Mặc dù các chiêu trò mời gọi làm việc tại nhà online, tặng quà tri ân khách hàng miễn phí; thậm chí các cuộc gọi thông báo có liên quan đến việc mở tài khoản ngân hàng để rửa tiền, mua bán ma tuý... được ngành công an và chuyên gia an ninh mạng cảnh báo liên tục trong thời gian qua, nhưng vẫn có nhiều người mắc lừa do bị đánh vào lòng tham và tâm lý sợ hãi.
- Ngân hàng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tinh vi: Người bị hại không những mất tiền mà còn mất toàn bộ thông tin danh tính!
- Cặp vợ chồng U70 sập bẫy lừa đảo online, suýt mất hết 6 tỷ đồng tiền hưu trí: Cảnh sát lập tức vào cuộc cứu nguy kịp thời
- Lừa hơn 1.000 cô gái chuyển khoản xem bói trực tuyến, 4 ổ lừa đảo, 210 nghi phạm bị công an triệt phá chỉ trong 1 đợt truy quét
- Lừa đảo trên mạng - vấn đề không chỉ của riêng ai
- Elon Musk bị khách hàng Tesla công kích dữ dội vì ‘lừa đảo’
Tặng quà tri ân, dụ dỗ làm nhiệm vụ kiếm hoa hồng
Đến hôm nay, chị N.D (ngụ tại Bình Phước) vẫn còn bàng hoàng và không ngừng trách mình khi bị lừa mất hơn 500 triệu đồng mà không biết lấy lại bằng cách nào, chỉ biết báo cho công an nơi cư trú và chờ đợi.
Chị N.D cho biết: “Trong tháng 8 vừa qua, tôi có nhận được cuộc gọi nhận quà tri ân khách hàng. Người gọi tự xưng là nhân viên của sàn thương mại điện tử Shopee, thông báo tôi là 1 trong 10 người may mắn được chọn. Quà tri ân có giá trị từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng, từ máy đuổi chuột đến bếp nướng, laptop, điện thoại, ghế massage, xe máy… Sau đó, người gọi xin số điện thoại kết nối Telegram gửi các món quà để mình chọn. Sau khi chọn xong, người gọi xin thông tin, địa chỉ, thậm chí là tuổi… để tiện xưng hô và gửi quà. Song song đó, người gọi kêu mình tham gia làm nhiệm vụ bấm chọn các sản phẩm yêu thích để kiếm thêm tiền”.
Theo chị N.D, sau khi lựa chọn món quà ưng ý và nghe lời dụ dỗ của đối tượng lừa đảo, chị đã tham gia nhận nhiệm vụ để kiếm tiền hoa hồng. Tuy nhiên, muốn tham gia, chị phải chuyển khoản mua một món hàng với giá thấp nhất 350 ngàn đồng. Vì món quà chị N.D chọn được tặng có giá trị cao nên chị N.D sẵn sàng bỏ ra 350 ngàn đồng để chơi.
“Ban đầu, tôi nghĩ là chơi cho vui vì khi làm nhiệm vụ xong tôi lại nhận được tiền ngay gần 500.000 đồng. Thấy kiếm tiền dễ, tôi lại tiếp tục chuyển khoản để nhận hoa hồng nhiều hơn. Số tiền gửi vào càng lớn nhưng tiền cứ bị đóng băng, không rút ra được. Đáng chú ý, trưởng nhóm đưa thêm nhiệm vụ có hoa hồng lên đến gần 50% nếu tôi chuyển khoản tham gia nhiệm vụ từ vài chục triệu đồng trở lên để có thể rút tiền về. Vì sợ mất tiền, lại thấy hoa hồng cao, tôi đành lao theo và ngày càng lún sâu vào nhiệm vụ. Đến khi không có đủ tiền để chuyển khoản thì số tiền tôi gửi vào làm nhiệm vụ đã hơn 500 triệu đồng”, chị N.D chia sẻ.
Chị N.D cho hay, lúc này chị mới tỉnh ra và muốn rút lại tiền. Thế nhưng, trưởng nhóm thông báo chị sẽ mất sạch tiền và hoa hồng nếu không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí là bị phạt âm cả tiền chị đã gửi vào làm nhiệm vụ. Chị đã năn nỉ trưởng nhóm lấy lại tiền đã gửi, không cần tiền hoa hồng nào, nhưng không được. Không những thế, chị còn bị trưởng nhóm đe doạ và cảnh báo phải tiếp tục gửi tiền mới có thể rút được tiền.
“Tôi chỉ biết khóc và xin lời khuyên của mọi người xem có cách nào lấy lại tiền được không, đồng thời đưa lên cảnh báo để mọi người cùng biết không bị lừa. Chứ thật sự mấy ngày nay, tôi đã mất ăn mất ngủ vì mất số tiền tiết kiệm trong nhiều năm qua…”, chị N.D rầu rĩ nói.
Gửi lệnh bắt khẩn cấp vì mở tài khoản rửa tiền
Bà L.H.M (ngụ tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh) đã bị các đối tượng lừa đảo tự xưng bên Bộ Công an, gọi điện qua Zalo thông báo có dính đến nghi vấn rửa tiền ma tuý. Sự việc xảy ra ngày 6/9. Để tạo niềm tin cho bà L.H.M, các đối tượng này liên tục thay phiên mạo danh công an, cảnh sát điều tra để gây tâm lý lo sợ, bất an.
Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo còn gửi hai công văn giả mạo là “Lệnh bắt khẩn cấp” của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với bà L.H.M về tội “Buôn bán ma tuý và rửa tiền” và “Công văn mật” của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam về việc “Cung cấp thông tin khách hàng” cho Bộ Công an với trường hợp bà L.H.M có mở tài khoản của ngân hàng.
Theo “Công văn mật” giả mạo, bà L.H.M có đến ngân hàng này tại chi nhánh số 102 phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, TP Hà Nội để mở tài khoản. Từ ngày 10/12/2022 đến ngày 6/1/2023, tài khoản của bà L.H.M có nguồn tiền giao dịch chuyển vào và chuyển đi tổng cộng gần 9 tỷ đồng. Không những thế, nhân viên ngân hàng hỗ trợ bà L.H.M đã bị Bộ Công an đình chỉ công tác, tạm giam để điều tra.
Đáng chú ý, cả hai công văn giả mạo khá tinh vi, có ghi rõ họ tên và chức vụ của Viện Kiểm sát, ngân hàng, đặc biệt có cả chữ ký và dấu mộc đỏ, hoa văn in chìm… nên nếu những người chưa từng tiếp xúc với công văn thật thì rất dễ tin. Không chỉ thế, thông tin cá nhân và số căn cước công dân (CCCD) của bà L.H.M vừa được làm cuối năm 2022 được ghi trên 2 công văn trên đều đúng. Trong khi đó, bà L.H.M chưa từng sử dụng CCCD ở đâu, kể cả cập nhật thông tin ngân hàng. Đặc biệt, bà L.H.M cũng chưa từng ra Hà Nội để mở tài khoản và không hề có tài khoản nào của Ngân hàng Vietcombank.
Chị P.A, con gái của bà L.H.M cho biết: “Sau khi nghe cuộc gọi và nhận 2 công văn trên qua Zalo, mẹ tôi rất lo lắng và rất tin vào cuộc gọi. Vì vậy, khi nghe các đối tượng lừa đảo tự xưng là công an bên Bộ Công an cho biết, nếu người đó không phải là mẹ tôi mà một kẻ nào đó mạo danh mẹ tôi mở tài khoản, các đối tượng này sẽ giúp mẹ tôi thoát khỏi nghi án trên với điều kiện chỉ cần chuyển khoản 200 triệu đồng cho họ để giải quyết và làm “chìm xuồng” vụ này, không cho ai biết. Vì thế, mẹ tôi đã vội đi ngân hàng để rút tiền tiết kiệm”.
Cũng theo chị P.A, do số tiền tiết kiệm không đủ, bà L.H.M đã chụp giấy rút tiền thông báo cho các đối tượng lừa đảo biết và bảo họ chờ để xin tiền người thân. Rất may, bà L.H.M gọi cho chị P.A xin tiền. Vì số tiền lớn nên chị P.A gặng hỏi mẹ lý do cần tiền làm gì. Phát hiện sự việc trên, chị P.A đã kịp thời ngăn mẹ chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo trên.
Chia sẻ về vấn nạn lừa đảo trực tuyến hiện nay tại Việt Nam, chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Việt Nam cho biết, hiện nay ở Việt Nam có trên dưới 20 hình thức lừa đảo trực tuyến khác nhau. Các hình thức lừa đảo này nhắm tới tất cả những đối tượng trong xã hội, không phân biệt trẻ con hay người già và càng những người ít tiếp xúc với thông tin thì càng có nhiều nguy cơ trở thành “con mồi” của những đối tượng lừa đảo. Bên cạnh đó, những người đi làm hoặc những người có thu nhập tốt là một trong những đối tượng mà các đối tượng lừa đảo rất muốn nhắm tới.
Chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn cũng nhấn mạnh, việc phòng, chống lừa đảo trực tuyến phải bắt nguồn từ tất cả những thành phần tham gia xã hội. Tuy nhiên, người dân vẫn là nhân tố quan trọng nhất trong việc phòng, chống lừa đảo trực tuyến, đó là nâng cao nhận thức của mình về các hình thức lừa đảo để có thể chủ động phòng, tránh nguy cơ trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?