Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi biết nguồn gốc những miếng thịt heo trong bát canh của mình

    Tân Phan,  

    Tôi đã từng nghĩ chuyện này là chuyện không tưởng ở Việt Nam.

    Từ nhỏ đến lớn, tôi không bao giờ biết rõ nguồn gốc chi tiết của thức ăn mà mình ăn. Mặc dù tôi và gia đình đều chọn những nguyên liệu đảm bảo, bằng cách lựa chọn những thực phẩm từ những nhà sản xuất nổi tiếng, nhưng việc biết rõ xuất xứ của sản phẩm là điều không tưởng.

    Và rồi TE-Food đã thay đổi điều đó trong cuối năm nay. Hội công nghệ cao TP.HCM đã ra mắt một ứng dụng đặc biệt có tên TE-Food (iOS, Android). Theo đó, lợn khi nuôi tại chuồng sẽ được gắn vòng nhận diện và khi bán ra thị trường sẽ có tem dán trên thịt. Ứng dụng miễn phí này có thể cài đặt trên điện thoại để soi vào các mã vạch dán trên thịt lợn nhằm nhận biết nguồn gốc của con lợn, cách chăm sóc và giết mổ như thế nào.

    Đây quả là một tin cực hứng khởi cho những người hay sử dụng thực phẩm sạch như tôi. Tôi rất coi trọng nguồn thức ăn nạp vào cơ thể mình, và tôi luôn cố gắng ăn uống sạch sẽ nhất có thể vì trong nhiều năm nay, thực phẩm bẩn là một tình trạng nan giải ở Việt Nam. Tuy tác hại của nó không thấy ngay lập tức, nhưng những chất độc sẽ tồn tại và sinh bệnh trong tương lai rất gần mà thôi.

    Địa điểm đầu tiên tôi đến là cửa hàng Satra Foods ở Quận 1, đây là một trong những đại lý bán thịt có tem kiểm định của TE-Food trong số những siêu thị được triển khai thí điểm như Co.opmart, Vissan và Sagrifoods.

    Trong quầy thịt, toàn bộ các gói thịt đều được dán tem của TE-Food với 5 vạch màu sắc khác nhau trên từng bao bì. Khi sử dụng ứng dụng để soi mã vạch, người dùng có thể so sánh xem tem dán trên thịt và mẫu tem trên ứng dụng có khớp nhau hay không. Nếu tem không giống nhau, tức có khả năng tem giả, người mua có thể báo đến đơn vị vận hành bằng cách bấm chọn trên ứng dụng. Như vậy, tôi rất yên tâm khi tin chắc mình sẽ không mua phải thịt có gắn tem giả. Được biết, công nghệ này có tên Colorgram từ Châu Âu, mỗi con tem đều được in mã màu với thuật toán đặc biệt, kèm với QR Code để chống giả mạo.

    Sau khi quét tem, tôi biết được mẫu thịt heo sắp được cho vào nồi canh rau của tôi đến từ Đồng Nai, cơ sở giết mổ thuộc đơn vị Vissan, nơi bán sỉ là Vissan TP.HCM, và nơi bán lẻ là Satrafoods Đồng Khởi. Tốc độ quét của ứng dụng rất nhanh và giao diện người dùng đơn giản, tuy nhiên ứng dụng cần có kết nối mạng để hoạt động.

    Chính vì biết được mọi chi tiết của miếng thịt heo tôi sẽ ăn, tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng của nó. Đây là một bước đi đúng đắn của hội công nghệ cao TP.HCM trong bối cảnh đầy thịt bẩn hiện nay. Tuy nhiên nó chỉ mới xuất hiện ở TP.HCM, hy vọng trong thời gian tới nó sẽ được triển khai ở nhiều nơi khác để người dân trên cả nước có cơ hội được biết thêm về nguồn gốc của thịt.

    Và tôi nghĩ rằng, không chỉ thịt, các thực phẩm khác như rau hay trái cây cũng cần được triển khai công nghệ tuyệt vời này. Có như thế, sức khỏe của người dân Việt Nam chắc chắn sẽ được cải thiện rất nhiều.

    Còn bây giờ, tôi sẽ ăn trưa với bát canh thịt heo đến từ trang trại nuôi heo Velmar Đồng Nai. Cám ơn TE-Food rất nhiều.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ