Mất một tay ư? Chẳng sao cả, vì não bạn sẽ nhanh chóng huấn luyện phần cơ thể khác làm công việc đó

    TNS,  

    Bộ não nhanh nhẹn và linh hoạt hơn chúng ta tưởng rất nhiều

    Một nghiên cứu mới được công bố gần đây đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của giới y học về bộ não, mà cụ thể hơn cách thức bộ não điều khiển cơ thể. Trước đây, người ta cho rằng các hoạt động cụ thể của tay hoặc chân, do một vùng cố định trên não bộ chi phối. Nhưng nghiên cứu này cho thấy, khi một phần cơ thể bị tàn tật, sự vận động bù của một phần khác (ví dụ: tay trái viết thay tay phải, hay miệng cầm đồ vật thay tay phải) sẽ hoạt hóa phần não bộ chi phối vùng tàn tật đó. Đây chính là thay đổi mang tính đột phá, khi chuyển từ quan niệm đặc hiệu về vị trí giải phẫu sang đặc hiệu về mặt chức năng.

    Mất một tay ư? Chẳng sao cả, vì não bạn sẽ nhanh chóng huấn luyện phần cơ thể khác làm công việc đó - Ảnh 1.

    Tôi rất ngạc nhiên khi thấy chúng ta đã sai lầm từ rất lâu”, Tamar Makin, bác sĩ thần kinh học thuộc đại học London, Vương quốc Anh cho biết. “Nếu những phân tích này là đúng, thì những ứng dụng của nó là cực kỳ rộng”.

    Nghiên cứu được thiết kế với hai nhóm: nhóm nghiên cứu bao gồm 17 người tình nguyện bẩm sinh chỉ có 1 tay, và 24 người có đủ cả 2 tay được sử dụng làm nhóm đối chứng. Các đối tượng nghiên cứu được yêu cầu tiến hành 5 thao tác thông thường trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời, hình ảnh fMRI (chụp cộng hưởng từ chức năng) được ghi lại.

    Chúng tôi nhận thấy vùng não chi phối tay đã mất được hoạt hóa khi vận động rất nhiều phần khác ở những người bẩm sinh chỉ có một tay”, Makin cho biết. “Các vùng cơ thể hoạt động bù cho phần tay thiếu hụt được tăng cường diện tích hoạt hóa nhằm làm tăng cường sự linh hoạt cho các hoạt động thường ngày”.

    Mất một tay ư? Chẳng sao cả, vì não bạn sẽ nhanh chóng huấn luyện phần cơ thể khác làm công việc đó - Ảnh 2.

    Đây cũng là điều đã xảy ra với Zion Li Aguila Velez, một cậu bé 6 tuổi bẩm sinh đã mất cả hai tay. Cậu phải dùng hai chân thay cho cả hai tay trong mọi sinh hoạt hàng ngày của mình. Alexandria Aguila Velez, mẹ nuôi của cậu bé cho biết, khi bà cố gắng sử dụng hai tay giả để giúp cậu bé, cậu đã không thể làm được gì. “Chúng tôi đã rất cố gắng, nhưng cậu khóc và chỉ muốn làm mọi việc bằng hai chân. Cuối cùng, tôi phải tháo hai chiếc tay giả ra và chiều theo ý cậu bé”, Alenxandria cho biết.

    Điều thú vị nằm ở chỗ, bộ não của cậu bé Zion tỏ ra nhanh nhạy hơn trong việc thích ứng với tình trạng tàn tật. James Giordano, giáo sư thần kinh học tại đại học Georgetown giải thích: “Bộ não lấy thông tin từ các phần cơ thể. Khi được giao nhiệm vụ hoàn thành một thao tác nào đó, bộ não sẽ cố gắng hoàn thành nó với những gì mình có. Không có tay – cũng không sao cả, vì bộ não bạn sẽ rất nhanh chóng huấn luyện cho đôi chân của bạn làm thay việc đó.”

    Mất một tay ư? Chẳng sao cả, vì não bạn sẽ nhanh chóng huấn luyện phần cơ thể khác làm công việc đó - Ảnh 3.

    Khác với trường hợp bẩm sinh, nếu một tai nạn cướp đi của bạn một phần chân hoặc tay, mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn rất nhiều. Đó là khi bộ não phải thiết lập lại gần như toàn bộ các đường dẫn truyền thần kinh chi phối cho vận động của phần chi thể đó, vốn đã là những đường dẫn truyền in hằn dấu ấn rất sâu đậm. Các phương thức phục hồi chức năng, cũng nhưng các loại công nghệ tiên tiến như kích thích điện xuyên sọ, hay kích thích từ trường có thể giúp đẩy nhanh tiến trình này.

    Giáo sư Giordano cũng cho biết thêm: “Tôi cho rằng nghiên cứu này đã làm sáng tỏ nghi vấn được đặt ra từ lâu nay: Bộ não có khả năng tái cấu trúc chính nó. Trong nghiên cứu này, có thể thấy chức năng vận động và cảm giác đã được định hướng lại hoàn toàn, và thông qua đó, khẳng định rằng bộ não linh hoạt hơn chúng ta tưởng rất nhiều”.

    Tham khảo: Howstuffworks

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày