Lối thoát duy nhất của Uber, Grab và Didi hóa ra lại phụ thuộc vào những gã khổng lồ như Google và Apple

    Lê Hoàng,  

    Loại bỏ được tài xế là loại bỏ được vấn đề cốt lõi nhất của mô hình chia sẻ hành trình/gọi xe trực tuyến hiện tại. Nhưng điều mà Uber, Didi Chuxing, Grab, Lyft và Ola chưa thể nhận ra là 3 gã khổng lồ công nghệ đình đám nhất đều có thể dấn chân vào lĩnh vực này một cách dễ dàng rồi "bóp chết" những kẻ tiên phong bằng... tiền mặt.

    Công thức kinh doanh của tất cả các dịch vụ chia sẻ hành trình/gọi xe trực tuyến đều có vấn đề. Đứng trong cảnh thua lỗ khủng khiếp từ tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác, những ông lớn này gặp phải thế tiến thoái lưỡng nan: không thể bắt người dùng trả giá quá cao mà cũng không thể tiếp tục ưu đãi cho các tài xế.

    May mắn là Uber và Didi Chuxing vẫn có thể tìm được lối ra trong một lĩnh vực đang bùng nổ: xe tự lái. Dưới sự thúc đẩy của gần như toàn bộ các gã khổng lồ công nghệ đình đám nhất thế giới, AI đang ngày một hứa hẹn sẽ thay thế con người sau vô lăng. Khi cuộc đại lật đổ này hoàn tất, các gã khổng lồ trong lĩnh vực chia sẻ hành trình sẽ không còn phải lo lắng về vô số những rắc rối liên quan đến con người nữa. Không còn phải bỏ tiền duy trì khâu kiểm tra lý lịch, không còn phải chịu scandal vì các lái xe không phải là nhân viên chính thức. Không còn phải chia sẻ doanh thu từ người dùng, không còn phải đối mặt với những cuộc biểu tình rầm rộ đòi tiền, đòi quyền lợi.

    Tất cả những gì Uber và Didi phải làm khi cuộc cách mạng xe tự lái hoàn tất là bỏ tiền ra bảo trì hệ thống lidar và tiếp tục nghiên cứu để cải thiện thuật toán tự lái. So với con số 80% tổng doanh thu đang phải chi trả cho các tài xế, xe tự lái rõ ràng là viễn cảnh đẹp nhất mà Uber và Didi có thể mơ tới.

    Nhưng đường đến viễn cảnh ấy sẽ không trải hoa hồng.

    Sống đủ lâu

    Không ai có thể phủ nhận rằng rằng các gã khổng lồ đã đưa xe tự lái tiến rất xa so với con người. Khi nhắc đến các hãng xe độc lập như Tesla và Volvo hay những ông lớn công nghệ như Google và NVIDIA, bạn đều có thể yên tâm rằng xe tự lái đang có mức độ an toàn cao hơn con người.

    Song, tỷ lệ tai nạn/quãng đường thấp hơn không có nghĩa rằng xe tự lái đã sẵn sàng. Chưa một quốc gia nào - kể cả Mỹ - đã hoàn thiện được một hệ thống pháp lý đủ chặt chẽ để đưa xe tự lái thực thụ (không đòi hỏi người lái lúc nào cũng phải đặt tay lên vô lăng) lên đường công cộng. Chưa một hãng xe nào đủ tự tin để khẳng định xe tự lái của mình không cần sự can thiệp của con người. Phần lớn các tên tuổi có liên quan đều dự tính sẽ phát hành xe tự lái thực thụ vào khoảng 2020. Chỉ riêng Tesla của Elon Musk là tự tin nhất với tuyên bố xe tự lái sẽ "sẵn sàng" ngay từ 2018.

    Nhưng Musk cũng nổi tiếng là... tự tin thái quá và hay trễ hẹn. Có thể nói rằng, mốc 2020 của Volvo (đối tác của Uber trong một chương trình xe tự lái giá 300 triệu USD), Nissan, Daimler, Honda và 2021 của Ford, BMW vẫn đang là khung thời gian khả quan nhất cho những chiếc xe tự lái thực thụ, không cần đến bàn tay của con người.

    Câu hỏi đặt ra là liệu Uber hay Didi có thể sống được đến thời điểm này? Chưa bàn tới tương lai, ngay từ bây giờ khoản tiền bị Uber và Didi Chuxing "đốt" mỗi năm cũng đã tương đương với lợi nhuận của Facebook! Mục tiêu xe tự lái có thể hơi xa vời, nhưng mục tiêu sống sót thì lúc nào cũng hiện hữu, lúc nào cũng cấp bách.

    Nỗi khiếp sợ tiền mặt

    Thực tế, ngay cả tham vọng xe tự lái về bản chất cũng chỉ là một cuộc đua tiền mặt dài hơi. Nghiên cứu xe tự lái vừa đòi hỏi những khoản tiền khổng lồ cho trang thiết bị và hạ tầng, lại vừa đòi hỏi nguồn nhân lực khan hiếm, đắt đỏ nhất thế giới: các thạc sĩ, tiến sĩ nghiên cứu AI, các nhà khoa học dữ liệu cũng là đối tượng được y tế, tài chính hay bất cứ một ngành nghề nào khác thèm muốn.

    Mà Apple, Google hay Microsoft thì lại có rất nhiều tiền. Gần đây nhất, Google tuyên bố nắm giữ gần 90 tỷ USD tiền mặt. Với Apple, con số này là... hơn 240 tỷ USD. Nói một cách ví von, kể cả có lỗ nặng như Uber thì Google vẫn có thể tồn tại thêm 30 năm, Apple 80 năm.

    Điều này có nghĩa rằng trong khi các công ty chia sẻ hành trình luôn phải tìm đường đến xe tự lái bằng cách mon men trên vực thẳm thì các gã khổng lồ công nghệ lại có thể thoải mái "đốt tiền" đến tương lai. Đây sẽ là một lợi thế khổng lồ trong một cuộc đua có đích đến vẫn còn quá mơ hồ.

    Chiến tranh tiêu hao

    Microsoft chưa nhảy vào cuộc đua xe tự lái, song xét tới lịch sử "thích thì làm" của gã khổng lồ phần mềm, không có gì là không thể. Apple thừa nhận có tham gia sản xuất công nghệ này nhưng chưa làm rõ chi tiết - có lẽ, Tim Cook sẽ chỉ dừng ở một bộ infotainment để bán cho các hãng xe.

    Riêng Google/Alphabet đã bộc lộ rõ ràng tham vọng xe tự lái thông qua Waymo. Google khẳng định sẽ không bao giờ tạo ra một chiếc xe hoàn hảo mà chỉ tập trung vào công nghệ có thể biến xe của bất cứ hãng xe nào thành xe tự lái.

    Những kẻ lạc quan có thể nghĩ rằng xu thế "chỉ tập trung vào công nghệ tự lái" của Google (và có lẽ là của Apple) sẽ chừa lại cho Uber, Didi, Grab và Lyft một con đường sống. Theo đúng mô hình "phân hóa chức năng" của thế giới công nghệ, các dịch vụ gọi xe hiện tại có thể chọn cách chỉ tập trung duy nhất vào xây dựng các ứng dụng gọi xe, các gã lớn công nghệ sẽ tập trung vào công nghệ tự lái còn các hãng xe sẽ sản xuất xe hơi.

    Nhưng làm gì có gã khổng lồ công nghệ nào không mang dã tâm độc địa. Cuối tháng 8, Google bất ngờ thêm tính năng gọi xe vào Maps.

    Cả Apple và Microsoft đều đang sở hữu khả năng tương tự như Google. Cả 3 đều có dịch vụ định tuyến và đều đang nắm trong tay thông tin chi trả của một lượng người dùng nhất định. Đây là cơ sở để 3 gã khổng lồ thống trị Thung lũng Silicon có thể lấn sân vào lĩnh vực cốt lõi của Uber, Didi, Grab và Lyft. Họ có đầy đủ vũ khí để chiếm lấy đường sống của các đàn em, trong số đó thứ vũ khí lợi hại nhất đương nhiên là... một đống tiền.

    Ở tình thế hiện tại, tất cả những gì Google cần làm chỉ là một cuộc chiến tiêu hao dài hơi. Vẫn là tranh giành nhân lực, vẫn là đầu tư hạ tầng, vẫn là vung tiền vào R&D... Đến khi các startup tiên phong của ride sharing/ride hailing chết vì lỗ, mở rộng từ thống trị công nghệ sang thống trị chia sẻ hành trình/gọi xe sẽ là quá dễ dàng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ