Loại ớt cay nhất thế giới mang tên Hơi thở của rồng

    Lưu An,  

    Không phải tất cả các loại ớt đều có độ cay giống nhau và giống ớt mới mang tên Dragon’s Breath (tạm dịch: Hơi thở của rồng) có thể sẽ soán ngôi loại ớt cay nhất thế giới.

    Được phát triển bởi nhà làm vườn Mike Smith, loại quả màu đỏ cam với kích thước bằng móng tay này là sản phẩm ngẫu nhiên của một cuộc thử nghiệm tăng cường hiệu suất cây trồng do trường Đại học Nottingham Trent tiến hành.

    Smith cho biết loại cây “hung dữ” này cũng là giống ớt cay nhất hành tinh – cay gấp 1,5 lần so với loại ớt Carolina hiện đang giữ kỷ lục cay nhất thế giới. Tuy nhiên, dù cay đến “bốc hỏa” thì loại ớt này cũng không thể giết chết người.

    Smith đã kiểm tra giống ớt mới này và tuyên bố nó có 2,48 triệu đơn vị nhiệt trên thang Scoville (SHUs - Scoville Heat Units - lấy theo tên của nhà hóa học Mỹ Wilbur Scoville) – con số này có thể lập kỷ lục thế giới về nhiệt độ sau khi được xác nhận bởi Hội đồng Guinness.

    Scoville cũng là một thước đo nồng độ capsaicin, chất hóa học giải phóng cảm giác cay nóng mà mọi người cảm thấy khi cắn miếng ớt cay. Hơi thở của Rồng cay hơn cả giống ớt đang giữ kỷ lục hiện nay là Carolina Reaper, đạt trung bình 1,6 triệu đơn vị nhiệt Scoville, và hơi cay dùng trong quân đội Mỹ đạt mức 2 triệu trên thang Scoville.

    "Tôi đã thử một chút loại ớt này bằng đầu lưỡi và lưỡi tôi như bốc cháy. Tôi phải nhổ liên tục suốt 10 giây", Smith chia sẻ.

    Những loại ớt cay bất thường có thể gây ra tác động vượt quá tê liệt miệng. Khi ăn loại ớt này, cơ thể nổi lên những bọng chứa chất lỏng hay vết phồng rộp ở những nơi tiếp xúc với nồng độ cao capsaicin, bao gồm miệng và cổ họng. Những vết phồng rộp này giúp hấp thụ nhiệt của capsaicin.

    Một số giống ớt như Hơi thở của Rồng, cay tới mức chỗ phồng rộp không thể giải quyết hết nhiệt. Capsaicin thấm qua vết phồng rộp và tiếp tục kích hoạt thụ thể ở đầu dây thần kinh bên dưới, dẫn tới cảm giác bỏng rát cực đau đớn kéo dài ít nhất 20 phút.

    Đôi khi, ăn ớt cay có thể dẫn tới sốc phản vệ, bỏng nặng và thậm chí phong bế đường thở, dễ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

    Gần như ngay lập tức khi tiếp xúc với vị cay, bạn sẽ có cảm giác nóng, mặc dù thực tế cơ thể bạn không gia tăng nhiệt độ. Lời giải thích cho cảm giác nóng giả này là khả năng capsaicin bám vào các thụ thể đau được gọi là TRPV1 - thường chỉ được kích hoạt khi gặp nhiệt độ cao.

    Một khi các thụ thể nhạy nhiệt được kích hoạt, các dây thần kinh sẽ gửi tin nhắn cho não bộ và làm cho bạn cảm thấy như thể bạn đang quá gần một nguồn nhiệt, mặc dù không có sự thay đổi nhiệt độ trên thực tế.

    Đối với nhiều người, đặc biệt là những người không quen với thức ăn cay, quá nhiều capsaicin trong một món ăn có thể làm bộ máy tiêu hóa khó chịu. Như với mắt, miệng và mũi, capsaicin làm ruột tăng sản xuất chất nhầy.

    Capsaicin cũng có thể gây co thắt đường ruột mạnh hơn, cơ thể nỗ lực để thải những chất gây khó chịu này ra càng nhanh càng tốt. Và đôi khi nó có thể gây ra các cơ chế phòng vệ thái quá như tiêu chảy hoặc nôn mửa.

    Gia vị ớt được phổ biến trong nhiều món ăn trên toàn thế giới, nhưng trên thực tế capsaicin vẫn được xếp là một chất độc thần kinh. Nếu tiêu thụ Capsaicin với liều lượng lớn có thể gây co giật, đau tim, thậm chí tử vong.

    Mặc dù vậy, capsaicin có tác dụng giúp tăng tiết dịch vị, giúp tiêu hóa tốt hơn, ăn ngon miệng và tránh bị đầy hơi. Nghiên cứu sâu hơn, chuyên gia nhận thấy, capsaicin kích thích não bộ sản xuất ra chất endorphin, một hormone nội sinh có tác dụng giảm đau.

    Cùng với đó, trong não bộ người, cảm giác của sự thích thú đồ cay có tác động đến dopamine – hormone giúp hình thành nên động lực và sự thỏa mãn.

    Không những thế, capsaicin còn có tác dụng sát trùng, chống ôi thiu thực phẩm. Trước khi con người phát minh ra tủ lạnh, nhiệt độ cao là nguyên nhân chính khiến thực phẩm nhanh ôi thiu, hỏng. Nền nhiệt độ cao còn gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe của cư dân ở các vùng khí hậu nóng quanh năm.

    Trong một nghiên cứu năm 1998, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nhiều loại gia vị cũng có tác dụng bảo vệ, chống lại sự phát triển của vi khuẩn và nấm trên thực phẩm, ví dụ như vị mặn.

    Tuy nhiên chất capsaicin trong ớt đặc biệt có khả năng ức chế 75% sự phát triển của tất cả các vi khuẩn gây ôi thiu trong thực phẩm.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ