Liệu tấm ảnh selfie vừa chụp có khiến vân tay bạn bị lộ cho toàn thế giới biết không? Hệ thống AI này sẽ cảnh báo bạn nếu điều đó xảy ra

    Dink,  

    Mỗi khu đăng một tấm ảnh lên mạng, bạn cần nghĩ tới việc bảo vệ những thông tin cá nhân của bản thân mình.

    Nhiều năm về trước, bạn đăng tải một tấm ảnh lên mạng, chẳng lo nghĩ gì về việc tấm ảnh được đăng kia liệu có thể nói lên được điều gì ngoài việc nhân vật chính trong ảnh vô cùng đẹp gái/xinh trai. Những năm trở lại đây, người ta đã lo lắng hơn về việc mình đưa những gì lên mạng Internet, liệu tấm ảnh kia có để lộ thông tin quý giá gì không: vấn đề bảo mật đã được quan tâm hơn nhiều, cho dù vẫn chưa thực sự rõ rệt.

    Nếu bây giờ, bạn có một trợ lý ảo có thể quét tấm ảnh của bạn trước khi đăng nó lên, báo cho bạn biết liệu trong ảnh có yếu tố cá nhân gì nên giấu đi thì sao? Liệu nó có thay đổi cách chúng ta nhìn những bức ảnh mà mình đăng tải không?

    Có thể lắm. Hệ thống trí tuệ nhân tạo này sẽ thông báo cho người sử dụng khi đăng tải một thứ gì quá riêng tư lên mạng, ví dụ như khi bạn chẳng may đăng tấm ảnh có số thẻ tín dụng cá nhân hay lộ biển số xe. Nó có thể nhắc nhở bạn khi tấm ảnh selfie tưởng chừng như vô hại kia có thể nói lên địa chỉ nhà bạn, địa chỉ cơ quan bạn. Nó cũng có thể cảnh báo ta khi tấm ảnh mình chụp lộ rõ dấu vân tay hay có một hình xăm dễ nhận biết.

    Tóm lại, công cụ này sẽ cho ta thấy rõ những khía cạnh bảo mật ta chưa từng nghĩ tới khi lướt qua từng tấm ảnh trên Facebook, Snapchat, hay Instagram.

    Công cụ này không phải bước ra hoàn toàn từ khoa học viễn tưởng. Một bản báo cáo khoa học từ các nhà nghiên cứu tại Viện Tin học Max Planck từ Đức mô tả một “trợ lý hình ảnh bảo mật” như vậy, chúng có khả năng quét bức ảnh và đưa ra cảnh báo theo ba mức đỏ, vàng và xanh; dựa vào luật giao thông đã được học, chắc hẳn ta biết nên đăng ảnh vào lúc đèn có màu gì. Đây sẽ là một công cụ rất hữu hiệu trong thời đại này, khi mà chẳng có mấy người lo lắng về việc trong tấm ảnh chụp của mình có thể có yếu tố bất cẩn nào.

    Chìa khóa để họ có được hệ thống này là công nghệ deep learning, đóng vai trò huấn luyện một chương trình máy tính (hay còn gọi là “mạng lưới thần kinh – neural network) để tìm ra những khuôn mẫu nhất định trong những hình ảnh (ví dụ như một dãy số, một biển báo, một hình xăm, …). Bằng cách đó, nó sẽ có thể nhận dạng ra được những khuôn mẫu cũ trong những hình ảnh mới.

    Trước tiên, để có thể thực hiện huấn luyện hệ thống bằng deep learning, họ phải có một cơ sở dữ liệu lớn. Các nhà khoa học đã thu thập 10.000 hình ảnh với những khía cạnh riêng tư khác nhau như tôn giáo, nơi ở, hình xăm dễ nhận dạng, địa chỉ, màu tóc và nhiều hơn nữa.

    Để có thể tìm ra khía cạnh nào là quan trọng nhất, họ cho một nhóm 305 người thực hiện một bản khảo sát. Đầu tiên, họ hỏi những người tham gia khảo sát rằng họ cảm thấy mình bị xâm phạm ở mức độ nào khi bị chia sẻ một tấm ảnh liên quan tới mỗi khía cạnh bảo mật trong tổng cộng 68 thứ. Sau đó, họ được xem những tấm ảnh (nhưng không biết nó thuộc khía cạnh bảo mật nào), và được hỏi về việc họ có thoải mái nếu như chia sẻ những tấm ảnh tương tự với mình ở trong đó không.

    Về cơ bản, bài khảo sát này được sử dụng để tìm hiểu về giới hạn bảo mật cá nhân của mỗi người, sau đó so sánh nó với cách thức họ thực hiện điều đó như thế nào.

    Sau khi huấn luyện xong hệ thống máy tính với những nguồn khác nhau, các nhà nghiên cứu sử dụng một chương trình có thể nhìn vào một hình ảnh, đưa ra dự đoán về tiềm năng xâm phạm quyền riêng tư của trong bức ảnh đó. Có một điều thú vị nữa là các nhà nghiên cứu thấy rằng những người thực hiện bài khảo sát trên không phải lúc nào cũng làm đúng như những gì họ nghĩ, đó chính là lý do vì sao họ cho rằng hệ thống đang được phát triển này của họ lại vô cùng cần thiết.

    Tuy vậy, các tác giả của nghiên cứu và cũng của hệ thống trên nói rõ rằng chặng đường phát triển vẫn còn rất dài. Ví dụ, mặc dù mạng lưới xác định bảo mật trên rất giỏi phát hiện những biểu hiện xâm hại quyền riêng tư liên quan tới mặt mũi, tóc tai, ... của người trong ảnh cũng như cảnh nền (như văn phòng, bệnh viện, sân bay), nhưng nó lại không thể phân biệt được đâu là thẻ sinh viên và đâu là bằng lái xe hay thẻ tín dụng. Cũng như những khó khăn mà các hệ thống trí tuệ nhân tạo khác gặp phải, ta cần những phương pháp huấn luyện cụ thể với những vật thể “khó nhằn” này.

    Dù rằng hệ thống này vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, chẳng mấy nữa mà Siri/Cortana/Alexa/Bixby sẽ hỏi ta rằng “Bạn có nhắc muốn đăng tải tấm selfie kia không?”.

    Nghiên cứu trên đã được đăng tải tại arxiv.org.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ