Từ "Vaccine" được hiểu như là một liều thuốc được đưa vào cơ thể để đẩy mạnh hệ miễn dịch trong cơ thể người bệnh và "vaccine chống ung thư" này không được làm ra để dùng cho người không bị ung thư.
*Bài viết của TS Nguyễn Hồng Vũ ban đầu được đăng tại đây trên Ruy Băng Tím, tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam.
Mấy hôm nay báo chí có đưa nhiều tin tức với nội dung "Mỹ đã nghiên cứu, bào chế thành công vaccine chống ung thư!". Loại vaccine chống ung thư này được miêu tả như một loại thần dược mới "Chỉ một mũi tiêm đã có thể khiến tất cả các tế bào ung thư trên cơ thể biến mất – đó không chỉ là ước mơ của những bệnh nhân ung thư và thân nhân họ mà cũng là của cả nhân loại." Nội dung của các thông tin trên là từ bài báo khoa học đình đám hồi đầu năm nay trên tạp chí danh giá Science Translational Medicine của nhóm Giáo Sư Levy ở trường Đại Học Stanford, California.
Mấy hôm nay Ruy Băng Tím cũng nhận được khá nhiều thắc mắc của các bạn là bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân về loại "vaccine chống ung thư" này. Do vậy bài viết hôm sẽ phân tích công trình nghiên cứu này để các bạn hiểu cặn kẽ hơn.
Trước tiên có mấy điểm sau nên được làm rõ:
- Đây là phương pháp điều trị ung thư không phải bằng hóa trị, cũng không phải bằng xạ trị mà bằng "kích hoạt hệ miễn dịch trong cơ thể".
- Từ "Vaccine" được hiểu như là một liều thuốc được đưa vào cơ thể để đẩy mạnh hệ miễn dịch trong cơ thể người bệnh và "vaccine chống ung thư" này không được làm ra để dùng cho người không bị ung thư. Tránh hiểu lầm với các kiểu vaccine uốn ván, thủy đậu mà chúng ta được chích lúc khỏe mạnh để phòng bệnh.
Mục tiêu chính của phương pháp miễn dịch trị liệu là làm sao cho tế bào miễn dịch (đặc biệt là tế bào T) nhận biết được tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Trong bài viết Nguồn gốc ung thư và vai trò của miễn dịch đã mô tả về nguồn gốc của ung thư là từ các đột biến ngẫu nhiên trong quá trình sống và vai trò quan trọng của hệ thống miễn dịch trong việc loại bỏ các tế bào có nhiều đột biến và thay đổi bất thường. Tuy nhiên thỉnh thoảng hệ miễn dịch của chúng ta vẫn thất bại trong việc tiêu diệt tế bào ung thư và các nhà khoa học trong lĩnh vực này đang tìm tòi nghiên cứu rõ hơn các cơ chế này để cải thiện nó, kích hoạt lại nó nhằm mục đích sử dụng miễn dịch như một trong những phương pháp điều trị ung thư đầy hứa hẹn.
1/ Vaccine chống ung thư này có thật là thần kỳ vậy không?
Câu trả lời là "có". Vaccine này đã đem lại kết quả rất mỹ mãn trên nhiều loại mô hình ung thư của chuột như: lymphôm, ung thư ruột, ung thư da và ung thư vú. Tỉ lệ thành công của liệu pháp là gần như tuyệt đối! Sự thành công của phương pháp này không những đạt được trên những mô hình ung thư cơ bản như cấy tế bào ung thư dưới da mà còn cho thấy hiệu quả trên mô hình ung thư phức tạp hơn như sử dụng chuột đột biến gene để khối u tự kích thích hình thành.
Hình 1: Mô hình ung thư trên chuột đột biến MMTV-PyMT. Đây là loại mô hình ung thư vú ác tính tự phát triển và gây nên di căn ở phổi. (Nguồn: bài báo khoa học Levy et al., 2018 Science Translational Medicine)
Nhóm hình A: Dãy hình trên: các con chuột được làm đối chứng (điều trị bằng giả dược). Dãy hình dưới: các con chuột được điều trị bằng phương pháp miễn dịch trị liệu CpG & Kháng thể anti OX40 (anti OX40 antibody).
Nhóm B: Số lượng các khối u di căn đến phổi của các con chuột trong nhóm giả dược (màu đen) và các các con chuột nhóm được điều trị (màu đỏ).
Nhóm C: Tỉ lệ sống sót của các con chuột ở nhóm giả dược và nhóm được điều trị, quan sát trong 25 tuần.
2/ Vaccine này bao gồm những thành phần nào?
Vaccine này gồm có 2 thành phần chính:
- Unmethylated CG–enriched oligodeoxynucleotide hay gọi tắt là CpG. Đây là một chất có khả năng gắn với thụ quang trong tế bào có tên là Toll-like receptor 9 (gọi tắt là TLR9). Việc gắn kết của chất CpG này lên thụ quang TLR9 sẽ đẩy mạnh sự hình thành một thụ quang khác tên là OX40 trên màng tế bào của tế bào miễn dịch T.
- Kháng thể Anti-OX40 (anti OX40 antibody): Đây là kháng thể có khả năng gắn kết đặc hiệu với thụ quang OX40 trên màng tế bào T ở trên để kích thích tế bào T này biệt hóa thành tế bào chống ung thư.
Hình 2: Mô tả thụ quan OX40 thể hiện trên màng tế bào miễn dịch T và được gắn kết với kháng thể anti OX40 (Nguồn: https://blog.crownbio.com/ )
3/ Phác đồ điều trị như thế nào?
Chích trực tiếp vào khối u tổng cộng 3 đợt và cách ngày. Liều lượng chích vào khối u là rất thấp so với các ứng dụng sử dụng các chất này trước đó do vậy không gây phản ứng phụ nào ảnh hưởng đến sức khỏe. Liều được sử dụng cho mỗi lần chích là 50 ug (microgram) đối với CpG và 4 ug đối với kháng thể anti OX40.
Hình 3: Phác đồ điều trị được sử dụng trong nghiên cứu trên chuột (Nguồn: bài báo khoa học Levy et al., 2018 Science Translational Medicine)
4/ Nguyên lý tác động của vaccine như thế nào?
Việc chích trực tiếp 2 thành phần trên trực tiếp vào một khối u bất kỳ trên cơ thể chuột đã giúp kích thích các tế bào miễn dịch trong khối u của chuột hoạt động. Các tế bào miễn dịch trong khối u này sẽ bắt đầu nhận biết tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Hơn nữa, các tế bào miễn dịch này còn tiếp tục lan rộng ảnh hưởng ra toàn cơ thể và tiêu diệt các tế bào ung thư di căn khác.
5/ Việc phát triển vaccine đang đi tới đâu?
Sau thành công mỹ mãn của nghiên cứu và được công bố trên tạp chí khoa học hàng đầu thì nghiên cứu đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (mã số thử nghiệm là NCT03410901). Các bạn có thể sử dụng mã số thử nghiệm để tìm và xem thêm chi tiết cụ thể trên trang web https://clinicaltrials.gov
Một số chi tiết nổi bật của thử nghiệm này như sau:
- Kế hoạch của thử nghiệm này làm trên 15 bệnh nhân lymphôm (Low-Grade B-Cell Non-Hodgkin Lymphomas).
- Kết hợp phương pháp miễn dịch trị liệu nói trên với xạ trị nhẹ tại chỗ (local low-dose radiation). Trong đó mục đích xạ trị nhẹ làm cho tế bào ung thư bị tổn thương để tế bào miễn dịch dễ nhận biết hơn.
- Phác đồ điều trị:
- Bệnh nhân được xạ trị vào ngày 1,2.
- CpG (SD-101) được chích vào khối u vào ngày 2, 9, 16, 23, and 30.
- Kháng thể anti-OX40 (BMS-986178) được truyền qua tĩnh mạch vào ngày 3, 30, 58, 86, 114 và 142.
- Sau quá trình điều trị bệnh nhân sẽ được theo dõi mỗi 3-6 tháng trong vòng 18 tháng.
- Thử nghiệm lâm sàng được ước tính sẽ hoàn thành vào ngày 9 tháng 10 năm 2020.
Kết luận
Với vai trò là những người đang nghiên cứu về ung thư thì chúng tôi đánh giá cao kết quả nghiên cứu này. Nó có thể là một bước tiến lớn trong việc sử dụng miễn dịch trị liệu trong điều trị ung thư. Nghiên cứu này nếu thành công sẽ hứa hẹn giảm chi phí điều trị, tăng sự an toàn và hiệu quả trong điều trị ung thư rất nhiều. Let’s HOPE.
Chịu trách nhiệm nội dung: TS Nguyễn Hồng Vũ
Tài liệu tham khảo
Sagiv-Barfi I, Czerwinski DK, Levy S, Alam IS, Mayer AT, Gambhir SS, Levy R, 2018. Eradication of spontaneous malignancy by local immunotherapy. Sci Transl Med. 10(426) pii: eaan4488. https://clinicaltrials.gov/
Ruy Băng Tím là tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, được thành lập vào ngày 12/12/2015 với sự tham gia của các bác sĩ ung bướu, các nhà khoa học nghiên cứu về ung thư trong và ngoài nước.
Ruy Băng Tím xây dựng một website khoa học đáng tin cậy, chuyên cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, khách quan về phòng ngừa và chữa trị ung thư. Các bài viết đều được các tác giả tra cứu kỹ lưỡng trước khi viết, có dẫn nguồn đầy đủ để người đọc có thể tham khảo. Website:ruybangtim.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?