Lập dự án kêu gọi vốn được 700.000 USD rồi lặn mất, kẻ lừa đảo đang bị Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ điều tra
Sau 3 năm kể từ khi bắt đầu nhận tiền của các nhà đầu tư, vẫn không có sản phẩm nào từ dự án iBackPack đến tay người dùng. Website lẫn email liên hệ cũng chẳng còn hoạt động, còn kẻ đứng sau thì đã "bặt vô âm tín".
- Trông chẳng có gì đặc biệt nhưng chai nước này đang thu hút được tới 1,3 triệu USD trên Kickstarter
- Không phải tự tay lau rửa bồn cầu nữa rồi, tất cả là nhờ sản phẩm mới trên Kickstarter này
- Sau 9 năm, Kickstarter mới ra đời 1 sản phẩm mới: Trang gọi vốn dành riêng cho các cá nhân sáng tạo nội dung độc lập
Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) dường như đang tiến hành điều tra những dự án kêu gọi vốn lừa đảo. Nhiều độc giả đã gửi email đến địa chỉ của The Verge tiết lộ rằng cơ quan này đang nhắm tới ít nhất một chiến dịch đầu tư – ba lô iBackPack – đã tiếp nhận số tiền hơn 700.000 USD từ cả Indiegogo và Kickstarter.
Người đứng đằng sau dự án, Doug Monahan, đã quảng cáo thiết bị này là ba lô tích hợp Wi-Fi, pin dự phòng có khả năng sạc điện thoại, laptop của bạn và phát cả điểm truy cập mạng cá nhân cho người dùng nữa. Nó bắt đầu được tiếp nhận tiền trên Indiegogo từ năm 2015 và Kickstarter hồi 2016. Vài năm trôi qua nhưng vẫn chẳng thấy tung tích của sản phẩm cuối cùng đâu, chỉ thấy một số người đã đầu tư lên tiếng nhận được các phụ kiện "thử nghiệm" như pin và cáp sạc một thời gian trước đó. Hai chiến dịch trước của Monahan không đạt được mục tiêu đề ra, nhưng chúng vẫn được sử dụng để đánh bóng tên tuổi của hắn.
Các nạn nhân của vụ lừa đảo này cho biết, một thành viên của FTC đã liên lạc với họ đầu tuần này để bắt đầu đi vào điều tra dự án. Tất cả các email đều có nội dung như sau:
"Tên tôi là … và tôi làm việc cho Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ, Cục Bảo vệ Người tiêu dùng. Văn phòng của chúng tôi đã nhận được rất nhiều đơn tố cáo từ người tiêu dùng rằng họ vẫn chưa nhận được sản phẩm từ dự án kêu gọi vốn iBackpack. Chúng tôi đã liên lạc với nền tảng gọi vốn để thu thập danh sách những người đã đầu tư, trong đó có email của ông/bà. Tôi chỉ muốn biết xem liệu ông/bà đã nhận được đơn hàng hay chưa? Mục tiêu của chúng tôi loại bỏ hoàn toàn tình trạng lừa đảo trên những nền tảng kêu gọi vốn tương tự như thế này. Xin cảm ơn. Nếu ông/bà có câu hỏi gì, xin hãy liên hệ với tôi theo số …"
Trả lời tờ The Verge, FTC nói: "Các cuộc điều tra của chúng tôi đều không được công bố, vì vậy chúng tôi sẽ không bình luận về có việc cá nhân hay tổ chức nào đang bị giám sát hay không." Cả tên và số điện thoại trên email đều thuộc về một nhân viên của Ủy ban Thương mại Liên bang, và địa chỉ hộp thư cũng có tên miền .gov.
Kickstarter cũng xác nhận: "Năm ngoái chúng ta đã tiếp nhận yêu cầu điều tra dân sự từ FTC và đã cung cấp thông tin về chiến dịch này. Hầu hết những người tạo nên dự án kêu gọi vốn đều hoàn thành và cho ra sản phẩm như đã hứa hẹn, còn kẻ lợi dụng hệ thống của chúng tôi, cũng như lòng tin của nhà đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật."
Đại diện của Indiegogo lại từ chối bình luận về việc đang bị Ủy ban Thương mại "sờ gáy", bởi họ "không muốn làm ảnh hưởng đến việc rà soát." Họ cũng nhấn mạnh rằng "sẽ nỗ lực hết mình để hợp tác với các cơ quan pháp lý nếu cần."
Tựa game của tên lừa đảo Erik Chevalier
FTC mới chỉ công khai điều tra một dự án gọi vốn từ hồi năm 2015. Erik Chevalier đã kêu gọi được 122.000 USD cho một trò board game, rồi sau đó hắn đã bán dữ liệu của các nhà đầu tư cho công ty thứ 3. Ủy ban Thương mại đã phạt tên này 112.000 USD và yêu cầu Chevalier không được tiết lộ thông tin cá nhân của khách hàng cho bên khác nữa. FTC cũng cấm hắn không được đăng tải những thông tin sai lệch và gian dối về chính trách hoàn tiền. (Chevalier nói rằng mình sẽ trả lại tiền cho người khuyên góp – điều không bao giờ xảy ra.) FTC muốn kẻ lừa đảo này phải bồi thường thiệt hại, nhưng Chevalier đã "đốt" hết tiền vào việc thuê nhà và các khoản chi tiêu cá nhân khác rồi.
Ủy ban không cấm đoán việc kêu gọi vốn và rủi ro đi kèm nó, nhưng họ muốn đảm bảo rằng tiền của những người đầu tư vào các dự án phải đi đến sản phẩm, và nhà sáng lập không ôm tiền mà chạy đi mất. "Người tiêu dùng có quyền tin tưởng tiền của mình sẽ được dùng vào mục đích đúng," Jessica Rich – Giám đốc Cục Bảo vệ Người tiêu dùng của FTC.
Những người đã đóng góp tiền cho dự án iBackpack tin rằng Monahan đã bán thông tin của họ cho những công ty gọi vốn khác, bởi họ cũng nhận được email từ các nhóm này. Cũng có thông tin cho rằng việc trì hoãn kéo dài nhiều năm là do pin dự phòng gặp vấn đề, có thể là những viên pin lithium-ion bất ngờ phát nổ. Lần cuối cùng Monahan cập nhật chiến dịch kêu gọi vốn này trên Kickstarter và Indiegogo là tháng 3/2017.
Nhân viên của FTC đã nhắc tới trong thư gửi nạn nhân: "Chúng tôi sẽ cố gắng thu hồi lại số tiền của các nhà đầu tư khi đâm đơn kiện lên tòa. Không may thay, nếu số tiền không còn thì các cá nhân, tập thể cũng khó lòng nhận lại được những gì đã bỏ ra."
Cả website lẫn những địa chỉ email liên hệ của iBackPack đã không còn hoạt động Monahan thì "bặt vô âm tín". Những người mắc bẫy giờ chỉ còn nước hy vọng FTC có thể tìm được hắn để hoàn lại số tiền của mình, hay chí ít là đưa hắn ra ánh sáng.
Theo TheVerge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4