Dù MobiFone đã thông báo xin lỗi và có hành động đền bù cụ thể nhưng nhiều người dùng tại TP.HCM vẫn bày tỏ sự rất không hài lòng với nhà mạng này.
Ngày 7-1, sau khi nhận "đền bù" từ nhà mạng MobiFone, nhiều thuê bao tại TP.HCM đã bày tỏ sự không hài lòng và cho rằng "chưa tương xứng" với thiệt hại họ phải gánh chịu do sự cố đã xảy ra chiều 4-1.
Theo thông báo của MobiFone, họ "đền bù" cho các thuê bao tại TP.HCM bị ảnh hưởng bởi sự cố mạng xảy ra chiều 4-1 bằng gói cước gồm 4GB dữ liệu, 10 phút gọi liên mạng, 20 phút gọi nội mạng. Tuy nhiên thời gian sử dụng chỉ diễn ra trong 24 giờ.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, chị Tăng Khánh cho rằng: "Sự đền bù đấy như kiểu cho có, không có ý nghĩa cụ thể gì với khách hàng". Theo chị Khánh, người dùng phải "dùng cực nhiều dung lượng thì 4GB/ngày mới hết được. Trong khi tôi đã mua dung lượng dùng cả tháng rồi, giờ họ tặng thêm 4GB/ngày cơ bản là không để làm gì, không biết dùng vào đâu".
Rất nhiều thuê bao cho rằng thời gian sử dụng gói cước "đền bù" chỉ trong vòng 24 giờ là quá ngắn. Họ gần như chưa kịp làm gì thì đã hết hạn được hưởng "đền bù". Trong khi so sánh mức tương quan với thiệt hại do việc mất sóng chiều 4-1 (không liên lạc, nhắn tin được gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong công việc) là không hề xứng đáng.
"Đáng lẽ MobiFone nên kéo dài thời gian sử dụng của gói cước đền bù để người nhận có cảm giác dễ chịu hơn là ép buộc họ dùng chỉ trong 24 giờ", anh Thanh Hoàng (quận Phú Nhuận) nhận xét.
So với lần xảy ra sự cố lần trước (tháng 10-2021), chuyên gia truyền thông Dy Khoa cho rằng:
"MobiFone đã có phản ứng trước khủng hoảng bài bản hơn. Tuy nhiên, xử lý này vẫn chưa thật sự trôi chảy và phối hợp ăn ý. Chẳng hạn, lúc nhiều thuê bao bị sự cố, nhân viên tổng đài vẫn khuyến khích khách hàng kiểm tra lại SIM, thiết bị di động chứ không ghi nhận để khắc phục lỗi mạng.
Việc này làm cho các thuê bao rất khó chịu, nhiều người dự tính đi thay SIM vì nghĩ SIM hỏng. Cách làm theo hướng đổ lỗi cho người dùng đã đánh mất sự cầu thị mà bất kỳ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nào cũng nên có sẵn".
Theo nhiều chuyên gia, mặc dù điểm đáng ghi nhận của MobiFone trong sự cố lần này là đã ra thông báo sự cố và xin lỗi kịp thời. Cùng với đó, MobiFone đã có xin lỗi trực tiếp bằng tin nhắn đến các thuê bao bị ảnh hưởng và tặng một số ưu đãi.
Tuy nhiên, "của cho không bằng cách cho. Hình thức tặng quà này như một cách áp đặt. Mấu chốt này tạo ra sự không thoải mái tiếp theo cho người dùng. Hiện MobiFone cung cấp một số gói data, gọi gần như cả tháng dùng không hết thì 4GB tặng thêm không có ý nghĩa.
Thời gian sử dụng bị giới hạn 24 giờ cũng là yếu tố gây căng thẳng trong tâm trí người tiêu dùng. Họ gần như bị ở thế yếu. Nhà cung cấp cho gì biết nấy. Nếu thiện chí hơn, MobiFone nên thiết kế quà tặng linh động theo từng thuê bao, hình thức giảm cước cũng nên được cân nhắc", anh Dy Khoa nhận xét.
Chị Ngọc Trâm, nhân viên truyền thông, góp ý: "Hôm xảy ra sự cố tầm chiều tối, nhân viên văn phòng cũng gần xong việc, có thể dùng đến điện thoại bàn hoặc liên hệ qua các công cụ chat online.
Nhưng tôi thấy các shipper là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi họ không kết nối được ứng dụng, không liên lạc được với khách và công việc giao hàng, chở khách gần như "chết lâm sàng". Thiết nghĩ MobiFone nên có thêm quyền lợi đền bù cho nhóm đối tượng này".
"Là một khách hàng hơn 15 năm của MobiFone, tôi mong rằng nhà mạng sẽ cải thiện chất lượng hơn và đừng để xảy ra sự cố tương tự vì sự cố vừa rồi gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến công việc của tôi và hàng triệu thuê bao MobiFone khác", chị Trâm cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, gói cước "đền bù" đang được MobiFone triển khai cộng cho các thuê bao tại TP.HCM. Do lượng thuê bao lớn nên nhà mạng này chia thành các nhóm nhỏ và triển khai "đền bù" đến ngày 11-1. Gói cước này sẽ không tự động gia hạn sau khi kết thúc thời gian sử dụng (24 giờ kể từ khi khách hàng nhận được thông báo).
Theo tuoitre.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI