Làm thế nào Android có thể đè bẹp iOS và thống trị 100% thị phần smartphone?

    Ngocmiz,  

    Với sự phát triển như vũ bão của các mặt hàng điện tử tiêu dùng 5 năm vừa qua, người ta có nhiều lý do để tin rằng Android và Chrome OS mới là những nền tảng thống trị trong tương lai.

    *Bài viết thể hiện quan điểm của Matt Heiman trên Techcrunch

    Android hiện đã có mặt trên 80% smartphone trên toàn cầu. Chỉ riêng tại Mỹ, thị phần Android bị đẩy xuống dưới 60% và hầu hết các kỹ sư tại Thung lũng Silicon đều xài iPhone. Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của các mặt hàng điện tử tiêu dùng 5 năm vừa qua, người ta có nhiều lý do để tin rằng trong tương lai thị phần Android sẽ còn phình to hơn nữa rất nhiều.

    Phá dần bức tường thành iOS

    Một trong những lý do tin dùng iPhone phổ biến nhất của các fan Táo chính là iMessage. Với khả năng đồng bộ tốt với ứng dụng SMS trên iOS, iMessage thực sự là một trong những vũ khí ấn tượng giúp Apple thu hút người dùng.

    Ứng dụng này có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với ứng dụng nhắn tin SMS thông thường. Những tính năng như báo cho người dùng biết tin nhắn của họ đã được chuyển thành công chưa hay liệu người nhận có đang gõ lại hay không khiến cho người dùng iMessage cảm thấy vô cùng thân thuộc và hào hứng với cuộc trò chuyện hơn. Thêm vào đó, khả năng dễ dàng chia sẻ, nhắn tin miễn phí khi có mạng hay đồng bộ nhanh chóng giữa iPhone và PC của Apple cũng là những điểm cộng không thể không kể tới của iMessage.

    Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các ứng dụng OTT (ứng dụng cung cấp qua Internet, không thông qua bất kỳ nhà cung cấp mạng nào, ví dụ như Skype, Youtube, Facetime, Netflix,…) như vậy chỉ thực sự có giá trị với người dùng khi bạn bè người thân của họ cũng dùng ứng dụng đó. Kể từ khi iMessage trở thành ứng dụng nhắn tin chính thức cho iOS, người dùng iPhone không cần chuyển sang ứng dụng nhắn tin của bên thứ ba nào nữa và lẽ đương nhiên là họ sẽ liên tục “dính” lấy iMessage. Chính vì vậy mà các ứng dụng nhắn tin OTT nói chung hay iMessage nói riêng đều rất có sức lan tỏa rất lớn.

    Câu chuyện nghe thật quen phải không? Một nhà sản xuất thiết bị phần cứng với một hệ điều hành riêng và một ứng dụng nhắn tin OTT tuyệt vời? Đã từng có thời Blackberry cũng dùng ứng dụng Blackberry Messenger (BBM) để thu hút người dùng cho các smartphone của hãng. Nhưng cuối cùng thì BBM lại không đủ sức hấp dẫn để giữ chân họ ở lại với hệ điều hành Blackberry OS quá nhiều khiếm khuyết. Các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba lại có cơ hội tung ra các ứng dụng nhắn tin chạy được trên nhiều nền tảng như WhatsApp. Tính tới thời điểm hiện nay, Blackberry OS chỉ còn hiện diện trên 0,2% lượng smartphone toàn cầu.

    Trong khi đó, WhatsApp lại vừa cán mốc 1 tỷ người dùng. Chuyện những ứng dụng nhắn tin OTT như WhatsApp có thể hoàn toàn thay thế các ứng dụng SMS cũng không hề khó hiểu. Việc các ứng dụng SMS chuyển dần sang thành các dịch vụ RCS (Rich Communication Service – Bộ phận giải pháp truyền thông phong phú) tiêu chuẩn, ví dụ như thêm tính năng nhắn tin miễn phí khi có mạng, đã góp phần đưa ưu điểm của các ứng dụng chat vào hoạt động nhắn tin SMS của người dùng. Và dù thế nào đi nữa thì hiệu ứng lan truyền từng rất đặc trưng của iMessage cũng đang dần bị các ứng dụng như WhatsApp xóa nhòa, góp phần không nhỏ vào việc phá vỡ rào cản mà hệ sinh thái của Apple tạo ra. iMessage không còn là của riêng các tín đồ iPhone nữa, các fan Android nay cũng đã có các món ăn tương tự rồi.

     Các ứng dụng OTT của bên thứ ba như WhatsApp đang dần khiến iMessage mất đi lợi thế trước đây

    Các ứng dụng OTT của bên thứ ba như WhatsApp đang dần khiến iMessage mất đi lợi thế trước đây

    iMessage cũng không phải là ví dụ duy nhất cho việc các lợi thế hệ sinh thái riêng Apple đem đến cho người dùng đang dần bị phá vỡ bởi các nhà phát triển ứng dụng Android. Một ví dụ khác là thế độc quyền ứng dụng Photos trên iOS từng nắm giữ nay đã bị Google Photos phá vỡ với các tính năng sắp xếp hình ảnh hay đồng bộ PC không hề thua kém. Hay như việc Spotify hay Drive, Dropbox nổi lên cũng khiến iTunes cùng đồng sự iCloud mất lợi thế đi rất nhiều.

    Android ngày càng bớt phân mảnh

    Một trong những vấn đề lớn nhất hệ sinh thái Android gặp phải là sự phân mảnh của thị trường: các nhà sản xuất smartphone đều có thể sử dụng các phiên bản Android khác nhau trên những chiếc máy họ cho ra lò. Điều này làm giảm đáng kể tốc độ update hệ điều hành của Google. Sự phân mảnh này cũng khiến các nhà phát triển cũng như người dùng phát “ngán”. Ngay lúc này đây người ta cũng không thể kiếm nổi một chiếc Droid Turbo chạy Android Marshmallow, dù phiên bản này đã được Google tung ra từ tháng 10 năm ngoái. Trên thực tế, tính đến tháng 4 năm 2016, mới chỉ có 4,6% điện thoại Android toàn cầu được cài đặt hệ điều hành Android Marshmallow mới nhất.

    Trong khi đó, Apple có thể tung ra một phiên bản iOS mới và hối thúc người dùng cập nhật bất cứ lúc nào, có chăng cũng chỉ phải lo liệu người dùng đã muốn cập nhật bản mới hay chưa. Các nhà phát triển ứng dụng cũng thường cho ra lò app iOS trước Android bởi lẽ xây dựng app Android đòi hỏi rất nhiều sửa đổi trong phần code cho khớp với các phiên bản Android thị trường đang sử dụng.

    Tình trạng phân mảnh này không phải chỉ là kết quả của các phiên bản Android khác nhau chạy cùng lúc trên các loại smartphone khác nhau. Nhiều nhà sản xuất điện thoại nay đã cài đặt các ứng dụng có sẵn của riêng họ trên nền Android để tùy biến lại hệ điều hành này.

    Một người dùng iPhone sẽ không cảm thấy xa lạ gì khi cầm máy một người dùng iPhone khác. Tuy nhiên, điều tương tự lại không thể xảy ra với Android. Các ứng dụng mặc định như SMS, lịch, email, bàn phím,…đều có thể do Samsung hay Verizon phát triển dù rằng Google cũng đã tung ra những sản phẩm như vậy.

    Tuy nhiên, những năm tới đây, Android có khả năng sẽ không còn phân mảnh như trước. Một số nhà sản xuất như Motorola hay HTC đang tích cực giảm dần mức độ tùy biến trên các smartphone của mình, khiến cho trải nghiệm các mẫu smartphone ngày càng gần hơn với hệ điều hành Android gốc của Google.

    Một lý do khác có thể khiến thị trường Android bớt phân mảnh chính là thế hệ smartphone và table Nexus mới. Các sản phẩm này đều do Google hợp tác sản xuất với Motorola, LG hay Huawei và chạy hệ điều hành Android chính gốc với các ứng dụng mặc định đều do Google phát triển. Điện thoại Nexus thường được cập nhật hệ điều hành ngay khi Google tung ra bản mới. Nỗ lực đưa những chiếc Nexus vào thị trường thành công của Google cũng giúp làm giảm độ phân mảnh của thị trường Android. Nexus chính là cơ hội cho Google xây dựng thương hiệu qua các thiết bị của chính mình, nâng cao sức cạnh tranh của hãng với Apple trong phân khúc cao cấp.

     Cơ cấu thị phần hệ điều hành smartphone qua các năm

    Cơ cấu thị phần hệ điều hành smartphone qua các năm

    Tiềm năng lớn của Chrome OS

    Nhiều người có thể không để ý rằng Google đã thực sự tung ra hệ điều hành Chrome OS riêng cho PC để cạnh tranh với Windows và OS X. Chrome OS ngay nay chỉ chiếm 3% thị phần toàn cầu – không mấy hấp dẫn với các nhà phát triển ứng dụng. Tuy nhiên, lượng máy chạy Chrome OS đang có xu hướng gia tăng, và biết đâu chính Chrome OS chứ không phải Windows hay OS X mới là hệ điều hành của tương lai?

    Thứ nhất, kho ứng dụng sẽ không còn là vấn đề quá đáng bận tâm nữa bởi hầu hết các ứng dụng ngày nay đều được đưa lên “mây”, thậm chí cả các phần mềm Microsoft Office cũng có thể truy cập được từ trình duyệt với Office 365. Trong khi các ứng dụng, phần mềm native sẽ không còn sức hút quá lớn như xưa, trình duyệt sẽ nổi lên như một trong những nền tảng quan trọng nhất. Chính vì vậy mà việc Chrome OS mới chỉ chiếm được một thị phần nhỏ cũng không phải vấn đề quá lớn.

    Bên cạnh đó, cũng phải nhắc lại rằng Chromebook được thiết kế để lưu phần mềm và dữ liệu trên “mây” nên sẽ không yêu cầu cấu hình phần cứng quá cao và có thể được bán ra với mức giá rẻ hơn nhiều so với máy Macbook hay Windows.

     Các mẫu Chromebook giá rẻ chạy Chrome OS sẽ dẫn đầu xu hướng tiêu dùng PC trong tương lai?

    Các mẫu Chromebook giá rẻ chạy Chrome OS sẽ dẫn đầu xu hướng tiêu dùng PC trong tương lai?

    Và cuối cùng, chất xúc tác lớn nhất có lẽ là kế hoạch đồng bộ Chrome OS với Android của Google trong năm tới. Nếu Google chính thức sát nhập hai hệ điều hành này làm một, người dùng Chrome OS sẽ được “hưởng sái” hệ sinh thái khổng lồ của Android. Hệ quả tất yếu xảy ra là thị phần Chrome OS sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

    Hẳn nhiên việc sở hữu một hệ điều hành PC riêng ngày nay không phải là thứ gì quá hoành tráng và sẽ ngày càng có xu hướng giảm nhiệt. Thế nhưng sở hữu mối liên kết chặt chẽ với khách hàng trên tất cả các thiết bị và nền tảng khác nhau lại là thứ ông lớn công nghệ nào cũng phải thèm thuồng. Xét trên phương diện đó, chiến lược này của Google chính là mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh toàn cảnh: hệ điều hành Chrome OS sẽ giúp Google mang đến cho người dùng trải nghiệm đồng nhất trên tất cả các thiết bị từ PC cho đến smartphone, tablet và cạnh tranh với Windows cũng như OS X và iOS.

    Apple là thương hiệu có giá trị nhất thế giới và đi tiên phong trong mảng thiết bị phần cứng trong suốt hai thập kỷ qua. Thế nhưng khi thị trường hàng điện tử tiêu dùng phát triển, các phần mềm và tiện ích đám mây đang dần đánh đổ sự thống trị của phần cứng. Với sự hiện diện của Internet sẽ còn tiếp tục lan tỏa trong mọi ngõ ngách cuộc sống của chúng ta, nhiều công nghệ cũ sẽ tự động biến mất. Chính vì vậy mà trận chiến tàn khốc trong tương lai rất có thể sẽ nghiêng về công ty Internet lớn nhất thế giới chứ không phải công ty thiết kế phần cứng tốt nhất thế giới nữa.

    Tham khảo Techcrunch

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ