Lần đầu tiên nhà khoa học chụp được tấm hình có độ phân giải 3.200MP bằng cảm biến hình ảnh siêu to khổng lồ
Ứng dụng của tấm cảm biến hình ảnh khổng lồ vừa được các nhà khoa học Mỹ phát triển thành công là chụp các vật thể ngoài không gian với độ chi tiết cực cao, hoặc thậm chí giúp tìm hiểu sâu hơn cấu trúc của mọi thứ trên thế giới.
Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC thuộc Bộ năng lượng Mỹ vừa chụp được những bức ảnh siêu độ phân giải lên tới 3200MP đầu tiên trên thế giới bằng một tấm cảm biến hình ảnh khổng lồ gắn trên chiếc máy ảnh số lớn nhất thế giới.
Trước đây cũng đã từng có những bức ảnh có độ phân giải cao hơn được tạo ra bằng kỹ thuật ghép các bức ảnh lại với nhau. Nhưng đây là bức ảnh toàn khung, không ghép có độ phân giải lớn nhất từng được chụp.
Được tạo thành từ 189 cảm biến hình ảnh CCD 16MP ghép lại với nhau, tấm cảm biến khổng lồ này sẽ sớm được lắp đặt tại Đài quan sát thiên văn Vera C. Rubin ở Chile.
Các tấm cảm biến nhỏ được lắp ghép lại với nhau để tạo thành một cảm biến siêu lớn
Cận cảnh cảm biến hình ảnh khổng lồ
Tuy nhiên, hiện tại, nó vẫn đang được chế tạo và thử nghiệm tại SLAC. Đây cũng là nơi vừa ghi nhận những bức ảnh có độ phân giải 3200MP đầu tiên trên thế giới ra đời.
Nếu bạn phân vân không biết các nhà nghiên cứu đã chụp cái gì từ cảm biến hình ảnh "siêu to khổng lồ" này thì đó là bông cải xanh.
Để chụp được hình ảnh, trước tiên các nhà nghiên cứu phải đặt tấm cảm biến khổng lồ trong một thiết bị đông lạnh để làm mát nó xuống nhiệt độ âm. Sau đó, bông cải sẽ được đặt trong một hộp có đèn chiếu sáng và một lỗ kim 150 micron ở trên, chiếu hình ảnh trực tiếp lên mặt phẳng tiêu.
Cách chụp một bức hình với cảm biến hình ảnh siêu to khổng lồ
Sau bông cải xanh, một số đối tượng khác của cảm biến này là bản khắc Flammarion và bức chân dung của Vera Rubin.
Mặc dù vậy bạn sẽ không thể xem được những bức ảnh có độ phân giải siêu khủng đó trên máy tính hoặc bất kỳ các thiết bị di động phổ biến nào hiện nay. Thay vào đó, bạn chỉ có thể xem tạm qua các bức ảnh có độ phân giải thấp hơn trong bài viết này.
Aaron Roodman, nhà khoa học tại SLAC chia sẻ: "Chụp được những hình ảnh này là một thành tựu lớn".
Tấm cảm biến khổng lồ này sở hữu mặt phẳng tiêu cự đủ rộng để chụp một vùng trên bầu trời tương đương với khoảng 40 mặt trăng đầy đủ xếp cạnh nhau. Nhờ vào hiệu ứng quang học và kỹ thuật chụp ảnh, nó có thể tái tạo hình ảnh các vật thể mờ hơn 100 triệu lần so với việc bạn nhìn bằng mắt thường.
SLAC mô tả năng lực đặc biệt của tấm cảm biến hình ảnh khổng lồ này giống như việc chúng ta có thể nhìn thấy một đốm lửa tỏa ra từ một ngọn nến từ khoảng cách lên tới hàng ngàn cây số.
Steven Kahn, giám đốc đài thiên văn của SLAC cho biết: "Thành tích này là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong toàn bộ dự án đài quan sát Rubin. Việc hoàn thiện mặt phẳng tiêu và quá trình thử nghiệm thành công sẽ cho phép đài thiên văn Rubin sớm chụp được những bức ảnh thiên văn có độ phân giải và chi tiết cực cao".
Sau tất cả, ứng dụng của cảm biến siêu khổng lồ này sẽ là phục vụ cho khoa học và đem tới những góc nhìn chi tiết nhất về vạn vật xung quanh chúng ta.
Tham khảo Petapixel
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?