Microsoft có lẽ muốn bạn quên đi Windows RT để chào đón một nền tảng mới với cơ hội phát triển còn lớn hơn nhiều.
Năm 2012, Microsoft nỗ lực xây dựng phiên bản rút gọn của Windows 8 mang tên Windows RT chạy trên bộ xử lý ARM. Hệ điều hành nhắm tới thị trường máy tính bảng và những chiếc máy tính chuyển đổi.
CEO Satya Nadella chắc chắn không muốn đi theo vết xe đổ của Windows RT
Bởi vậy, Windows RT chỉ hỗ trợ những ứng dụng di động trong cửa hàng của Microsoft. Có một chế độ desktop chạy các phiên bản sửa đổi của một số ứng dụng cũ (aka x86) mà người dùng tải từ web xuống, nhưng trải nghiệm không thể bằng với bản Windows đầy đủ.
Mọi thứ đã đi trệch hướng so với kỳ vọng ban đầu. Microsoft háo hức tấn công vào thị trường di động, nhưng khả năng hỗ trợ ứng dụng của RT quá yếu với nhiều cái tên quen thuộc bị giới hạn. Thậm chí, việc xây dựng thương hiệu Windows RT gây nhầm lẫn khiến người dùng không hiểu rõ chức năng của nó. Nền tảng này nhận thất bại cay đắng.
Thế nhưng, gã khổng lồ xứ Redmond chưa chịu “buông súng” với việc ra mắt Windows 10 S hồi đầu tháng 5. Giống như người tiền nhiệm RT, đó là một hệ điều hành cho phép chạy ứng dụng từ cửa hàng Windows. Microsoft đã rất nỗ lực để mang nhiều ứng dụng phổ biến tới cho người dùng.
Các thiết bị Windows 10 S vẫn hỗ trợ cả vi xử lý của desktop (từ Intel cho đến mức độ thấp hơn AMD). Đồng thời, Microsoft còn đưa Windows lên thiết bị di động chạy chip ARM. Vào tháng 12, công ty tuyên bố với một vài thủ thuật sẽ có thể chạy Windows 10 đầy đủ trên bộ xử lý Qualcomm Snapdragon.
Microsoft và Qualcomm đang bắt tay nhau để thực hiện những kế hoạch tiếp theo.Lenovo, HP và Asus đã ký thỏa thuận tạo ra các thiết bị chạy Windows 10 sử dụng Snapdragon 835, chip cao cấp nhất trang bị cho Galaxy S8.
Qualcomm đã đề cập tới một vài mục tiêu chung:
- Hãng nhắm mục tiêu vào những thiết kế “hai trong một” và “siêu mỏng” do nhận thấy phân khúc PC đang phát triển.
- Công ty hy vọng các đối tác sẽ tạo ra nhiều thiết bị giá rẻ giống như Google Chromebook.
- Qualcomm cho biết những thiết bị mới sẽ bắt đầu xuất hiện vào nửa sau của năm 2017. CEO Steve Mollenkopf tiết lộ sẽ dồn lực vào quý IV năm nay.
- Hãng đồng thời nhắm tới thị trường Mỹ và châu Âu cho bước khởi đầu bởi tại đây hệ thống LTE và hỗ trợ chip mobile đã khá hoàn thiện.
Ý tưởng dùng chip di động chạy Windows phần nào biến PC trở nên giống smartphone hơn. Qualcomm muốn có các thiết bị cho thời gian dùng pin nhiều hơn từ 20 tiếng và việc hỗ trợ LTE sẽ giúp người dùng linh hoạt tránh phụ thuộc vào Wi-Fi.
Về lý thuyết, việc chạy Windows bản đầy đủ trên chip Snapdragon cho phép Microsoft dễ dàng xây dựng ứng dụng từ cửa hàng Windows hơn so với chỉ tập trung cho điện thoại. Tuy nhiên, chưa rõ công ty có quay trở lại chiến lược này hay không.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là mọi thứ sẽ hoạt động thế nào. Các máy tính dùng Snapdragon chỉ chạy ứng dụng trên Microsoft Store, bất kể cái tên nào khác (như Chrome) nếu được cũng chỉ vận hành ở môi trường giả lập hoặc không thể bằng với sản phẩm “chính chủ”.
Về phần mình, Qualcomm kỳ vọng các thiết bị sẽ có hiệu năng tương đương máy dùng vi xử lý Intel Core i5 hoặc Core M tiết kiệm năng lượng. Phải tới cuối năm chúng ta mới biết rõ kết quả, nhưng chiến lược mới rõ ràng nhắm tới người dùng thông thường.
Còn quá sớm để khẳng định mối hợp tác lâu dài giữa Microsoft và Intel đang xói mòn bởi phần lớn máy tính Windows sử dụng chip Intel. Cả hai thậm chí có chung ý tưởng phát triển các dự án thực tế ảo. Thêm nữa, Microsoft cho biết các nhà sản xuất khác cũng lên kế hoạch ra mắt máy tính chip Intel hỗ trợ kết nối LTE.
Gã khổng lồ Redmond đang đánh cược thêm lần nữa vào nền tảng Windows di động mà cơ hội sẽ còn lớn hơn trước rất nhiều. Bước đi này là cần thiết nhưng kết quả vẫn cần thời gian trả lời.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời