Lên sao Hỏa chỉ là chuyện nhỏ, chinh phục Trung Quốc mới là thử thách khó khăn nhất của Elon Musk
Với những gì Tesla của tỷ phú Elon Musk đang trải nghiệm ở thị trường ô tô điện Trung Quốc, lên sao Hỏa dường như còn chưa khó nhằn bằng việc chinh phục quốc gia khó tính này.
Mới đây, Elon Musk đã công bố kế hoạch đưa người lên định cư ở sao Hỏa. Nhiều người cho rằng đây là kế hoạch viển vông của người đàn ông được mệnh danh “Iron Man” giữa đời thực. Thế nhưng, với những gì Tesla đang trải nghiệm ở thị trường ô tô điện Trung Quốc, lên sao Hỏa dường như còn chưa khó nhằn bằng việc chinh phục quốc gia khó tính này.
Theo EV-Sales, nhà sản xuất ô tô điện cao cấp ở California chỉ bán được vỏn vẹn 3.711 ô tô ở Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay. Ngay cả một nước nhỏ như Na Uy còn mua nhiều xe của Tesla hơn Trung Quốc trong năm ngoái.
Rõ ràng, thị phần của Tesla ở thị trường 1,8 triệu ô tô cao cấp của Trung Quốc chỉ là muối bỏ bể. Trung Quốc cũng là thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới. Doanh số bán sản phẩm này dự kiến chạm mốc 500.000 đơn vị trong năm nay.
Việc thì điều gì khiến Tesla có thành tích đáng thất vọng đến vậy? Chính là các rào cản từ phía Trung Quốc. Trung Quốc có tham vọng thống trị thị trường ô tô điện toàn cầu. Chính sách của Bắc Kinh được thiết kế để vô hiệu hóa các nhà sản xuất ô tô điện nước ngoài và ưu ái các công ty trong nước. Tesla chỉ đơn giản là nằm nhầm phe.
Các thương hiệu Trung Quốc do BYD và Chery dẫn đầu chiếm tới 98,5% doanh số ô tô điện ở nước này. Các công ty nước ngoài như Nissan Leaf và Tesla chỉ nắm vỏn vẹn 1,5% thị phần.
Chính xác thì các luật lệ bất công của Trung Quốc đã khiến công ty nước ngoài khốn đốn như thế nào? Để có câu trả lời rõ ràng hơn, hãy thử tưởng tượng cuộc gặp giữa giám đốc kinh doanh của Tesla ở Trung Quốc và các nhà chức trách nước này ở dưới đây. (Một cuộc hội thoại mà nhiều giám đốc nước ngoài hẳn đã từng trải nghiệm nhưng ít người muốn công khai).
Tesla: Chúng tôi muốn xuất khẩu Model S và Model X sang Trung Quốc.
Trung Quốc: Tốt thôi. Anh sẽ phải đóng thuế nhập khẩu 25%, cộng thêm thuế giá trị gia tăng 17%. Mà đừng quên đăng ký giấy phép nhập khẩu nhé. Việc này sẽ mất thời gian lắm đấy.
Tesla: Chính phủ Trung Quốc đang có chính sách trợ giá 15.000 USD cho mỗi ô tô điện. Chúng tôi có đủ điều kiện hưởng chính sách này như các công ty Trung Quốc không?
Trung Quốc: Không, vì anh xuất khẩu từ Mỹ mà.
Tesla: Chỉ trợ giá cho công ty Trung Quốc là vi phạm luật lệ thương mại toàn cầu rồi. Nếu không được trợ giá, giá Model S sau nhập khẩu sẽ gần bằng 120.000 USD đấy. Ở Mỹ, chúng tôi chỉ bán với giá 80.000 USD thôi.
Trung Quốc: Vậy thì các anh nên sản xuất ở Trung Quốc.
Tesla: Được, vậy chúng tôi phải làm thủ tục gì? Chúng tôi có thể xây nhà máy ở bất cứ đâu chứ?
Trung Quốc: Không. Trước hết, anh cần thành lập liên doanh với một công ty Trung Quốc. Đối tác Trung Quốc phải sở hữu cổ phần từ 50% trở lên.
Tesla: Chúng tôi không thể sở hữu hơn 50% cổ phần trong liên doanh á? Những công nghệ và bí quyết kinh doanh quý báu của chúng tôi thì sao?
Trung Quốc: Các đối tác Trung Quốc có toàn quyền tiếp cận công nghệ được triển khai trong liên doanh.
Tesla: Đợi đã, theo tôi biết thì BMW, Ford và Toyota đều không chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Họ có gì khác biệt?
Trung Quốc: Họ không sản xuất ô tô điện ở Trung Quốc. Và còn một điều nữa. Anh không thể dùng tên Tesla. Sản phẩm thuộc liên doanh ô tô điện phải dùng tên thương hiệu Trung Quốc. Tôi sẽ nhắc cho anh biết những tên đã dùng rồi nhé: Carely, Venucia, Zinoro, Ranz và Springo.
Tesla: Gì cơ? Carely và Venucia là những thương hiệu có thật sao? Tại sao chúng tôi không thể dùng tên Tesla? Điều này thật ngớ ngẩn.
Trung Quốc: Được thôi, nếu anh không chịu thì cứ tiếp tục xuất khẩu xe từ Mỹ đi.
Cuộc hội thoại trên đã cắt nghĩa tại sao Tesla lại khốn khổ như hiện nay. Xuất khẩu từ Mỹ và các hàng rào thuế quan sẽ khiến xe của Tesla trở nên đắt đỏ và không cạnh tranh được trên thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, sản xuất ở Trung Quốc sẽ khiến Tesla mất thương hiệu và công nghệ.
Tesla không phải là nạn nhân duy nhất. GM cũng đang chịu cảnh tương tự. “Bolt là một sản phẩm đột phá trong phân khúc ô tô điện. Nhưng chúng tôi không có kế hoạch sản xuất nó ở Trung Quốc”, Irene Shen, giám đốc truyền thông của GM ở Trung Quốc nói. “Chúng tôi đã ra mắt dòng xe Volt ở Trung Quốc vào năm 2011, nhưng sẽ không bán thế hệ Volt thứ hai ở đây”.
Niềm hy vọng duy nhất của Tesla là các quan chức ở Bắc Kinh sẽ nới lỏng luật lệ hiện tại. Điều này nghe có vẻ khó khăn nhưng không phải là hoàn toàn bất khả thi. Trong tháng 7 năm nay, Trung Quốc đã dỡ bỏ giới hạn sở hữu 50% đối với nhà sản xuất pin ô tô điện của nước ngoài. Trung Quốc buộc phải đưa ra nhượng bộ này vì công nghệ pin của họ vẫn tụt hậu so với Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu.
Nếu các rào cản ở thị trường Trung Quốc được gỡ bỏ, doanh số của Tesla có thể tăng lên 100.000 chiếc một năm. Đó là những gì Cadillac và Lexus làm được. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của thì tương lai. Còn hiện tại, Trung Quốc sẽ tiếp tục hành hạ Tesla dài dài.
Chắc hẳn Elon Musk sẽ cảm thấy mục tiêu chinh phục Sao Hỏa vẫn còn dễ thở chán so với việc làm hài lòng những cái đầu lạnh ở Trung Quốc.
Theo Trí Thức Trẻ/Cafebiz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming