Lo xa sắm cả quạt ắc quy và quạt năng lượng mặt trời, đây là ưu nhược điểm thực tế mà tôi nhận ra sau 2 tuần trải nghiệm

    Hương.H - Webuy, Tổ Quốc 

    (Tổ Quốc) - Hai chiếc quạt này có cùng tầm giá, nhưng cá nhân tôi đánh giá quạt năng lượng mặt trời đáng mua hơn nhiều.

    Khoảng 2 tuần trước, khi tình trạng cắt điện ở miền Bắc vẫn diễn ra thường xuyên, gia đình tôi quyết định sắm thêm một chiếc quạt ắc quy và một chiếc quạt năng lượng mặt trời để phòng xa. Trước đó, nhà tôi đã có sẵn một chiếc quạt tích điện nhưng do nhân khẩu khá đông nên vẫn cần trang bị thêm. Và dưới đây là toàn bộ trải nghiệm thực tế của tôi sau 2 tuần sử dụng. 

    Quạt ắc quy - Giá: 1,4 triệu đồng

    Đây là dạng quạt cây nặng khoảng 2kg, đi kèm với bình ắc quy 12V và bộ sạc ắc quy, tổng chi phí cho combo này là 1,4 triệu đồng. So với phần lớn các loại quạt năng lượng mặt trời trên thị trường, quạt ắc quy được xếp vào dòng rẻ hơn. Hiện tại bạn có thể tìm mua quạt ắc quy với giá chỉ từ 600.000đ/chiếc. 

    Cách dùng của sản phẩm khá đơn giản, bạn chỉ cần kẹp quạt vào bình ắc quy mà không cần sử dụng bộ kích điện để chuyển đổi. Đèn trên ắc quy sẽ hiển thị màu đỏ khi đã sạc đầy. 

    Lo xa sắm cả quạt ắc quy và quạt năng lượng mặt trời, đây là ưu nhược điểm thực tế mà tôi nhận ra sau 2 tuần trải nghiệm - Ảnh 1.

    Quạt ắc quy có trọng lượng nhẹ và chạy khá êm.

    Do hoạt động bằng ắc quy và có cánh quạt lớn nên chiếc quạt này cho gió khá mát, không thua kém quạt điện thông thường và có sẵn tuốc năng. Bình ắc quy mất khoảng 6-8 tiếng là sạc đầy và có thể giúp quạt chạy tối đa 6 tiếng. Tuy nhiên, cũng chính vì sử dụng ắc quy để hoạt động nên loại quạt này cũng đi kèm khá nhiều nhược điểm. 

    Đầu tiên, chiếc quạt này chỉ có thể chạy bằng ắc quy, không có dây cắm trực tiếp vào ổ điện như quạt thông thường. Ắc quy có thể gây cháy nổ trong quá trình sạc, chưa kể do quạt sử dụng dây điện có đầu kẹp để cắm trực tiếp vào ắc quy nên có thể gây nguy hiểm cho những gia đình có người già, trẻ nhỏ hoặc nuôi chó mèo. 

    Lo xa sắm cả quạt ắc quy và quạt năng lượng mặt trời, đây là ưu nhược điểm thực tế mà tôi nhận ra sau 2 tuần trải nghiệm - Ảnh 2.

    Ban đầu nhà tôi định để quạt ở phòng khách (thông với bếp), nhưng do lũ mèo thường xuyên chạy nhảy ở khu vực này nên tôi đành phải để quạt trong phòng ngủ và đóng kín cửa.

    Ngoài ra, sau khi “mùa mất điện” kết thúc, chiếc quạt này và bình ắc quy ắt sẽ bị “xếp xó”. Đồng nghĩa với việc bình ắc quy sẽ bị bỏ không lâu ngày, dẫn đến hệ quả khó tránh là bị hư hỏng, sạc không vào điện. 

    Nhìn chung nếu có thể chọn lại, có lẽ tôi sẽ chuyển sang mua quạt tích điện thông thường để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ sản phẩm nhanh hư hỏng và phải thay mới tốn kém.

    Ưu điểm:

    - Sức gió mạnh

    - Cách sử dụng đơn giản

    - Thời gian chạy lâu

    - Giá bán thường rẻ hơn so với quạt năng lượng mặt trời cùng kích cỡ

    Nhược điểm:

    - Nguy hiểm khi nhà có người già, trẻ nhỏ, thú cưng

    - Ắc quy có thể gây cháy nổ trong quá trình sạc

    - Bình ắc quy để lâu không sử dụng sẽ dễ bị hư hỏng

    - Quạt phụ thuộc vào ắc quy, không thể cắm trực tiếp vào ổ điện và sử dụng

    Quạt năng lượng mặt trời - Giá: 1,35 triệu đồng

    So với quạt ắc quy, quạt năng lượng mặt trời thường có giá bán cao hơn (dao động từ 1,3 - 3 triệu đồng/chiếc). Chiếc nhà tôi mua có giá 1,35 triệu đồng. Tất nhiên, với mức giá này thì quạt có kích cỡ khá khiêm tốn, so với quạt ắc quy thì đường kính cánh quạt nhỏ hơn một nửa, sức gió cũng vì thế nên yếu hơn đôi chút.

    Lo xa sắm cả quạt ắc quy và quạt năng lượng mặt trời, đây là ưu nhược điểm thực tế mà tôi nhận ra sau 2 tuần trải nghiệm - Ảnh 3.
    Lo xa sắm cả quạt ắc quy và quạt năng lượng mặt trời, đây là ưu nhược điểm thực tế mà tôi nhận ra sau 2 tuần trải nghiệm - Ảnh 4.

    Quạt năng lượng mặt trời nhỏ hơn rõ rệt so với quạt ắc quy. Với kích cỡ nhỏ và trọng lượng nhẹ, chiếc quạt này rất dễ di chuyển và có thể đặt lên bàn hoặc để trên giường.

    Bù lại nhược điểm về mặt kích cỡ, tôi thấy chiếc quạt này đa năng hơn nhiều so với quạt ắc quy. Quạt có 12 cấp độ gió và có sẵn màn hình hiển thị dung lượng pin. Bên cạnh đó, sản phẩm còn có sẵn dây nguồn sạc 2 chân, có thể cắm vào ổ điện như quạt bình thường. Nghĩa là sau đợt mất điện cao điểm, tôi vẫn có thể sử dụng chiếc quạt này hàng ngày thay vì “bỏ xó” như quạt ắc quy. 

    Lo xa sắm cả quạt ắc quy và quạt năng lượng mặt trời, đây là ưu nhược điểm thực tế mà tôi nhận ra sau 2 tuần trải nghiệm - Ảnh 5.

    Quạt năng lượng mặt trời có sẵn dây nguồn nguồn sạc 2 chân như thế này

    Sản phẩm đi kèm một tấm pin mặt trời kích cỡ 40x60 cm với cổng ra DC. Đợt mất điện vừa rồi, tôi thử phơi tấm pin mặt trời ngoài ban công thì thấy dung lượng pin của quạt lên được tới 60% chỉ trong 2 tiếng. 

    Lúc di chuyển pin hơi cồng kềnh một chút, nhưng bù lại khi pin đầy, tôi có thể dùng quạt tới 5-6 tiếng và hoàn toàn không tốn thêm tiền điện. Tất nhiên trừ trường hợp mất điện vào đúng hôm trời mưa hoặc âm u, khi đó tấm pin mặt trời sẽ không sạc được hoặc sạc kém. 

    Chỉ có điều tuổi thọ của tấm pin mặt trời sẽ không quá dài, thường chỉ trong vài năm tùy tần suất sử dụng. Tuy nhiên nếu bỏ pin mặt trời đi thì quạt vẫn dùng được bình thường nên tính ra, tôi thấy đây vẫn là một sản phẩm đáng mua trong tầm giá hơn 1 triệu đồng. 

    Ưu điểm

    - Có thể điều chỉnh nhiều tốc độ gió khác nhau

    - Tiết kiệm điện

    - Có sẵn dây nguồn sạc 2 chân nên có thể sử dụng như quạt bình thường

    Nhược điểm

    - Giá cao hơn so với quạt ắc quy, quạt tích điện

    - Pin mặt trời không sạc được/sạc kém trong những ngày thời tiết xấu

    - Tuổi thọ pin mặt trời không quá dài

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ