Năm ngoái, mẹ tôi không gặp chút khó khăn nào khi sử dụng chiếc iPhone 7 với phím Home mới. Tuy nhiên năm nay, khi Apple đã loại bỏ hoàn toàn phím Home trên iPhone X, liệu mẹ tôi sẽ phản ứng ra sao?
Mẹ tôi năm nay đã gần 60 tuổi và bà không phải là một người am tường về công nghệ. 4 năm trước bà vẫn dùng một chiếc điện thoại cơ bản, và không một ai nghĩ rằng lại có một ngày bà sẽ có thể sử dụng một thứ hi-tech như smartphone. Nhưng rồi iPhone đã thay đổi mọi thứ. Giờ đây, mẹ tôi sử dụng iPhone không chỉ để nghe gọi, nhắn tin mà còn là lướt web, đọc báo, xem video, nghe nhạc... Tôi cũng không nhớ lần cuối mẹ gọi tôi để nhờ hướng dẫn sử dụng máy là bao giờ, chỉ biết là đã từ rất lâu rồi. Không rành về công nghệ, nhưng bà có thể tự mình mày mò hầu hết các tính năng cơ bản của iPhone.
Cần phải nói rằng, trước khi đến với iPhone thì bà đã thử sử dụng một vài chiếc smartphone chạy Android và Windows Phone. Nhưng rồi, cũng chỉ sau một thời gian ngắn, bà lắc đầu nguây nguẩy và trả lại máy cho tôi để quay về với "cục gạch". Một trong những lý do chính dẫn đến việc này là hệ thống phím vật lý của những chiếc máy này Android và Windows Phone quá rắc rối với suy nghĩ của một người mù mờ công nghệ: "Muốn thoát ra thì bấm Back hay bấm Home?", "Nút đa nhiệm này để làm gì?", "Tại sao lại có nút tìm kiếm ở đây?"... Đối với iPhone, việc này đơn giản hơn nhiều do nó chỉ có một phím bấm duy nhất với cách thức sử dụng vô cùng dễ hiểu: bấm vào đây để về màn hình chính.
Mẹ tôi không thể hiểu nổi hệ thống phím bấm của Android và Windows Phone
Trong suốt 10 năm qua, người dùng iPhone đã quá quen thuộc với phím Home và cách mà nó hoạt động. Năm ngoái với iPhone 7, Apple có những thay đổi đầu tiên vào phím Home khi thay vì sử dụng một phím bấm vật lý cơ học, hãng đã chuyển sang một phím bấm tĩnh, dựa hoàn toàn vào lực nhấn và đưa ra phản hồi bằng bộ rung Taptic Engine. Điều này đã khiến một số người dùng tỏ ra lo lắng: "Liệu nó sẽ cho cảm giác ra sao?", "Có thật và dễ sử dụng như phím Home trước đây hay không?"
Phím Home của iPhone 7
Tôi cũng từng có những thắc mắc như trên, và tôi biết rằng cách tốt nhất để trả lời chúng là... đưa cho mẹ tôi dùng thử. Nếu bà dùng được, thì chắc chắn những người khác cũng sẽ dùng được. Và kết quả? Bà có thể sử dụng chiếc máy này một cách hoàn toàn bình thường mà không hề nhận ra rằng phím Home mà bà đang bấm đang mang trong mình một công nghệ hoàn toàn mới.
Mẹ tôi không gặp bất kỳ trở ngại gì trong việc sử dụng phím Home của iPhone 7
Năm nay với iPhone X, Apple lại một lần nữa thay đổi phím Home của máy. Chỉ khác là lần này hãng quyết định... gỡ bỏ hoàn toàn nó luôn! Thao tác mà người dùng iPhone đã quen thuộc trong suốt 10 năm qua là bấm phím Home để về màn hình chính nay đã không còn, thay vào đó là vuốt từ cạnh dưới màn hình.
Đối với tôi - một người trẻ tuổi và đam mê công nghệ, thì thay đổi này không phải là một vấn đề quá lớn. Chỉ sau một vài tiếng sử dụng iPhone X, tôi đã khá quen với thao tác này và thậm chí còn thấy nó thuận tiện hơn cả phím Home. Nhưng, với những người dùng như mẹ tôi thì sao?
1 năm sau, mẹ tôi đã trở lại. Lần này là với iPhone X.
Lần đầu sử dụng iPhone X, mẹ tôi đã gặp những khó khăn gì?
Vừa cầm máy trên tay, không ngạc nhiên khi mẹ tôi lập tức hỏi tôi rằng: "Làm sao để mở ra vậy?". Do không còn phím Home, vậy nên bà không thể "Bấm Home để mở khóa" như chiếc iPhone cũ.
Tôi buộc phải hướng dẫn bà thao tác hất lên từ cạnh màn hình để thay thế cho phím Home. Tuy nhiên, những lần sau đó, bà vẫn chưa thể thực hiện thao tác này một cách thuần thục mà vẫn phải hất nhiều lần mới có thể mở khóa. Lý do là vì thao tác chưa chuẩn xác: thay vì hất từ cạnh dưới màn hình, bà lại hay nhầm lẫn với việc hất từ một khoảng trống bất kỳ trên màn hình khóa, vô tình kích hoạt tính năng xem lại các thông báo cũ của iOS 11.
Thao tác vuốt lên để mở khóa thường bị nhầm lẫn với thao tác vuốt lên để xem thông báo cũ
Thiết kế của iOS 11 cũng có một vài điểm khiến cho những người lớn tuổi tỏ ra rất lúng túng. Đầu tiên, lời chỉ dẫn trên màn hình khóa của iPhone X là "Vuốt lên để mở" cũng không giúp ích nhiều cho người dùng, do họ không biết vuốt từ đâu và sẽ lại gặp tình cảnh như mẹ tôi. Nếu như các dòng chỉ dẫn như "Trượt để mở khóa" hay "Bấm Home để mở khóa" ở các phiên bản iPhone trước rất rõ ràng và dễ hiểu, thì với iPhone X, người dùng sẽ khó có thể hình dung ra được cách thức sử dụng ngay trong lần đầu tiên được cầm máy.
Tiếp theo, hãy cùng nói một chút về thanh ngang nằm ở dưới màn hình. Với kích thước khá nhỏ và diện tích tiếp xúc với ngón tay không nhiều, thanh ngang này sẽ là một trở ngại với những người lớn tuổi - vốn thường có đôi mắt không thật sự tinh tường và khá vụng về khi sử dụng các thiết bị công nghệ cao.
Thế nhưng, đây chưa phải vấn đề lớn nhất. Một ưu điểm của phím Home vật lý trên các thế hệ iPhone trước là nó luôn nằm ở một vị trí cố định, cụ thể là phía dưới màn hình. Khi chuyển sang phím Home ảo, ưu điểm này không còn nữa. Thanh ngang sẽ thay đổi vị trí tùy theo hướng mà người dùng cầm máy: nó có thể ở cạnh dưới khi họ cầm dọc, hay cạnh trái hoặc cạnh phải khi họ cầm ngang. Điều này khiến cho người dùng không thể rèn luyện được "bản năng" bấm phím Home như trước kia, khi cứ mỗi lần như vậy, họ sẽ phải tìm xem thanh ngang đang ở đâu.
Thanh ngang để người dùng vuốt thay đổi tùy theo cách cầm máy chứ không nằm cố định như nút Home trước kia
Vấn đề cuối cùng mà tôi tin rằng người dùng sẽ gặp phải khi sử dụng iPhone X là thao tác vuốt lên từ cạnh dưới để về màn hình chính, nếu không được thực hiện dứt khoát, có thể sẽ bị máy hiểu nhầm rằng người dùng đang cố mở màn hình đa nhiệm. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, màn hình đa nhiệm lại không có thanh ngang ở dưới cùng; và lại một lần nữa, người dùng sẽ cần tự tìm cách để thoát khỏi nó.
Màn hình đa nhiệm của iPhone X không có thanh ngang ở cạnh dưới
"Khó dùng quá con ơi!", nhưng...
Trong suốt quá trình trải nghiệm ban đầu, mẹ tôi luôn nói rằng iPhone X thật khó sử dụng và không thuận tiện bằng chiếc iPhone 6s của bà. Tuy nhiên những ngày sau đó, biết rằng iPhone X khó sử dụng là thế, mẹ tôi vẫn thi thoảng đòi tôi cho mượn máy để bà có thể học hỏi và tìm cách làm quen hơn.
Mẹ tôi nói rằng chiếc iPhone 6s của bà dễ sử dụng hơn iPhone X
Từ khóa chính ở đây là "học hỏi". Công nghệ thay đổi và lạc hậu từng ngày, mẹ tôi cũng không thể dùng chiếc iPhone 6s mãi mãi. Rồi một ngày nào đó trong tương lai, có thể xa hoặc gần, mẹ tôi cũng sẽ phải nâng cấp lên một chiếc điện thoại khác. Và thiết kế của những chiếc smartphone tương lai sẽ đều mang hơi hướng của iPhone X: một thiết bị với màn hình chiếm trọn mặt trước với phím vật lý bị loại bỏ và được vận hành hoàn toàn thông qua các cử chỉ (gestures) hoặc/và nút bấm ảo. Chính vì vậy, không sớm thì muộn, dù muốn hay không muốn, người dùng cũng sẽ phải học hỏi, cũng sẽ phải làm quen để có thể bắt kịp được xu hướng công nghệ.
Vì tương lai của smartphone sẽ là những chiếc máy như iPhone X, chính vì vậy, người dùng sẽ buộc phải làm quen dần với những khái niệm mới
Dẫu sao thì,"Cứ tập dùng nhiều là khắc sẽ quen ấy mà" - mẹ tôi nói vậy.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời