nay, pin của Note8 thậm chí còn nhỏ hơn cả pin của Galaxy S8 , có lẽ là để có thêm chỗ tích hợp cơ chế 4.096 điểm lực nhấn và bút stylus.
Nếu bỏ jack tai nghe, Galaxy Note8 có lẽ đã tránh được những tranh cãi về dung lượng pin hoặc giảm bớt được dải đen ở phía dưới màn hình.
Giải pháp của Apple nhanh chóng được "Apple Trung Quốc" học hỏi: "Bỏ jack cắm tai nghe, chúng tôi có thể giữ chỗ cho các linh kiện khác, ví dụ như là pin lớn hơn", Xiaomi khẳng định khi ra mắt Mi 6.
Hiển nhiên, thời lượng pin thực tế còn phụ thuộc cả vào các linh kiện phần cứng và cơ chế phần mềm. Song, rõ ràng là với cùng một bộ linh kiện, cùng một mức độ tối ưu hệ điều hành như nhau, một thỏi pin nhiều mAh hơn sẽ giúp tăng thời lượng pin hơn. Đó là quy tắc tất yếu.
Nếu như thời lượng pin không phải là yếu tố thuyết phục được bạn, hãy nhìn sang những tính năng quan trọng hơn. Càng ngày, camera kép, loa stereo, pin sạc không dây, NFC (thanh toán di động)... càng trở thành các tính năng mang ý nghĩa "tiêu chuẩn", mẫu đầu bảng nào cũng cần có. Bỏ đi jack cắm tai nghe sẽ mở ra không gian... vài milimet khối, tuy nhỏ nhưng cực kỳ ý nghĩa với các nhà sản xuất.
Google năm nay vừa loại bỏ jack tai nghe, vừa ra mắt tai nghe không dây "thông minh".
Quan trọng hơn, trong bối cảnh IoT và trợ lý ảo/AI đang lên ngôi, vài milimet khối này có thể được dùng để áp dụng vào trái tim của điện thoại: những con chip. Trên iPhone 7, Apple đã thiết kế ra A10 Fusion có kích cỡ lớn hơn các mẫu Snapdragon và Exynos cùng năm, cho phép iPhone lần đầu tiên được sở hữu kiến trúc big.LITTLE.
Năm nay, A11 Bionic thu nhỏ được kích cỡ nhờ chuyển sang chu trình 10nm, song rõ ràng là nếu Apple muốn các mẫu chip của mình mạnh hơn đối thủ, iPhone vẫn sẽ có lợi thế so với những chiếc smartphone có jack cắm tai nghe vì đơn giản là có không gian cho những con chip lớn hơn.
Thực tế, A11 có kích cỡ 89,2 mm2 trong khi Qualcomm Snapdragon 835 có kích cỡ 72,3 mm2. Với những con chip di động, đây là một sự khác biệt vô cùng quan trọng: chỉ 0,5 mm2 diện tích die (khuôn) cũng đã có thể chuyển lỗ thành lãi, chuyển mạnh thành yếu.
Và đó là còn chưa kể tới các loại linh kiện tùy biến khác của Táo, ví dụ như chip chuyển động hoặc chip xử lý hình ảnh (ISP). Năm 2018 đã chứng kiến chiếc iPhone 8 (và rất có thể là iPhone X) đè bẹp gần như tất cả các đối thủ cả về hiệu năng xử lý lẫn chất lượng ảnh chụp. Một không gian "dễ thở" hơn từ việc loại bỏ jack tai nghe chắc chắn là có tác dụng tích cực tới tất cả các lợi thế này.
Như vậy, bên cạnh những ý nghĩa về mặt kinh tế và trải nghiệm, loại bỏ jack cắm tai nghe rõ ràng sẽ mang lại nhiều lợi ích về mặt công nghệ cho những chiếc smartphone thời đại mới. Câu hỏi đặt ra là, liệu những ông lớn đã từng "lớn tiếng" chỉ trích quyết định này của Apple liệu có khai tử jack cắm tai nghe trong tương lai hay không? Hãy cùng chờ đợi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"