Lính bắn tỉa - Tác chiến, chiến lược và những con số thú vị

    PV, Trần Nam Sơn 

    Cùng tìm hiểu về một trong những vị trí nguy hiểm nhất của quân đội.

    Ngụy trang
     
    Nếu bạn từng nhìn thấy một tay súng bắn tỉa trên một bộ phim hay một chương trình thời sự, hẳn bạn sẽ không thể không để ý đến sự xuất hiện của một thứ nửa giống người, nửa giống cây đang di chuyển. Đó chính là những tay lính bắn tỉa trong bộ đồ ngụy trang. Mục đích của những bộ đồ này là giúp tay xạ thủ biến mất giữa vòng vây của quân địch.
     

     
    Về cơ bản, những bộ đồ ngụy trang này chỉ là những bộ quân phục cũ, đã được những tay xạ thủ chỉnh sửa lại cho hợp mục đích của mình. Thắt lưng được gia cố thêm một miếng vải bạt dày, giúp làm đệm lót cho phần bụng khi những tay xạ thủ này phải ở tư thế trườn bò hàng giờ, thậm chí hàng ngày. Vải ngụy trang được gắn vào quân phục. Thông thường, loại vải này được làm từ những miếng bao tải xe vụn, hoặc những vật liệu sợi xơ khác. Đồ ngụy trang thường được tô vẽ sao cho phù hợp với không gian quanh chiến trường: màu xảnh của cây cỏ, màu trắng của tuyết hay màu vàng của cát sa mạc... Một số chi tiết gia cố thêm như cành cây, dây leo thường được lấy ở chính tại địa điểm đó.
     
    Không một thứ gì trong tự nhiên có thể thẳng tuyệt đối, do đó những thứ như súng ống hay các loại ăng-ten có thể làm phá hỏng vị trí ngụy trang mà những tay xạ thủ đã dày công tạo dựng. Để đối phó với điều này, người lính bắn tỉa sẽ ngụy trang cho cho khẩu súng của mình tương tự như họ đã làm với bộ quân phục. Dùng vải trùm lên khẩu súng,tô vẽ sơn phết và rắc lên đó một ít cây cỏ- khẩu súng đã trở nên vô hình.
     
    Dạng cơ thể người là một trong những thứ dễ nhìn ra nhất trong thiên nhiên nhiên. Do đó, những tay lính bắn tỉa đã được đào tạo để chú ý tới từng màu sắc, từng đường viền một khi ngụy trang. Họ phải tạo được những bộ đồ ngụy trang xóa bỏ triệt để được từng đường nét trên cơ thể mình, và hòa mình vào không gian xung quanh. "Với một bộ đồ ngụy trang tốt" - viên cựu quân nhân giải thích, "những người ở cách đó một mét cũng không thể phát hiện ra bạn".
     
    Khả năng ngắm bắn
     
    Tất nhiên, khả năng thiện xạ là một trong những kỹ năng của tay xạ thủ mà nhiều người biết đến nhất. Khả năng nhắm bắn chính xác ở cự ly trên 1 km - ứng với khoảng cách của 10 sân vận động - không phải sinh ra đã có. Họ đã được tập luyện để trở thành những tay súng xuất sắc, với một nền kiến thức sâu rộng về đạn đạo học. Những thứ đó đã thực sự bám sâu và trong suy nghĩ và ý thức của họ.
     

     
    MOA (minute of angle) là đơn vị đo lường được các tay xạ thủ sử dụng để đo độ chính xác. Khoảng cách khai hỏa càng xa, độ chính xác càng giảm, do tác động của rất nhiều yếu tố tự nhiên. Về cơ bản, MOA đo độ chính xác của cú bắn, lấy tương đương từ khoảng cách họ khai hỏa: 1 inch (25mm) ứng với 100 yards (khoảng 900 mét). Tức là, với mỗi 1 cây số khoảng cách, độ chính xác của bạn giảm xuống 25mm.
     
    Hai yếu tố chính ảnh hưởng tới đường bay của viên đạn là gió và trọng lực. Khi tính toán khoảng cách đến mục tiêu, tay xạ thủ phải ước lượng được gió sẽ làm viên đạn bay chệch đi bao xa. Họ có thể dùng những dụng cụ chỉ điểm như khói hoặc thuốc lá để giúp đọc ra hướng gió. Thật ra, trong những cuộc "rình rập", sử dụng khói hoặc thuốc lá sẽ khiến bạn bị lộ nếu như không làm đúng cách, vì vậy, hầu hết sniper có những phương pháp riêng để đọc được hướng gió.
     
    Mặc dù lực đẩy của khẩu súng tỉa là rất lớn, đường bay của viên đạn vẫn chịu ảnh hưởng của trọng lực. Nếu bạn thả một viên đạn từ nòng súng rơi tự do cùng lúc với bạn bắn một viên khác - cả hai viên sẽ chạm đất cùng lúc. Để bù trừ lại điều này, mỗi khi nhắm bắn, tay xạ thủ thường để hồng tâm của mình chệch lên một chút so với mục tiêu.
     
    Nhiệt độ cũng ảnh hưởng không ít tới đường bay của viên đạn. Khí lạnh thường "đặc" hơn so với không khí nóng, do đó tạo nhiều lực cản hơn. Nói cách khác, viên đạn có thể "đâm xuyên" qua khí nóng. Nhưng khí nóng lại thường đi kèm với độ ẩm- và lại một yếu tố khác cần phải cân nhắc trước khi khai hỏa. "Với gió, nhiệt độ và độ ẩm - nếu bạn xét đến tất cả những điều đó, thật kinh ngạc nếu như có ai đó có thể bắn bách phát bách trúng" - trích lời viên cựu quân nhân.
     
    Kể cả trong những điều kiện lý tưởng, mục tiêu có thể ở những góc bắn rất khó, hoặc đang di chuyển. Tay xạ thủ đã được đào tạo để đối phó với những vấn đề này. Tay xạ thủ phải giữ được khoảng cách lý tưởng với độ chính xác cao nhất, và quan trọng là - ÍT BỊ PHÁT HIỆN NHẤT.
     
    Cần biết là, viên đạn bay nhanh hơn so với vận tốc âm thanh. Tuy nhiên, với vận tốc như vậy, viên đạn sẽ tạo ra ma sát với không khí, và do đó, tạo ra tiếng động. Do đó, cho dù mục tiêu không nghe thấy tiếng súng nổ, hắn vẫn có thể nghe thấy tiếng viên đạn vù vù bay tới. May mắn là, sau khi rời nòng súng khoảng 600 mét, viên đạn sẽ giảm tốc - xuống dưới tốc độ âm thanh. Do đó với khoảng cách dưới 600 mét, viên đạn bay đi sẽ hoàn toàn câm lặng. Thậm chí "Nếu bạn khai hỏa ở cự ly từ 800 đến trên 1000 mét, bạn có thể bắn mục tiêu cả ngày mà hắn vẫn không biết mình đang bị bắn."
     
    Xạ thủ dành nhiều thời gian để nghiên cứu về những điểm cơ bản của đạn đạo học, về ảnh hưởng của gió, tỷ trọng không khí và cả tá những yếu tố khác ảnh hưởng đến viên đạn. Nhưng cuối cùng, tất cả tập trung vào cái mà các tay xạ thủ gọi là "rounds down range" - tạm dịch: trường bắn. Đây chính là lớp học thực tiễn nhất của họ. Trên chiến trường, họ không có thời gian cho những giả thuyết. Những giờ học trên trường bắn giúp các tay xạ thủ học được những lý thuyết này thông qua cái gọi là "cảm giác".
     
    Khả năng quan sát
     
    Do nhiệm vụ chính của những tay lính bắn tỉa là trinh sát, do đó khả năng quan sát của họ phải thật hoàn hảo. USMC đã tạo nên một trò chơi đặc biệt giúp học viên nhanh chóng quan sát thấy mọi việc- KIMS game:
     
    "... họ đặt những vật dụng khác nhau trên bàn: một viên đạn, một mảnh giấy viết gì đó, nắp hộp, bút -- 10 đến 20 cái như thế. Bạn sẽ được tập trung lại và họ sẽ cho bạn khoảng một phút để quan sát. Và bạn phải quay về bàn và mô tả lại mọi thứ bạn thấy, ví dụ, "làm bằng bạc, dạng dây kim loại, cong hai đầu". Họ muốn rèn luyện khả năng quan sát thực của bạn, chứ không phải khả năng quan sát thông qua nhận thức hoặc hiểu biết."
     

     
    Trò chơi này sẽ được lặp đi lặp lại trong khóa đào tạo 2 tháng. Càng về sau, học viên càng được giao cho nhiều đồ vật hơn, ít thời gian hơn. Và để tăng thêm độ khó, khoảng thời gian từ lúc nhìn thấy đồ vật tới khi khi viết báo cáo được kéo dài hơn. Đến cuối khóa học, họ có thể được giao cho 25 đồ vật vào buổi sáng sớm, sau đó tập luyện cả ngày và được hỏi về 25 đồ vật này vào cuối ngày.
     
    Một trò chơi khác là với chiếc ống nhòm. Theo lời viên cựu quân nhân:
     
    "Thường thì họ sẽ giấu đồ vật ở đâu đó. Bạn sẽ có một khoảng thời gian nhất định để tìm ra chúng. Có thể là một phần của cái bút lộ ra trên bãi cỏ. Bạn sẽ phải nhìn vào mọi chỗ, mọi nơi, bạn biết đấy, đưa ống nhòm lên và tập trung vào đó trong vài phút, rồi lại chuyển qua chỗ khác, rồi lại tập trung quan sát trong vài phút. Về cơ bản, sau một thời gian, khả năng quan sát của bạn sẽ tiến bộ rõ rệt. Bạn sẽ quan sát thấy nhiều thứ mà những người bình thường sẽ chẳng bao giờ nhìn ra."
     
    Khả năng lẩn tránh
     
    Lẩn tránh là một trong những kỹ năng được mài dũa nhiều nhất trong tập luyện để giúp những tay xạ thủ trở nên gần như vô hình trước mắt quân địch. Họ phải học cách di chuyển chậm rãi, kiên nhẫn và có phương pháp. Khi cần, họ có thể nằm bất động trong nhiều ngày để quan sát mục tiêu hoặc để tránh bị phát hiện. Viên cựu quân nhân giải thích:
     
    "Khi bạn đang nằm bẹp dưới đất, bạn sẽ phải ngạc nhiên về những gì mình thấy lúc này. Ngay cả một ụ đất giờ đây cũng chẳng khác gì một quả núi. Bạn phải chọn vị trí -- điểm tiếp theo mà bạn sẽ bò đến. Bạn phải tự hỏi mình rằng, liệu vị trí đó che chắn được cho mình không, và mình sẽ tới đó như thế nào?"
     
    Để phát triển những kỹ năng này, người lính bắn tỉa phải trải qua một trong những trò chơi mang tính thử thách nhất -- "The Stalk"
     

     
    Trò chơi được tiến hành trên một bãi cỏ rộng. Học viên xuất phát ở một đầu, đầu kia, với khoảng cách khoảng 1 cây số là giáo viên ngồi trên tháp canh hoặc trên nóc xe tải, với ống ngắm. Học viên phải lét lún tiến đến sát giáo viên mà không bị phát hiện. Để tăng độ khó, hai tuần tra viên sẽ được thêm vào trò chơi. Họ sẽ liên lạc với các giáo viên thông qua radio và cố gắng tìm ra người học viên.
     
    Học viên phải vượt qua khoảng cách trên một cây số vào đến bán kính dưới 150 mét quanh giáo viên, tất nhiên, bằng mọi cách tránh bị phát hiện bởi giáo viên và những tay tuần tra. Khi đã vào vị trí, họ sẽ bắn (đạn giả), và họ phải rất cẩn thận với cú bắn này, vì nếu họng súng làm di động những ngọn cỏ, hay bắn tung bùn đất ở xung quanh -họ sẽ bị phát hiện. Sau phát bắn đầu tiên, những tay xạ thủ sẽ phải di chuyển đến vị trí thứ hai và tiếp tục nhắm vào người giáo viên còn lại. Để đảm bảo rằng tay súng tỉa thật sự nhắm bắn giáo viên, họ sẽ phải đọc số thẻ mà người giáo viên cầm trên tay, và người giáo viên cầm chiếc thẻ bằng mấy ngón. Trò chơi "The Stalk" là một dạng trò chơi qua hay trượt. Nếu tay súng tỉa bị tóm ở bất kỳ điểm nào, anh ta đã thất bại. Quá nhiều thất bại, anh ta sẽ được gửi trả về đơn vị.
     
    Tất nhiên, chương trình tập luyện này khác xa so với thực tế. Viên cựu quân nhân giải thích:
     
    "Trong thực tế, sẽ dễ hơn rất nhiều để tiếp cận mục tiêu. Trong khi với trò chơi này, bạn cần phải vào sát tay giáo viên với khoảng cách dưới 150 mét - trong thực tế sẽ chẳng bao giờ bạn cần phải tiếp cận đối tượng với khoảng cách gần đến vậy. Thực tế còn dễ hơn nhiều so với trò chơi này".
     
    Bất cứ lúc nào, bất cứ đâu, tay súng tỉa phải sẵn sàng sử dụng kỹ năng này để xâm nhập sâu vào những địa phận đầy rẫy nguy hiểm và loại bỏ quân địch dựa vào những phát đạn tử thần của mình. Khi được hỏi về việc ông ta thực sự muốn truyền tải điều gì với người đọc, viên cựu quân nhân trả lời:
     
    "Lính bắn tỉa không phải là sát thủ, bạn biết đấy, những đứa trẻ bây giờ luôn cho là vậy. Lính bắn tỉa sẽ không lẻn vào, ám sát, rồi đi ra. Phim ảnh thì như vậy. Thực tế cũng có thể như vậy, nhưng cực kỳ hiếm."
     
    Kế hoạch hành động
     
    Từ tiếp cận đối tượng đến khi thực hiện cú bắn, quy trình đó có thể được tóm lược đơn giản như sau:
     
    1. Nhóm bắn tỉa sử dụng bản đồ và ảnh chụp để tìm ra vị trí tốt nhất và đường đi đến vị trí đó.
     
    2.Di chuyển ( gần như tàng hình dưới mắt quân địch ) từ điểm đổ bộ đến vị trí được xác định.
     
    3.Thiết lập vị trí và ngụy trang
     
    4.Thiết lập đường rút lui và một vị trí tập trung khác trong trường hợp họ bị tách ra.
     
    5.Xác định mục tiêu
     
    6.Vào vị trí. Người lính bắn tỉa chọn vị trí cung cấp cho anh ta tầm bắn tốt nhất.Người quan sát sẽ nằm sát bên, hơi lùi một chút so với lính bắn tỉa. Người này sẽ đặt ống nhòm của mình sát với nòng súng càng gần càng tốt.
     
    7. Họ cùng làm việc với nhau để tính toán khoảng cách, hướng gió, góc độ và vô vàn những thứ phức tạp khác có thể ảnh hưởng đến cú bắn.
     
    8. Chờ đợi mục tiêu.
     
    Và cuối cùng "Bóp cò và rút khỏi đây thôi"
     

     
    Một ngày của lính bắn tỉa
     
    Đội bắn tỉa được mặc định như là một lực lượng hoạt động đặc biệt. Những người lính trong đội này luôn là những tay xuất sắc nhất trong binh chủng mà họ phục vụ. Chiến tranh, xung đột luôn xảy ở đâu đó trên thế giới, và lực lượng bắn tỉa luôn sẵn sàng góp mặt , kể cả khi đơn vị của anh ta chẳng hề có nhiệm vụ gì liên quan đến vụ xung đột đó. Vì vậy, một tay lính bắn tỉa phải luôn luyện tập và sẵn sàng để làm nhiệm vụ vào bất kỳ thời điểm nào.
     
    Theo lời của viên cựu quân nhân, "Thật sự chẳng có ngày bình thường nào cả. Nếu bạn đang làm nhiệm vụ, một ngày của bạn sẽ là di chuyển về phía đối tượng, băng rừng vượt núi để tới được nơi bạn cần tới. Hoặc đơn giản bạn sẽ chỉ nằm bẹp trong bụi cỏ và giám sát vị trí nào đó trong cả một ngày trời. Nếu bạn đang ở đơn vị đóng quân ư? Tiếp tục quay về tập luyện."
     
    Trước khi một nhiệm vụ được thực hiện, một kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ phải được vạch ra. Và tay lính bắn tỉa là một phần quan trọng trong kế hoạch này. Viên cựu quân nhân mô tả về quá trình trước khi tiến hành nhiệm vụ:
     
    "Bạn phải nắm được gì trong nhiệm vụ này -- mục đích của nó là gì, lệnh của chỉ huy ra sao, rằng ai sẽ làm gì, mọi người sẽ ở đâu, vào lúc nào. Và bạn phải nhớ nằm lòng tần số radio. KHÔNG ĐƯỢC PHÉP có bất kỳ ghi chép nào, vì nếu bạn bị quân địch tóm được, chúng sẽ có toàn bộ tần số, ám hiệu... của bạn. Bạn phải ghi nhớ được càng nhiều càng tốt. Địa điểm, địa hình, đường đi, cách tốt nhất để di chuyển đến đối tượng, mất bao lâu để di chuyển đến đối tượng- bởi vì đồng đội sẽ di chuyển ngay sau bạn, bạn cần phải ở đó trước mọi người."
     
    Bạn có biết?
     
    Kỷ lục về khoảng cách bắn tỉa hiện nay là 2.430 m bởi xạ thủ Rob Furlong người Canada, thuộc tiểu đoàn số ba lực lượng bộ binh nhẹ Canada trong cuộc tấn công Afghanistan, sử dụng súng trường McMilan 12,7 mm lên đạn bằng tay. Thời gian bay của viên đạn lên đến 4 giây, và tạo đường đạn cầu vồng cao đến 46 m. Xạ thủ tiêu diệt nhiều quân địch nhất là Simo Hayha người Phần Lan, với 705 sinh mạng địch trong Chiến tranh mùa đông năm 1939-1940 giữa Liên Xô và Phần Lan.
     
    Trong Cuộc chiến Iraq năm 2003, việc bắn tỉa đã được quân đội Mỹ và đồng minh thực hiện ở khoảng cách rất gần, đa phần là 200-400 m. Điều này là do hầu hết cuộc chiến Irag là chiến tranh trong đô thị - nơi có tầm nhìn rất hạn chế do sự cản trở của các công trình. Đáng lưu ý, ngày 3 tháng 4 năm 2004, đội xạ thủ Matt và Sam Hughes của Hải quân Hoàng gia Anh, (cả hai chiến binh) sử dụng súng trường bắn tỉa L96 đã tiêu diệu mục tiêu ở khoảng cách 860 m bằng cách bắn lệch về trái mục tiêu 17 m để viên đạn bay vòng theo hướng gió.
     
    Một số loại súng tỉa
     
    Nga:
     
    Dragunov SVD
     

     
    Ra đời từ những năm 50, cho tới nay khẩu súng này đã trải qua vô vàn những cải tiến. Là một trong số ít những loại có thể kết hợp được hai yếu tố: Tốc độ (có thể nhả ra tới 30 viên đạn trong 1 phút), và khoảng cách (khai hỏa chính xác ở cự ly lên đến trên 1km).
     
    Mosin-Nagant:
     

     
    Ra đời vào giữa thế chiến thứ 2, và nhanh chóng trở thành "Ông hoàng súng tỉa" của thời đó. Tuy rất nặng, do đó cực kỳ khó khi di chuyển trên chiến trường với nó nhưng độ chính xác đến từng mili mét đã làm nên tên tuổi của loại súng này. Thậm chí nhiều người còn cho rằng các tay xạ thủ của Đức Quốc Xã đã sử dụng những khẩu Mosin-Nagant trưng dụng được như là vũ khí chính của mình, chứ không phải là những khẩu Mauser 98K's ( 1 loại súng tỉa của Đức, cũng rất nổi tiếng vào thời đó).
     
    Mỹ
     
    M107
     

     
    Được đánh giá là một trong những khẩu súng có mức độ công phá hàng đầu trên thế giới cho đến nay. Sử dụng đầu đạn 50 caliber , với khả năng nhả đạn liên tục, những khẩu M107 này có thể dễ dàng xuyên thủng một tấm thép dày ở cự ly gần 1km.
     
    M24:
     

     
     Hiện là loại tiêu chuẩn đang được sử dụng trong quân đội Hoa Kỳ hiện nay. Khẩu súng với các tiêu chuẩn: tầm bắn, mức độ sát thương và độ chính xác đều được xếp vào hàng xuất sắc.
     
    Anh
     
    Nhắc đến những khẩu súng bắn tỉa của Anh, không thể nào không đề cập tới những khẩu AWM đã trở nên quen thuộc với các game thủ CS hay Đột kích. Với những ưu điểm vượt bậc bao gồm tính chính xác cực cao (do nòng dài nên có thể bắn chính xác ở cự ly khoảng trên dưới 1.5km), sức sát thương cực lớn nhờ vào lực xoắn của viên đạn ( khi vào bên trong mục tiêu thì đường kính phá hủy có thể lên đến 8-10cm), đồng thời tháo lắp rất dễ dàng. Nhược điểm duy nhất của loại súng này là trọng lượng khá lớn (gần 7kg).
     

     
    Đức
     
    H&K- PSG 1
     

     
    Ra đời vào năm 1972, khẩu súng này đã đáp ứng được nhu cầu của lực lượng quân đội Đức khi đó: tính chính xác cao, khả năng chứa đạn nhiều, sức sát thương cao. Mặc dù chưa được kiểm định, nhưng những khẩu H&K-PSG 1 được coi là những khẩu súng tỉa bán tự động có tính chính xác cao nhất hiện nay.
     
    Những cảnh phim ấn tượng về những sniper
     
    Ngoài đời thực, họ là những chiến binh thầm lặng. Vậy trên phim ảnh, họ đã được tạo dựng như thế nào? Hãy cùng chúng tôi điểm qua một số cảnh quay ấn tượng về những tay xạ thủ này 
     
    Smokin’ Aces (2007)
     

     
    Tay sát thủ hợp đồng Sharice Watters (Taraji P. Henson thủ vai) đã nhanh chóng hạ gục hơn 10 nhân viên FBI chỉ với 1 khẩu M82A1.
     
    Grosse Pointe Blank (1997)
     

     
    Ngắm bắn một mục tiêu di động là rất khó. Ngắm bắn một mục tiêu di động trên chiếc xe đạp thậm chí còn khó hơn. Ngắm bắn một mục tiêu di động trên xe đạp và hạ hắn xuyên qua một bức tường là điều không thể. Vậy bạn sẽ dùng từ gì để diễn tả cảnh quay này, khi tay xạ thủ John Cusack hạ gục một mục tiêu di đông trên xe đạp qua một bức tường TRONG KHI ĐANG NÓI CHUYỆN ĐIỆN THOẠI ?
     
    Shooter (2008)
     

     
    Một bộ phim nổi tiếng với nhân vật chính là tay xạ thủ Bob Lee Swagger. Trong một nhiệm vụ ở Ethiopia, khi phải đối đầu với hơn 100 quân nổi dậy được vũ trang, tay xạ thủ này đã hạ gục 70% trong số đó, chỉ với sự trợ giúp của tay quan sát viên. Mỗi cú bắn là một phát đạn hoàn hảo, nhưng với việc hạ gục 1 chiếc trực thăng bằng khẩu Barrett M82, anh ta thực sự đã làm nên một cảnh quay phi thường.
     
    Saving Private Ryan (1998)
     

     
    Binh nhì Daniel Jackson có lẽ không phải là một tay xạ thủ lý tưởng, vì anh ta thuận tay trái, hay bởi cái cách mà anh ta cầu nguyện mỗi khi ngắm bắn mục tiêu, nhưng tất cả những điều đó cũng không thể ngăn cản anh đã làm nên một trong những cảnh quay ngoạn mục nhất về những tay xạ thủ trên Hollywood. Khi phải đối đầu với một tay súng tỉa lão luyện của phía quân Đức Quốc Xã, tất cả đều chống lại anh: vị trí, gió, mưa nặng hạt, và cơ hội để cú bắn này thành công gần như là 0%. Nhưng tay xạ thủ này đã làm được điều phi thường ấy: Hạ gục đối phương ở khoảng cách 350 mét XUYÊN QUA ỐNG NGẮM của chính hắn.
     
    Enemy at the Gates (2001)
     

     
    Một bộ phim nổi tiếng về tay xạ thủ huyền thoại Vassili Zaisev. Nhưng hãy tạm quên đi vai diễn của Jude Law, vì cú bắn ấn tượng nhất trong phim xứng đáng thuộc về tay xạ thủ bên phía Đức Quốc Xã Major Konig (do Ed Harris thủ vai). Khi người đồng đội Koulikov (Ron Perlman thủ vai) nhảy qua khoảng không trên một tòa nhà đổ nát, Konig đã thực hiện một cú bắn ngoạn mục khi nhắm vào giữa lúc Kolikov đang ở trên không. Cảnh quay thêm phần ấn tượng khi khắc họa rõ nét vẻ mặt kinh hoàng của Kolikov khi viên đạn đi trúng đích.
     
    Thay lời kết, xin trích dẫn lời tay xạ thủ Bob Lee Swagger trong bộ phim Shooter: “..That's because best shots generally go places you wouldn't wanna have to go afterwards to confirm them”. Với những người chiến binh thầm lặng này, bài viết trên đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc chiến của họ. Những chiến tích của họ có lẽ chưa bao giờ, và sẽ chẳng bao giờ được nhắc tới. Đơn giản, vì họ là SNIPERS.
     
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ