Mặc dù mới chỉ công bố bản trailer đầu tiên, bộ phim The Lion King phiên bản làm lại vẫn gây sốt và trở thành một trong những phim được mong đợi nhất trong năm 2019. Thừa thắng xông lên, Walt Disney có cả một kế hoạch dài hơi cho những dự án remake khác, liệu con đường này có thui chột sự sáng tạo của hãng phim danh tiếng
Vào một ngày tháng 11 đẹp trời, khi Wreck It Ralph 2 (Ráp-phờ Đập Phá 2) còn đang oanh tạc phòng vé thì Disney lại tiếp tục "phá đảo thế giới ảo" khi tung ra teaser cho bộ phim The Lion King (Vua Sư Tử) bản remake. Đoạn teaser ngay lập tức phá vỡ kỷ lục về lượt xem, trở thành trailer được xem nhiều thứ hai, chỉ sau trailer Avengers: Infinity War (Avengers: Cuộc Chiến Vô Cực, 2018).
Dù mới chỉ tung ra bản teaser, The Lion King bản remake vẫn gây sốt toàn cầu.
Đạo diễn của The Lion King (2019) chính là Jon Favreau, người đã làm nên thành công của Jungle Book (Cậu Bé Rừng Xanh, 2016), bộ phim đạt doanh thu tới hơn 966 triệu USD toàn cầu. Với sự tham gia của dàn diễn viên lồng tiếng kỳ cựu và đầy nhiệt huyết như Donald Glover hay Beyonce, liệu The Lion King có thể trở thành bom tấn mùa hè 2019?
Disney có cả một "mỏ vàng" của riêng mình
Disney có cả một mỏ vàng để khai thác khi remake chính những tác phẩm hoạt hình kinh điển của mình. Với hàng loạt dự án remake như Dumbo, Aladdin, Lady and the Tramp, The Lion King sẽ ra mắt vào năm 2019 và Mulan (Hoa Mộc Lan) dự kiến phát hành vào năm 2020, rõ ràng "ông lớn" này có vẻ vẫn ăn nên làm ra với những bộ phim làm lại phiên bản live-action hoặc CGI.
Hai cảnh phim có cách dàn cảnh tương tự trong trong hai phiên bản The Lion King.
Nhưng teaser The Lion King (2019) mới chỉ cho thấy những cảnh mô phỏng lại những cảnh đã có trong bản gốc năm 1994 bằng công nghệ CGI. Nếu đây chỉ là một thử nghiệm với hình thức mới thì nó khá hấp dẫn, nhưng rõ ràng đây lại là một dự án lớn được đầu tư nghiêm túc. The Lion King (2019) sẽ phải làm được nhiều thứ hơn là chỉ trưng ra những khuôn hình đẹp và chân thực đến từng cọng lông. Có thể đạo diễn Favreau sẽ thêm thắt vào những cú twist (nút thắt), dàn diễn viên lồng tiếng cũng sẽ đem đến một làn gió mới nhưng The Lion King bản remake sẽ phải cố gắng rất rất nhiều để thoát khỏi cái bóng quá lớn của bản gốc – nằm trong top những phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại.
Thập niên làm phim remake của Disney
Có lẽ bộ phim Alice in Wonderland (Alice Ở Xứ Sở Thần Tiên, 2010) là bộ phim mở màn cho xu hướng làm phim remake và tái chuyển thể của Disney. Liệu đó là một phiên bản làm lại đầy sống động hay chỉ đơn giản là khơi dậy hoài niệm từ những bộ phim kinh điển trong quá khứ?
Alice in Wonderland (2010) đã mở ra thập niên làm phim remake của Disney.
Trong khi đa số các hãng khác thường thất bại với những dự án remake và tái chuyển thể thì Disney lại thường xuyên hốt bạc với những bộ phim của mình. Có lẽ Disney đã thành công trong việc đánh vào tâm lý những khán giả muốn hoài niệm quá khứ, hoặc có thể người ta tò mò xem những bộ phim kinh điển sẽ được làm lại thế nào. Disney rất khôn ngoan khi chọn remake toàn những phim nổi tiếng toàn cầu, len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống. Chính vì thế những dự án remake của họ luôn là những bộ phim được mong đợi nhất.
Với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông và mạng xã hội, những bộ phim của Disney càng có cơ hội phủ sóng mạnh mẽ. Những người đã gắn bó cả tuổi thơ với The Lion King (1994) chắc chắn sẽ hứng thú với bản làm lại vì nó khơi dậy những kỷ niệm mà họ vẫn luôn muốn tìm lại. Nhiều thế hệ đã lớn lên cùng với những bộ phim của Disney, những nhân vật hoạt hình đã trở thành một cái gì đó thân thuộc, như ngấm vào trong máu khiến người ta khó lòng cưỡng lại sức hấp dẫn của chúng. Hơn ai hết, Disney hiểu rất rõ điều đó và làm ra những bộ phim remake để gợi nhắc về những bộ phim vang bóng một thời.
Sự trở lại của chú sư tử Simba đang là điều khán giả mong đợi nhất hiện nay.
Những bộ phim remake ra sau năm 2010 của Disney như The Jungle Book (2016) hay Beauty and the Beast (Người Đẹp Và Quái Vật, 2017) không phải là tệ nhưng cũng không quá xuất sắc. Nhiều khán giả từng yêu thích những bộ phim hoạt hình kinh điển có thể sẽ dành thời gian cho những bản làm lại, nhưng khó có thể đảm bảo cảm xúc của họ cũng giống như khi xem bản gốc.
Cinderella (2015) là một bản remake khá thành công. Dù cách kể chuyện vẫn tương tự bản gốc năm 1950 nhưng cách xây dựng nhân vật lại có sự tiến bộ hơn hẳn. Lily James đã thổi hồn vào nhân vật của mình khiến cô nàng Lọ Lem trở nên đầy sức sống và có chiều sâu hơn so với bản gốc. Đây là chính là điều mà những bộ phim hoạt hình của Disney thời kỳ đầu chưa làm được. Cinderella (2015) không quá nhấn mạnh vào sự màu nhiệm của đôi giày thủy tinh, thay vào đó nhấn mạnh vào cảm xúc của các nhân vật. Giữa Lọ Lem và Hoàng tử có nảy sinh một tình cảm thật sự, Hoàng tử cưới Lọ Lem bởi vì cô ấy chính là người mà chàng yêu chứ không phải chỉ vì cô ấy xỏ vừa chân vào chiếc giày.
Lily James đã cho thấy một phiên bản Cinderella mới mẻ hơn so với bản gốc.
Trong khi đó, Maleficent (Tiên Hắc Ám, 2014), Junggle Book và Beauty and the Beast lại chưa làm nổi bật được tính cách phức tạp của nhân vật trong một bộ phim live-action. Maleficent khai thác mối quan hệ giữa bà Tiên Hắc Ám Maleficent (Angelina Jolie) và công chúa Aurora (Elle Fanny), đồng thời tiết lộ quá khứ đầy bi kịch giữa Maleficent với người cha của cô công chúa. Tuy nhiên bộ phim mới chỉ dừng lại ở việc đem đến một cái nhìn khác về những nhân vật quen thuộc trong truyện cổ tích và khai thác những cảm xúc bề nổi chưa thật sự có chiều sâu.
Maleficent mới chỉ khai thác được những cảm xúc bề nổi.
Muốn thành công, những bộ phim remake phải làm được nhiều hơn thay vì chỉ trưng ra những hình ảnh bắt mắt
Thành công của những bộ phim trên gắn với những hình ảnh đẹp, kỹ xảo bắt mắt, song nội dung chưa thật sự thuyết phục. Người ta không chỉ biết đến truyện cổ tích như những bài học đạo đức mà còn là cả một thế giới diệu kỳ mà con người chưa từng biết đến. Hãy nhìn bộ phim Shape of Water (Người Đẹp và Thủy Quái, 2017), một bộ phim được ví von như Beauty and the Beast phiên bản hiện đại và đã giành giải Oscar Phim xuất sắc nhất. Guillermo del Toro đã kể một câu chuyện cổ tích theo cách của riêng mình, câu chuyện ấy không dành cho những người muốn hoài niệm quá khứ mà thật sự là chuyện cổ tích của lứa tuổi trưởng thành.
Shape of Water là câu chuyện cổ tích đầy thú vị dành cho người lớn.
Disney cũng có những nỗ lực khiến những bộ phim remake và tái chuyển thể trở nên gần gũi với khán giả trưởng thành hơn. Alice in Wonderland mang hơi hướng nữ quyền khi xây dựng một Alice trưởng thành (Mia Wasikowska) quay trở về xứ sở diệu kỳ để thoát khỏi một xã hội ngột ngạt, tìm lại danh tính của bản thân. Nhưng Burton, người đã thành công trong việc chuyển thể Big Fish (2003) từ cuốn sách cùng tên của Daniel Wallace lại khá loay hoay khi áp dụng cách làm tương tự với tác phẩm của Lewis Carroll. Có vẻ như Burton đã bế tắc trong việc tìm kiếm những ý nghĩa mới mẻ từ thế giới phức tạp mà Carroll đã tạo ra. Mặc dù bộ phim đã thu về hơn 1 tỷ USD toàn cầu song nội dung không thật sự xuất sắc.
Trong khi đó Tim Burton dường như lại mắc kẹt trong thế giới mà Lewis Carroll tạo ra.
Christopher Robin ra mắt năm nay là một tác phẩm đầy sáng tạo. Bộ phim vẫn dựa trên nhân vật trong cuốn sách Winnie the Pood của bộ đôi tác giả A. A. Milne và E. H. Shepard nhưng lại không phải là bản chuyển thể của cuốn sách này. Thay vào đó, đạo diễn Marc Forster xây dựng nhân vật Christopher Robin ở tuổi trưởng thành, một người đã trải qua cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2 và bước vào guồng quay cuộc sống với cơm áo gạo tiền. Chừng ấy chất liệu cũng đủ để đạo diễn khai thác và mang đến một cái nhìn thật khác về những nhân vật quen thuộc với tuổi thơ của nhiều người. Chưa bao giờ thế giới của gấu Pooh lại buồn và u ám đến thế. Bộ phim dẫn người xem trở về với những kỷ niệm thời thơ ấu, nhưng không phải để hoài niệm, tiếc nuối mà để trân trọng và tiếp tục bước về phía trước.
Christopher Robin mang đến một cái nhìn mới về thế giới của Winnie the Pooh.
2019 là một năm đầy thách thức với Disney
Cho đến thời điểm này, chưa có bộ phim làm lại hay tái chuyển thể nào của Disney thất bại về doanh thu. Điều đó tạo cơ hội thuận lợi cho họ thử nghiệm và sáng tạo ra những yếu tố mới mẻ. Với Dumbo của Tim Burton, thông qua bản trailer có thể thấy Disney đang đi đúng hướng khi kể câu chuyện về việc người ta đã vượt qua tổn thương và mất mát như thế nào. Chúng ta có thể thấy Lady and the Tramp với những trăn trở về tình yêu, một Aladdin phải gánh vác cả vận mệnh trên vai, không chỉ của riêng mình mà cả những người khác nữa, một vua Sư tử phải đưa ra những quyết định mang tính sống còn để duy trì trật tự của giới tự nhiên.
Hãy chờ đợi xem Disney sẽ làm được gì trong năm 2019.
Những bộ phim hoạt hình kinh điển sẽ không bao giờ biến mất, nó vẫn sống mãi và kể những câu chuyện cổ tích tuyệt vời cho mọi thế hệ khán giả. Đã đến lúc ta cần nhìn nhận những nhân vật không chỉ đơn thuần thuộc về thế giới cổ tích. Thay vì so sánh xem những bản làm lại giống với bản gốc bao nhiêu phần, ta nên quan tâm đến việc chúng có gì khác biệt, có mang đến một cái nhìn mới mẻ hay không. Có thể Disney không lấy lại được sự màu nhiệm trong quá khứ nhưng họ có thể tạo ra những phép màu mới , và năm 2019 chính là thời điểm để xem họ có thể làm được những gì với loạt phim remake đình đám của mình.
(Nguồn tham khảo Hollywood Reporter)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming