Mèo và các doanh nhân thành đạt: có mối liên hệ rất quái đản mà bạn sẽ không bao giờ nghĩ đến
Có lẽ có nằm mơ chúng ta cũng không thể ngờ rằng các "boss" mèo lại có thể tạo ra các "boss" người thực sự.
Mèo vẫn luôn là một sinh vật kỳ lạ. Chúng nhỏ bé nhưng oai vệ, sống phụ thuộc nhưng tính cách lại cực kỳ độc lập. Vậy mà ta luôn cung phụng chúng, xem chúng là boss, là hoàng thượng để hầu hạ mỗi ngày.
Nhưng có lẽ dù nằm mơ ta cũng không thể ngờ rằng các "boss" mèo lại có thể tạo ra các "boss" người thực sự. Mà lại còn theo cái cách mà đảm bảo chẳng ai trong chúng ta nghĩ đến.
Từ boss mèo mà tạo ra boss người
Trước kia, chúng ta từng biết rằng mèo có một loại ký sinh trùng, mang tên Toxoplasma gondii . T. gondii thực chất sống cộng sinh với mèo thì đúng hơn, vì chúng sẽ bám lên người chuột, phá hủy bản năng cảm nhận nguy hiểm, khiến chuột dễ dàng đưa đầu vào miệng mèo.
T. gondii - ký sinh trùng có mặt trên mèo
T. gondii cũng đã được xác nhận là có thể ký sinh trên con người, và phần nào đó ảnh hưởng đến não bộ của chúng ta. Ảnh hưởng như thế nào thì còn hạ hồi phân giải, vì các giả thuyết vẫn chưa được chứng thực.
Nhưng theo một nghiên cứu mới đây từ ĐH Colorado (Mỹ), các ảnh hưởng của T. gondii có thể kỳ lạ hơn bạn tưởng. Các chuyên gia cho rằng não bộ bị ký sinh sẽ có những phản ứng, mà nếu được đặt trong hoàn cảnh nhất định thì người đó có thể trở thành một doanh nhân thành đạt cỡ... Elon Musk trở lên.
Cụ thể, nhóm chuyên gia đã thử phân tích dữ liệu về các doanh nhân thành đạt có tình cờ nhiễm T. gondii. Họ cũng theo dõi cả các sinh viên với nhiều chuyên ngành khác nhau, nhằm tìm cho ra mối liên hệ với loài ký sinh trùng này.
Kết quả, trong số 1500 sinh viên dương tính với T. gondii, tỷ lệ theo học chuyên ngành kinh doanh cao hơn gấp 1,4 lần. Đặc biệt, tỷ lệ học chuyên ngành quản lý doanh nghiệp cũng cao hơn gấp 1,7 lần.
Còn với gần 200 doanh nhân và các chuyên gia về kinh doanh, thì những người dương tính với T. gondii có xu hướng tự thành lập doanh nghiệp cao hơn 1,8 lần.
Các chuyên gia đặt ra giả thuyết rằng T. gondii đã khiến não bộ có những phản ứng "lạ", có thể làm giảm độ cảnh giác về những rủi ro có trong lĩnh vực tài chính. Từ đó, chúng ta dễ dàng đưa ra quyết định liều lĩnh, nhằm thu được nhiều lợi nhuận hơn - giống như cách mà các doanh nghiệp thành công đã từng làm.
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa rằng bạn nuôi mèo và con bạn sẽ trở thành tỷ phú tương lai. Ảnh hưởng của T. gondii vẫn còn rất nhiều giả thuyết, trong đó có một số còn khá tiêu cực như dẫn đến tâm thần phân liệt (vẫn chưa được chứng thực).
Nhưng dù vậy, nghiên cứu cũng đưa ra được một câu chuyện hết sức thú vị. Có thể đây cũng là lý do vì sao một số tỷ phú lại nuôi mèo chăng? Vì chúng khiến họ trở thành tỷ phú?
Nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của hội khoa học Hoàng gia.
Tham khảo: Science Alert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"
Không chỉ là một mô hình AI mới, sự ra đời của Gemini 2.0 còn được Google xem như là cột mốc chuyển giao sang thời đại của các "tác nhân AI".
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI