Những loài động vật cổ đại ở Madagascar rất kỳ dị. Chúng bao gồm những con ếch khổng lồ với hàm răng chắc khỏe có thể nhai cả khủng long con.
Đây là mẫu hóa thạch của một con "quái vật điên" sống ở Madagascar 66 triệu năm về trước. Nó được các nhà khoa học đặt tên là Adalatherium hui, loài thú đầu tiên và cũng là duy nhất trong chi này sống cùng thời với khủng long.
Mẫu vật hóa thạch được tìm thấy vào năm 1999, tại lưu vực Mahajanga phía tây bắc Madagascar, đã thách thức một giả định nổi tiếng trong cổ sinh vật học. Các nhà nghiên cứu trước đây đều cho rằng hầu hết các loài động vật có vú sống cùng khủng long phải có kích thước nhỏ như chuột.
Thế nhưng, con "quái vật điên" này đã nổi lên với kích thước lên tới 3kg, và thậm chí nó còn chưa đạt tới kích thước trưởng thành hoàn toàn. Phát hiện của này đã "uốn cong và thậm chí phá vỡ nhiều quy tắc", nhà nghiên cứu David Krause đến từ Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Denver cho biết.
Adalatherium hui khác hoàn toàn với những gì chúng ta từng thấy trước đây.
Để tìm hiểu về loài thú có một không hai này, chúng ta phải trở lại khoảng thời gian 66 triệu năm về trước, khi những con khủng long cuối cùng đang đi bộ trên Gondwana trước khi bị tuyệt chủng.
Gondwana là một siêu lục địa phía nam bán cầu thời cổ đại, sau đó tách ra thành Ấn Độ và châu Phi, với Madagascar là một hòn đảo biệt lập được chia tách ra từ đó. Toàn bộ các loài thú từng sống trên siêu lục địa Gondwana được các nhà khoa học gọi là gondwanatherian.
Các hóa thạch của những loài thú này tồn tại được đến nay rất vụn vặt, thường chỉ có các mảnh vỡ của răng, hàm và hộp sọ. Chúng cũng rất hiếm so với hóa thạch khủng long và các loài bò sát và lưỡng cư như ếch và cá sấu. Trong số hơn 20.000 hóa thạch được tìm thấy, chỉ có 12 hóa thạch của động vật có vú.
Hầu hết các loài thú có vú đều rất nhỏ bé. Chúng chỉ nhỏ tương đương những con chuột bây giờ, nặng chưa bằng một cỗ bài 100 gram. So với những loài động vật này, Adalatherium hui là một kẻ khổng lồ trong thế giới thú có vú trên Gondwana và Madagascar trong thời kỳ khủng long.
Các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy bộ xương gần như nguyên vẹn của nó từ một vết đứt gãy phía tây bắc Madagascar năm 1999. Nó còn giữ được gần như tất cả các cấu trúc xương đi từ mõm tới chóp đuôi, với cả các xương vừng nhỏ gắn vào gân.
Xương sườn của nó chứa mô mềm hóa thạch, cho thấy con vật vẫn còn sống trước khi nó bị chôn vùi trong dòng chảy của bùn. Ban đầu, không ai nghĩ rằng nó có thể là một loài thú có vú.
Nhưng các phân tích tỉ mỉ được thực hiện trong hơn 10 năm sau đó đã tiết lộ sự thật. Giải phẫu đã cho thấy Adalatherium hui chính là một con thú khổng lồ và nó rất kỳ lạ.
Tai của giống như những con thú lông nhím Echidna đẻ trứng, hiện vẫn còn sống ở Australia. Hai chân trước của chúng rất sát nhau, giống như chân mèo con. Trong khi, hai chi sau lại bè ra bắt chước dáng của một người đang ngồi xổm.
Nó có răng cửa phát triển. Và những chiếc răng nhọn giống như đến từ một sinh vật ngoài vũ trụ. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán với hình dáng bất thường này, Adalatherium hui là một loài thú ăn thực vật.
Các tác giả nghiên cứu cho biết cơ lưng của loài thú này rất khỏe. Nó có thể đã đi uốn cong lưng. Và đặc biệt là phần hộp sọ của loài thú này trông không giống ai, nó có một cái lỗ bí ẩn trên mõm, chưa từng được báo cáo trong bất kỳ nghiên cứu nào.
Về tập tính, Adalatherium hui có vẻ giống với một con lửng. Nó có lẽ đã sống chui rúc trong hang. Các nhà khoa học phát hiện dấu vết của những dây thần kinh dày đặc ở phần mõm của loài động vật này, biến nó thành một khu vực cực kỳ nhạy cảm - một đặc điểm thường thấy ở các loài động vật đào hang.
Và trước khi các loài động vật có vú chiếm được Trái Đất, có lẽ tất cả chúng đã đều phải trốn chạy khỏi những con khủng long khổng lồ - chưa kể các loài vật săn mồi khác. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi một loài thú lớn béo bở như Adalatherium hui phải đào hang để lẩn trốn.
Adalatherium hui là mẫu hóa thạch được bảo tồn tốt nhất từ Gondwana. Và với sự phát hiện này, nó lấp đầy được một khoảng trống của sự tiến hóa của động vật có vú xảy ra trong thời kỳ khủng long.
Cái tên "Adalatherium" được dịch từ tiếng Malagasy và tiếng Hy Lạp và có nghĩa là "con thú điên", và "hui" là đặt theo tên của cố nhà khoa học động vật có vú người Trung Quốc Yaoming Hu, người đã phát hiện ra hóa thạch.
Trước đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra khá nhiều loài động vật có vú cổ đại sống ở Bắc bán cầu, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, các hóa thạch ở phía nam của đường xích đạo thì rất hiếm.
Kích thước khổng lồ Adalatherium hui có thể đã được giải thích nhờ vào mảng kiến tạo Gondwana. Theo nghiên cứu địa chất, khi siêu lục địa Gondwana chia tách ra thành Ấn Độ và Châu Phi, nó đã bỏ lại Madagascar bị cô lập thành một hòn đảo ở giữa 88 triệu năm về trước.
Sự cô lập này đã khiến các sinh vật trên hòn đảo này hình thành một nhánh tiến hóa riêng biệt và mới lạ. Bằng chứng, ít nhất là ở ếch và thằn lằn hiện đại, cho thấy Madagascar có thể tích lũy các loài mới tiến hóa nhanh hơn môi trường sống ở đại lục.
Trên đảo, động vật có thể thích nghi với nguồn thức ăn mới. Động vật nhỏ phát triển lớn hơn. Động vật lớn thì lại teo nhỏ lại.
Những loài động vật cổ đại ở Madagascar rất kỳ dị. Chúng bao gồm những con ếch khổng lồ với hàm răng chắc khỏe có thể nhai cả khủng long con hoặc cá sấu mũi hếch ăn thực vật. Linh trưởng như vượn cáo ở Madagascar có thể tiến hóa thành 100 loài khác nhau. Bướm đêm ở đây có sải cánh rộng và lưỡi dài hơn để có thể hút mật hoa.
Khoảng 99% các loài động vật có xương sống ở Madagascar chỉ có mặt trên đảo này mà không xuất hiện ở các đại lục địa. Adalatherium hui là một trong số những động vật kỳ lạ đó. Và mặc dù nó đã bị tuyệt chủng cùng với khủng long sau một biến cố bí ẩn 66 triệu năm về trước, loài "quái vật điên" này vẫn là một minh chứng tuyệt vời cho sự kỳ lạ của Madagascar. Mọi thứ trên hòn đảo này từ trước đến nay đều kỳ quái.
Tham khảo Nytimes, BBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?