Tệ hại hơn là Sony không nhận sửa máy đã bị "nhiễm gián".
Động vật gây hại đã gây ra cho con người bao nhiêu phiền toái từ thời xa xưa rồi, đâu phải ngẫu nhiên châu chấu trở thành một đại dịch bị người Ai Cập cổ đại dè chừng tới vậy. Rồi về sau, ta lại có chuột lan truyền bệnh dịch hạch, rồi muỗi lan truyền bệnh zika. Bây giờ lại thêm cả gián thường xuyên chui vào phá máy chơi game PS4.
Khi nghe tới vấn đề nhức nhối của giới game thủ này, bản thân tôi cũng bất ngờ như chàng phóng viên Kotaku này vậy. Khi anh đến cửa hiệu sửa chữa máy chơi game XCubicle tại Manhattan, anh chàng đồng chủ sở hữu nơi này – Patrick Che đã ngồi liệt kê ra những vấn đề mà họ thường xuyên gặp phải: “đút nhầm” xu vào khe chứa đĩa, máy 3DS gặp trục trặc phần mềm. Rồi anh Che chỉ tới một túi rác đen to đùng ở góc phòng và rằng, đây là “túi đựng gián”.
“Anh có nhìn thấy chỗ túi đó không?”, anh Patrick Che hỏi. “Mấy cái túi đó đầy gián. Giờ thì chúng chết cả rồi”. Hóa ra, việc gián rất thích phá hoại máy PS4 là một vấn đề cực kì nan giải và gai góc, tới mức tại XCubicle này, thợ sửa thu phí 25 USD cho cái thứ gọi là “phí diệt trừ gián”. Họ gặp những ca bệnh này ít nhất một tuần một lần và kinh hoàng hơn, số liệu tự thống kê cho thấy ít nhất nửa số PS4 mà họ nhận sửa chữa đầy gián.
Chính sách của Sony là không nhận sửa những thiết bị đã bị ảnh hưởng bởi côn trùng.
Trong những thành phố lớn, việc gặp gián cũng thường xuyên như cơm bữa giống gặp châu chấu ở ngoại thành vậy. Gián rất thích nơi tối tăm và ấm áp, hiển nhiên là những bộ trò chơi điện tử thường được cất vào hộc tủ, ngăn bàn để TV sẽ là những nơi trú ẩn hoàn hảo cho gián. Gián cũng chui vào Xbox One, nhưng số lượng PS4 được XCubicle nhận sửa cao hơn hẳn số Xbox. Một phần là do PS4 đang thịnh hành hơn, một phần là do máy PS4 là những “khách sạn” đầy đủ tiện nghi hơn.
Tại sao ư? Thiết kế của máy PS4 với những khe thông khí lớn khiến gián bò vào dễ hơn. Một phần nữa, theo các chuyên gia sữa chữa, thì nội thất PS4 nóng hơn Xbox. Điều đó không thực sự tốt cho một thiết bị điện tử nhưng lại hoàn hảo cho một bầy gián lúc nhúc tìm nơi trú ẩn giữa chốn đô thị xa hoa.
Đây không phải vấn đề nhỏ (kích cỡ túi đựng gián cũng chẳng vừa), chủ yếu là do Sony không nhận sửa chữa máy PS4 đầy gián của mình. Thay vào đó, trách nhiệm được đưa đến tay những thợ sửa độc lập trong những cửa hàng đồ điện tử vệ đường. Nhiệm vụ của họ chủ yếu sẽ là dọn phân gián dính trên nguồn điện của thiết bị.
Những chấm đen nhỏ kia là những vết cháy của gián, phân gián để lại trên phần cứng của máy.
Anh Matt Zieaminski, một nhân viên sửa chữa làm việc cho iFixit, nói rằng đa số khách hàng chẳng biết rằng thiết bị của mình đang trở thành tổ gián khi mang máy đến sửa. Máy PS4 của họ ngừng hoạt động và họ không biết tại sao, chỉ đơn giản vậy thôi. Khi vận hành máy, nguồn điện nướng gián lên và xác gián từ lớn tới bé cùng với những gì chúng thải ra sẽ dính vào phần cứng, khiến máy PS4 ngừng hoạt động.
Anh Zieminski biết ngay chiếc PS4 nào bị nhiễm gián bởi “những con gián để lại dấu vết” rõ rệt. Anh mô tả rằng phân của chúng có một màu rất đặc trưng và cũng có một mùi riêng biệt. “Chúng tôi biết ngay máy có bệnh gì nếu như có vết phân gián trên khe quạt – chúng tôi sẽ đoán ngay ra máy đã trở thành tổ gián”. Việc sửa chữa sẽ bao gồm việc thay thế nguồn điện, tháo dỡ và rửa các thành phần bằng một thiết bị siêu thanh.
Và làm thế nào để những game thủ có thể tránh được việc gián làm tổ trong thiết bị của mình bây giờ? Đầu tiên là hãy đặt máy ở chỗ thoáng, vừa để máy có thể “thở” lại vừa tránh được việc gián chui vào. Thứ hai, để máy ở trên cao cho gián khó trèo lên hơn (chúng có thể sẽ thấy mất công mà bỏ cuộc, đi tìm khách sạn khác). Thứ ba, tha thiết xin các bạn giữ nhà cửa sạch sẽ.
Tham khảo Kotaku
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"