Mảng game di động là một trong những mảng kinh doanh đem lại doanh thu "khổng lồ" cho các hãng làm game ở Nhật Bản, và đương nhiên Nintendo cũng muốn chiếm một phần trong miếng bánh lớn đó. Tuy nhiên, có vẻ những kế hoạch đầy tham vọng của Nintendo về mảng game di động lại đều chẳng đem lại kết quả tích cực gì.
Ngày 24/1 vừa qua, Nintendo đã chính thức thông báo về việc đóng cửa tựa game di động đầu tiên của hãng - mang tên Miitomo. Mặc dù trên thực tế, Miitomo giống với một mạng xã hội hơn là một tựa game, tuy nhiên ứng dụng này của Nintendo vẫn đi theo mô hình Freemium: Là một ứng dụng miễn phí, nhưng người chơi có thể bỏ thêm tiền vào để nhận được các tính năng cao cấp hơn.
Miitomo bị Nintendo đóng cửa vì doanh thu rất tệ. Đây là điều hết sức dễ hiểu, bởi dù sao Miitomo cũng là tựa game di động đầu tiên của Nintendo. Tuy nhiên, hai tựa game di động lớn khác của hãng này cũng đang ở trong tình trạng không khá hơn là bao.
"Super Mario Run" không mang lại doanh thu như mong đợi cho Nintendo
Super Mario Run là nỗ lực để đưa gã thợ sửa ống nước Mario lên các thiết bị di động của Nintendo. Tựa game này hoạt động theo hình thức Freemium, nhưng ở dạng cho người chơi chơi thử một vài level trước khi họ phải trả tiền để nâng cấp lên phiên bản đầy đủ của game.
Đối với Apple, Super Mario Run là một tuyên bố lớn. Bởi lẽ, đây là một tựa game mới của một dòng game đã thành danh, đến từ một hãng game danh tiếng, và xuất hiện đầu tiên trên iPhone. Tuyên bố này lớn đến mức Apple mời "sếp già" của Nintendo, cũng là cha đẻ của Mario là ông Shigeru Miyamoto lên sân khấu tuyên bố vào tháng 9 năm 2016.
Tuy nhiên, chỉ hơn một năm sau khi Super Mario Run ra mắt, vào tháng 10 năm 2017, Nintendo thừa nhận rằng tựa game này không đem lại doanh thu như hãng mong đợi. Trong buổi công bố báo cáo tài chính, Nintendo cho biết "Mặc dù doanh thu của tựa game Super Mario Run không như kỳ vọng, nhưng chúng tôi đã học được rất nhiều điều để có thể tiến xa hơn trong ngành game di động."
Theo thông tin đến từ công ty phân tích thị trường game di động Newzoo, thì Nintendo chỉ kiếm được khoảng 30 triệu USD từ Super Mario Run, và tỉ lệ chuyển đổi từ người chơi không trả phí sang người chơi trả phí ở tựa game này chỉ chưa đầy 3%.
"Animal Crossing: Pocket Camp" cũng chẳng phải là hit lớn của Nintendo
Nước cờ tham vọng tiếp theo của Nintendo trong mảng game di động được tung ra vào tháng 10 vừa qua - chính là tựa game Animal Crossing: Pocket Camp. Khác với cơ chế hoạt động của Super Mario Run, cho người chơi chơi thử trước khi quyết định mua bản đầy đủ của game, Animal Crossing kiếm lời từ việc bán các vật phẩm trong game thông qua hình thức In-app Purchase (IAP). Đây là mô hình kinh doanh game di động vô cùng phổ biến đối với rất nhiều tựa game trên thế giới.
Tuy nhiên theo các số liệu được công bố bởi công ty phân tích thị trường App Annie, thì có vẻ như Animal Crossing cũng chẳng phải là tưa game thành công gì cho cam - ít nhất là trong thị trường Mỹ.
Dưới đây là số liệu xếp hạng của tựa game trong 90 ngày vừa qua:
Có thể thấy, tựa game này đã "bùng nổ" trong những ngày ra mắt đầu tiên, tuy nhiên chỉ giữ được vị trí đứng đầu trong một khoảng thời gian ngắn trước khi tụt thẳng xuống hạng 823 vào ngày 20/1 vừa rồi, và phải tới gần đây tựa game này mới leo lại lên vị trí thứ 391. So với Super Mario Run thì thành tích của Animal Crossing chẳng hề ấn tượng chút nào.
Super Mario Run ít nhất vẫn chưa bao giờ tụt xuống quá vị trí thứ 200 trong vòng 90 ngày vừa qua, dù rằng tựa game này có thể coi là đã "có tuổi' trong mảng game di động.
Nhưng ở trên mới chỉ là xếp hạng tải về thôi, còn xếp hạng doanh thu của 2 tựa game này so với các game khác trong hệ thống cửa hàng App Store thì sao?
Dưới đây là xếp hạng doanh thu của Animal Crossing: Pocket Camp:
Giờ hãy so với Super Mario Run:
Có thể thấy, xếp hạng doanh thu của Super Mario Run vẫn tương đối ổn định ở tốp dưới, mặc dù tựa game này đã ra mắt được gần 2 năm rồi. Trong khi đó, Animal Crossing, tuy mới ra mắt hồi tháng 10 nhưng chỉ trong 2 tháng gần đây đã tụt hạng vô cùng nghiêm trọng. Đây chắc chắn là một tin không tốt lành gì cả đối với Nintendo.
"Pokemon Go" cũng không phải là cứu tinh cho mảng game di động của Nintendo
Nếu có một tựa game nào "cộp mác" Nintendo thực sự thành công ở thời điểm hiện tại, thì đó là Pokemon Go. Tuy nhiên, tựa game này trên thực tế cũng chẳng phải là của Nintendo, mà là một sản phẩm của Niantic - một công ty game của Mỹ.
Đương nhiên, Nintendo vẫn có thể kiếm tiền nhờ vào bản quyền của Pokemon Go, tuy nhiên con số này chẳng đáng vào đâu so với những gì mà ông lớn này kỳ vọng. Người được lợi nhất về mặt doanh thu của Pokemon Go là Niantic - Nintendo chỉ được hưởng một phần nhỏ của miếng bánh mà thôi.
Cuối cùng, điều mà Nintendo làm tốt nhất vẫn là bán máy chơi game
Tất nhiên, mảng game di động của Nintendo thất bại không có nghĩa là công ty này rồi sẽ sớm làm ăn thua lỗ. Trái lại, cứ nhìn vào sản phẩm máy chơi game mới nhất của Nintendo - Nintendo Switch - thì biết. Sau thất bại của Wii U, thành công của Switch càng tỏ ra ấn tượng hơn rất nhiều.
Theo thống kê, Nintendo Switch là chiếc máy chơi game bán chạy nhất trong lịch sử thị trường Mỹ, khi mà chỉ trong vòng chưa đầy một năm (Nintendo Switch ra mắt thị trường vào tháng 3 năm ngoái) tại thị trường này đã tiêu thụ gần 5 triệu chiếc máy chơi game của Nintendo. Switch "đắt hàng" tới mức mà Nintendo đã phải thay đổi dự báo doanh thu từ 10 triệu USD lên thành 14 triệu USD.
Mà đó là còn chưa kể đến việc Nintendo còn vừa mới công bố ra mắt bộ phụ kiện Nintendo Labo dành cho Switch - là bộ phụ kiện sẽ thay đổi hoàn toàn cách mà người ta tương tác và chơi game trên chiếc máy này. Bộ phụ kiện này được bán với giá 70 và 80 USD tại thị trường Mỹ, hứa hẹn sẽ đem lại một khoản doanh thu không nhỏ khác cho Nintendo.
Thành công của Switch cũng đồng nghĩa với việc doanh thu trong năm 2017 của Nintendo đạt mức 1,1 tỉ USD. Và so với doanh thu trong năm vừa qua của Nintendo thì quả thực, 30 triệu USD mà hãng này kiếm được từ Super Mario Run chẳng thấm vào đâu - đặc biệt là so với những kỳ vọng mà Nintendo đặt vào tựa game này.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI