Mark Zuckerberg liên tiếp "gặp họa": Facebook mất hơn 100 tỷ USD và giờ thì anh lại bị cổ đông lớn đề xuất đuổi khỏi ghế Chủ tịch

    Hương Giang, Tri Thức Trẻ 

    Nếu đề xuất của quỹ đầu tư Trillium nhận được "đèn xanh" của các nhà đầu tư thì công ty này buộc phải có một chủ tịch độc lập mới, lật đổ vị trí "kép" của Zuckerberg.

    Mark Zuckerberg liên tiếp gặp họa: Facebook mất hơn 100 tỷ USD và giờ thì anh lại bị cổ đông lớn đề xuất đuổi khỏi ghế Chủ tịch - Ảnh 1.

    10 tháng trước khi cuộc họp cổ đông tiếp theo diễn ra, một nhà đầu tư của Facebook (FB) đã đề xuất ý kiến đề nghị cách chức chủ tịch của Mark Zuckerberg .

    Đề xuất này này của Trillium Asset Management (hiện nắm giữ 11 triệu USD cổ phiếu của FB) cho thấy phản ứng mạnh mẽ của các nhà đầu tư của FB, rằng sự thay đổi đội ngũ lãnh đạo là rất cần thiết.

    Lời đề xuất được đệ trình chỉ vài tiếng trước khi bản cập nhật lợi nhuận quý II của FB được công bố vào hôm qua, sự việc đã khiến giá cổ phiếu của công ty này giảm gần 24% trong những giờ giao dịch sau khi thị trường đóng cửa và 148 tỷ USD giá trị vốn hoá bị thổi bay.

    Nếu đề xuất của Trillium nhận được "đèn xanh" của các nhà đầu tư thì công ty này buộc phải có một chủ tịch độc lập mới, lật đổ vị trí "kép" của Zuckerberg.

    Nội dung của lời đề xuất có viết: "Một CEO đồng thời cũng nắm giữ vị trí chủ tịch có thể gây ảnh hưởng một cách thái quá đến hội đồng quản trị và các chương trình nghị sự của họ, chính điều này sẽ làm suy yếu sự giám sát của bộ phận quản lý. Việc tách riêng hai vị trí này sẽ làm giảm những mâu thuẫn đó và một chủ tịch độc lập sẽ là sự phân chia quyền lực rõ ràng nhất giữa CEO và các thành viên còn lại của hội đồng quản trị."

    "Các vụ bê bối" của FB được chỉ rõ chính là nguyên nhân tại sao sự thay đổi lại là cần thiết, trong đó bao gồm vụ Analytica và vụ việc gần đây ở Myanmar.

    Trillium hy vọng rằng lời đề xuất sẽ có được sự ủng hộ từ các cổ đông khác. Vào năm ngoái, một lời đề xuất tương tự cũng được đưa ra nhưng lại nhanh chóng bị bác bỏ, mặc dù đã nhận được 51% sự đồng thuận của các cổ đông. Đây chính là hậu quả của cấu trúc phân chia hai loại cổ phiếu của FB. Cổ phiếu loại B có quyền biểu quyết cao gấp 10 lần cổ phiếu loại A. Zuckerberg nắm giữ hơn 75% cổ phiếu loại B. Điều này có nghĩa Zuckerberg có hơn một nửa quyền biểu quyết trong công ty, đồng nghĩa với quyền kiểm soát gần như hoàn toàn.

    Vì thế, quyền kiểm soát "yếu thế" của cổ phiếu loại A khiến cho lời đề xuất của Trillium rất khó có cơ hội trở thành hiện thực.

    FB từ chối bình luận về sự việc này. Trước đây, công ty này cũng phát biểu rằng việc tách rời hai vị trí của Zuckerberg có thể dẫn đến "sự không rõ ràng, nhầm lẫn và không hiệu quả trong hội đồng quản trị và chức năng quản lý."

    Theo Michael Conor, Giám đốc Open Mic, một tổ chức chuyên tư vấn cải thiện chiến lược quản trị tại một số công ty lớn ở Mỹ, đề xuất ban đầu từ phía Trillium cho thấy các cổ đông đang rất nghiêm túc về sự thay đổi này.

    "Hầu hết các chuyên gia về quản trị doanh nghiệp đều giữ ý kiến rằng việc bổ nhiệm vị trí chủ tịch độc lập là một ý kiến rất hợp lý. Sớm đề xuất sẽ giúp Zuckerberg, toàn bộ công ty cũng như các cổ đông có nhiều thời gian hơn để xem xét vấn đề này."

    Theo Business Insider, vào tháng trước, 6 cổ đông lớn đều cho biết họ muốn có một chủ tịch độc lập như những công ty khác, ví dụ như Apple, Twitter hay Microsoft nhưng ý kiến ngay lập tức bị bãi bỏ bởi cấu trúc phân chia cổ phiếu.

    Patrick Doherty, giám đốc quản trị doanh nghiệp tại văn phòng trưởng ban tài chính NewYork, cho hay: "Ý tưởng về việc sở hữu một vị lãnh đạo độc tài trong công ty truyền thông khổng lồ, nắm giữ đến hơn 1 tỷ USD cổ phần từ các cổ đông khác, chính là sự lỗi thời. Việc này giống như thế kỷ 19, khi bạn thấy những ôm trùm băng cướp là những kẻ chuyên quyền và độc tài."

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ