Liều thuốc giải cho mối thù Qualcomm - Apple sẽ là thương vụ có giá lên tới 103 tỷ USD?
Trong khi tranh chấp với Apple đang đẩy Qualcomm vào tình thế hiểm nghèo, một liều thuốc giải không thể tốt hơn đang đến từ thương vụ bom tấn với Broadcom.
Mặc dù vẫn đang là người thống trị thị trường chip cho smartphone, nhưng Qualcomm đang phải trải qua một năm kinh doanh khó khăn nhất trong nhiều năm qua. Cuộc chiến pháp lý với Apple không chỉ gây thiệt hại về mặt doanh thu mà còn gây nguy hiểm đến mô hình kinh doanh đã biến Qualcomm trở thành một trong những nhà sản xuất chip thành công nhất như hiện nay.
Từ đầu năm cho đến nay, cổ phiếu của họ đã sụt giảm 16% giá trị, trong khi chỉ số của các hãng bán dẫn trên Philadelphia Semiconductor Index lại tăng 41% trong cùng thời gian đó. Theo báo cáo thu nhập mới nhất, lợi nhuận quý vừa qua của Qualcomm đã sụt giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân cũng là do việc tranh chấp với Apple.
Vấn đề giữa Apple và Qualcomm là phí bản quyền do nhà sản xuất chíp tính cho các bằng sáng chế vốn bao trùm lên những phần cơ bản trong cách hoạt động của hệ thống điện thoại di động. Apple cho rằng Qualcomm đang lợi dụng vị thế thống trị trên thị trường chíp để tính phí cao quá mức và bất hợp pháp. Theo nguồn tin của Bloomberg, để gia tăng áp lực lên Qualcomm, Apple đã dừng trả phí bản quyền và dự định loại bỏ chip Qualcomm trên các thiết bị của mình.
Trong khi đó, Qualcomm đã phản bác lại lập luận của Apple khi cho rằng, quả Táo đã nói dối các nhà quản lý để tìm cách bắt nạt đối thủ của mình khi tính phí ít đi. Họ cũng đã đệ đơn kiện nhằm cấm nhập khẩu iPhone vào Mỹ, đồng thời cấm bán và sản xuất iPhone ở Trung Quốc, thị trường điện thoại lớn nhất thế giới.
Liều thuốc giải cho căng thẳng gia tăng
Tuy nhiên, giữa lúc căng thẳng trong việc tranh chấp giữa Apple và Qualcomm đang lên đến đỉnh điểm, lại xuất hiện một liều thuốc có thể hòa giải xung đột giữa cả hai bên – cho dù nó có mức giá không hề rẻ.
Theo nguồn tin của Bloomberg từ một người thân cận với sự việc, CEO của Broadcom, ông Hock Tan đang cân nhắc một lời chào mua táo bạo trị giá 100 tỷ USD cho Qualcomm, nhằm xây dựng nên một công ty siêu khổng lồ thống trị thị trường chip không dây. Nếu thành hiện thực đây sẽ là thương vụ lớn nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn cho đến nay, bỏ xa thương vụ Dell chi ra 67 tỷ USD để thâu tóm EMC vào năm 2015.
Mua lại Qualcomm sẽ biến Broadcom trở thành nhà sản xuất chip lớn thứ ba trên thế giới, sau Intel Corp và Samsung Electronics Co., và biến công ty này trở thành người dẫn đầu trên thị trường những con chip được sử dụng trên hơn 1 tỷ chiếc smartphone được bán mỗi năm. Việc kết hợp giữa vị thế thống trị của Qualcomm trên những con chip kết nối mạng không dây với thế mạnh của Broadcom trên những con chip kết nối thiết bị vào mạng Wi-Fi sẽ tạo nên một người khổng lồ về chip kết nối không dây.
Không chỉ vậy, theo Stacy Rasgon, nhà phân tích của Sanford C. Bernstein & Co., việc thay đổi bộ máy quản lý sau khi sáp nhập với Broadcom có thể giúp giải quyết việc tranh chấp với Apple nhanh hơn, và vì vậy sẽ làm phí bản quyền và việc kinh doanh chip của Qualcomm trở nên giá trị hơn.
Rasgon cho biết. “Có thể họ sẽ có mối quan hệ tốt đẹp hơn với Apple, hoặc có thể họ sẽ sớm dàn xếp vụ tranh chấp này.”
Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi hiện tại Apple cũng là một trong những khách hàng lớn nhất của Broadcom, và bộ máy quản lý mới sẽ có vị thế tốt hơn khi dàn xếp. Ngoài ra, rõ ràng Broadcom cũng muốn sớm giải quyết tranh chấp này để tránh phát sinh thêm các chi phí pháp lý.
Sau khi thông tin về thương vụ bom tấn này được rò rỉ ra, cổ phiếu Qualcomm trên sàn chứng khoán New York đã tăng 19%, mức tăng lớn nhất trong ngày của công ty từ tháng Mười năm 2008 cho đến nay, đưa giá trị của công ty lên tới mức 91 tỷ USD khi đóng cửa. Cổ phiếu của Broadcom cũng tăng 5,5%, đưa giá trị thị trường của công ty lên tới mức 112 tỷ USD.
Tuy nhiên, một thương vụ bom tấn khổng lồ như vậy sẽ gặp phải các thách thức lớn về mặt tài chính. Hơn nữa, Broadcom có thể sẽ phải đối mặt với sự theo dõi chặt chẽ của các nhà hành pháp. Dựa trên doanh thu năm 2016, một công ty hợp nhất giữa hai hãng này sẽ trở thành nhà sản xuất chip lớn thứ ba trên thế giới, sau Intel và Samsung.
Không những vậy, họ còn kiểm soát một phần lớn chuỗi cung ứng cho các thành phần quan trọng của điện thoại như chip Wi-Fi và chip modem kết nối mạng. Hai công ty đều nằm trong top 10 nhà cung cấp chip hàng đầu của ngành công nghiệp đang trong xu thế hợp nhất nhanh chóng này.
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI