Theo khảo sát vừa được IDG công bố, có 19% khách hàng cho biết không sử dụng Internet Banking do còn lo ngại mất an toàn bảo mật. Thực tế đòi hỏi các ngân hàng phải có đầu tư phù hợp để tạo lòng tin, thu hút khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số.
Nhiều người dùng chưa tin tưởng vào giao dịch Internet Banking |
Theo kết quả khảo sát được IDG công bố ngày 6/12 tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2017 qua thực hiện với 5300 khách hàng, số lượng tài khoản ngân hàng đang gia tăng mạnh tại Việt Nam.
Chỉ với 5300 khách hàng được khảo sát thì đã có hơn 10.000 tài khoản ngân hàng (xu hướng mỗi người dùng nhiều hơn 1 tài khoản ngân hàng). Cùng đó, số lượng người dùng Internet Banking chiếm đa số, sau là SMS Banking.
81% số người được khảo sát cho hay sử dụng Interet Banking thường xuyên tuy nhiên 19% cho biết không sử dụng Internet Banking do còn lo ngại mất an toàn bảo mật, tiền trong tài khoản không được đảm bảo.
Liên quan đến vấn đề này, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV nhấn mạnh thách thức về an ninh mạng rất lớn. Nếu khách hàng còn lo ngại không an toàn, họ sẽ không sử dụng các dịch vụ ngân hàng số.
Do đó trong chiến lược phát triển ngân hàng số, các ngân hàng cần đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng CNTT, gia tăng các giải pháp an ninh bảo mật.
Bên cạnh đó, phía khách hàng cũng cần ý thức bảo vệ chính bản thân, bảo vệ tài khoản trước các nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
"Và để nâng cao trải nghiệm sử dụng dịch vụ, hạ tầng truyền thông cũng phải tương đối ổn định để đảm bảo kết nối", ông Cấn Văn Lực nói.
Trao đổi thêm tại diễn đàn, ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc Công nghệ của CMC SI đánh giá: Thời gian qua các ngân hàng đã triển khai sử dụng nhiều giải pháp bảo mật của các tổ chức nổi tiếng thế giới để đảm bảo an toàn cho các giao dịch, tuy nhiên vấn đề tích hợp giữa các giải pháp ứng dụng còn nhiều khó khăn.
Thực tế đó đòi hỏi cần phải có giải pháp kết nối các hệ thống với nhau, kết nối từ các ứng dụng, firewall… để có thể tạo ra "bộ não" phân tích dữ liệu, cảnh báo bảo mật hiệu quả nhất.
Theo báo cáo của Microsoft, Kaspersky…, Việt Nam luôn nằm trong Top các nước bị tấn công mạng nhiều nhất, các cuộc tấn công nhằm vào hệ thống tài chính ngân hàng, cơ quan nhà nước...
Như thống kê của Kaspersky Lab quý I/2017, Việt Nam đứng đầu trong danh sách các nước có hệ thống bị tấn công trong hệ thống giám sát của ICS (71%). Trong quý II/2017, Việt Nam đứng thứ 14 trong danh sách các nước có nguy cơ bị tấn công online nhiều nhất (khoảng 22% người dùng bị mã độc tấn công) và đứng thứ 8 trong các nước có tỉ lệ tấn công từ nội bộ (46% lượng người dùng bị tấn công).
Trong thời gian qua, một số vụ việc liên quan đến tình trạng người dùng bị mất tiền trong tài khoản đã dấy lên hàng loạt lo ngại đối với người dùng dịch vụ ngân hàng.
Điển hình là hồi tháng 8/2016, tài khoản của một khách hàng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chỉ sau một đêm đã "bốc hơi" 500 triệu đồng. Đáng chú ý, các giao dịch được thực hiện qua Internet Banking nhưng trong thực tế khách hàng không hề nhận được tin nhắn thông báo mã OTP từ phía ngân hàng như giao dịch thông thường.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"
Không chỉ là một mô hình AI mới, sự ra đời của Gemini 2.0 còn được Google xem như là cột mốc chuyển giao sang thời đại của các "tác nhân AI".
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI