LG, Samsung và HP vừa chứng minh rằng 2016 sẽ là năm tái sinh của smartphone
Năm 2016 sẽ là năm khó khăn nhất trong lịch sử smartphone từ trước tới nay, nhưng chính tình cảnh khó khăn đó đã thúc giục các công ty ra mắt những sản phẩm đột phá như LG G5 và HP Elite x3.
2016: "Chặn trên, chặn dưới"
Trong báo cáo tài chính quý 4/2015, Apple khẳng định doanh số iPhone sẽ bắt đầu suy giảm vào đầu 2016.
Thị trường di động của những năm qua đã chứng kiến 2 xu hướng rõ rệt: trên phân khúc cao cấp, Apple bám trụ vững chắc và thậm chí là thống trị (với 90% lợi nhuận) dù cho liên tục bị các đối thủ Samsung, LG, Sony tấn công mạnh mẽ; bên còn lại, các công ty, đặc biệt là các nhà sản xuất Trung Quốc, liên tục phá giá bằng cách tung ra những chiếc smartphone có cấu hình cao giá rẻ.
Thế nhưng, năm 2015 lại kết thúc với tin buồn cho cả 2 xu hướng của ngành sản xuất smartphone. Xiaomi, tên tuổi tiên phong cho trào lưu "cấu hình cao, giá rẻ" chỉ đạt tổng sản lượng 70 triệu máy trong năm, thấp hơn 10 triệu máy so với mục tiêu 80 triệu máy đề ra và 30 triệu máy so với con số dự đoán ban đầu. Ở phía ngược lại, Apple dù đạt kỷ lục doanh thu trong quý 4/2015 nhưng vẫn đưa ra khẳng định rằng quý 1/2016 sẽ là quý đầu tiên doanh số iPhone lao dốc trong toàn bộ lịch sử của cả dòng smartphone này.
Cuộc đua về giá cũng bắt đầu mất đi sức hấp dẫn: kết thúc 2015, Xiaomi kém 10 triệu máy so với mục tiêu doanh số đầu năm.
Thực tế, tình cảnh của ngày hôm nay không phải là không thể đoán trước. Sau nhiều năm tăng trưởng nóng, các thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã bắt đầu bão hòa cả trên phân khúc giá rẻ lẫn phân khúc cao cấp. Chiếc smartphone của ngày hôm nay cũng đã bắt đầu rơi vào tình cảnh của chiếc laptop 10 năm trước và chiếc tablet của 2 năm trước: chất lượng tốt tới mức… người dùng không còn muốn nâng cấp nữa. Tính riêng trên Android, cuộc đua cấu hình nhàm chán đã giết chết cảm giác hồi hộp, phấn khích của người dùng: ví dụ, trước khi G5 ra mắt thì người ta đã biết rằng mẫu LG đầu bảng mới có chip Snapdragon 820, 4GB RAM, màn hình 2K… "Nếu tôi đến đây để nói về những con số này thì các bạn sẽ thấy nhàm chán", ông Ramchan Woo, giám đốc định hướng của LG khẳng định.
Đứng trước tình cảnh đó, các hãng sản xuất sẽ buộc phải tìm ra định hướng phát triển mới để thu hút người dùng bỏ tiền mua những chiếc smartphone khác biệt hẳn so với những chiếc smartphone cũ – vốn gần như chưa có thay đổi cách mạng nào từ khi Steve Jobs vén màn iPhone vào năm 2007.
Hãy cùng điểm qua những xu hướng mới được thiết lập với niềm hy vọng rằng năm 2016 sẽ là năm chiếc smartphone được tái sinh.
LG G5: Chiếc smartphone có thiết kế module đầu tiên!
LG G5.
Trong bối cảnh Galaxy S7 không mang tới nhiều thay đổi, G5 đã trở thành chiếc smartphone đình đám nhất tại MWC 2016. Khi chuyển sang sử dụng chất liệu kim loại, LG đã thiết kế cho G5 phần thân dưới tách rời để giữ lại 2 tính năng tối cần thiết của các dòng Android đầu bảng: pin rời và thẻ nhớ microSD. Đáng chú ý hơn, cùng với thiết kế này, LG đã mang tới một bất ngờ vô cùng thú vị: G5 có thể mở rộng tính năng bằng cách gắn thêm phụ kiện qua khay phía dưới.
2 phụ kiện đầu tiên mà LG ra mắt cho G5 đã thể hiện điểm hấp dẫn của thiết kế mới: tay cầm camera Cam Plus và chip DAC Hi-Fi Plus. Trong khi Cam Plus tập trung vào cải thiện trải nghiệm bằng cách gia tăng dung lượng pin, thêm một vài nút bấm vật lý cho camera cũng như tăng mức độ bám tay khi chụp ảnh thì module Hi-Fi Plus lại trang bị cho chiếc smartphone này một khả năng nằm ngoài giới hạn của phần cứng tích hợp sẵn trong điện thoại: âm thanh chất lượng cao. Thông thường, các chip DAC/amp sẽ có chất lượng tỉ lệ thuận với kích cỡ vật lý, và bởi vậy nên chất lượng âm thanh trên những chiếc smartphone cỡ nhỏ (bao gồm cả LG V10) thường sẽ kém cạnh so với các bộ DAC/amp rời. Nói cách khác, thiết kế của G5 cho phép chiếc smartphone này vượt qua giới hạn vật lý của kiểu dáng sản phẩm.
"Những người bạn" là điểm hấp dẫn chính của G5.
Bạn có thể nghĩ rằng tính năng mở rộng ở đây là khá hạn chế, nhưng hãy nhớ rằng G5 là một chiếc điện thoại hoàn thiện, đã đi vào sản xuất hàng loạt chứ không "kẹt" lại ở khâu nghiên cứu như Project Ara và Phonebloks. Trong tương lai, sẽ là không có gì bất ngờ khi các hãng sản xuất khác học theo LG để ra mắt một chiếc smartphone module của riêng mình và thậm chí là gia tăng thêm khả năng tùy biến, ví dụ như camera 3D hoặc bộ nhớ RAM chẳng hạn.
Galaxy S7 và Gear VR: Đưa thực tại ảo đến tất cả mọi người
Các thông tin rò rỉ cho rằng Galaxy S7 và S7 edge sẽ không có nhiều khác biệt so với thế hệ tiền nhiệm, nhưng điều ít người để ý thấy là chiếc kính thực tại ảo Gear VR mới là trọng tâm của thiệp mời được Samsung gửi đi. Trong khuôn khổ sự kiện ra mắt Galaxy S7, Samsung cũng đã giới thiệu một vị khách đặc biệt: Mark Zuckerberg. Trên sân khấu Unpacked, Mark Zuckerberg khẳng định sức mạnh phần cứng của Samsung cho phép phần mềm Facebook mang đến trải nghiệm VR cho tất cả mọi người, trong đó tính năng màn hình OLED ("Loại màn hình duy nhất có khả năng hiển thị nhanh hơn mắt của con người") và khả năng sản xuất diện rộng của công ty Hàn Quốc được nhà sáng lập của Facebook đặc biệt nhấn mạnh.
Với tuyên bố "Gear VR là nền tảng VR di động tốt nhất", Mark Zuckerberg cho biết Facebook hiện đã thành lập hẳn một đội kỹ sư chuyên tập trung vào phát triển trải nghiệm "VR xã hội". Định nghĩa về "VR xã hội" như thế nào chưa được làm rõ, song chắc chắn đây sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác so với trải nghiệm VR dành cho game hiện đang được công ty con Oculus của Facebook theo đuổi với chiếc kính Rift. Một trong những ví dụ được Zuckerberg kể đến là khả năng lưu lại và đăng tải những đoạn video 360 độ để đưa người xem thực sự chìm vào khoảnh khắc gốc. Theo tuyên bố của ngày hôm qua, Facebook sẽ chính thức hỗ trợ khả năng quay và phát video 360 độ trực tiếp trên mạng xã hội này lên chiếc Gear VR của Samsung.
Vào hơn 1 tháng nữa, Oculus sẽ ra mắt sản phẩm hoàn thiện của riêng mình, nhưng cả chiếc Oculus Rift lẫn các sản phẩm tương tự như HTC Vive hay Sony Project Morpheus đều sẽ có giá đắt hơn Gear VR nhiều lần. Tất cả các đơn hàng đặt trước Galaxy S7 và Galaxy S7 edge đều sẽ đi kèm một chiếc Gear VR miễn phí, mà mức giá của chiếc kính này hiện tại cũng đã được giảm xuống còn 100 USD, tức làm nằm trong tầm với của tất cả mọi người.
Trong khi Mark Zuckerberg cũng thừa nhận Samsung và Oculus/Facebook còn rất nhiều điều phải làm để hoàn thiện công nghệ VR, quyết định lựa chọn Gear VR làm một trong những điểm nhấn dành cho trải nghiệm Galaxy của năm nay cũng cho thấy quyết tâm của công ty Hàn Quốc trong hành trình chinh phục lĩnh vực thực tại ảo đang "gây sốt" hiện nay. ARM mới đây đã đưa ra tuyên bố rằng đồ họa di động chắc chắn ẽ bắt kịp đồ họa game console, giúp tạo ra những trải nghiệm VR đồng nhất không phân biệt nền tảng. Điều này sẽ xảy ra vào năm sau, nhưng ngay từ bây giờ thì Samsung đã xác định được vai trò chính cho những chiếc smartphone đầu bảng của mình: "bộ não" cho trải nghiệm thực tại ảo phổ thông của tương lai.
HP Elite x3: Hiện thực hóa ý tưởng thiết bị điện toán "tất cả trong 1" của Microsoft
Ý tưởng Continuum (trang bị khả năng hoạt động như PC cho smartphone) đã được Microsoft đưa ra từ lâu, nhưng phải đến khi HP ra mắt Elite x3 tại MWC năm nay thì người ta mới nhận ra được ý nghĩa to lớn mà Continuum mang lại, đặc biệt là trong môi trường doanh nghiệp.
Dù được trang bị cấu hình rất mạnh mẽ (Snapdragon 820, màn hình QHD 6 inch, bộ nhớ 64GB hỗ trợ thẻ nhớ tối đa… 2TB) nhưng điểm thu hút lớn nhất của Elite x3 cũng không phải là sức mạnh xử lý mà là phụ kiện. Với Elite x3, HP đã ra mắt một bộ Desk Dock và một bộ "dock laptop" có tên Mobile Extender. Trong khi Desk Dock hoàn thành đúng nhiệm vụ của mình khi mở rộng thêm cổng USB-C, DisplayPort và Ethernet để biến Elite x3 thì Mobile Extender lại gây chú ý hơn cả khi mang ngoại hình y hệt như một chiếc laptop thông thường nhưng lại chỉ có thể hoạt động khi kết nối với Elite x3. Khi đã được kết nối không dây, phần thân màn hình và bàn phím của Mobile Extender sẽ biến thành một chiếc PC Windows để bạn có thể sử dụng cho các công việc văn phòng.
Elite x3 không phải là sản phẩm cho người tiêu dùng phổ thông mà tập trung vào nhóm doanh nghiệp. Với tầm nhìn này, Elite x3 có thể giúp cho khối thị trường này tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư mà vẫn giúp đem lại khả năng làm việc đầy đủ, dễ tùy biến. Đây cũng chính là lời giải dành cho Microsoft và Windows 10 Mobile khi mảng Windows desktop vẫn độc tôn thị trường doanh nghiệp còn Windows di động thì ngày càng gặp nhiều khó khăn trên thị trường người tiêu dùng. Sau đòn công phá mạnh mẽ của Elite x3, sẽ là không có gì bất ngờ khi các đối tác phần cứng của Microsoft tiếp tục xây dựng những chiếc smartphone có trọng tâm là Continuum để đưa tầm nhìn thiết bị điện toán "tất cả trong 1" thành hiện thực.
Kết luận
Sau khi cả Xiaomi và Apple cùng tuyên bố sẽ gặp khó trong năm 2016, nhiều người đã lên tiếng khẳng định rằng smartphone sẽ sớm rơi vào tình cảnh trì trệ, nhàm chán như laptop và tablet. Thế nhưng, những sản phẩm mới ra mắt tại MWC mà đặc biệt là chiếc LG G5 và HP Elite x3 đã cho thấy các nhà sản xuất smartphone vẫn chưa đi đến tận cùng của sự sáng tạo. Bất kể những trào lưu mới nổi tại MWC năm nay có thực sự thành công hay không, hãy cùng chờ đợi một năm "tái sinh" của chiếc smartphone đã từng một lần thay đổi cuộc sống của bạn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming