Làm sao với những người bạn rất ghét nhưng vẫn phải duy trì quan hệ? Hãy áp dụng "hiệu ứng Benjamin Franklin" này
Được sáng tạo nên bởi Benjamin Franklin, hiệu ứng này giúp thay đổi suy nghĩ của người khác với bạn chỉ thông qua việc nhờ vả.
Trong cuộc sống hàng ngày, có những mối quan hệ bạn muốn giữ thế nhưng có những mối quan hệ bạn chỉ muốn dập tắt nó càng sớm càng tốt. Về cơ bản, quyết định này được đưa ra dựa trên việc bạn có thích người kia hay không, tất nhiên nếu không ưa ai đó bạn chẳng muốn ở cạnh họ làm gì.
Mặc dù vậy, có một số người bạn không ưa nhưng vẫn muốn giữ quan hệ , phải làm sao trong tình huống này? Đơn giản là hãy làm cho họ thích bạn, bằng cách nào ư? Hãy sử dụng phương pháp của Benjamin Franklin.
Trước hết, Benjamin Franklin là ai?
Benjamin Franklin là một trong những người đã thành lập nên Hoa Kỳ, ông là một chính trị gia, nhà khoa học, tác giả, triết gia, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, thợ in lành nghề và đặc biệt nhất là một nhà ngoại giao hàng đầu. Không những giúp Mỹ giành được độc lập, Benjamin Franklin còn có rất nhiều nghiên cứu vật lý nổi bật khác như các khám phá về sấm, sét, những lý thuyết về điện...
Phát minh lớn nhất của Benjamin Franklin có liên quan tới cột thu lôi và bếp Franklin, nói chung ông là một trong những người có ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Hiệu ứng Benjamin Franklin là gì?
Trong cuốn hồi kí, ông có từng kể về một người mà cả ông lẫn người đó không ưa lẫn nhau, thế nhưng không vì lẽ đó mà Franklin từ bỏ "thuần hoá" người đàn ông này. Với phương pháp bản thân cùng những nghiên cứu, Franklin đã chiến thắng được người bạn và hai người trở thành bạn thân không lâu sau đó.
Để đơn giản hoá hiệu ứng này, hãy lấy ví dụ. Nếu bạn thích một ai đó, bạn sẽ muốn làm những điều tốt cho họ, đúng không? Và ngược lại với những người bạn không thích. Càng làm nhiều tốt đẹp cho người bạn thích, hai người sẽ càng gắn bó và càng làm điều xấu với người bạn ghét, khoảng cách giữa hai người sẽ càng xa.
Thế nhưng, khi bạn làm điều tốt cho người bạn không thích, hiệu ứng Benjamin Franklin sẽ xuất hiện. Mâu thuẫn sẽ xảy ra, thế nhưng vì điều tốt nên cả hai sẽ cùng hướng tới cái đích hàn gắn.
Chính Benjamin Franklin từng phát biểu: "Người từng làm điều tốt với bạn sẽ sẵn sàng làm thêm nhiều thứ hơn người so với người được bạn giúp đỡ". Đồng nghĩa với việc nếu muốn làm lành với ai đó, hãy yêu cầu họ giúp chứ đừng giúp họ.
Quay trở lại với câu chuyện của Franklin cùng người bạn mình, hai người từng là kì phùng địch thủ khi cùng nghiên cứu pháp luật tại Pennsylvania vào thế kỉ 18. Mặc dù vậy, trong thư viện của người kia có rất nhiều cuốn sách quý giá mà Franklin muốn mượn, ông đã sử dụng cơ hội này làm chìa khoá hàn gắn mối quan hệ của hai người.
Franklin viết một bức thư ngắn gửi cho địch thủ, miêu tả toàn bộ khát vọng của ông để mượn được sách và đề nghị địch thủ mang sách tới cho ông mượn trong vài ngày. Người kia dù không ưa gì Franklin nhưng vẫn gửi sách ngay lập tức, Franklin sau đó ôm cuốn sách trong một tuần và gửi trả lại kèm với một bức thư cảm ơn đầy thống thiết.
Lần tiếp theo hai người gặp mặt, vị địch thủ ngày nào của Franklin bỗng trở nên hiền hoà hơn, ông chủ động bắt chuyện (điều trước đó chưa từng xảy ra), hai người trò chuyện cởi mở, thẳng thắn sau đó họ đồng ý giúp đỡ nhau trong mọi chuyện và từ đó Franklin trở thành bạn thân với kẻ địch ngày nào cho tới khi ông qua đời.
Ví dụ điển hình của hiệu ứng Benjamin Franklin
Vào năm 1969, một nghiên cứu được thực hiện bởi hai nhà nghiên cứu Jon Jecker và David Landy với các sinh viên đại học. Số sinh viên này được tham gia một trò chơi trúng thưởng mà tất cả mọi người đều trúng sau đó chia thành 3 nhóm.
Nhóm A sau khi trúng thưởng được nhà nghiên cứu hỏi xin lại tiền với lý do quỹ nghiên cứu gặp vấn đề.
Nhóm B sau đó được một người lạ mặt đề nghị quyên góp lại tiền cho quỹ nghiên cứu.
Nhóm C mang toàn bộ số tiền về.
Điều bất ngờ là mặc dù mất tiền và được đối xử khá tệ bạc, nhưng A có kết quả cao hơn hẳn nhóm C và nhóm B có kết quả thấp nhất do các sinh viên có cảm giác mình vừa bị lừa.
Trong cuốn sách của Dale Carnegie với tựa "Làm cách nào để kết bạn và tạo ảnh hưởng với người khác" cũng có những kết quả tương tự. Mặc dù không rõ rệt nhưng hiệu ứng Benjamin Franklin có hoạt động.
Sử dụng hiệu ứng Benjamin Franklin trong cuộc sống
Những thử nghiệm trên đều cho thấy khi bạn nhờ ai đó làm gì, bạn đang tạo tín hiệu cho thấy bạn cần một thứ gì đó từ họ, có thể là vật phẩm, kiến thức, trí tuệ, kĩ năng... Việc yêu cầu này đưa bạn xuống thấp hơn người được nhờ và cho họ thấy được sự kính trọng, nể phục từ bản thân bạn.
Tất nhiên, vì nếu đã có những thứ kia như họ bạn đã không phải nhờ. Sự kính trọng, nể phục này mặc định tạo cái nhìn thiện cảm hơn đối với người đối diện và họ sẽ cảm thấy sẵn lòng giúp bạn hơn.
Hiệu ứng Benjamin Franklin có thể được sử dụng để làm 2 việc: Nhờ vả và cải thiện mối quan hệ.
Đối với nhờ vả thì quá đơn giản rồi, bạn có thể yêu cầu người khác giúp đỡ mình cho dù đó là người bạn không thích, họ đã giúp bạn lần 1, khả năng cao hơn là họ sẽ tiếp tục giúp bạn trong tương lai. Và nếu họ từ chối ngay lần đầu tiên, bạn sẽ hiểu mình không thể nhờ được họ gì nữa.
Còn với cải thiện quan hệ, đây chính là cách mà Benjamin Franklin sử dụng hiệu ứng của mình. Nếu muốn cải thiện quan hệ với ai đó, hãy yêu cầu họ giúp đỡ một cách lịch sự. Nếu họ đồng ý giúp, hãy cảm ơn họ sau đó làm lành thông qua con đường ngoại giao. Hãy nhìn ví dụ của Benjamin Franklin cùng người bạn, bạn sẽ tự hiểu cách dùng hiệu ứng này thôi.
Theo CafeBiz/Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming