Liệu rằng ăn chay có giúp bạn sống lâu hơn?

    zknight,  

    Nhiều tranh cãi vẫn còn tồn tại trong giới khoa học.

    Từ trước đến nay, nhiều người trong số chúng ta vẫn tin rằng ăn chay và giảm ăn thịt là một cách để dưỡng sinh trường thọ. Tuy nhiên ở các nước phương đông, niềm tin này phần nhiều đến từ góc nhìn của tôn giáo và tâm linh. Liệu khoa học có đồng ý với điều đó?

    Bài viết dưới đây của Tiến sĩ James Brown, một Giáo sư Sinh học và khoa học Y sinh tại Đại học Aston, Vương Quốc Anh, sẽ giải thích cho bạn: Đâu là những điều mà các nhà khoa học ngày nay có thể nói về chế độ ăn chay và tuổi thọ con người? Đâu là những điều vẫn còn bỏ ngỏ?

     Liệu rằng ăn chay có giúp bạn sống trường thọ?

    Liệu rằng ăn chay có giúp bạn sống trường thọ?

    Độ dài cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào hai yếu tố chính: gen di truyền và môi trường sống. Trong đó, nghiên cứu thực hiện trên những cặp đôi song sinh giống hệt nhau chỉ ra rằng gen di truyền chỉ có vai trò quyết định khoảng 30%. Nghĩa là chúng ta vẫn còn 70% cơ hội để kéo dài tuổi thọ của mình bằng cách thay đổi những yếu tố thuộc về môi trường sống.

    Trong môi trường sống thì một trong những mảng lớn nhất là chế độ dinh dưỡng. Bắt đầu từ đó, nhiều nghiên cứu được tiến hành để chỉ ra những mối liên hệ giữa chế độ ăn và tuổi thọ. Ví dụ như khối lượng calo có liên quan thế nào đến việc duy trì cuộc sống lâu dài hơn.

    Nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng ăn chế độ ít calo có thể kéo dài tuổi thọ cho những sinh vật nhỏ bé. Thế tuy nhiên, những cơ chế mà hoạt động trên chuột chưa chắc đã đúng với con người.

    Bên cạnh khối lượng thức ăn thì việc lựa chọn loại thực phẩm cũng là một khía cạnh mà các nhà khoa học đặt mối quan tâm. Họ đặc biệt chú ý đến mối tương quan giữa tuổi thọ và lượng thịt mà một người nào đó tiêu thụ.

    Một nghiên cứu trên 100.000 người Mỹ trong 5 năm phát hiện ra rằng: Những người ăn chay ít có khả năng tử vong hơn - vì bất kể nguyên nhân nào – so với những người ăn thịt. Điều này đặc biệt đúng với nam giới.

    Một phân tích lớn khác trên tạp chí The American Journal of Clinical Nutrition, trong đó kết hợp hàng loạt nguồn dữ liệu từ nhiều nghiên cứu trước đây, cũng chỉ ra rằng chế độ ăn ít thịt liên quan chặt chẽ với tuổi thọ cao hơn. Người ăn ít thịt hơn thì nhận được nhiều lợi ích sức khỏe hơn so với người ăn nhiều thịt.

    Mặc dù vậy, không phải tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra một kết quả một chiều. Một số báo cáo chỉ ra rằng không có sự khác biệt đáng kể nào thể hiện trên tuổi thọ ở những nhóm người ăn thịt và ăn chay hoàn toàn. Điều này vẫn nhen nhóm lên những tranh cãi xung quanh việc: Liệu tất cả chúng ta có nên ăn ít thịt đi?

    Tạm gác lại vấn đề tuổi thọ, điều rõ ràng nhất mà các nhà khoa học có thể nói với chúng ta lúc này là gì? Đó là chế độ ăn không thịt giúp làm giảm nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường type 2, huyết áp cao và thậm chí là ung thư. Chế độ ăn chay, kiêng thêm sữa cũng có thể có nhiều lợi ích bảo vệ cơ thể hơn so với ăn chay tiêu chuẩn, chỉ kiêng thịt và cá.

    Tuy nhiên, liệu những điều này có thể khiến chúng ta tự tin nói rằng tránh ăn thịt sẽ giúp tăng tuổi thọ? Câu trả lời là: Chưa.

     Chúng ta chưa thể tự tin nói rằng giảm ăn thịt sẽ giúp tăng tuổi thọ

    Chúng ta chưa thể tự tin nói rằng giảm ăn thịt sẽ giúp tăng tuổi thọ

    Tại sao khoa học chưa thể đưa ra được kết luận?

    Vấn đề đầu tiên khiến những nghiên cứu về tuổi thọ khó đưa ra được kết luận là bởi vì con người sống lâu hơn hầu hết các loài sinh vật khác. Ví dụ như để hoàn thành một nghiên cứu lý tưởng nhất, bạn phải chờ đợi khoảng thời gian trong cả một đời người.

    Tất nhiên điều đó là bất khả thi. Bởi vậy, các nhà khoa học chỉ có thể sử dụng những nghiên cứu ngắn hạn hơn để khái quát hóa kết quả nhận được. Họ nhìn vào hồ sơ y tế được lưu trữ bởi các bệnh viện, tổ chức y tế hoặc tuyển tình nguyện viên để điều tra dữ liệu.

    Những dữ liệu này được theo dõi trong một khoảng thời gian nhất định, vài năm cho đến vài thập kỷ. Sau đó, chúng được sử dụng để làm đầu vào cho mô hình tính toán, nhằm tìm ra nhóm nào, ở độ tuổi trung bình nào dễ có nguy cơ tử vong nhất. Điều này trở thành cơ sở đáng tin cậy nhất để đưa ra kết luận liên quan đến tuổi thọ, bao gồm cả mối liên hệ giữa lượng thịt tiêu thụ.

    Bất kỳ ai cũng có thể chỉ ra vấn đề trong cách tiếp cận như vậy. Đầu tiên, giữa việc ăn thịt và cái chết sớm không có mối tương quan nhân quả thực sự mạnh. Cái chết sớm có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác, chứ không chỉ riêng việc ăn nhiều thịt. Ví dụ như người ăn chay thường là những người có ý thức súc khỏe hơn. Vì vậy mà họ tập luyện nhiều hơn, bỏ thuốc lá và ít uống rượu hơn. Đó mới là những nguyên nhân khiến họ sống lâu hơn?

    Nhiều nghiên cứu dinh dưỡng đã cố gắng tổ chức chặt chẽ hơn, bao gồm việc lựa chọn tình nguyện viên và theo dõi chế độ ăn của họ. Tuy nhiên, dù thế nào chúng ta vẫn sẽ tìm thấy những sai số. Những tình nguyện viên có xu hướng báo cáo ít hơn trong lượng calo tiêu thụ và tăng lượng thực phẩm lành mạnh. Nếu không dõi theo họ hàng ngày, hàng giờ trong suốt cuộc đời, thật khó để tự tin tuyệt đối để nói về kết quả nghiên cứu.

     Có thể những người ăn chay cũng tập thể dục nhiều hơn

    Có thể những người ăn chay cũng tập thể dục nhiều hơn

    Vậy cuối cùng thì liệu bạn có nên tránh ăn thịt và coi đó là một cách để dưỡng sinh trường thọ? Rõ ràng chìa khóa giúp bạn đi đến tuổi già một cách khỏe mạnh nằm 70% trong môi trường sống của chúng ta. Điều đó bao gồm cả những thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày.

    Từ những bằng chứng khoa học rõ ràng nhất hiện nay, một chế độ ăn không thịt dường như có thể làm việc theo một cách nào đó, gia tăng cơ hội phòng tránh bệnh tật cho bạn khi về già. Nhưng nó không có nghĩa là bạn chỉ cần ăn chay là có thể sống trường thọ. Điều này còn phải được đặt song song với nhiều thói quen lành mạnh khác, ví dụ như tập thể dục và bỏ thuốc lá.

    Tham khảo Theconversation

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ