Lật lại lịch sử: Học được gì từ nền kinh tế Mỹ tiền Thế chiến Thứ Hai để áp dụng vào cuộc chiến chống Covid-19
Đã có một số doanh nghiệp gấp rút sản xuất máy thở, khẩu trang, lá chắn mặt. Nhưng thời điểm hiện tại khác nhiều với động cơ thúc đẩy kinh tế hồi năm 1941.
Đối mặt với tình cảnh dịch Covid-19 lan khắp nước Mỹ, hãng ô tô Ford tuyên bố dừng dây chuyền sản xuất xe tải và xe SUV. Nhưng nhân lực nhà máy không dừng hoạt động và dây chuyền thì vẫn chạy: Ford đang hướng tới những dự án khác, với mục tiêu trợ giúp nước Mỹ trong thời buổi kinh tế khó khăn và ra tay đỡ gánh nặng cho ngành y tế.
Ford bắt tay với 3M để thiết kế mặt nạ thở từ những phần linh kiện trong kho, liên hệ với GE Healthcare để tăng cường sản xuất máy thở - công cụ thiết yếu trong cuộc chiến chống Covid-19. Bên cạnh đó, họ còn nhận về thiết kế lá chắn mặt của ba kỹ sư "chuyển ngành" để sản xuất hàng loạt.
Những hãng sản xuất ô tô khác cũng chung chí hướng với Ford. Elon Musk, CEO của Tesla đã đặt mua hơn 1.000 máy thở của Trung Quốc để cung cấp cho bệnh viện địa phương, kế hoạch lâu dài của họ là kết hợp sản xuất máy thở với Medtronic, trên dây chuyền của nhà máy gigafactory. General Motors (GM) đang giúp Ventec Life System tăng quy mô sản xuất máy thở, tìm thêm bất cứ cách nào có thể để giúp cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.
"Chúng tôi cố gắng làm nhanh nhất có thể", chủ tịch Bill Ford của Fod nói với CNBC. "Đây là những gì chúng tôi có thể làm khi cần". Lật lại lịch sử, ta cũng thấy hãng ô tô này đóng vai trò quan trọng trong dây chuyền sản xuất khí tài quân sự cho nước Mỹ trong Thế chiến Thứ Hai. Khi đạt tối đa công suất, Ford tạo ra được một chiếc máy bay ném bom B-24 mỗi 63 phút tại nhà máy Willow Run, đặt phía Tây Detroit.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống kẻ địch nhỏ tới mức mắt người không nhìn thấy thì phức tạp hơn xưa. Không dễ dàng gì để sản xuất được thiết bị phức tạp, yêu cầu cơ khí chính xác như máy thở; nói đi thì cũng phải nói lại, sản xuất máy bay ném bom thì cũng đâu có đơn giản.
Để chống lại quân Phát Xít, các nhà sản xuất Mỹ xây thêm nhà máy, huấn luyện thêm lực lượng công nhân khổng lồ, dừng mọi hoạt động bên lề để tập trung sản xuất các thiết bị tối quan trọng cho cuộc chiến. Công ty sản xuất đồ gia dụng chuyển sang làm súng máy, nhà xưởng may nội y cho ra sản phẩm lưới ngụy trang, cơ sở làm đường sá chuyển sang sản xuất tàu chiến, thành phần cấu tạo nên máy hút bụi được biến thành bộ phận của mặt nạ phòng độc.
Để chiến đấu với virus, ngành y Hoa Kỳ ngày nay không như ngành quân sự thời xưa, nhưng tình hình khiến họ cần thiết bị y tế hơn bao giờ hết. Chẳng khác gì chiến tranh, virus SARS-CoV-2 biến chuyển cuộc sống thường ngày của bao người. Nhà máy đóng cửa không phải vì nền kinh tế trì trệ, mà bởi người lao động phải giữ khoảng cách để không bị lây nhiễm chéo. Năm 1941, những gì nước Mỹ cần cho cuộc chiến nằm gọn trong khuôn khổ biên giới quốc gia, giờ đây dây chuyền sản xuất "hàng Mỹ" đã rải rác khắp thế giới.
Cái cách nền công nghiệp Mỹ vận động mọi nhà máy chuẩn bị cho cuộc chiến vô cùng đáng nể, cả về quy mô, tốc độ và kết quả thành công. Ngày nay, ngồi nhìn lại thời điểm quan trọng ấy trong Chiến tranh Thế giới xưa kia, ngành công nghiệp cũng rút ra được ít nhiều bài học.
Bài học đầu tiên, đáng tiếc là đã vô dụng ở thực tại: chuẩn bị kỹ càng từ trước. Trước sự kiện Trân Châu Cảng (7/8/1941) hơn một năm, Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Franklin D. Roosevelt đã hạ lệnh chuẩn bị khí giới và tuyển quân. Tính tới tháng Tư năm 1941, chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu ngành sản xuất ô tô - một trong những trọng tâm công nghiệp thời bấy giờ - sản xuất lượng động cơ máy bay, xe tăng, súng máy và nhiều công cụ khác trị giá 1,5 tỷ USD (khoảng 26,4 tỷ USD ngày nay). Tới khi Mỹ tuyên chiến bố tham gia Thế chiến, ngành công nghiệp ô tô đã trở thành một bánh răng mấu chốt trong dây chuyền cung ứng khí cụ cho tiền tuyến.
"Chúng ta chưa sẵn sàng chiến đấu vào tháng Mười hai năm 1941", nhà sử học lão thành Rob Citino cho hay. "Nhưng chúng tôi vẫn có thể chuẩn bị tham chiến kỹ càng hơn nhờ có Roosevelt hạ lệnh bắt đầu sản xuất vũ khí sớm".
Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt tuyên bố tham chiến.
Năm nay, chính quyền Hoa Kỳ đã mất nhiều tuần mông lung trong khi virus ngày một tới gần, và giờ đã quá muộn để chuẩn bị, đây đã là lúc phải đối phó. May mắn cho họ, đã có những công ty tham gia cuộc chiến chống virus. Ngoài các hãng ô tô, có Givenchy, Dior và hãng rượu Pernod Ricard - những doanh nghiệp có sử dụng cồn trong các sản phẩm của mình, đang làm nước sát khuẩn tay. Honeywell thuê thêm 500 nhân công để vận hành thêm dây chuyền sản xuất khẩu trang N95. Sản lượng khẩu trang của Prestige Ameritech tăng gấp 4 lần, lên tới 1 triệu khẩu trang/ngày. Amazon thuê thêm 100.000 nhân công để đáp ứng nhu cầu giao hàng tại nhà, kho của Amazon không nhập thêm gì ngoài nhu yếu phẩm.
Nhân viên nhà máy Ford đang lắp lá chắn mặt.
Những nỗ lực trên rất đáng kể, nhưng vẫn rải rác. Trong buổi phỏng vấn với CNBC, Bill Ford nói rằng tập đoàn của ông không nhận chỉ đạo từ Nhà Trắng, mà tự tìm cách giúp đỡ ở khía cạnh nào có thể.
Và đây là lúc bài học thứ hai hiện hữu: điểm mấu chốt là các bên phải biết phối hợp, và chỉ đạo phải tới từ chính quyền. Nhưng chính quyền Mỹ đã chậm chân.
Mà việc phối hợp giữa các doanh nghiệp cũng không đồng nhất, không như thời điểm 1941, Mỹ có Hội đồng Sản xuất Thời chiến của Ngành máy móc tự động, tập hợp sức sản xuất của 192 nhà máy vào nỗ lực chuẩn bị cho cuộc chiến, tối ưu hóa sức sản xuất của mọi cỗ máy họ có. Trong năm tuần sau thời điểm Mỹ tham chiến, chính quyền đưa ra số bản hợp đồng trị giá 3,5 tỷ USD (61,6 tỷ USD ngày nay) cho ngành công nghiệp ô tô, đồng thời hạ lệnh cấm sản xuất xe dân sự để tập trung vào sản xuất đạn dược.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng thúc ép các công ty chia sẻ tài sản sở hữu trí tuệ của mình, không để sức sản xuất sản phẩm bất kỳ nằm tập trung tại tập đoàn nào. Ví dụ như khi Boeing không thể đáp ứng lượng máy bay ném bom B-17 cần cho cuộc chiến, chính phủ đã thuê Lockheed tham gia sản xuất. Lockheed trả một khoản phí nhỏ để được phép sản xuất máy bay.
Trong Thế chiến thứ Hai, chính quyền Mỹ rót vốn xây nhà máy và là chủ sở hữu tài sản đó, thuê các công ty sử dụng chúng và mua lại toàn bộ sản phẩm đầu ra. Điều đó cho phép các công ty mở rộng mô hình kinh doanh mà không lo tới khoản hồi vốn, động thái này đảm bảo chính quyền có được thứ mình muốn và lúc nào mà họ muốn. Đó cũng là lý do tại sao Ford có được dây chuyền lắp ráp dài cả cây số tại Willow Run.
Nỗ lực hợp tác này là "nòng cốt của khả năng huy động lực lượng của Mỹ", nhà sử học Mark Wilson cho hay. Thay vì ngồi chờ quản lý các tập đoàn đưa ra cân nhắc xem kế hoạch này có lợi về mặt tài chính hay không, "chính quyền cứ lấy tiền đè vấn đề và trấn an doanh nghiệp rằng ‘đừng lo, chúng tôi sẽ đứng ra chịu rủi ro tài chính’".
Trong thời điểm hiện tại, không có những bản hợp đồng béo bở như thế từ phía chính phủ để thu hút doanh nghiệp, bởi vậy khi chuyển đổi dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp phải cân nhắc tới kế hoạch tài chính của công ty. Thời chiến, chính quyền Hoa Kỳ mời chào doanh nghiệp với biên lợi nhuận lên tới 8%. Có một câu chuyện vui xưa như thế này: nước Mỹ thắng trận là nhờ lòng yêu nước và con số "8%" béo bở.
Điểm mấu chốt để chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào mang tính toàn cầu - cả Thế chiến hay cuộc đấu tranh chống đại dịch Covid-19 - là tìm được phương pháp khích lệ để thúc đẩy mọi nỗ lực sản xuất đi đúng hướng.
Như sử gia Citino nói, là "là vừa làm việc tốt mà lại vừa làm rất tốt".
Tham khảo Wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4