Làm "bà mối online", người phụ nữ 58 tuổi trở thành hiện tượng live-stream ở Trung Quốc, thu nhập 1 triệu/ngày
Cùng gặp gỡ nữ streamer với cách làm việc vô cùng độc đáo tại Trung Quốc.
Hầu hết những streamer nổi tiếng ở Trung Quốc đều là những thanh niên trẻ đẹp hoặc có tài năng gì đó đặc biệt. Tuy nhiên, người phụ nữ 58 tuổi này lại nổi lên như một hiện tượng của ngành công nghiệp live-stream nhờ làm... bà mối cho những người theo dõi.
Người phụ nữ trong ảnh tên là Lâm Kính Phúc, sống ở Thương Châu, Hà Bắc. Bà bắt đầu công việc live-stream của mình khoảng 1 năm trước.
Bà Lâm vốn là một lao động nhập cư. Từ năm 17 tuổi đến giờ, bà gần như dành cả cuộc đời để làm việc ở Sơn Tây, Hắc Long Giang cho tới Tân Cương.
2 năm trước, bà quyết định quay về quê ở Thương Châu để chăm sóc cháu nhỏ và tìm công việc ổn định hơn. Tuy nhiên, bà Lâm cảm thấy chán công việc chân tay vất vả và muốn thử thứ gì đó mới mẻ: Live-stream.
Chưa đầy 1 năm, danh tiếng của bà Lâm nổi lên nhanh chóng trong làng live-stream Trung Quốc. Thậm chí, người phụ nữ này còn được hơn 75.000 người theo dõi tặng danh hiệu "Hà Bắc thôn dã đại ma" (đại ý là người phụ nữ cao tuổi và thông thái ở Hà Bắc).
"Tôi là kiểu người thích vui cười, trò chuyện. Tôi nghĩ sự hướng ngoại của bản thân giúp tôi làm tốt việc này", bà Lâm nói. "Tôi tin rằng việc đưa duyên cho người khác nên được làm miễn phí".
Live-stream là một ngành công nghiệp đang bùng nổ tại Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ vượt 14 tỷ USD trong năm nay. Theo báo cáo, chỉ cần có chút tiếng tăm và làm live-stream một mình, một số người có thể kiếm tới 20.000 USD (hơn 450 triệu đồng)/tháng.
Tuy nhiên, bà Lâm gia nhập ngành công nghiệp này không chỉ vì tiền, bà gần như giúp tất cả những người theo dõi, ủng hộ mình một cách miễn phí.
"Làm mối là một niềm vui và làm miễn phí là nguyên tắc của tôi", bà cho biết.
"Không có gì làm tôi hạnh phúc hơn khi những người được mai mối cho biết họ đã tìm được nửa còn lại. Tôi không cần những món quà ảo, tôi chỉ muốn giúp mọi người xây dựng gia đình."
Live-stream của người phụ nữ này có khoảng 200 người xem đều đặn. Dù làm mối miễn phí, những người hâm mộ vẫn gửi tặng quà ảo cho bà Lâm, đổi ra tiền mặt có thể lên tới 50 USD mỗi ngày.
Bà Lâm dành ra khoảng 10 giờ mỗi ngày để online mà vẫn đảm đương việc nội trợ cũng như chăm sóc cháu nhỏ. Bà dậy rất sớm để chuẩn bị đồ ăn sáng cho gia đình, dọn dẹp nhà cửa và bắt đầu online vào lúc 6:30.
Thông thường, bà sẽ gửi tin nhắn riêng cho những ai có nhu cầu kết đôi. Bà Lâm ghi lại thông tin của họ vào những tờ giấy viết tay để tiện sắp xếp.
Về những dịch vụ mai mối thông thường, bà Lâm nói rằng mình không ủng hộ cung cách kinh doanh đắt đỏ đó: Mỗi khách hàng bị tính phí khoảng 600 tệ (2,2 triệu đồng) chỉ để được giới thiệu với đối tượng tiềm năng. Mỗi trường hợp thành công, các công ty mai mối có thể thu về 10.000 tệ (khoảng 35 triệu đồng).
Tuy nhiên, đôi lúc yêu cầu mà khách hàng đưa ra thực sự "khó nhằn", đặc biệt là khi tỷ lệ ly hôn bắt đầu gia tăng ở độ tuổi 30. Theo bà Lâm, ngay cả những cô gái đã ly dị cũng đang yêu cầu những đặc điểm cụ thể cho người chồng kế tiếp của họ như có xe hơi, có nhà, việc làm ổn định.
Đáng tiếc, nam giới trong nhóm tuổi đó thường không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đó nên việc tìm người yêu, tìm vợ ngày một khó khăn.
Trong tháng qua, bà Lâm đã mai mối thành công cho 200 cặp đôi, 30 trong số đó đã quyết định đi tới hôn nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được nửa hoàn hảo, mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Cách đây không lâu, bà Lâm giúp một người đàn ông và một người phụ nữ ở Hà Bắc đến với nhau. Tuy nhiên, họ đột ngột chia tay sau khi chung sống trong 3 tháng.
"Tôi cảm thấy tội lỗi và gọi cho họ rất nhiều lần. Tôi thích cô gái và cho rằng anh chàng kia cũng rất tốt, không ngờ họ không hòa thuận vì sự khác biệt trong tính cách. Thật đáng tiếc."
Ở một diễn biến khác, live-stream đang giúp nhiều nông dân Trung Quốc đổi đời, trở thành người nổi tiếng với thu nhập khoảng 1500 USD/tháng.
Theo Nextshark
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming