Lần đầu tiên sau 40 năm, một kháng sinh hoàn toàn mới được tuyên bố thử nghiệm thành công

    zknight,  

    Kháng sinh Murepavadin nhắm đến một con đường tiêu diệt vi khuẩn hoàn toàn mới.

    Lần đầu tiên trong vòng 40 năm trở lại đây, con người mới tạo ra thêm được một lớp kháng sinh mới. Thông báo được đưa ra bởi công ty dược phẩm Thụy Sĩ Polyphor AG, sau khi các nhà khoa học của họ thử nghiệm thành công một loại kháng sinh có tên là Murepavadin (POL7080).

    Phải nói thêm rằng, Murepavadin cũng là kháng sinh đầu tiên của con người nhắm mục tiêu trực tiếp đến siêu vi khuẩn đa kháng thuốc. Trong thử nghiệm, nó được dùng để điều trị cho các bệnh nhân viêm phổi, gây ra bởi trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa).

    Trực khuẩn mủ xanh xếp hạng thứ hai, trong top 12 siêu vi khuẩn nguy hiểm nhất mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo hồi tháng 2 vừa rồi.

     Lần đầu tiên sau 40 năm, một kháng sinh hoàn toàn mới được tuyên bố thử nghiệm thành công

    Lần đầu tiên sau 40 năm, một kháng sinh hoàn toàn mới được tuyên bố thử nghiệm thành công

    TẠI SAO TRONG SUỐT 40 NĂM, CHÚNG TA KHÔNG THỂ PHÁT TRIỂN THÊM ĐƯỢC MỘT LỚP KHÁNG SINH MỚI NÀO?

    Như chúng ta đã biết, việc phát triển các loại thuốc kháng sinh mới đã bị đình trệ từ nhiều thập kỷ. Lý do vì sản xuất kháng sinh ngày càng đem lại ít lợi nhuận cho các công ty dược phẩm. Theo ước tính, một đơn thuốc kháng sinh bán ra chỉ đem lại lợi nhuận bằng 1 phần ngàn cho tới 1 phần trăm so với thuốc điều trị ung thư.

    Và khi thị trường không còn màu mỡ, hầu hết các công ty dược phẩm không đặt quan tâm đến việc nghiên cứu kháng sinh mới. Họ đều muốn chuyển hướng sang phát triển các loại thuốc dành cho bệnh nhân mạn tính, như tiểu đường, tim mạch và ung thư, những căn bệnh có thể hái ra tiền.

    Cũng bởi vậy mà trong khoảng 30-40 năm trở lại đây, không có thêm một lớp kháng sinh mới nào được phát triển thành công. Câu chuyện đó trở nên tệ hại hơn nhiều, khi chúng ta bước vào cuộc khủng hoảng kháng kháng sinh đang diễn ra trên toàn cầu hiện nay.

    Nhờ phần lớn vào thời kỳ bùng nổ của kháng sinh từ thập niên 40-70 của thế kỷ trước, con người đã tích lũy được khoảng 20 lớp kháng sinh, chia thành hơn 100 loại. Tuy nhiên, từ sau khi Alexander Fleming tìm ra loại kháng sinh đầu tiên, ông đã sớm dự đoán được vi khuẩn một ngày sẽ chiến thắng mọi loại thuốc.

    Trên thực tế, các vi khuẩn phát triển một thế hệ mới của chúng chỉ mất 20 phút. Với một điều kiện thuận lợi, một vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc gấp 1.000 lần chỉ trong 2 tuần.

    Đó là lý do tại sao, chúng ta ngày càng phải chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong vì vi khuẩn kháng lại được tất cả các loại thuốc con người hiện có.

    Trong bối cảnh hiện nay, nhiều khi chúng ta đã không còn bất kể loại kháng sinh nào để điều trị cho những bệnh nhân nhiễm khuẩn kháng tất cả các loại thuốc. Việc tìm ra một hay nhiều loại kháng sinh mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là nhiệm vụ vô cùng cấp bách.

    Ước tính, kháng kháng sinh đang giết chết khoảng 700.000 người mỗi năm trên thế giới. Nếu tình hình không được cải thiện, con số có thể tăng tới 10 triệu người vào năm 2050.

    Với khoảng hơn 2,3 triệu USD tài trợ từ Wellcome Trust (một Tổ chức từ thiện nghiên cứu y sinh tại Anh) Polyphor AG đã thúc đẩy nghiên cứu của họ trên một lớp kháng sinh hoàn toàn mới trong vòng 40 năm trở lại đây vượt qua một thử nghiệm lâm sàng.

    Trong kết quả báo cáo tại Hội nghị Vi sinh lâm sàng và bệnh truyền nhiễm Châu Âu đang diễn ra tại Áo, các nhà khoa học cho biết kháng sinh mới có tỷ lệ thành công trên 91%.

    Với tên gọi tắt là OMPTA (Outer Membrane Protein Targeting Antibiotics), lớp kháng sinh này nhắm đến một con đường tiêu diệt vi khuẩn hoàn toàn mới. Loại thuốc đầu tiên trong lớp kháng sinh OMPTA đang được thử nghiệm bởi Polyphor là Murepavadin (POL7080).

    Kháng sinh Murepavadin nhắm đến nhiễm trùng gây ra bởi trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa), một trong 12 loại siêu vi khuẩn kháng thuốc mạnh mẽ nhất mới được WHO công bố. Trực khuẩn mủ xanh thường gây nhiễm trùng phổi và đưa tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lên đến 50%.

    Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I, các nhà nghiên cứu tại Polyphor đã theo dõi 12 bệnh nhân sử dụng kháng sinh Murepavadin. Kết quả sau 28 ngày, chỉ có 1 bệnh nhân tử vong và 11 bệnh nhân còn lại được chữa khỏi.

     Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) là một loại vi khuẩn đa kháng thuốc đáng lo ngại

    Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) là một loại vi khuẩn đa kháng thuốc đáng lo ngại

    Cho biết tại hội nghị, trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư San Antonio Torres nói: Việc Murepavadin thể hiện một kết quả tích cực trong thử nghiệm lâm sàng đã cung cấp hy vọng cho chúng ta, trong việc quản lý và chữa trị nhóm bệnh nguy hiểm liên quan đến trực khuẩn mủ xanh.

    Trực khuẩn mủ xanh đại diện cho một mối đe dọa đáng lo ngại, đối với các bệnh nhân trong bệnh viện, những người mà dễ gặp tổn thương nhất. Họ bao gồm những bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt, những người có hệ miễn dịch suy yếu như bệnh nhân ung thư, bỏng nặng, trẻ sơ sinh…" Tiến sĩ Ignacio Martin-loeches, đến từ Đại học Trinity, Ireland giải thích thêm.

    "Lựa chọn điều trị hiện nay đang đi tới giới hạn, bởi vậy lớp kháng sinh mưới này thực sự rất cần thiết”, .

    Trên thực tế, trực khuẩn mủ xanh đa kháng thuốc đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Và kháng sinh Murepavadin là loại kháng sinh đầu tiên được phát triển để giải quyết riêng vấn đề vi khuẩn đa kháng thuốc này.

    Ở thời điểm hiện tại, thử nghiệm lâm sàng cho Murepavadin đã tiến đến giai đoạn II. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng loại kháng sinh mới này nằm trong ngưỡng an toàn và có khả năng dung nạp có thể chấp nhận được. Dự kiến cuối năm 2017, kháng sinh Murepavadin sẽ tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, là thử nghiệm cuối cùng trước khi thuốc được bán ra trên thị trường.

    Đại diện cho nhóm nghiên cứu tại Polyphor, Tiến sĩ Glenn Dale vui mừng nói: “Phát hiện ngày hôm nay cho thấy rằng một liều lượng Murepavidin của chúng tôi có thể là loại kháng sinh mới đầy hứa hẹn. Ngay trong năm nay, chúng tôi hy vọng Murepavadin sẽ tiến tới giai đoạn III thử nghiệm lâm sàng, và hoàn thành các bước cần thiết khác để đưa nó tiếp cận với người bệnh”.

    Tham khảo Dgap

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày