Lý do loài khủng long bị xóa sổ là vì tiểu hành tinh có sức công phá ngang 10 tỷ quả bom nguyên tử?
Một nghiên cứu mới được công bố đã đưa ra giả thuyết một tiểu hành tinh có lực công phá tương đương 10 tỉ quả bom nguyên tử thời Thế Chiến 2 là nguyên nhân khiến 75% sự sống trên hành tinh bị hủy diệt, trong đó bao gồm sự tuyệt chủng của loài khủng long.
66 triệu năm trước, Trái Đất thực sự có một ngày tận thế theo đúng nghĩa đen, khi một tiểu hành tinh khổng lồ có đường kính ước tính lên tới 81 km đã va chạm với Trái Đất, gây nên sự kiện khiến 75% sự sống trên hành tinh bị hủy diệt .
Để tìm hiểu kĩ về thảm họa này, các nhà địa chất đã tiến hành thu thập một số khoáng sản đặc biệt được từ độ sâu từ 500 tới 1300m dưới mực nước biển, sau nhiều năm liên tục khoan vào bên dưới miệng hố Chicxulub – địa điểm còn lưu dấu tích của vụ va chạm giữa tiểu hành tinh và Trái Đất.
Video mô phỏng lại khoảnh khắc thiên thạch khổng lồ lao thẳng vào Trái Đất khiến loài khủng long bị tuyệt chủng
Những khoáng sản được tìm thấy bao gồm đá granite, sa thạch, đá vôi, than, đá lẫn lưu huỳnh… trong trạng thái mà các nhà địa chất mô tả là "từ hỏa ngục". Bởi lẽ, khi được phân tích, các khoáng vật này hé lộ rằng chúng đã bị nhấn, ghim chặt vào đất với tốc độ cực kỳ nhanh, nhiều mảnh đá nhỏ là một phần của những tảng đá lớn bị tan chảy. Dựa trên những phân tích này, các nhà khoa học đã có thể viết lại kịch bản từng phút của thảm họa lớn nhất từng xảy ra trên Trái Đất hàng triệu năm về trước.
"Với những gì thu thập được hiện nay, chúng tôi có thể nắm được quá trình va chạm của thiên thạch từ vị trí như một người trực tiếp chứng kiến", giáo sư địa vật lý Sean Gulick từ đại học Texas tự tin khẳng định.
Tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất có lực công phá tương đương 10 tỷ quả bom nguyên tử
Theo các nhà khoa học, ngay sau khi tiểu hành tinh rơi xuống vùng biển thuộc Mexico ngày nay, cú va chạm đã ngay lập tức gây nên một cơn sóng thần cao vài trăm mét, đồng thời ném đá và bụi bẩn trở lại miệng hố do tiểu hành tinh tạo ra trước đó với tốc độ khủng khiếp. Khoảng 130 mét vật chất được dồn nén và vùi lấp chỉ trong một ngày. Nhiều khu vực quanh miệng miệng hố lập tức cạn khô nước biển và được phủ đầy bởi những đống vật chất này.
Miệng hố Chicxulub ngày nay vẫn còn lưu dấu vết của va chạm hàng triệu năm trước
Môi trường xung quanh miệng hố được giữ nguyên trong vài giờ đầu tiên sau cú va chạm. Nhưng bên trong lòng Trái Đất, áp lực đã trở nên sục sôi và bắt đầu phát tiết thông qua những miệng núi lửa. Cảnh tượng khu vực Mexico lúc này giống như một địa ngục rực lửa. Mọi thứ bốc cháy kịch liệt trong thời gian dài. Khi các ngọn lửa chấm dứt cơn phẫn nộ, nền nhiệt trung bình của Trái Đất giảm xuống khiến toàn bộ hành tinh rơi vào thời kỳ Băng Hà.
Kết quả, việc trải qua những thay đổi nhiệt độ đột ngột đã dẫn đến sự kiện tuyệt chủng Cretaceous-Paleogene, đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ kỷ Phấn trắng. "Không phải tất cả khủng long đều chết ngày hôm đó, nhưng số lượng chết thì cực nhiều." giáo sư Gulick cho hay.
Những loài càng to lớn càng khó tồn tại trong môi trường khắc nghiệt.
Căn cứ vào độ tan chảy của các mẫu đá còn sót lại tại hiện trường, đội ngũ nghiên cứu xác định độ hủy diệt của tiểu hành tinh tương đương với lực công phá của 10 tỷ quả bom nguyên tử. Hàng ngàn km2 rừng bị đốt cháy và một cơn sóng thần cao hàng trăm mét lan tỏa từ khu vực Mexico cho tới tận bang Illinois nước Mỹ ngày nay.
Những sự kiện này đã tác động mạnh mẽ đến hệ sinh thái. Qua phân tích, các nhà nghiên cứu phát hiện ra lực va chạm khủng khiếp khiến mọi thứ xung quanh khu vực tiếp xúc bị bốc hơi, đẩy lượng khí sunfat khổng lồ vào khí quyển, nơi chúng chặn ánh sáng của Mặt Trời, khiến nhiệt độ trung bình Trái Đất bị giảm mạnh.
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, khoảng 325 tỷ tấn lưu huỳnh bị đẩy khí quyển do tác động của vụ va chạm - cao gấp 4 lần so với vụ phun trào núi lửa Krakatoa năm 1883, vốn làm giảm nhiệt độ toàn bộ Địa Cầu trong suốt 5 năm. Chính lượng khí lưu huỳnh được đẩy ra đã trở thành nguyên nhân giết chết sự sống. Tình trạng phun khí trên càng trở nên trầm trọng bởi nhiều hoạt động phun trào núi lửa riêng lẻ diễn ra sau này.
Cuối cùng, giáo sư Gulick đúc kết: "Kẻ giết người thực sự chính là bầu khí quyển. Cách duy nhất để tạo ra thảm họa tuyệt chủng toàn cầu như vậy thường xuất phát từ hiệu ứng khí quyển thay đổi. Rất nhiều thứ đã bị ảnh hưởng, môi trường sống thay đổi, nhiệt độ biến đổi đột ngột, nguồn thức ăn giảm, không khí độc hại dẫn tới hàng loạt cái chết cho hơn 75 % sự sống toàn cầu. Những loài vật càng to lớn càng khó thích nghi bấy nhiêu. Đó cũng chính là lí do tuyệt chủng của những loài khủng long có kích thước khổng lồ".
Tham khảo ScienceAlert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập