Larry Tesler, cựu nhân viên Apple từng phát minh ra copy, paste, qua đời ở tuổi 74

    Tấn Minh,  

    Ông làm việc cho Apple từ năm 1980 đến 1997.

    Larry Tesler, nhà khoa học máy tính tiên phong từng làm việc tại Apple từ năm 1980 đến 1997 và là người tạo nên tính năng cắt, sao chép, và dán trên máy tính, đã qua đời ở tuổi 74 hôm thứ Hai vừa qua.

    Tesler từng đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch AppleNet và Advanced Technology Group của Apple. Trong quãng thời gian làm việc tại công ty, ông đóng một vai trò chủ chốt trong việc phát triển các sản phẩm từ máy tính Lisa đến chiếc tablet Newton MessagePad.

    Larry Tesler, cựu nhân viên Apple từng phát minh ra copy, paste, qua đời ở tuổi 74 - Ảnh 1.

    Và đó chỉ là phần nổi của tảng băng khi nhắc lại những cống hiến của ông đối với ngành điện toán nói chung.

    Con đường tiến vào lĩnh vực điện toán của Larry Tesler

    Tesler là một nhân vật nổi bật và thú vị trong lịch sử điện toán cá nhân. Ông là sự kết hợp hoàn hảo của văn hóa hippie và văn hóa high-tech - những thứ đã giúp tạo nên công ty Apple mà chúng ta biết đến ngày nay.

    Sinh ra ở New York vào năm 1945, Tesler học ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford. Có một thời gian ông từng làm việc tại Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo Stanford. Trong thập niên 1960, Tesler đã tham gia biểu tình phản đối chiến tranh và dạy học tại Đại học Free ở San Francisco. Một trong các lớp mà ông dạy, vào mùa thu năm 1968, là "How to End the IBM Monopoly" (Làm thế nào để chấm dứt sự độc quyền của IBM). Hầu hết những người tham gia lớp này đều là các nhân viên của IBM.

    Năm 1970, Tesler giúp sáng lập ra một nhóm hippie ở Oregon, trước khi được mời làm việc tại cơ sở R&D huyền thoại Xerox PARC. Người mời ông làm việc, Alan Kay, sau đó cũng gia nhập Apple.

    Tesler đam mê một thứ gọi là "điện toán không chế độ", có nghĩa là một loại hình điện toán trong đó người dùng không phải chuyển đổi liên tục giữa các trạng thái nhập liệu. Chiếc xe Dodge Valiant của ông có gắn một tấm biển số tùy biến với dòng chữ "NO MODES". Ông thường mang một chiếc áo thun với dòng chữ "Don't Mode Me In". Và tài khoản Twitter của ông là "@nomodes".

    Ông còn là người phát minh ra tính năng cắt, sao chép, và dán - một chuẩn mực trong giao diện máy tính ngày nay.

    Larry Tesler, cựu nhân viên Apple từng phát minh ra copy, paste, qua đời ở tuổi 74 - Ảnh 2.

    Gặp Steve Jobs

    Tesler nằm trong một nhóm gồm 3 nhân viên của PARC, những người được gặp Steve Jobs khi Apple đến thăm cơ sở vào cuối năm 1979. Chuyến thăm này là lần đầu Jobs được tiếp xúc với giao diện đồ họa người dùng, thứ sau đó được Apple giới thiệu đến người dùng đại chúng với chiếc máy tính Lisa, và Macintosh.

    "Bạn có thể thấy những ý tưởng chạy qua não Steve cực nhanh. Ông ấy có thể hình thành nên những mối liên kết ở tốc độ cao không tưởng" - Tesler từng nói vậy khi được phỏng vấn vào năm 2011.

    Jobs đã khiến Tesler bị ấn tượng. Ông đặc biệt thích thú bởi kiến thức sâu rộng của nhà đồng sáng lập Apple đối với mọi mặt của ngành công nghiệp máy tính. "Chúng tôi là những kẻ say mê công nghệ với đầu óc rất logic. Nhưng Steve còn biết về marketing, phân phối, tài chính - mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh mà bạn có thể nghĩ đến" - Tesler nói.

    Một thời gian ngắn sau chuyến thăm đó, Tesler nghỉ việc tại Xerox. Ông hăng hái gia nhập Apple, dù rằng công ty này chỉ là một startup tương đối mới vào thời điểm đó.

    Tesler gia nhập Apple như thế nào

    "Khá vui bởi Apple thực sự là lý do khiến tôi muốn rời Xerox, nhưng tôi chưa bao giờ nghiêm túc cân nhắc nó như một lựa chọn nghề nghiệp cả. Dù rằng tôi khá ấn tượng bởi những người đến dự buổi demo của PARX, tôi vẫn nghĩ về họ chủ yếu như một công ty máy tính làm vì sở thích. Không phải tôi không hứng thú làm việc cho họ, nhưng tôi cũng không nghĩ rằng 'Tôi phải đến và làm việc cho Apple'".

    Dẫu vậy, Tesler cũng đã bắt đầu công việc tại Apple vào ngày 15/7/1980. "Apple mới chỉ có vài tòa nhà [ở thời điểm đó]" - ông nói. "Tại Xerox, tôi sẽ phải đặt lịch hẹn với Phó chủ tịch, và cuộc hẹn đó sẽ diễn ra trong từ 3 đến 6 tháng từ lúc đặt lịch... Không gì quyết định được. Ở Apple, tôi chỉ cần bước qua vài cánh cửa từ trên văn phòng của mình và nói chuyện với Steve Jobs. Nếu Steve không có ở đó, tôi sẽ nói chuyện với thư ký của ông ấy và có được cuộc hẹn với ông khoảng 4 tiếng sau đó,hoặc tôi sẽ tìm thấy ông ấy ở dưới sảnh. Đó đơn giản là một tình huống hoàn toàn khác xét về khả năng gặp gỡ mọi người và đưa ra quyết định".

    Tesler lần đầu làm việc trong dự án Lisa của Apple. Chiếc máy tính yểu mệnh này là cỗ máy Apple đầu tiên được trang bị một con chuột và giao diện đồ họa. Bởi Tesler trước đó từng làm việc với công nghệ tương tự ở PARC, ông là sự lựa chọn hiển nhiên cho nhóm này.

    Larry Tesler, cựu nhân viên Apple từng phát minh ra copy, paste, qua đời ở tuổi 74 - Ảnh 3.

    Larry Tesler và Steve Jobs

    Dù nhiều kỹ sư Lisa nhớ về Jobs như một kẻ gây rắc rối, Tesler thích thú bởi sự nhiệt tình của Jobs. Phần lớn là vậy. Một ngày nọ, Jobs đánh thức Tesler lúc 2 giờ sáng với một cuộc gọi về một vài chi tiết nhỏ của dự án.

    "Tôi không thể nhớ là ông ấy có xin lỗi vì gọi muộn hay không. Tôi như thấy tự hào vì được ông ấy gọi vào giờ đó. Nhưng tôi nghĩ điều đó hơi kỳ cục, và đã đề cập việc đó theo kiểu đùa giỡn với sếp mình vào ngày hôm sau. Hóa ra việc Steve làm là không đúng. Nhiều người từng có trải nghiệm tương tự, và họ đang ghi lại để kiện ông ấy" - Tesler nói.

    Cuối cùng Jobs bị đuổi khỏi nhóm Lisa. Ông sau đó đã gia nhập một nhóm các nhân viên chán ngán với công ty để phát triển một chiếc máy tính nhỏ gọi là Mac.

    Sau Lisa, Tesler làm việc trong nhiều dự án của Apple. Có lẽ đáng chú ý nhất trong số đó là Newton MessagePad. Giống như Lisa, Newton cũng là một thất bại đáng nhớ, dù rằng khi nhìn lại thì nó quả thực là một chiếc máy tính hết sức thú vị.

    Sau khi Tesler rời Apple

    Tesler rời Apple vào năm 1997. Có thời gian ông làm việc cho Amazon với chức danh Phó chủ tịch mảng trải nghiệm mua sắm. Sau đó, ông gia nhập Yahoo!, làm Phó chủ tịch mảng trải nghiệm người dùng và thiết kế. Trong thập kỷ qua, ông làm tự do với tư cách một nhà tư vấn công nghệ.

    Larry Tesler qua đời ngày 17/2/2020. Ông là một người đam mê nhiệt huyết với mong muốn mang lại khả năng tương tác tốt hơn giữa người với máy tính. Ông luôn rất hào phóng về thời gian, và là một người rất tốt bụng.

    Nếu có hứng thú khám phá cuộc đời Larry Tesler, bạn có thể tìm đọc cuốn sách của John Markoff với tiêu đề "What the Dormouse Said: How the Sixties Conterculture Shaped the Personal Computer Industry". Cuốn sách này nêu chi tiết quá trình phát triển ban đầu của máy tính cá nhân. Và Tesler đóng một vai trò lớn trong quá trình tiến hóa đó.

    Tham khảo: CultofMac

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày