Mẩu tin giả hết sức kỳ khôi được ghi cả trên báo New York Times: Bò rơi từ trên trời xuống, làm đắm tàu đang đi biển
Đã có một thời gian, rất nhiều người tưởng rằng câu chuyện tiếu lâm này là có thật, khi mà nó được nhắc đến rất nhiều trên báo chí trong khoảng cuối thế kỷ 20.
Nếu bạn là người có hứng thú với những chuyện kỳ khôi, có lẽ bạn đã từng nghe qua câu chuyện về việc một con tàu bị đắm do có một con bò rớt từ trên trời xuống - vốn rất nổi tiếng trong khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước. Còn nếu như bạn chưa nghe, thì dưới đây là phiên bản đầy đủ của câu chuyện này:
"Cách đây ít lâu, một nhóm thủy thủ Nhật Bản đã được tìm thấy khi đang lênh đênh trên biển, cố gắng bấu víu trên những mảnh vỡ còn sót lại của con tàu. Tuy nhiên, ngay sau khi được giải cứu, nhóm thủy thủ này đã bị bắt giam vì tội 'đưa ra những lời khai không trung thực' khi được hỏi về vụ tai nạn xảy ra. Cụ thể, nhóm thủy thủ này đã khai báo rằng tàu của họ bị đắm khi đang đi trên biển bởi một con bò rơi từ trên trời xuống.
Nhà chức trách cảm thấy lời khai của nhóm thủy thủ này hết sức vô lý, thế nên đã quyết định tiếp tục giam giữ họ thêm vài tuần, cho đến khi lực lượng Không quân Nga liên hệ với chính quyền Nhật Bản. Theo như lời kể của không quân Nga, bọn họ đã 'bắt cóc' một chú bò đi lạc ở Siberia và nhốt vào trong khoang hàng của một chiếc máy bay. Tuy nhiên, chú bò này đã phát điên và quậy phá bên trong khoang hàng, khiến cho họ buộc lòng phải đẩy chú bò này ra khỏi đó trước khi các trang thiết bị trong máy bay bị phá hỏng. Khi ấy, họ đang ở trên không phận của Nhật Bản, và có vẻ như chú bò này sau khi rơi từ độ cao 30.000 feet đã rơi trúng con tàu xấu số đang đi ở dưới."
Câu chuyện kỳ khôi này đã mua vui cho rất nhiều người Nga trong suốt một khoảng thời gian dài, và tam sao thất bản ra thành rất nhiều dị bản khác nhau. Một cuốn sách xuất bản năm 1993 quả quyết rằng, câu chuyện này có thật và được đăng tải trên tạp chí Moscow News số ra ngày mùng 1 tháng 6 năm 1990. Trong câu chuyện này, chú bò khi được vận chuyển đã phát điên vì không khí lạnh khi máy bay bay quá cao. Một dị bản khác thì lại cho rằng câu chuyện này diễn ra từ tận năm 1965, và "nạn nhân" là một chiếc xe ô tô tại Scotland.
Thế nhưng, đến mùa xuân năm 1996, câu chuyện này mới chính thức được biết đến rộng rãi hơn, khi đại sứ quán Đức tại Nga kể nó cho đại diện của bộ ngoại giao ở Bonn. Kết quả là không hiểu sao, câu chuyện tiếu lâm này của Nga đã trở thành tin tức xuất hiện trên báo chí của Đức. Rất có thể nguyên nhân cho sự nhầm lẫn này đến từ cảnh bò rơi ra khỏi máy bay quân sự trong bộ phim hài Nga "Osobennosti Natsionalnoi Okhoty" (Cuộc đi săn kỳ quái) - khiến nhiều người tưởng rằng nó được lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật.
Chiếc tin giả này tiếp tục "đi sâu vào lòng người đọc" khi nhiều người nhầm lẫn bài giải thích của tạp chí Reuters về sự tích câu chuyện này - cũng như nguyên nhân làm sao nó xuất hiện trên báo chí Đức - là một bài báo chứng minh câu chuyện ấy có thật. Thậm chí, một trang web về thể thao còn giật tít rất to và rõ ràng trên trang chủ của mình rằng: "Theo như báo Reuters: Bò biết bay."
Thậm chí, câu chuyện này tiếp tục xuất hiện trên báo chí hiện đại, khi mà một bài báo kể về việc khoan dầu, xuất bản ngày 14 tháng 1 năm 2011 trên tạp chí New York Times có đoạn:
"Cho dù có cẩn thận đến đâu, vẫn luôn có những sự việc không ngờ tới có thể xảy ra. Theo lời giáo sư Robert Bea tại Đại học California, vào tháng 7 năm 2003, một chiếc tàu cá của Nhật Bản đã bị đánh chìm bởi một con bò rơi từ trên trời xuống. Con bò này rớt khỏi một chiếc máy bay chở hàng đang trên đường bay từ Anchorage tới Nga. 'Những tình huống như thế này thì chịu, chẳng ai có thể chuẩn bị trước cho nó được cả. Việc quản trị rủi ro cho mọi dự án chăc chắn sẽ chẳng bao giờ tính đến chuyện có một con bò từ trên trời rơi xuống,' giáo sư Bea cho biết."
Nhưng may mắn thay, tạp chí New York Times đã nhanh chóng nhận ra rằng mình đã đăng phải tin giả, và ngay lập tức có một bài đính chính: "Một bài báo ra ngày 16 tháng 1 có kể một câu chuyện về việc một chiếc thuyền đánh cá tại Nhật Bản bị đắm do có con bò rơi từ trên trời xuống. Câu chuyện này không có thật. Nó chỉ đơn giản là một câu chuyện tiếu lâm, và có rất nhiều dị bản tại nhiều nước khác nhau như Scotland, Đức, Nga, cũng như tại nhiều nước khác."
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời