"Lùa gà" là gì mà hết Johnny Đặng, Khoa Pug lại đến ViruSs bị tố "lùa" nhà đầu tư?

    Huỳnh Duy, Theo Trí Thức Trẻ 

    "Lùa gà", một thuật ngữ quen thuộc trong cộng đồng những người giao dịch hay sử dụng tiền mã hoá, đã được một số dân tình gán cho Johnny Đặng, Khoa Pug và mới đây nhất là streamer ViruSs.

    Tại Việt Nam, từng có thời điểm nhiều băng nhóm lừa đảo sử dụng chiêu quảng bá cho các dự án tiền mã hóa bằng cách thuê các ngôi sao showbiz, cầu thủ hay hotgirl quảng cáo trên trang cá nhân để thu hút người chơi.

    Lùa gà là gì mà hết Johnny Đặng, Khoa Pug lại đến ViruSs bị tố lùa nhà đầu tư? - Ảnh 1.

    Hết Johnny Đặng, Khoa Pug lại đến ViruSs bị gán mác "lùa gà"

    Tuy nhiên hiện tại, chiêu dùng mạng xã hội để lan truyền sự giàu có, đăng tải những hình ảnh như một doanh nhân trẻ, thành đạt, mặc quần áo hàng hiệu, đi xe sang, nắm trong tay cả núi tiền… mới là chiêu lừa thu hút được không ít người lao vào.

    Hành động này hay còn được gọi là "lùa gà", một thuật ngữ quen thuộc trong cộng đồng những người giao dịch hay sử dụng tiền mã hoá.

    "Lùa gà" là gì?

    Để hiểu hết ý nghĩa của cụm từ "lùa gà", chúng ta hãy phân tích nghĩa của 2 từ là từ "Lùa" và từ "Gà". Lùa ở đây ám chỉ những nhà phát hành tạo ra một đồng coin/token, để PR, marketing cho dự án, những kẻ này sẽ tung tin rằng đồng coin này sẽ mang về lợi nhuận khủng để dụ dỗ nhà đầu tư hay còn gọi là "Gà".

    Lùa gà là gì mà hết Johnny Đặng, Khoa Pug lại đến ViruSs bị tố lùa nhà đầu tư? - Ảnh 2.

    Một chiêu "lùa gà" hay được những kẻ lừa đảo sử dụng

    Sau khi đã lùa đủ số gà mong muốn, người lùa sẽ biến mất một cách bí ẩn hoặc không còn chịu trách nhiệm hay bất kỳ những gì liên quan đến đồng tiền ảo đó nữa. Mục đích của việc lùa gà là nhằm trục lợi cho cá nhân và kích động lòng tham và lừa đảo nhà đầu tư.

    Để thu hút các nhà đầu tư "bơm tiền", những kẻ lừa đảo sẽ thường xuyên khoe tài khoản ngân hàng với số dư khủng cùng thông tin kiếm được số tiền này nhờ đầu tư vào coin/token nào đó. Những kẻ này cũng đồng thời hứa hẹn sẽ giúp các nhà đầu tư khác kiếm được số tiền khủng thông qua đầu tư vào dự án.

    Cao tay hơn, những kẻ này sẽ xây dựng mạng lưới với hàng loạt các nhà đầu tư được xây dựng cho một hình ảnh giàu có. Những người này có nhiệm vụ gọi mời những người muốn đầu tư ít nhưng sinh lời nhiều.

    Nói tóm lại, dù có vô vàn thủ đoạn khác nhau, nhưng cốt yếu những chiêu "lùa gà" vẫn là đánh vào lòng tham của con người.

    Tại sao hết Johnny Đặng, Khoa Pug lại đến ViruSs bị gán mác "lùa gà"?

    Hiện Khoa Pug và Johnny Đặng đã "đường ai nấy đi". Tuy nhiên, những phát ngôn và hành động trước đó của cả 2 từng bị dân tình đặt nghi vấn là "lùa gà" cho dự án tiền ảo Diamond Boyz Coin (DBZ) mà "ông vua kim hoàn" phát triển.

    Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 6-10, Khoa Pug đã từng rất thân thiết với Johnny Đặng. Trong các video (hiện đã xoá), Johhny Đặng và Khoa Pug từng nhiều lần đề cập đến đồng DBZ. Thậm chí, trong một lần đi chơi, Khoa Pug "khoe" mình đã sở hữu 10 triệu đồng DBZ với giá trị cả tỷ đồng. Sau khi các video của Khoa Pug được đăng tải, giá trị của đồng DBZ có thời điểm đã lập đỉnh mới 0,14 USD vào ngày 29/9, trước khi tụt dần đều và có lúc chạm đáy 0,06 USD vào ngày 5/10.

    Lùa gà là gì mà hết Johnny Đặng, Khoa Pug lại đến ViruSs bị tố lùa nhà đầu tư? - Ảnh 4.

    Khoa Pug và Johnny Đặng từng bị dân tình đặt nghi vấn là "lùa gà" cho dự án tiền ảo Diamond Boyz Coin (DBZ) mà "ông vua kim hoàn" phát triển

    Điều này khiến cho Khoa Pug rơi vào tâm bão chỉ trích vì bị nghi "lùa gà" cho dự án tiền ảo của Johhny Đặng. Vì thế, trong đăng tải ngày 7/10, Khoa Pug đã phải phân trần, giải thích rằng mình chỉ ủng hộ Johnny Đặng và để duy trì mối quan hệ nếu có mất 10 tỷ đồng cũng không sao.

    Khoa Pug cũng liên tục nhấn mạnh việc mình không ủng hộ, kêu gọi hoặc rủ rê mọi người đầu tư vào tiền ảo nói chung và DBZ nói riêng. "Tiền của mình là của mình, lời ăn lỗ chịu", Khoa Pug khẳng định.

    Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư thì Diamond Boyz Coin vẫn là một token rủi ro và dễ dàng bị thâu tóm bởi nhà đầu tư. Hơn nữa, bạn chỉ được phép mua bán nó trên những sàn như DeFi, Bibox, Pancake Swap… Việc giao dịch cũng khá phức tạp.

    Trên trang chủ dự án, đồng DBZ cũng tự nhận là một dự án rủi ro và người dùng phải tự chịu hoàn toàn trách nhiệm về những quyết định đầu tư tài chính của bản thân.

    Một trường hợp khác bị tố "lùa gà" gần đây là streamer ViruSs. Cách đây vài ngày, doanh nhân Zet Under - một nhà đầu tư lâu năm và có tiếng ở Việt Nam, từng để lại một bình luận dưới video của ViruSs với nội dung: "Kinh nghiệm thị trường chưa được 3 tháng đã đi lùa gà rồi à."

    Lùa gà là gì mà hết Johnny Đặng, Khoa Pug lại đến ViruSs bị tố lùa nhà đầu tư? - Ảnh 5.

    ViruSs từng tham gia một sự kiện online nhằm giải đáp các câu hỏi của cộng đồng cho dự án blockchain I.P

    Bình luận này được doanh nhân Zet Under đưa ra trong thời điểm ViruSs tích cực chia sẻ những kinh nghiệm về đầu tư tiền mã hoá trên kênh TikTok có hơn 1,6 triệu người theo dõi của mình.

    Đáp trả bình luận này, ViruSs đã đăng tải video, anh nhận định bản thân nể phục Zet Under vì có kiến thức tài chính đầu tư chuyên sâu. Tuy nhiên, cách hành xử của vị doanh nhân này lại khiến anh buồn.

    ViruSs khuyên Zet Under nên suy nghĩ lại và thay đổi. Ngoài ra, nam streamer cũng khẳng định, bản thân không có nghĩa vụ phải chứng minh với vị doanh nhân việc mình đã tham gia thị trường tiền điện tử từ lúc nào, trong bao lâu.

    Mới đây, I.P - một dự án blockchain từng được ViruSs giới thiệu quảng bá trên livestream, đã bị Luật sư Hà - luật sư sở hữu hơn 2,1 triệu người theo dõi trên TikTok, cảnh báo là một trong hai loại game "núp bóng tiền ảo" để đánh bạc trá hình.

    Suy cho cùng mọi quyết định liên quan đến đầu tư đều thuộc về quyền của mỗi cá nhân. Hãy sử dụng tiền đầu tư phù hợp với khả năng và kiến thức của bản thân.

    Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.

    GameFi (viết tắt của Game Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày