Masayoshi Son: Từ huyền thoại đầu tư 'liều ăn nhiều' trở thành ông vua của những bài thuyết trình thất bại, ảo tưởng?
Tỷ phú "liều ăn nhiều" Masayoshi Son đang khiến nhiều người quay lưng bởi những bài thuyết trình "ảo tưởng" của mình.
Buổi báo cáo kết quả kinh doanh gần đây của Masayoshi Son là một trong những phút giây buồn bã nhất trong trí nhớ của ông.
Vị tỷ phú này đã mở đầu bằng việc so sánh những ảnh hưởng tồi tệ mà dịch Covid-19 gây ra so với Đại suy thoái. Son giải thích tại sao Softbank vừa báo cáo mức thua lỗ lớn nhất trong lịch sử 39 năm. Quỹ Vision Fund trị giá 100 tỷ USD của công ty đã thua lỗ 18 tỷ USD do những sai lầm đầu tư vào các startup gồm cả WeWork và Uber. Sau đó, Son chuyển sang slide mới này: Thung lũng viruscorona.
Son dường như nỗ lực chỉ ra rằng dù một vài khoản đầu tư của Vision Fund có vẻ thất bại nhưng một số khác lại đang nổi lên rất mạnh mẽ trong khủng hoảng. Tuy nhiên, biểu đồ đó đã khiến giới báo chí và mạng xã hội cười nhạo.
Có một thực tế là dường như Son đang trải qua khoảng thời gian khó khăn để truyền đạt các thông điệp của mình. Khi Softbank còn thời hoàng kim, người Nhật Bản từng tung hô phong cách kỳ cục của ông – từ tuyên bố chữa bệnh buồn chán đến việc robot Pepper của Softbank có thể đọc báo cáo kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà đầu tư toàn cầu bắt đầu quay lưng với những bài thuyết trình của Son.
"Thái độ đó từng giúp tạo nên sự uy tín của Son. Tuy nhiên cái danh nhà đầu tư huyền thoại mà ông từng được ca ngợi đã không còn nữa và hiện tại những điều đó thậm chí còn đang chống lại ông", Justin Tang – chủ một hãng nghiên cứu ở Singapore nói.
Một vài người tiết lộ rằng khẩu vị cá nhân của tỷ phú Son là muốn đưa ra những chủ đề rõ ràng trong các bài thuyết trình, sử dụng những bài thuyết trình đơn giản mà ông nghĩ bất kỳ người nào cũng có thể hiểu được. Son thích sử dụng phép ấn dụ để tạo ra một khái niệm khác dễ tiếp cận hơn. Ví dụ là vào tháng 2, ông đã có một slide với từ "thủy triều đang xoay chiều" đi kèm hình ảnh đại dương. Tuần này, ông sẽ phải có một bài thuyết trình mới tại buổi họp đại hội đồng cổ đông của Softbank.
Son, 62 tuổi rất để tâm đến việc làm slide. Ông có một nhóm khoảng 6 người tầm tuổi 20, 30 có trách nhiệm phác ra các bản thảo cho bài thuyết trình. Họ sẽ thu thập các tuyên bố của ông qua nhiều năm để sử dụng như một kho tài liệu cho các bản thảo và sau đó trình lên Son để ông hiệu đính một cách rất cẩn thận, một vài sẽ được thay đổi trong phút chót đôi khi khiến các nhân viên náo loạn.
Son xây dựng Softbank từ một nhà phân phối phần mềm máy tính thành một tập đoàn toàn cầu bằng việc vay nợ để trả cho những thương vụ thâu tóm hấp dẫn. Ông đã luôn gặp rắc rối trong việc thuyết phục các nhà đầu tư tin tưởng các khoản đầu tư vào các startup công nghệ của Softbank.
Trong nhiều năm, Son đã thử nhiều phương pháp khác nhau để thuyết phục nhà đầu tư tin rằng công ty của ông đang bị định giá thấp. Tháng 11/2014, ông từng sử dụng hình ảnh của một câu truyện ngụ ngôn nói về những con ngỗng bên cạnh những quả trứng vàng để nói về việc giá trị Softbank đang bị định giá thấp.
"Softbank là một con ngỗng có rất nhiều quả trứng vàng trong bụng, dù vẫn còn sớm để mang ra bán trên thị trường. Softbank hiện tại được định giá ít hơn tổng giá trị của những quả trứng này", Son đã giải thích với các phóng viên.
4 năm sau, so sánh này dường như đã không thể chứng minh là thật và Son phải tìm một cách khác, lần này là thông qua toán học...
Slide của Son hiện lên phép toán đặt câu hỏi 25 trừ 4 có phải bằng 9? Diễn giải ra là giá trị 25 nghìn tỷ yên tài sản của Softbank ở thời điểm đó trừ đi 4 nghìn tỷ yên nợ không thể bằng 9 nghìn tỷ yên như vốn hóa thị trường hiện tại của họ được, con số đó phải lớn hơn. Cổ phiếu Softbank đã giao dịch ở mức thấp hơn 50% so với tính toán tài sản của công ty gồm cả chi nhánh viễn thông trong nước, cổ phần tại Alibaba, nhà mạng Sprint và Yahoo Nhật Bản.
Tháng 11 năm ngoái, Softbank báo cáo thua lỗ quý đầu tiên trong 14 năm sau khi đặt cược 4,6 tỷ USD vào WeWork – đơn vị đã tìm kiếm gói cứu trợ tới 9,5 tỷ USD từ Softbank. Son đã đứng trên sân khấu, bào chữa cho các khoản đầu tư của mình và phác thảo ra một con đường rất "giả định" về khả năng có lãi.
Tháng 2 năm nay, một quý sau khi WeWork ghi nhận lỗ kỷ lục, Son nảy ra một ý tưởng khác – ông giải thích với mọi người về việc một vật thể có thể rất khác khi nhìn theo những hướng khác nhau, ám chỉ tới Softbank.
Ông thúc giục các nhà đầu tư tập trung vào giá trị cổ đông của Softbank thay vì lợi nhuận hoạt động – thứ khiến cổ phiếu công ty rung lắc mạnh. "Thứ duy nhất mà một công ty đầu tư như Softbank nên được cân đo đong đếm là giá trị cổ đông tăng hay giảm".
Son thường bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng việc đặt câu hỏi: Softbank là gì? Câu trả lời có thể khác nhau qua các năm nhưng một vài thứ vẫn không đổi: Cảm giác về nhiệm vụ xã hội to lớn và nỗi ám ảnh trở thành số 1 của Son.
Vị tỷ phú này tự mô tả mình là người tin tưởng mạnh mẽ vào một cuộc cách mạng thông tin – thứ một ngày nào đó sẽ chứng kiến việc máy tính khớp với bộ não và cơ thể con người. Son luôn nói về những ý tưởng này bất cứ khi nào ông muốn đưa ra bối cảnh cho cuộc phưu lưu mới nhất của mình.
Son cho rằng không ngành công nghiệp nào an toàn trong các cơn địa chấn cả, công nghệ thay đổi và chỉ những kẻ mạnh nhất mới có thể sống sót.
Hầu hết các dự đoán của Son về tương lai công nghệ vẫn cần rất nhiều năm ở phía trước để chứng minh nhưng một vài đã thành sự thật. Lợi nhuận hoạt động của Softbank đạt 1 nghìn tỷ yên trong năm tài chính 2013. Nhưng năm ngoái, họ tạo ra một kỷ lục khác – thua lỗ 1,35 nghìn tỷ yên.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?