Mạng xã hội "tỷ dân" Facebook: Từ dự án sinh viên thành gã khổng lồ tạo nên cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu
Facebook là câu chuyện thành công kinh điển ở Thung lũng Silicon: Một ý tưởng sinh viên được ấp ủ trong phòng KTX của ĐH Harvard trở thành một trong những công ty công nghệ quyền lực và có ảnh hưởng nhất thế giới.
- iPhone 2019 sử dụng ăng ten loại mới, cải thiện kết nối di động ở trong nhà
- Hành trình từ kẻ ngoài cuộc trở thành người hùng trong lĩnh vực tài chính của Sumitomo - một trong bốn zaibatsu chi phối kinh tế Nhật Bản
- Phá sản cũng không thoát tội: đối tác cũ của Apple, GT Advanced, bị khởi kiện vì cáo buộc lừa dối nhà đầu tư
Khởi đầu là một dự án sinh viên của chàng trai trẻ Mark Zuckerberg, giờ đây Facebook đã trở thành công ty công nghệ hàng đầu thế giới với 2,4 tỷ người dùng hàng tháng và doanh thu lên tới 15,1 tỷ USD trong quý gần đây nhất.
Cuối tháng 4 vừa qua, Facebook đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2019 với doanh thu vượt kỳ vọng của giới đầu tư phố Wall. Theo đó, tổng doanh thu quý đầu tiên của công ty tăng 26% lên 15,1 tỷ USD so với mức 12 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Lượng người dùng hằng tháng và hằng ngày của Facebook đều tăng khoảng 8% so với năm ngoái nhưng số lượng người dùng hầu như không tăng nhiều ở Mỹ, Canada và châu Âu mà tăng nhanh chủ yếu ở thị trường châu Á, nơi người dùng hằng tháng tăng 12,4%.
Có thể nói, Facebook là ví dụ điển hình của một công ty phát triển mạnh mẽ nhờ công nghệ và dù gặp phải một số bê bối liên quan đến dữ liệu người dùng từ năm ngoái đến nay nhưng công ty do Mark Zuckerberg sáng lập vẫn chứng tỏ vị trí dẫn đầu của mình.
Facebook giờ đã trở thành "ông lớn" trong làng công nghệ.
Ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg sinh ngày 14/5/1984 tại thị trấn Dobbs Ferry, New York. Năm 12 tuổi, anh đã phát triển một phần mềm nhắn tin tên là Zucknet và lập trình một trò chơi máy tính cho bạn bè. Tuy nhiên, trước khi anh theo học tại ngôi trường danh tiếng Harvard, cha Mark đã đưa ra cho anh một lựa chọn là trở thành ông chủ của cửa hàng McDonald’s nhượng quyền.
Và tất nhiên, Mark Zuckerberg chọn con đường học hành, mặc dù sau đó anh đã bỏ dở việc học để tập trung phát triển Facebook. Nếu ngày trước, Mark đi theo con đường mà cha định sẵn thì có lẽ giờ đây hơn 2 tỷ người trên thế giới đã không có cơ hội sử dụng mạng xã hội Facebook.
Cuối năm 2002, Mark đã tạo ra trang web FaceMash sử dụng hình ảnh của các sinh viên Harvard mà anh hack được từ dữ liệu của trường để so sánh và đánh giá xem nữ sinh nào nóng bỏng hơn. Dù được sinh viên trong trường hưởng ứng nhiệt tình nhưng Mark đã vi phạm quy chế thông tin sinh viên và bị kỷ luật cũng như buộc phải gỡ trang FaceMash. Tuy vậy, FaceMash đã phần nào thể hiện khái niệm sơ khai nhất của Facebook - là nơi mọi người có thể tìm được nhau trên mạng.
Ngày 4/2/2004, chàng sinh viên năm thứ hai này đã lập nên TheFacebook cùng một số người bạn đại học ngay tại phòng ký túc xá. Chỉ trong vòng một tháng, hơn nửa số sinh viên Harvard đã đăng ký thành viên của TheFacebook và nó đã nhanh chóng mở rộng sang nhiều trường đại học khác như Stanford, Yale và Columbia.
Chàng sinh viên Mark Zuckerberg.
Nhận thấy tiềm năng phát triển của TheFacebook, Mark quyết định phát triển theo hướng kinh doanh và cho phép quảng cáo để bù lại chi phí liên quan đến máy chủ và cơ sở dữ liệu của người dùng. Đồng thời, anh đã bỏ học để có thể tập trung cho "đứa con tinh thần" của mình và chính thức đổi tên TheFacebook thành Facebook như ngày nay.
Sau đó, Facebook chuyển đến một văn phòng nhỏ ở Palo Alto, California. Một trong những khoản đầu tư đầu tiên mà công ty non trẻ của Mark nhận được là 500.000 USD từ hai cựu điều hành của PayPal - Peter Thiel và Elon Musk. Đến tháng 5/2005, Facebook đã nhận được tổng cộng 14 triệu USD.
Facebook phát triển như vũ bão vào giai đoạn năm 2008, thời điểm smartphone bắt đầu phổ biến. Điều đó đã đem lại nhiều người dùng hơn cho công ty và giúp Mark Zuckerberg trở thành tỷ phú. Đây là năm đầu tiên anh góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes với tài sản ròng trị giá 1,5 tỷ USD. Ở thời điểm đó, Mark là người trẻ tuổi nhất trong 1.125 tỷ phú của danh sách.
Peter Thiel và Elon Musk là hai người đầu tư vào Facebook từ rất sớm.
Năm 2008 cũng là một năm quan trọng khi Sheryl Sandberd gia nhập Facebook và trở thành COO của công ty. Hai năm sau, mạng xã hội "sinh viên" thuở nào của Mark Zuckerberg đã đạt 1 tỷ lượt truy cập mỗi tháng. Cùng với đó là sự gia tăng nhanh chóng của nhân viên Facebook để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người dùng.
Năm 2010, sau 6 năm kể từ khi thành lập, Facebook đã sở hữu tổng tài sản lên tới 41 tỷ USD (theo thống kê của sàn giao dịch chứng khoán của các công ty tư nhân SecondMarket Inc.). Thành tích này đã giúp họ trở thành công ty dịch vụ web lớn thứ ba tại Mỹ chỉ sau hai ông lớn Google và Amazon.
Năm 2011, Facebook chuyển đến Thung lũng Silicon và tiếp quản trụ sở cũ của Sun Microsystems, công ty từng là một gã khổng lồ công nghệ vào những năm đầu thế kỷ 19. Do sự kém linh hoạt trong việc đổi mới và bắt kịp xu hướng công nghệ nên Sun Microsystems đã phải bán mình cho tập đoàn Oracle năm 2010.
Sau khi đến đây, Mark Zuckerberg đã quyết định giữ lại tấm biển của Sun Microsystems chứ không thay mới và đổi mặt sau của tấm biển quay ra ngoài rồi đặt biểu tượng của Facebook lên đó. Hành động này của CEO trẻ nhằm nhắc nhở toàn bộ đội ngũ của mình rằng điều tồi tệ vẫn có thể xảy ra khi một công ty đang ở trên đỉnh vinh quang. Chính vì vậy, họ phải luôn sáng tạo để đổi mới và tăng tính cạnh tranh giữa hàng nghìn startup công nghệ đang mọc lên mỗi ngày.
Mặt trước...
... và mặt sau của tấm biển của Facebook.
Tuy công nghệ bùng nổ ở khắp mọi nơi nhưng có lẽ không nơi nào có được sự tập trung về chất xám, kinh nghiệm và tài chính như tại Thung lũng Silicon. Những công ty công nghệ hàng đầu tại đây vẫn tìm cách thay đổi và cải thiện trải nghiệm người dùng mỗi ngày để tránh nguy cơ bị đào thải.
Chia sẻ về lý do chuyển đến Thung lũng Silicon, Mark Zuckerberg cho biết anh làm như vậy để đưa công ty đến bước phát triển tiếp theo, nơi họ có nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư sẵn sàng tài trợ cho Facebook.
Tháng 5/2012 chính là cột mốc đáng nhớ nhất của Facebook khi công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và huy động được 5 tỷ USD. Thời điểm đó, đây là thương vụ IPO công nghệ lớn nhất trong lịch sử và sự phát triển của Facebook được đánh giá là khó ai có thể ngăn cản được.
Facebook IPO thành công năm 2012.
Nhờ khả năng có thể được truy cập từ hầu hết mọi thiết bị có khả năng kết nối Internet như máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng hay smartphone, Facebook càng thu hút được người dùng thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau trên thế giới.
Trong vài năm tiếp theo, Mark Zuckerberg đã thực hiện một số thương vụ đáng chú ý như mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD năm 2012 và WhatsApp với giá 19 tỷ USD năm 2014. Bên cạnh đó, Facebook cũng mua lại công ty thực tế ảo Oculus vào tháng 3/2014 với giá 2 tỷ USD. Đây chính là cách mà gã khổng lồ Facebook sử dụng để loại bỏ các đối thủ tiềm năng.
Năm 2014, tròn 10 năm kể từ ngày ra đời, Facebook đã có hơn 1,2 tỷ lượt truy cập mỗi tháng và 1 tỷ trong số đó đến từ các thiết bị di động. Còn ở thời điểm hiện tại, mạng xã hội này đã có 2,4 tỷ người dùng hàng tháng – một con số mà rất nhiều công ty công nghệ trên thế giới mong muốn đạt được.
Nếu không có sự phát triển của công nghệ, và tất nhiên là cả tài năng của Mark Zuckerberg thì có lẽ giờ đây thế giới của chúng ta đã trở nên kém kết nối hơn hẳn vì thiếu đi Facebook. Có thể nói, công nghệ chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên thành công vang dội của không chỉ riêng Facebook mà còn của nhiều công ty lớn nhỏ trên khắp thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển như ngày nay.
Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.
Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn
Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Intel chìm trong khó khăn, buộc chính phủ Mỹ phải ra tay giải cứu, đề xuất cả một thương vụ sáp nhập "không tưởng"
Để giải cứu Intel, chính phủ Mỹ không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn nghiên cứu về đề xuất sáp nhập với đại kình địch AMD.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương