Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh?

    zknight thiết kế: Tom,  

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo: Khu vực sống lý tưởng nhất của cư dân thành phố là vùng bán kính 300 m, xung quanh một khoảng không gian xanh rộng ít nhất từ 0,5-1 hecta.

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 1.

    Bức ảnh này được chụp từ cuối thế kỷ 18. Bạn sẽ tự hỏi những cỗ xe kỳ cục của người ngoài hành tinh đang đổ bộ lên một bãi biển Anh ư? Dĩ nhiên là không phải, nhưng đúng là các bãi biển cả ở Mỹ, Pháp, Đức và Mexico khi đó đã bị xâm lăng bởi một trào lưu tiêu khiển kiểu người Anh: tắm biển.

    Thời đó, người Anh thích leo lên một chiếc thùng gỗ kín có 4 bánh to. Những chiếc xe này được gọi là "máy tắm". Họ buộc nó vào ngựa để kéo những chiếc xe ra khỏi bờ biển, sau đó người phu xe dắt ngựa về bờ.

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 2.

    Khi chiếc thùng gỗ đã được để lại riêng tư trong làn nước, mọi người chỉ cần thay trang phục là ngay lập tức có thể lao mình vào đại dương.

    Tắm biển kiểu người Anh không chỉ là cái "mốt" quý tộc ở thời điểm đó, nó còn được coi là một phương pháp chữa bệnh. Rất nhiều cơ sở, điển hình là Bệnh viện Tắm biển Hoàng gia Anh ở Margate, đã cung cấp dịch vụ này với mục đích điều trị các bệnh như scrofula, một dạng lao phổi.

    Than ôi, ngày nay chúng ta biết nước biển chẳng phải thần đơn diệu dược gì mà có thể chữa bệnh. Nhưng từ thế kỷ 18, hẳn là các bác sĩ ở Anh đã khám phá ra được mối liên hệ nào đó giữa tắm biển và sức khỏe.

    Bây giờ, nghiên cứu khoa học cũng quan sát thấy các cộng đồng sinh sống ở ven biển có sức khỏe tốt hơn so với dân cư sống trong đất liền. Hóa ra, dành nhiều thời gian hòa mình vào thiên nhiên mới là yếu tố thực sự giúp họ khỏe mạnh chứ không phải tắm biển.

    Vấn đề là, không phải ai cũng sống trong một ngôi nhà được bao quanh bởi bãi biển, những con sông, núi rừng hoặc đơn giản là cây cối. Những người dân ở thành phố, họ phải làm thế nào để tiếp xúc được với thiên nhiên hàng ngày, khi cây cối dần bị đốn hạ và xung quanh gần như không còn một cảnh quan tự nhiên nào?

    Mỗi người trong số chúng ta thực sự cần bao nhiêu tiếng mỗi ngày sống trong thiên nhiên, và làm thế nào để mọi người đạt được mục tiêu lành mạnh ấy?

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 3.

    Tiến sĩ Ben Wheeler tại Trung tâm Môi trường và Sức khỏe Con người Châu Âu, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu về sức khỏe của những cộng đồng ven biển cho biết:

    "Suốt hàng trăm, mà có lẽ cả hàng ngàn năm, con người đã liên tục suy nghĩ về mối quan hệ giữa thiên nhiên với sức khỏe và cả sự hạnh phúc. Nhưng chúng ta mới chỉ cạo trên bề mặt của những hiểu biết về mối quan hệ ấy".

    Ngày nay, sẽ không còn vị bác sĩ nào kê cho bạn một toa thuốc tắm biển nữa. Nhưng các nhà khoa học như tiến sĩ Wheeler vẫn tiếp tục nghiên cứu sự cần thiết của việc tiếp xúc với thiên nhiên của con người: Loại cảnh quan nào chúng ta nên đến thăm, đi leo núi, tắm biển hay đơn giản là tới công viên thành phố? Tần suất bạn nên tiếp xúc với thiên nhiên, bao nhiêu là đủ?

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 4.

    Có thể thành phố mà bạn đang sống phải đi một chặng đường dài nữa trước khi trở thành một thiên đường xanh, nhưng tin tốt là để kết nối với thiên nhiên không phải quá phức tạp. Ngay cả các công viên trong thành phố cũng có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe quan trọng.

    Khi bước vào một công viên đủ lớn với cây cối xanh tốt, bạn có thể cảm thấy một thế giới tách biệt hẳn với bên ngoài. 

    Xung quanh bạn lúc này có thể là một dòng nước, cây cối, hoặc những bãi cỏ rộng. Tiếng ồn của đường phố thu nhỏ lại, thay thế cho nó là những tiếng chim hót nhẹ nhàng hoặc tiếng lá rì rào trong gió. 

    Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn một cách hết sức sâu sắc.

    Trong các thành phố, cây xanh bảo vệ bạn bằng cách hấp thụ ô nhiễm và làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt. Việc tiếp xúc với thiên nhiên cũng giúp giảm căng thẳng, có lẽ vì nó cung cấp cho bạn khung cảnh yên bình như cây cối, dòng nước cũng như một ốc đảo để bạn chạy trốn khỏi những lo toan bộn bề hàng ngày, những phiền toái như tiếng ồn xây dựng hoặc còi báo động.

    Công viên là nơi bạn "có thể đến để trốn thoát khỏi nhà hoặc những căng thẳng tại nơi làm việc ... và là một nơi mà chúng ta có thể tạm bỏ những gánh nặng của mình xuống", Catharine Ward Thompson, một giáo sư kiến trúc cảnh quan tại Đại học Edinburgh ở Scotland cho biết.

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 5.

    Thiên nhiên cũng giúp phục hồi khả năng tập trung, nạp lại năng lượng khi bạn bị kiệt sức. Bằng cách cho phép mình thưởng ngoạn cảnh quan, âm thanh, hoặc mùi vị của thiên nhiên, tâm trí của bạn sẽ có cơ hội nghỉ ngơi và hồi phục từ những mệt mỏi của cuộc sống.

    "Ánh sáng chiếu trên lá, xuyên qua những tán cây xuống nền rừng, tiếng sóng biển vỗ bờ, hoặc những con ong nhảy múa trên những cách hoa - tất cả những yếu tố đó đều thu hút chúng ta", giáo sư Thompson nói. "Chúng đều rất thú vị, nhưng [quan trọng là] chúng ta [có thể tận hưởng chúng một cách tự nhiên] mà không phải cố gắng hay tiêu tốn một chút sức lực nào".

    Sau khi đã nạp lại tinh thần của mình rồi, chúng ta tự khắc sẽ ít cáu kỉnh đi, giảm bốc đồng lại và vì thế ít có khả năng phạm lỗi hoặc mắc phải những sai lầm, William Sullivan, giáo sư kiến trúc cảnh quan tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign cho biết. "Mọi người đều có thể cải thiện bản thân mình trở nên tốt hơn theo nhiều cách, khi họ có được mối liên hệ khăng khít hơn với không gian xanh trong đô thị", ông nói.

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 6.

    Chuyến tham quan đến công viên, một khu rừng, hoặc một hồ nước cũng khuyến khích chúng ta tập thể dục nhiều hơn. Thực tế thì gần như tất cả chúng ta đều trở nên năng động hơn khi ở bên ngoài thiên nhiên, giáo sư Thompson khẳng định.

    Ngay cả khi tập thể dục trong nhà, nhưng bạn có được một tầm nhìn ra thiên nhiên, điều đó cũng có tác dụng nén thời gian lại, khiến nó trôi nhanh hơn. Và vì thế, bạn sẽ tập thể dục được nhiều hơn mà ít cảm thấy bị mệt mỏi. Vì vậy, bạn có thể xem xét việc tập thể dục ngoài ban công hay nếu chọn một phòng tập, hãy chọn phòng có tầm nhìn ra công viên hay một mặt hồ rộng chẳng hạn.

    Nhưng ra ngoài cũng được khuyến khích, tiếp xúc và tận hưởng thiên nhiên trong lành không chỉ là việc hít thở được nhiều oxy hơn, giảm khói bụi và sự bí bách của không khí trong nhà - đôi khi cũng chứa đầy những chất độc hại từ các đồ đạc làm từ vật liệu nhân tạo, nhựa, sơn…

    Khi ra ngoài thiên nhiên, chúng ta cũng tiếp xúc với cả những vi khuẩn có vai trò quan trọng đối với hệ vi sinh vật trong cơ thể - thứ giúp chúng ta kiểm soát căng thẳng và xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn, giáo sư Thompson nói.

    Ngày nay, mọi người bắt đầu tìm cách để khai thác những đặc tính phục hồi từ thiên nhiên hiệu quả hơn. Một trong số đó là Shinrin-yoku, một phương pháp trị liệu gọi là "tắm rừng" của Nhật Bản.

    Tham gia vào chuyến tham quan đặc biệt này, mọi người sẽ đi dạo chậm rãi vào những khu rừng, "uống" khung cảnh thiên nhiên và tham gia nhiều hoạt động gắn kết giữa môi trường và sức khỏe.

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 7.

    Đã có bằng chứng khoa học cho thấy những chuyến du ngoạn và "tắm rừng" này có thể làm dịu nhịp tim, giảm các hooc-môn căng thẳng và huyết áp, đồng thời tăng nồng độ protein chống ung thư trong hệ miễn dịch.

    "Đó là những phản ứng sinh lý mà cơ thể tự động thực hiện, chúng ta không cần ý thức về chúng", giáo sư Thompson nói. "Điều đó cho thấy có một số khía cạnh [của tự nhiên] rất tốt cho tất cả chúng ta".

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 8.

    May mắn cho những cư dân thành phố, họ không nhất thiết phải bán căn chung cư của mình để mua một villa ven rừng khi muốn khỏe mạnh. Nhưng nghiên cứu cho thấy nhiều người vẫn sẽ phải suy nghĩ chuyển nhà, nếu khu vực xung quanh nơi họ sống có quá ít cảnh quan thiên nhiên.

    Các nhà khoa học đã quan sát tỷ lệ tử vong do các bệnh như tim mạch và hô hấp của người dân thành phố. Họ nhận thấy những người sống trong các khu phố xanh hơn có tỷ lệ tử vong thấp hơn.

    Tiến sĩ Wheeler và nhóm của ông cũng theo dõi những người chuyển nhà. Ông nhận thấy những người chuyển từ khu phố chật chội ra ngoài vùng lân cận có không gian thoáng và xanh hơn đã cải thiện được sức khỏe tâm thần.

    Tất cả những quan sát này có nghĩa là thiên nhiên xung quanh khu phố, trường học, hoặc tòa nhà văn phòng của bạn không chỉ là những cảnh quan trang trí, giáo sư Sullivan nói.

    "Nhiều người nghĩ các không gian xanh trong khu phố hoặc một mật độ cây xanh trên đường phố cao hơn cũng tốt đấy, nhưng có hay không cũng chẳng quan trọng lắm", ông nói. "Họ đã lầm ... không gian xanh chắc chắn là một thành phần thiết yếu trong môi trường sống giúp con người khỏe mạnh".

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 9.

    Điều ít chắc chắn hơn là đáp án của câu hỏi: Mọi người cần tiếp xúc với thiên nhiên nhiều bao nhiêu thì đủ?

    Có nhiều yếu tố tác động đến mối liên hệ giữa thiên nhiên và sức khỏe của cư dân thành phố. Đầu tiên là thu nhập. Những quang cảnh thiên nhiên và cây xanh gần khu vực sống có thể trở nên quan trọng hơn đối với những người nghèo.

    Tiến sĩ Wheeler cho biết, việc may mắn được sống gần một công viên hoặc cảnh quan nước như sông hồ có thể tác động mạnh theo hướng tích cực đến sức khỏe của người dân có thu nhập thấp. 

    Điều này có thể là vì những người có nhiều tiền đã không bị phụ thuộc vào khu vực sống của họ. Họ có thể tiếp xúc với thiên nhiên qua những buổi cắm trại cuối tuần hoặc ghé thăm bờ biển khi họ thích. Còn người nghèo thì không thể.

    Nhưng nghịch lý là các khu đô thị có nhiều cảnh quan thiên nhiên lại đang được xây dựng để bán cho những người giàu.

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 10.

    Yếu tố tiếp theo định mức thời gian bạn cần tiếp xúc với thiên nhiên là quá khứ của bạn, giáo sư Thompson nói. Nếu bạn lớn lên ở một vùng quê, từng chơi đùa giữa cánh đồng và dưới những tán cây khi còn bé, bạn sẽ thư giãn nhanh hơn những người khác khi quay trở lại với thiên nhiên ở tuổi trưởng thành.

    "Nếu từ khi còn là một đứa trẻ chúng ta chưa trải qua những kinh nghiệm đó, chúng ta có thể thắc mắc 'Tại sao tôi phải đi đến một công viên nếu tôi cảm thấy căng thẳng? Điều đó sẽ chẳng giúp gì được tôi đâu’", giáo sư Thompson lấy ví dụ.

    Những lợi ích chúng ta nhận được từ một chuyến đi về với thiên nhiên cũng phụ thuộc vào độ tuổi và tính linh hoạt của chúng ta, giáo sư Thompson nói.

    Một người già chỉ có thể tìm thấy một chỗ tạm trú trong công viên để trẻ hóa bản thân mình, chứ không thể cầm gậy và đi leo núi trên những cung đường gập ghềnh được. Những người trẻ tuổi còn xông xáo có thể muốn đi vào những vùng thiên nhiên hoang dã xa xôi. Còn những cậu thanh thiếu niên sẽ muốn có một khuôn viên đủ rộng để có thể đá bóng.

    Cho nên, mặc dù tất cả mọi người đều sẽ được hưởng lợi từ thiên nhiên, nhưng những lợi ích này có thể không giống nhau với tất cả mọi người. "Không có một loại không gian nào hoàn hảo cho tất cả mọi người vào mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh", giáo sư Thompson nói.

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 11.

    Công viên lân cận nhà bạn có thể không hẳn là một thiên nhiên thực thụ, nhưng nó có một số tính năng nhất định có thể giúp bạn sống khỏe mạnh hơn. Trong đó, giáo sư Sullivan nói những tán cây là điều rất quan trọng, nếu công viên chỉ là một thảm cỏ, sẽ không đủ để cải thiện sự an lành bên trong chúng ta.

    Bây giờ, hãy thử mở Google Maps và khảo sát khu vực mà bạn đang sống. Nó có lân cận một công viên hay khuôn viên thiên nhiên nào hay không? Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo: Khu vực sống lý tưởng nhất của cư dân thành phố là vùng bán kính 300 m, xung quanh một khoảng không gian xanh rộng ít nhất từ 0,5-1 hecta, cho phép bạn đi bộ từ nhà đến đó chỉ mất 5 phút.

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 12.

    Có một công viên gần nhà là điều tuyệt vời rồi, nhưng nó sẽ chẳng giúp gì cho sức khỏe của bạn nếu bạn không đến thăm nó. Đó là lý do tại sao các cơ sở vật chất trong công viên lại quan trọng, chẳng hạn như nhà vệ sinh, ghế ngồi và lối vào dành cho xe lăn, xe đẩy…

    Nhận thấy điều này, giáo sư Thompson đã phải làm việc với Ủy ban Lâm nghiệp ở Scotland để làm cho những khu rừng ở đây trở nên thân thiện hơn. Sau khi các cơ sở vật chất được trang bị thêm, bà nhận thấy rằng mọi người đã thực sự đến thăm rừng thường xuyên hơn.

    Một điều cần lưu ý nữa, ngay cả khi bạn đã đến công viên, bạn cũng sẽ không nhận được toàn bộ lợi ích sức khỏe nếu không mở các giác quan của mình ra để cảm nhận, giáo sư Sullivan nói.

    Ông và các đồng nghiệp đã thực hiện một thí nghiệm thú vị. Trong đó, các tình nguyện viên ban đầu được yêu cầu làm một loạt các bài kiểm tra toán học và văn học hết sức căng thẳng. Sau đó, họ được cho phép nghỉ giải lao ở một khu vực có nhiều cây cối trong khuôn viên Đại học Illinois.

    Trong quá trình nghỉ ngơi, giáo sư Sullivan sẽ quan sát xem họ làm gì. Ông nhận thấy một nhóm bấm điện thoại, còn một nhóm thực sự nghỉ ngơi và hòa mình vào thiên nhiên. Kết quả, những người dành nhiều thời gian tiếp xúc với khung cảnh xung quanh đã phục hồi được khả năng tập trung nhanh hơn đáng kể. Còn những người bấm điện thoại không thu được ích lợi gì từ thời gian giải lao.

    "Bởi vậy, sẽ không đủ nếu chúng ta chỉ tạo ra những không gian xanh, chúng ta còn cần làm cho chúng đủ hấp dẫn để thu hút sự chú ý của mọi người khỏi chiếc điện thoại di động của họ", giáo sư Sullivan nói. Điều đó có nghĩa là một công viên nên được trang bị một loạt các cảnh quan hấp dẫn như vườn hoa, đài phun nước, các trò chơi để thu hút sự chú ý của du khách.

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 13.

    Điều tiếp theo là thói quen. Hãy đảm bảo việc bạn ghé thăm công viên càng thường xuyên càng tốt. Khi người dân ở Vương quốc Anh được khảo sát về mối quan hệ của họ với thiên nhiên, những người tiếp xúc với không gian xanh thường xuyên hơn cảm thấy cuộc sống của họ đáng giá và có ý nghĩa hơn những người khác.

    Trên thực tế, tiến sĩ Wheeler và nhóm nghiên cứu của ông nhận thấy mọi người nên có một chuyến du ngoạn thiên nhiên mỗi tuần để cảm thấy hạnh phúc lâu dài trong cuộc sống. Chuyến thưởng ngoạn kéo dài lợi ích đáng kể cho đến tận ngày hôm sau, mọi người đều báo cáo một mức độ hạnh phúc lớn hơn.

    Nhóm nghiên cứu kết luận thói quen trở về thiên nhiên có tác dụng như một cuộc hôn nhân viên mãn. Và ngay cả những chuyến đi ngắn tới những khuôn viên xanh cũng tạo ra những lợi ích sức khỏe, mọi người không cần phải đi vào khám phá những vùng đất hoang dã xa xôi cho vất vả.

    Mặc dù vậy, không phải là không có những khác biệt giữa chuyến ghé thăm công viên gần nhà bạn và một chuyến thám hiểm vào hoang dã.

    "Không có nhiều công viên đô thị, nơi bạn có thể tận hưởng cảm giác sợ hãi, thứ mà bạn có thể [cảm thấy] khi đang ở Grand Canyon hoặc một công viên có rừng nguyên sinh lớn hoặc một ngọn núi", tiến sĩ Wheeler nói. Những lợi ích tâm lý mà chúng ta có thể nhận được từ những khoảnh khắc trong thiên nhiên hoang dã vẫn là một bí ẩn.

    Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra cảm giác sợ hãi thúc đẩy chúng ta hào phóng hơn, và rằng ngay cả những video thiên nhiên cũng có thể khuấy động xung lực này.

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 14.

    Ở các nước phát triển, dường như mọi người càng tách biệt khỏi cuộc sống đô thị bao nhiêu thì họ càng cảm thấy thư giãn bấy nhiêu, giáo sư Thompson nói. Nhìn dưới góc độ này, một chuyến du ngoạn và thám hiểm vùng hoang dã có thể đặc biệt giúp bạn trẻ hóa — nhưng đó không phải là cách duy nhất để tạo ra cảm giác tách biệt.

    "Nếu bằng cách nào đó, bạn có được một cảm giác được tách ra khỏi thành phố, ngay cả khi đó chỉ là hiệu ứng tâm lý chứ không phải thực tế là vậy, tôi nghĩ rằng nó cũng có ích", giáo sư Thompson nói. "Bạn có thể tới ... những công viên rất nhỏ, nhưng nó vẫn có thể mang lại rất nhiều lợi ích".

    Đối với những cư dân thành phố, những lợi ích sức khỏe từ thiên nhiên thực sự vẫn nằm trong tầm với, nếu chúng ta thực sự quan tâm và mong cầu. "Tôi nghĩ bạn có thể nhận đủ, nếu bạn nghĩ về nó một cách nghiêm túc và sau đó tìm kiếm những nơi màu xanh tồn tại", giáo sư Sullivan nói.

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 15.

    Vì những lợi ích sức khỏe mà thiên nhiên mang lại, giáo sư Sullivan cho biết có một xu hướng mà con người cần hướng tới. Thay vì phải cố gắng để ý thức rằng bản thân mình cần những không gian xanh, chúng ta sẽ làm cho việc đó trở thành một thực tại hiển nhiên.

    Trong tương lai, các thành phố của chúng ta có thể sẽ tràn ngập cây xanh, giáo sư Sullivan nói. Điều đó có nghĩa là một vài công viên thôi thì không đủ, chúng ta cần nhìn thấy những thảm thực vật hoặc quang cảnh nước từ cửa sổ của mỗi căn hộ và mỗi văn phòng làm việc. Khi bước ra đường, chúng ta cần được bao quanh bởi cây xanh và hoa thay cho xi măng và thủy tinh bây giờ.

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 16.

    Chúng ta phải kiến tạo nên các thành phố với những con đường hai hàng cây xanh, những mái nhà xanh, vườn mưa và rãnh sinh thái. Sẽ có một chặng đường dài để đi, nhưng một khi chúng ta làm được điều đó, tất cả mọi người sẽ đều được tiếp xúc với thiên nhiên hàng ngày, giáo sư Sullivan nói.

    Ông muốn dệt thiên nhiên vào cuộc sống hàng ngày của tất cả mọi người, để họ không còn phải lên kế hoạch cho một chuyến đi đến công viên nữa. Giáo sư Sullivan tin rằng những chiếc xe tự lái có thể giúp điều này trở thành sự thật.

    Trong một vài thập kỷ tới, những chiếc xe không người lái chủ yếu sẽ phục vụ nhu cầu công cộng. Vì vậy, mọi người đều có thể sử dụng và chia sẻ chúng. Lượng xe hơi cá nhân sẽ giảm xuống, điều này có thể giải phóng rất nhiều không gian để có thể chừa chỗ cho thiết kế cảnh quan thiên nhiên.

    Làm sao để sống khỏe trong thành phố kém xanh? - Ảnh 17.

    "Chúng ta sẽ có một cơ hội thực sự để thiết kế lại không gian đô thị sao cho nó gần gũi với thiên nhiên hơn", giáo sư Sullivan nói. "Điều này sẽ giúp giảm úng ngập, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, cải thiện chất lượng không khí và lưu trữ nhiều cacbon hơn mức chúng ta hiện đang lưu trữ trong thành phố. Nếu làm được vậy, chúng ta cũng sẽ gặt hái được trọn vẹn những lợi ích mà thiên nhiên đem lại cho sức khỏe và sự hạnh phúc của con người".

    Nhưng liệu chúng ta sẽ nắm lấy cơ hội này để thiết kế lại các thành phố của chúng ta hay không? Hiện đã có những sáng kiến chắc chắn đã được tiến hành để làm cho các thành phố trong tương lai trở nên xanh hơn, chẳng hạn như dự án High Line ở Mỹ, trong đó tuyến đường sắt đô thị cũ của họ đã được tân trang thành một công viên trên cao.

    Giáo sư Thompson không chắc mọi thành phố trên thế giới đều sẽ đầu tư vào những nỗ lực xanh hóa môi trường sống của mình. "Nhưng chúng ta biết rằng các thành phố muốn phát triển cần thu hút được những người giỏi nhất đến và sống và làm việc", bà nói. Cân nhắc giữa nhiều lựa chọn, những người tri thức sẽ không bao giờ muốn chuyển đến một thành phố, nơi họ không thể tìm được không gian xanh cho mình.

    Nhiều thành phố hiện tại vẫn phải đấu tranh để tìm thấy được động lực "xanh hóa". Nhưng giáo sư Thompson nói: Khi người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò then chốt của thiên nhiên đối với sức khỏe, con người với sự khôn ngoan vốn có của mình sẽ tự khắc biết đưa thiên nhiên trở lại bên trong các thành phố.

    Tham khảo Popsci

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ