Trong các smartphone sở hữu màn hình FullHD đã được giới thiệu tới công chúng thì
Xperia Z từ Sony trở nên nổi bật nhờ sở hữu khả năng chống nước và chống bụi theo tiêu chuẩn quân đội. Trước đây, tính năng này chỉ xuất hiện trên những chiếc điện thoại "nồi đồng cối đá" với thiết kế cục mịch và cấu hình yếu kém. Vậy bên cạnh khả năng độc đáo này thì siêu phẩm năm 2013 còn có những ưu điểm gì?
1. Thiết kế
Xperia Z có thiết kế nam tính.
Sony vẫn luôn là một thương hiệu đảm bảo cho những thiết kế đẳng cấp và Xperia Z cũng không phải là một sản phẩm ngoại lệ. Tuy sử dụng chất liệu chính là nhựa cứng nhưng Xperia Z không tạo cảm giác rẻ tiền mà vẫn toát lên vẻ sang trọng do có mặt trước và sau được ốp bằng kính cường lực. Thêm vào đó, hai lớp kính này cũng được ép sát vào thân máy và nằm dưới bộ khung một khoảng 0,1 mm. Nhờ vậy, nếu rủi ro rơi xuống bề mặt phẳng thì chiếc Xperia Z của bạn vẫn chỉ bị xước nhẹ viền máy chứ không bị vỡ các bộ phận này. Nhưng nhược điểm của chất liệu kính lại khiến cho máy bám nhiều vân tay sau một thời gian sử dụng. Có một điểm bất hợp lý ở thiết kế của Xperia Z nằm ở màu sắc. Bất kể máy của bạn màu đen, trắng hay tím thì mặt kính phía trước vẫn là màu đen.
Các phím bấm được chế tác từ chất liệu nhôm.
Bên cạnh kính cường lực thì Sony cũng sử dụng chất liệu hợp kim nhôm cho toàn bộ phím bấm chứ không phải nhựa mạ nên cảm giác khi bấm cũng chắc chắn và sướng tay hơn. Một điểm người viết không thích ở thiết kế của Xperia Z đó là việc sử dụng các miếng dán thay vì khắc thẳng các biểu tượng NFC ở mặt sau và Sony ở mặt trước máy. Khi người dùng lột miếng dán màn hình ở mặt trước thì cũng đã kéo theo biểu tượng của Sony, làm giảm đi phần nào giá trị chiếc máy. Do Sony là thương hiệu đến từ Nhật Bản nên điện thoại của họ cũng có một móc để luồn dây đeo vào giống như các loại điện thoại xứ Hoa anh đào.
Máy có móc treo đồ trang trí ở góc dưới bên phải.
Thoạt nhìn qua lần đầu tiên thì thiết kế của Xperia Z khá nam tính với rất ít đường cong và bo tròn xuất hiện trên thân máy. Thêm vào đó, Sony cũng áp dụng nhiều thiết kế đối xứng, ví dụ như loa thoại và mic nằm ở đỉnh và đáy máy… Dù trông có vẻ khá vuông vức nhưng cảm giác khi cầm Xperia Z lại không bị cấn tay mà vẫn thoải mái cho dù máy hơi to. Cách sắp xếp phím bấm trên thiết bị này khá phá cách nhưng lại khiến người dùng dễ sử dụng hơn. Phím nguồn và tăng giảm âm lượng nằm ở phần dưới bên cạnh phải của máy nên chúng ta không phải vất vả để với ngón tay lên trên đỉnh máy chỉ để mở khóa màn hình như trường hợp của một số dòng máy có màn hình 5 inch khác. Một ưu điểm nữa đó là tuy khá to nhưng Xperia Z lại khá nhẹ, có lẽ điều này có được là do máy sử dụng chất liệu nhựa cao cấp.
Cổng kết nối microUSB có hình chữ nhật.
Các sản phẩm của Sony luôn có chất lượng gia công tốt và chiếc Xperia Z cũng là một trong số đó. Các thành phần bằng nhựa được cắt và lắp ráp khá chuẩn xác, không bị xô lệch dù chỉ là khoảng cách nhỏ nhất, tạo cho thân máy một sự liền mạch. Các nắp đậy cổng kết nối trên chiếc máy này cũng vậy. Sau khi đóng vào thì chúng ta luôn có thể chắc chắn là nước sẽ không bị rỉ vào trong phần cứng. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng thì nắp che phần tai nghe trên chiếc máy của mình bị cong vênh lên một chút. Đây có lẽ là do nhược điểm của chiếc gioăng cao su nằm bên trong nắp này, tuy chống nước tốt nhưng lại chưa hoàn hảo. Thêm vào đó, việc thiết kế cổng microUSB hình chữ nhật hoàn toàn có thể khiến người dùng trong lúc bất cẩn cắm ngược dây nối và gây hư hại đến phần cứng của máy.
Màn hình:
Màn hình nét, bám vân tay.
Màn hình của Xperia Z có kích thước 5 inch, một kích thước được gọi là "bình thường" trên các smartphone Android thuộc phân khúc cao cấp hiện nay khi mà HTC One có màn hình 4,8 inch, Oppo Find 5 và Samsung Galaxy S4 cũng là 5 inch. Do sử dụng tấm nền TFT nên màn hình này không bị ám xanh, hồng vàng như màn hình AMOLED nhưng màu sắc lại không thật sự tươi tắn mà có phần hơi đục. Thêm vào đó, màn hình Xperia Z cho góc nhìn không rộng như mong đợi khi mà chỉ cần nghiêng máy nhẹ là hình ảnh đã bị biến dạng phần nào.
Màn hình của Xperia Z hiển thị ngoài nắng khá tốt.
Tuy vậy, màn hình của sản phẩm này lại cho khả năng hiển thị rõ nét khi sử dụng trong điều kiện ánh sáng mặt trời. Các ký tự, hình ảnh không bị lóa và việc nhắn tin, duyệt web ngoài trời với
Xperia Z chỉ là chuyện đơn giản. Việc sử dụng kính cường lực cũng giúp cho Sony có thể sắp đặt cho màn hình này nằm sát với phần kính hơn nên sau khi tắt màn hình thì chúng ta sẽ có một mặt kính trước gần như là đen hoàn hảo chứ không phải là phần màn hình có màu tính hay xám. Sony cũng bổ sung công nghệ Mobile BRAVIA Engine 2 trên
Xperia Z. Công nghệ này giúp cho hình ảnh có độ tương phản cao hơn mà vẫn giữ được sắc da nguyên vẹn nhưng thật đáng tiếc là chỉ được thể hiện khi xem phim hay xem ảnh.
Camera
Camera của Xperia Z cho màu sắc và độ sáng không được như mong đợi.
Qua các bài thử nghiệm với HTC One và Apple iPhone 5,
Xperia Zđã không thể hiện được những gì mà người dùng mong đợi ở camera của máy. Số điểm ảnh lên tới 13,1 triệu chỉ khiến cho các kích thước pixel nhỏ đi, đồng nghĩa với lượng ánh sáng thu vào cảm biến Exmor RS ít đi nên ảnh chụp không được sáng. Tuy vậy, cảm biến 13,1 MP lại có một ưu điểm nằm ở độ nét của ảnh chụp. Khi phóng lớn 100%, ảnh chụp của
Xperia Z khá là chi tiết, mặc dù khi so sánh với iPhone 5 thì lại hơi mờ, có lẽ do Sony không có bước làm nét (sharpen) trong phần mềm chụp ảnh. Thêm vào đó, ảnh chụp từ
Xperia Z cho màu sắc hơi trầm và có xu hướng ngả sang ánh hồng. Hy vọng điều này có thể được Sony cải thiện trong các phiên bản cập nhật phần mềm sắp tới.
Có quá nhiều thiết lập và tùy chỉnh cho một ứng dụng Camera.
Ứng dụng camera trên Xperia Z có rất nhiều tùy chỉnh phong phú, gần như là một chiếc máy ảnh PnS nhưng đây cũng là một con dao hai lưỡi. Đối với người dùng thích mày mò, khám phá thì họ sẽ luôn tùy chỉnh các lựa chọn này thật kỹ lưỡng để chụp được bức ảnh thật ưng ý. Và quả thật thì khi thiết lập thông số đúng theo môi trường, hoàn cảnh thì bức ảnh cho ra có chất lượng không hề thua kém các smartphone chụp ảnh đẹp khác. Tuy nhiên, người dùng phổ thông hoặc những khách hàng cần nắm bắt những khoảnh khắc chỉ xảy ra có một lần thì việc chọn được một thiết lập hợp lý trong một rừng lựa chọn lại là một cực hình. Để xử lý việc này, Sony đã bổ sung tính năng "Tự động cao cấp". Với thiết lập này, máy sẽ tự động phân tích điều kiện ánh sáng, màu sắc cũng như khoảng cách của môi trường chụp để đưa ra những thông số chụp phù hợp nhất.
Có thể chọn tính năng "Tự động cao cấp" để việc chụp ảnh cùng Xperia Z trở nên đơn giản hơn.
Trong các tùy chọn của camera trên Xperia Z thì chúng ta có thể tắt tiếng chụp đi. Với tính năng này, người dùng có thể hạn chế làm phiền cho những người xung quanh nhưng cũng có thể là cơ hội cho kẻ xấu khi đã cầm máy trong tay. Thêm vào đó, Xperia Z cũng có tùy chọn chạm vào màn hình để lấy nét và chụp ngay giống như trên các máy Windows Phone. Đây là tính năng được bổ sung nhằm khắc phục phần nào sự thiếu vắng đi khả năng chụp bằng phím cứng. Các phím tăng giảm âm lượng chỉ đóng vai trò cho tính năng zoom trên máy ảnh này mà thôi.
Chống nước
Xperia Z là chiếc smartphone màn hình FullHD đầu tiên có khả năng chống nước.
Như đã nói ở phần Thiết kế, Sony đã sử dụng các nắp che để ngăn chặn việc nước có thể rò rỉ vào các cổng kết nối trên máy. Các nắp che này đều có một gioăng cao su để có thể che khít vào vỏ máy. Tuy nhiên, người dùng không nên lạm dụng tính năng này để liên tục tra tấn Xperia Z với nước vì có thể các nắp che sẽ bung ra khi va chạm nhiều. Thêm vào đó, nhà sản xuất cũng khuyến cáo rằng máy chỉ có thể chịu nước ở độ sâu 1 mét trong điều kiện thời gian là 30 phút. Một điều cần chú ý là máy chỉ được thiết kế để chịu được nước cất hoặc nước tinh khiết chứ không phải là nước mắm, mắm tôm, bia hay sữa tươi. Vì vậy, đừng nên quá lạm dụng tính năng này nếu không thật sự cần thiết vì "của bền tại người".
Sau khi sử dụng một trong những cổng kết nối trên máy, một popup nhỏ sẽ xuất hiện trên màn hình để nhắc nhở người dùng đóng các nắp đậy lại.
Mời xem video kiểm tra khả năng chống nước của
Xperia Ztại đây.
Hiệu năng sử dụng
Sony đã có được bài học từ Xperia S khi mà chiếc máy này lúc ra mắt chỉ chạy hệ điều hành Android 2.3 quá lỗi thời khi so với sự thịnh hành của Ice Cream Sandwich 4.0 lúc bấy giờ. Xperia Z được xuất xưởng với Android Jelly Bean 4.1.2, phiên bản Android ổn định và thông dụng nhất nhì hiện nay.
Bật chế độ STAMINA để tiết kiệm năng lượng.
Qua một tuần sử dụng, Sony Xperia Z cho khả năng hoạt động khá ổn định. Tuy nhiên, máy lại khá nóng dù chỉ thực hiện tác vụ duyệt web trên mạng 3G. Thêm vào đó, nếu sử dụng mạng 3G và liên tục đồng bộ các thông báo, chat từ Facebook và Skype thì pin của máy tụt khá nhanh, chỉ trụ được khoảng nửa ngày là sẽ lại phải cắm sạc. Để khắc phục điều này thì người dùng nên kích hoạt chế độ STAMINA. Với STAMINA, Xperia Z sẽ tự động tắt các kết nối không dây (vẫn có thể nhận cuộc gọi và tin nhắn SMS) sau khi tắt màn hình và vì vậy thời lượng pin có thể kéo dài thêm tới khoảng 10 tiếng đồng hồ.
Do được trang bị cấu hình khá tốt: bộ xử lý lõi tứ xung nhịp 1,5 GHz từ Qualcomm cùng 2GB RAM, đồ họa Adreno 320 nên Xperia Z cho tốc độ thực thi khá mượt. Qua một tuần sử dụng, máy hầu như không có tình trạng treo và rất ít xuất hiện lỗi vặt. Mặt khác, vì sử dụng hệ điều hành Android phiên bản 4.1.2 nên các thao tác khi sử dụng máy khá trơn tru. Giao diện của Xperia Z được Sony tùy biến lại các biểu tượng và các widget khá đẹp mắt.
Bên cạnh đó, loạt ứng dụng được cài sẵn cũng hoạt động khá hiệu quả và đa dạng. Lấy ví dụ ứng dụng Walkman: đây là phần mềm nghe nhạc của Sony, có tính năng nhận diện màu sắc bìa album nhạc và thay đổi màu nền của ứng dụng cho phù hợp. Các ứng dụng Phim, Album cũng được thiết kế rất đơn giản, nhẹ mà lại tinh tế. Chương trình TrackID thì lại có khả năng nhận diện lời bài hát, tuy rằng chưa hiệu quả bằng Shazam hay Soundhound nhưng vẫn là dùng được. Ứng dụng Facebook cho Xperia dùng khi tải lên hình ảnh và tốc độ tải lên không cao. Ngoài ra, khi kích hoạt danh sách ứng dụng đang sử dụng thì chúng ta cũng được khuyến mại thêm một số ứng dụng nhỏ (small apps) như máy tính, gương... Các ứng dụng này có rất ít tính năng nhưng khá nhẹ và hữu ích.
Thử chơi một số game có đồ họa cao cấp trên Android hiện nay như Dead Trigger, Shadowgun thì Xperia Z có thể chơi khá trơn tru, không có hiện tượng giật là điều hiển nhiên so với cấu hình cao cấp của máy. Các kết quả benchmark của máy nhìn chung chưa thực sự cao nhưng cũng không phải là hạng xoàng.
Chip xử lý NFC nằm ở gần vị trí Camera.
Xperia Z là smartphone nhắm tới người dùng cấp cao nên được trang bị nhiều kết nối hiện đại như Bluetooth 4.0, Wi-Fi chuẩn n và đặc biệt là NFC. Sony Việt Nam cũng bán ra một số mẫu tag NFC tại các cửa hàng Sony Center với giá khoảng vài trăm nghìn đồng. Thử nghiệm kết nối NFC trên Xperia Z thì không được nhạy cho lắm. Máy chỉ nhận Tag NFC khi người dùng quét Tag này ở phần trên của máy, nơi có biểu tượng NFC. Có lẽ điều này là do chip NFC được thiết kế ở phần trên nắp sau chứ không phải chính giữa như nhiều máy khác và người dùng cũng nên tập làm quen với việc quét thẻ NFC ở phần trên của máy.
Âm thanh
Sony Xperia Z chỉ có một loa.
Loa ngoài của Xperia Z lại là một điểm gây thất vọng, nó chỉ là loa mono (vì chỉ có một loa) chứ không phải stereo. Khi bình thường thì âm lượng của loa này đã không được lớn và sau khi gặp nước thì nó càng trở nên tậm tịt hơn và thậm chí là còn hơi rè. Nếu không muốn nghe bằng loa này thì chúng ta có thể nghe bằng tai nghe theo máy. Tai theo máy của Xperia Z là loại tai nghe inear, cho chất âm khá hay và có thiết kế cũng khá đẹp.
Xem thêm một số hình ảnh của Sony Xperia Z
Nắp che giắc tai nghe hơi bị vênh lên sau một thời gian sử dụng.
Các nắp che này đều có gioăng cao su và chống nước rất tốt.
Mic thoại nằm đối xứng với loa thoại, bố trí ở phần dưới lớp kính.
Khay microSIM cũng được đậy bởi nắp che chống nước.
Cạnh trái có cổng microUSB, khe cắm thẻ nhớ microSD và hai chân tiếp xúc với dock sạc.
Cạnh phải có khe cắm SIM, nút nguồn, hai phím tăng giảm âm lượng, loa và móc treo trang trí.
Máy được sản xuất tại Trung Quốc.
Đỉnh máy có giắc cắm tai nghe cũng được đậy kín.Tai nghe theo máy có thiết kế sang trọng, chất lượng âm thanh khá tốt.
Hộp đựng sản phẩm có thiết kế gọn gàng, đơn giản.
Kết luận:
Với thiết kế được hoàn thiện tốt, đẹp và khả năng chống nước là ưu điểm nổi trội thì các giá 16,5 triệu phải trả để mua Xperia Z chính hãng là xứng đáng. Tuy vậy, một số nhược điểm không đáng có như biểu tượng chỉ được dán chứ không phải in, pin kém, loa ngoài âm lượng nhỏ đã giảm đi phần nào nét hoàn hảo trên siêu phẩm này của Sony. Tuy vậy, với cấu hình và hiệu năng tốt thì Xperia Z vẫn là một trong những chiếc smartphone đáng mua nhất của năm nay.
Thông số kĩ thuật:
- Tên: Sony Xperia Z.
- Kích thước: 139 x 71 x 7,9 mm (Dài x Rộng x Dày).
- Trọng lượng: 146 gram.
- Chống bụi, chống nước. Có thể ngâm nước ở độ sâu 1 mét trong 30 phút.
- Màn hình LCD TFT 5 inch, 1080 x 1920 pixels (mật độ điểm ảnh 441 ppi).
- Bộ nhớ trong 16GB.
- Bộ nhớ ngoài: Có, microSD 32GB.
- 2GB RAM.
- Camera chính 13,1 MP, quay phim fullHD 1080p (30fps).
- Camera phụ 2,2 MP, quay phim fullHD 1080p (30fps).
- HĐH Android 4.1.2.
- Vi xử lý Qualcomm MDM9215M/APQ8064 lõi tứ, 1,5 GHz.
- Chip đồ họa Adreno 320.
- Màu: Đen, trắng, tím.
- Dung lượng pin: 2330 mAh.
(Ảnh: IcedT)