Ba chìm bảy nổi tại thị trường Trung Quốc, bao giờ Samsung mới ngóc đầu lên?

    Yến Thanh,  

    Giàu có và danh tiếng là vậy. Nhưng ngay tại thị trường di động quan trọng nhất trên thế giới là Trung Quốc, Samsung thậm chí còn không lọt nổi vào top 5 nhà sản xuất hàng đầu.

    Sẽ chẳng có gì bí mật khi nói rằng, thị trường di động trong vài năm ngoái đang ngày càng nóng lên, và dần trở thành cuộc chiến không khoan nhượng giữa các nhà sản xuất smartphone. Đặc biệt là với các nhà sản xuất Android. Những cái tên kì cựu như Samsung, LG, HTC hay Motorola là minh chứng rõ ràng nhất.

    Trong đó, Samsung chính là cái tên đáng chú ý nhất. Bởi trong nhiều năm trở lại đây, Samsung luôn là nhà sản xuất smartphone số một toàn cầu. Giàu có và danh tiếng là vậy. Nhưng ngay tại thị trường di động quan trọng nhất trên thế giới là Trung Quốc, Samsung thậm chí còn không lọt nổi vào top 5 nhà sản xuất hàng đầu.

    Vậy vấn đề của Samsung ở đây là gì? Làm sao để vực dậy thương hiệu Samsung tại thị trường smartphone quan trọng nhất thế giới này?

    Đây là 3 vấn đề Samsung cần thực sự chú tâm

    Theo các chuyên gia, hiện tại Samsung đang gặp phải ít nhất 3 vấn đề. Đầu tiên là về giá bán. Các smartphone nội địa của Trung Quốc đều có giá bán rất rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng tầm của Samsung. Trong khi cấu hình và các thông số phần cứng lại gần như tương đương, không có nhiều khác biệt.

    Thứ hai là trải nghiệm phần mềm. Trong vài năm trở lại đây, TouchWiz luôn được coi là xương sống của smartphone Samsung. Nhưng so với trải nghiệm mà các smartphone Trung Quốc đem lại, như MIUI của Xiaomi hay Flyme OS của Meizu, TouchWiz lại có phần yếu thế và ít được ưa chuộng hơn cả.

    Cuối cùng, chính là sự cạnh tranh của Apple ở phân khúc cao cấp. Có thể nói, Apple luôn là đối thủ không đội trời chung với Samsung ở mọi thị trường. Và tại Trung Quốc, Samsung thậm chí còn bị Apple đè bẹp ở phân khúc smartphone hạng sang. Và dưới đây, hãy cùng chúng tôi kiểm chứng 3 vấn đề trên.

    Giá bán cao khiến Samsung đi vào vết xe đổ của Sony

    Vấn đề mà Samsung đang gặp phải hoàn toàn tương tự như rất nhiều ông lớn trong làng di động trước đây. Đó là giá bán quá cao, khả năng định giá có vấn đề. Như Sony là một ví dụ. Từng là một trong những nhà sản xuất đầu bảng trong làng di động, có thời điểm lấn át cả Apple, nhưng Sony lại có một bước đi khá sai lầm.

    Ngay cả khi mảng di động của Sony thua lỗ nặng nề, và có khả năng chìm xuồng, nhà sản xuất Nhật Bản vẫn chưng diện giá bán cao ngất cho các sản phẩm của mình. Thực tế đã chứng minh, chẳng ai muốn mua một sản phẩm vừa đắt, vừa không còn nhiều giá trị về thương hiệu. Cái tội lớn nhất của Sony là quá bảo thủ.

    Hệ quả là thương hiệu Sony VAIO được nhượng lại cho một công ty khác. Doanh số từ mảng di động của Sony ngày càng trì trệ. Nhiều nhà máy phải đóng cửa. Thậm chí, có thời điểm, nhiều người nghĩ rằng Sony chỉ còn là công ty sản xuất máy chơi game, hơn là tập đoàn công nghệ đa ngành nghề.

    Nhìn vào Sony hiện nay, các chuyên gia cho rằng, họ thấy hình ảnh của Samsung trong vài năm tới. Nói cách khác, nếu Samsung học tập Sony và sống mãi với niềm tự tôn thương hiệu, cái kết của công ty Hàn Quốc sẽ chẳng tốt đẹp gì. Nhất là khi giá bán của smartphone Samsung đều đắt hơn đối thủ cạnh tranh rất nhiều.

    Lấy một ví dụ cụ thể. Như chiếc Galaxy A7 (2016) có giá bán lên tới 440 USD. Trong khi đó, với cấu hinh, chức năng hoàn toàn tương tự, người dùng có thể tìm tới OnePlus 2 với giá chưa tới 400 USD. Thậm chí, nếu muốn rẻ hơn nữa, các smartphone cùng thông số của Xiaomi hay Meizu cũng không phải lựa chọn tồi.

    Vậy tại sao bao lâu nay, người ta vẫn mua smartphone Samsung dù cấu hình thấp hơn, mà giá bán lại đắt hơn? Vì thương hiệu. Vậy còn tại Trung Quốc? Samsung chẳng là gì. Đó mới là vấn đề. Khi thương hiệu không phải thế mạnh, giá bán sẽ là yếu tố mà Samsung cần quan tâm tại Trung Quốc, ngay lúc này.

    Trải nghiệm smartphone Samsung thua điện thoại Trung Quốc?

    Nhiều người cho rằng, việc yêu hay ghét trải nghiệm smartphone đều phụ thuộc rất nhiều vào cảm tính, và mang đầy tính chủ quan. Giống như việc, cả smartphone LG và Samsung đều chạy nền tảng Android. Nhưng người này lại thích TouchWiz của Samsung, người kia lại chỉ quen tay với smartphone của LG.

    Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ người dùng, mà rất nhiều chuyên gia cũng đều phàn nàn về trải nghiệm giao diện TouchWiz trong vài năm trở lại đây. Họ cho rằng, sở dĩ TouchWiz của Samsung không được ưa chuộng là do chúng quá rối rắm, cài cắm quá nhiều tính năng, ứng dụng không thực sự hữu ích.

    Trong khi đó, với các hãng smartphone nội địa Trung Quốc như Xiaomi, Lenovo, Huawei hay Meizu lại là một câu chuyện khác. Các hệ điều hành này được cộng đồng lập trình viên hỗ trợ rất nhiều, loại bỏ đi những tính năng, dịch vụ không cần thiết. Và hơn hết, nó tạo cho người dùng cảm giác được thực sự làm chủ.

    Còn Samsung, muốn ra điện thoại cho người Trung Quốc, nhưng trải nghiệm lại không hề hướng theo người dùng Trung Quốc. Công bằng mà nói, trải nghiệm TouchWiz trên Galaxy S6 rất tốt. Nhưng nên nhớ rằng, ngoài Galaxy S6, hàng loạt các smartphone tầm trung và giá rẻ của Samsung vẫn rất tệ.

    Điều này khiến người dùng Trung Quốc vốn ưa chuộng smartphone giá rẻ tỏ ra xa rời Samsung. Bởi khi so sánh smartphone của hãng Hàn Quốc với sản phẩm nội địa, sự chênh lệch có thể thấy rõ. Do đó, nếu muốn tiến sâu vào thị trường này, có lẽ Samsung cần xem lại trải nghiệm trên các smartphone tầm thấp hiện nay.

    Sức ép từ Apple

    Có một thực tế không thể phủ nhận, Samsung đi tới đâu, nơi đó có Apple. Có thể, trên thị trường di động nói chung, iOS hay iPhone không phải số một. Nhưng tại thị trường Trung Quốc, Apple lại có sự chuẩn bị kĩ lưỡng và đầu nghiêm túc hơn rất nhiều so với Samsung. Do đó, tại Trung Quốc, Apple thắng. Tại sao?

    Thứ nhất, tại Trung Quốc, iPhone có khả năng nhận diện thương hiệu tốt hơn các sản phẩm của Samsung. iPhone luôn là chủ đề bàn luận sôi nổi của người dân nơi đây. Đơn cử như thời điểm iPhone 6s được bán ra tại Trung Quốc, những câu chuyện gây tranh cãi như hiến tinh trùng, hay bán thận đều liên quan tới iPhone.

    Thứ hai, iPhone luôn nóng. Mua đi, bán lại được giá hơn smartphone Samsung. Còn nhớ thời điểm trước khi iPhone 6s được bán ra chính thức tại Trung Quốc, rất nhiều thương lái tại đây đã chấp nhận sang tới trời Tây mua iPhone để rồi bán lại cho khách trong nước với mức giá hời, ăn chênh lệch.

    Tất cả đều cho thấy, nếu muốn thành công tại phân khúc cao cấp của thị trường Trung Quốc, Samsung cần đẩy mạnh hơn nữa thương hiệu của mình. Bởi với tâm lý của người Trung Quốc, chẳng có ai muốn mua một chiếc điện thoại có giá bán cao, trong khi bước ra đường chẳng ai biết mình đang sử dụng điện thoại gì.

    Đây là hai giải pháp tình thế dành cho Samsung tại Trung Quốc

    Tất nhiên, mọi bài toán đều có lời giải, dưới đây sẽ là 2 giải pháp tình thế được các chuyên gia khuyên dùng, phòng trong trường hợp Samsung muốn đánh chiếm tại thị trường Trung Quốc.

    Mức giá linh hoạt hơn

    Trong năm 2016 này, có thể Samsung sẽ cần nghĩ tới chuyện áp dụng một mức giá phù hợp hơn cho các smartphone của mình. Đặc biệt là các sản phẩm tầm trung và cấp thấp, nhằm cạnh tranh với các smartphone nội địa của Trung Quốc. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, quyết định này sẽ là con dao 2 lưỡi với Samsung.

    Bởi nếu chấp nhận hạ giá thành, giá trị thương hiệu của Samsung cũng sẽ giảm. Và trong tương lai, nếu muốn tăng giá sản phẩm, Samsung sẽ vấp phải sự phản đối từ người dùng. Sâu xa hơn, điều này sẽ không làm hài lòng các cổ đông của hãng, những người chỉ quan tâm tới con số sau cùng là lợi nhuận.

    Chiến lược riêng cho thị trường Trung Quốc

    Đây cũng là một yếu tố cần được Samsung cân nhắc trong thời gian này. Bởi Trung Quốc vẫn là một thị trường trọng điểm với Samsung trong tương lai. Tuy nhiên, thay vì hạ giá bán, hãng có thể tạo ra những sản phẩm riêng biệt dành riêng cho thị trường Trung Quốc, thêm 1 hoặc 2 phiên bản cũng chẳng chết ai.

    Thế nhưng, xem ra đây cũng là giải pháp kém phần khả thi. Bởi với một doanh nghiệp có truyền thống lâu đời như Samsung, họ thà sẽ hy sinh doanh số, thay vì phá vỡ mô hình kinh doanh bấy lâu chỉ vì một thị trường như Trung Quốc. Vậy phải chăng, mục tiêu quay lại top 5 tại Trung Quốc của Samsung đã phá sản?

    Thật khó để đưa ra câu trả lời chính ở thời điểm này. Nhất là khi chỉ hơn 2 tuần nữa, Samsung sẽ trình làng chiếc smartphone siêu phẩm Galaxy S7. Và biết đâu, một phép màu sẽ xảy đến với nhà sản xuất Hàn Quốc. Tất nhiên, trước hết Samsung cần làm mới bản thân mình, thay vì chờ đợi một phép màu nào đó.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ