Liên tục mất ngủ, điểm số giảm sút, bị cô lập với bạn bè và chính bản thân: TikTok đang trở thành "cơn ác mộng" khiến tâm lý giới trẻ hao mòn?
Loạt thuật toán gây nghiện của TikTok đang khiến những vấn đề tâm lý đến gần với giới trẻ hơn bao giờ hết.
Jerome Yankey (23 tuổi) cho biết cậu từng nhiều lần thức trắng đêm khi còn học đại học. Tuy nhiên, không phải để làm bài tập hay tiệc tùng mà để lướt TikTok.
"Tôi thấy mình không còn nỗ lực cho cuộc sống của chính mình, thay vào đó chỉ quan tâm đến những video lướt trước mắt. Tôi bị mất ngủ, điểm số thì giảm sút, thậm chí là không còn liên lạc với bạn bè và đánh mất chính bản thân mình."- cậu chia sẻ.
Vào năm 2021, Jerome đã quyết định xóa bỏ ứng dụng TikTok và nhận ra được nhiều điều tích cực hơn trong cuộc sống: "Thật tuyệt khi có thể ngủ lại từ nửa đêm và dậy sớm để làm việc hiệu quả hơn dưới ánh mặt trời."
Hiểm họa "ăn mòn" tâm lý giới trẻ
Không chỉ với Jerome, tình trạng lướt TikTok hàng đêm vẫn là thói quen xấu của nhiều người trẻ, bất chấp những hiểm họa tiềm ẩn mà nó mang lại. Theo nhà lập pháp tại Mỹ, rất khó để cấm TikTok vì giờ đây, nó đã trở thành một phần trong văn hóa của nhiều người.
Mặc dù vậy, trong những tháng gần đây, TikTok vẫn phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng khi hàng loạt các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ hay các nước thuộc EU đã chính thức cấm nền tảng này tại quốc gia của họ. Nguyên nhân chính được đưa ra là do lo ngại về an ninh mạng, vấn đề bảo mật,...
Bên cạnh đó, các nhà lập pháp cũng đã xem xét kỹ lưỡng tác động mà ứng dụng video dạng ngắn có này có thể gây ra đối với người dùng, đặc biệt là với đối tượng người dùng ở độ tuổi vị thành niên.
Hạ nghị sĩ GOP Mike Gallagher, chủ tịch của một ủy ban thuộc Hạ viện, gần đây đã gọi TikTok là "fentanyl kỹ thuật số" ( fentanyl là một loại thuốc giảm đau, gây mê có thể gây hưng phấn nếu sử dụng quá liều) do nền tảng này bị cáo buộc có tác động tiêu cực đến người sử dụng mạng xã hội liên tục.
Bộ Tư pháp của bang Indiana trước đó cũng đã đệ trình hai vụ kiện chống lại TikTok vào tháng 12/2022, trong đó có một vụ kiện cáo buộc rằng nền tảng này dụ dỗ trẻ em sử dụng bằng cách tuyên bố rằng nó thân thiện với người dùng từ 13 đến 17 tuổi.
Một nghiên cứu từ nhóm phi lợi nhuận đã tuyên bố rằng TikTok có thuật toán hiển thị nội dung có hại tiềm ẩn liên quan đến tự tử và rối loạn ăn uống cho các thanh thiếu niên chỉ trong vòng vài phút sau khi họ tạo tài khoản.
TikTok không phải là nền tảng xã hội duy nhất được các nhà lập pháp và chuyên gia sức khỏe tâm thần xem xét kỹ lưỡng về tác động của nó đối với thanh thiếu niên. Các giám đốc điều hành hàng đầu của một số công ty, bao gồm cả TikTok, đã điều trần trước Quốc hội về vấn đề này.
Vào tháng 01/2023, Trường Công lập Seattle cũng đã kiện các công ty truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, Snapchat và YouTube với cáo buộc rằng các nền tảng này đã "gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên", khiến hệ thống trường học khó "hoàn thành sứ mệnh giáo dục của mình".
Thuật toán "gây nghiện" đáng lo ngại
Tiến sĩ Jean Twenge, một nhà tâm lý học, cho biết thuật toán của TikTok nói riêng là "rất phức tạp" và "vô cùng hấp dẫn" giúp thanh thiếu niên tương tác trên nền tảng này lâu hơn.
Hiện nay, TikTok đã tích lũy được hơn một tỷ người dùng toàn cầu. Theo nền tảng phân tích kỹ thuật số SensorTower, những người dùng này dành trung bình một tiếng rưỡi mỗi ngày cho ứng dụng TikTok vào năm ngoái, nhiều hơn bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào khác trên thế giới.
"Rất nhiều thanh thiếu niên mô tả trải nghiệm khi truy cập TikTok. Ban đầu, họ dự định chỉ dành 15 phút nhưng sau đó họ vô thức sử dụng thêm hai giờ hoặc hơn. Đó là vấn đề bởi vì khi một thiếu niên càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội thì khả năng họ mắc trầm cảm càng cao. Và điều đó đặc biệt đúng đối với những trường hợp sử dụng cực đoan." - Twenge nói.
Về phía TikTok, họ cho biết họ đã có các công cụ giúp người dùng đặt giới hạn thời gian họ sử dụng ứng dụng mỗi ngày. TikTok cũng tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ khác cho người dùng của mình, bao gồm việc lọc ra các video dành cho người trưởng thành hoặc video "có thể có vấn đề",...
Công ty cho biết từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2022, họ đã xóa 93,4% video về tự làm hại bản thân và tự tử khỏi ứng dụng trước khi chúng được xem. Tuy nhiên, những người dùng TikTok lại nói rằng đó không phải là video mà họ sẽ tương tác hay có thể hiện lên trang của họ.
Angelica Faustino (18 tuổi), sinh viên năm thứ hai tại Đại học Buffalo và là người thường lướt 3-4 giờ trên mạng xã hội TikTok, cho biết: "Những video được tuyển chọn kỹ càng và phù hợp với sở thích của bạn. Có rất nhiều video có nội dung về vóc dáng hoàn hảo và cũng có rất nhiều người khoe khoang những điều tốt đẹp mà bản thân có được trên TikTok. Những thứ đó thường rất khó đạt được".
Việc liên tục xem những video khoe sự giàu có, vóc dáng hay thậm chí là tinh thần tích cực với mọi chuyện tưởng chừng như là bình thường với người dùng. Tuy nhiên, đối với trẻ vị thành niên hoặc những người đang ở độ tuổi bắt đầu sự nghiệp, những video này có thể sẽ dễ dàng khiến họ rơi vào vòng xoáy so sánh hoặc ép bản thân theo một chuẩn mực không tưởng. Từ đó dẫn đến những vấn đề tâm lý do quá căng thẳng hoặc khiến họ khó có thể tập trung vào những giá trị đích thực của cuộc sống.
Mặc cho những ưu điểm mà TikTok đem lại như lan tỏa hành động đẹp, thúc đẩy sự sáng tạo hay giúp nhiều người thu lời từ việc bán hàng hoặc trở nên nổi tiếng,...việc không có sự kiểm soát gắt gao vẫn đang khiến TikTok trở thành một trong những nền tảng chứa đựng nhiều nội dung độc hại đối với người trẻ.
Nguồn: CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín