Lý do giá vaccine AstraZeneca là 3-4 USD/liều còn Pfizer và Moderna cao nhất 37 USD/liều: Người mẹ 3 con vĩ đại giúp thế giới tiếp cận loại vaccine rẻ nhất
Vaccine AstraZeneca được bán "phi lợi nhuận" bởi nhà khoa học nữ tạo ra nó nói rằng "không làm việc này để kiếm tiền".
Khi học lên tiến sĩ hóa sinh chuyên ngành di truyền học, tại Đại học Hull, Sarah Gilbert nhận thấy mọi việc không đi theo đúng hướng của mình.
"Có một số nhà khoa học sẽ vui vẻ làm việc ít nhiều về một chủ đề trong một thời gian rất dài... Đó không phải là cách tôi thích làm việc. Tôi thích cố gắng xem xét các ý tưởng từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi đã cân nhắc việc rời bỏ lĩnh vực khoa học vào thời điểm đó và làm một điều gì đó khác biệt".
Tuy nhiên, phút cuối Sarah vẫn quyết định "thử thêm một lần nữa với sự nghiệp khoa học bởi tôi cần thu nhập".
Hoá ra, đó lại là một quyết định có ảnh hưởng tới tầm thế giới. Ngày 23/11/2020, Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca công bố thông tin quan trọng với thế giới: Vaccine ngừa Covid-19 do họ hợp tác sản xuất có hiệu quả từ 70-90%. Trước đó, hai hãng dược Pfizer và Moderna đã công bố hiệu quả của loại vắc xin họ đang phát triển lần lượt là 95% và 94,5%. Và người đứng sau thành công của AstraZeneca không ai khác chính là Sarah Gilbert - người hiện là giáo sư về vaccine tại Viện Jenner của Đại học Oxford.
Nghiên cứu về sốt rét
Sinh ra ở Kettering, Northamptonshire vào tháng 4/1962, cha của bà Sarah Gilbert làm việc trong lĩnh vực kinh doanh giày trong khi mẹ là giáo viên tiếng Anh và là thành viên của hội nghệ sĩ nghiệp dư địa phương.
Sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ, bà nhận được một công việc tại một trung tâm nghiên cứu sản xuất bia, xem xét cách điều khiển men bia, trước khi chuyển sang làm việc trong lĩnh vực sức khỏe con người. Bà chưa bao giờ có ý định trở thành một chuyên gia về vaccine. Tuy nhiên, vào giữa những năm 1990, bà chuyển sang làm công việc giảng dạy tại Đại học Oxford, nghiên cứu về di truyền của bệnh sốt rét. Và điều đó đã dẫn đến việc nghiên cứu vaccine sốt rét.
Vaccine cho mọi người
Tại Oxford, Tiến sĩ Gilbert đã thăng tiến vượt bậc, trở thành giáo sư tại Viện Jenner danh tiếng của trường đại học. Bà đã thành lập nhóm nghiên cứu của riêng mình với nỗ lực tạo ra một loại vaccine cúm phổ biến, nghĩa là một loại vắc xin có hiệu quả chống lại tất cả các chủng khác nhau. Năm 2014, bà đã dẫn đầu cuộc thử nghiệm vắc xin Ebola đầu tiên. Và khi virus Mers - hội chứng hô hấp Trung Đông - tấn công, bà đã đến Ả Rập Xê Út để cố gắng phát triển một loại vắc xin cho dạng coronavirus này.
Thử nghiệm thứ hai của loại vaccine đó chỉ mới bắt đầu vào năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc. Giáo sư Gilbert nhanh chóng nhận ra rằng bà có thể sử dụng cách tiếp cận tương tự.
“Chúng tôi đã hành động nhanh chóng”, Giáo sư Teresa Lambe, đồng nghiệp của bà Gilbert tại Oxford, cho biết. Chỉ trong một tuần sau khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố cấu trúc di truyền của loại virus mới, nhóm của bà Gilbert đã thiết kế xong vắc xin Covid-19.
Do tình hình khẩn cấp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, Gilbert phải tăng tốc làm việc. Giáo sư Lambe cho biết bà Gilbert làm việc từ sáng sớm đến tận tối muộn. Đôi khi, bà Lambe nhận được email bà Gilbert gửi lúc 4 giờ sáng.
Phải mất vài tuần để tạo ra một loại vaccine có tác dụng chống lại Covid-19 trong phòng thí nghiệm. Sau đó, lô đầu tiên được đưa vào sản xuất vào đầu tháng 4, khi chế độ kiểm tra nghiêm ngặt được mở rộng.
Giáo sư Gilbert mô tả quá trình này là một chuỗi các bước nhỏ - thay vì có một khoảnh khắc đột phá lớn. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã coi đây là một cuộc chạy đua chống lại vi rút, không phải cuộc chạy đua chống lại các nhà phát triển vaccine khác. Chúng tôi là một trường đại học và chúng tôi không làm việc này để kiếm tiền".
Kết quả là, Đại học Oxford đã đạt được thỏa thuận phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin trên toàn cầu với công ty dược AstraZeneca với cam kết sẽ bán vaccine này với mức giá không lợi nhuận.
Đó chính là lý do vì sao mỗi liều vaccine Covid-19 do Oxford/AstraZeneca phát triển hiện chỉ có giá khoảng 3 - 4 USD. Trong khi đó, vaccine Moderna có giá từ 32-37 USD/liều còn của Pfizer và BioNTech có giá 20 USD/liều.
Để tri ân Giáo sư Sarah, công ty sản xuất đồ chơi trẻ em hàng đầu thế giới Mattel thậm chí đã cho ra đời phiên bản búp bê Barbie được tạo hình giống với bà.
Về phần mình, Gilbert bày tỏ hy vọng mẫu búp bê Barbie này sẽ khơi dậy niềm đam mê khoa học cho trẻ em và giúp thế hệ mầm non nhận thức được tầm quan trọng của khoa học đối với thế giới xung quanh.
Ngày đầu tiên diễn ra giải quần vợt Wimbledon 2021, tất cả mọi người trên khán đài đứng dậy vỗ tay tới hơn 1 phút để bày tỏ sự cảm kích khi biết sự có mặt của giáo sư Gilbert.
Đáp lại hành động này, giáo sư Sarah nói: "Tôi không coi sự hoan nghênh nhiệt liệt đó chỉ dành cho tôi, đó là lòng biết ơn đối với vaccine và các loại vaccine khác cũng như các nhóm đã thử nghiệm chúng, sản xuất chúng và đưa chúng đến với mọi người".
Nguồn: BBC, The Guardian, Hindustantimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming