Modem C1 trên iPhone 16e mới chính là lời đe dọa ngầm của Apple gửi đến Qualcomm
Dù chưa hoàn toàn đoạn tuyệt với Qualcomm, nhưng iPhone 16e chính là lời đe dọa ngầm của Apple dành cho đối tác đầy ân oán của mình.
- Apple giới thiệu chip C1 trên iPhone 16e: Modem 5G 'cây nhà lá vườn' của Apple mạnh cỡ nào?
- iPhone giá rẻ nhất của Apple nay có giá khởi điểm từ 17 triệu đồng, cao hơn 5 triệu đồng so với trước đây
- Apple chính thức khai tử iPhone 14 và iPhone 14 Plus: Lần đầu tiên loại bỏ iPhone giữa vòng đời
- Apple ra mắt iPhone 16e "mới toanh": Thiết kế mới, camera 48MP, hiệu năng mạnh ngang iPhone 16, pin ấn tượng, giá 16,99 triệu đồng
- Kỷ nguyên màn hình LCD và nút Home trên iPhone chính thức kết thúc
Cuối cùng thì Apple cũng đã sẵn sàng "đánh bật" Qualcomm khỏi vị trí độc quyền cung cấp modem di động cho iPhone. Được cho đã tiêu tốn của Apple hàng tỷ USD và 7 năm phát triển, nhưng màn giới thiệu modem C1 trên iPhone 16e mới chỉ kéo dài trong 15 giây và không có quá nhiều chi tiết. Cho dù vậy, "Nhà Táo" đang gửi một thông điệp rõ ràng đến Qualcomm: chúng tôi không còn cần đến bạn nữa.
Mối quan hệ "chồng chéo" giữa Apple và Qualcomm đã kéo dài nhiều năm qua. Một mặt, Qualcomm là đối tác quan trọng cung cấp linh kiện then chốt cho iPhone. Mặt khác, Apple liên tục phàn nàn về mức phí bản quyền "cắt cổ" mà họ phải trả cho gã khổng lồ chip di động. Năm 2017, căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Apple kiện Qualcomm ra tòa vì những điều khoản cấp phép công nghệ mà họ cho là "nặng nề, vô lý và đắt đỏ".

Modem 5G C1 do Apple tự phát triển trên iPhone 16e mới
Mặc dù vụ kiện sau đó đã được dàn xếp vào năm 2019, nhưng Apple đã âm thầm triển khai "Dự án Sinope" để phát triển modem của riêng mình. Họ thậm chí còn mua lại mảng kinh doanh modem của Intel để bổ sung nhân lực và công nghệ. Tuy nhiên, việc chế tạo một con chip modem đủ mạnh và tương thích với nhiều tiêu chuẩn viễn thông toàn cầu không hề dễ dàng. Báo cáo năm 2023 của Wall Street Journal cho thấy nhóm chip của Apple đã vất vả để đuổi kịp tốc độ và chất lượng của chip Qualcomm.
Nhưng giờ đây, sự ra mắt của modem C1 trên iPhone 16e cho thấy Apple đã sẵn sàng bước vào cuộc chơi. Mặc dù chưa thể sánh ngang với chip Qualcomm về mặt hiệu năng, nhưng modem "nhà làm" giúp Apple tiết kiệm được khoản chi phí "khổng lồ" mà họ phải trả cho đối tác mỗi năm. Theo chuyên gia phân tích Edward Snyder, Apple không chỉ phải trả tiền cho mỗi modem Qualcomm cung cấp, mà còn phải nộp thêm từ 5-6 USD phí bản quyền cho mỗi chiếc iPhone bán ra. Tổng chi phí có thể lên đến hàng tỷ USD mỗi năm.

Một kỹ sư Apple đang kiểm tra hàng loạt iPhone với modem C1 mới
Bằng cách tự sản xuất modem, Apple có thể "bỏ túi" số tiền đó và tăng cường kiểm soát "hệ sinh thái" phần cứng của chính mình. Modem C1 sẽ được tối ưu hóa để tương thích hoàn hảo với con chip xử lý A18 và hệ điều hành iOS 18, hứa hẹn mang lại trải nghiệm mượt mà và tiết kiệm pin cho người dùng. iPhone 16e được quảng cáo có thể phát video liên tục trong 26 giờ, gần gấp đôi so với 15 giờ của iPhone SE tiền nhiệm.
Tất nhiên, Apple cũng hiểu rằng họ không thể ngay lập tức "đoạn tuyệt" với Qualcomm. Modem 5G này không hỗ trợ công nghệ kết nối mmWave vốn có tốc độ cao hơn và thường phổ biến ở các khu đô thị lớn. Mặc dù vậy, chỉ cần iPhone mới không gặp các vấn đề về mất cuộc gọi và sự cố mạng thì có thể xem đây là một thành công lớn của Apple, vì điều này nghĩa là chip modem mới của Apple đã tương thích tốt với hầu hết các nhà mạng lớn trên toàn thế giới.

Các iPhone với modem C1 mới đang được vào buồng nhiệt độ để kiểm tra khả năng hoạt động trong thời gian dài
Đó là lý do tại sao modem C1 chỉ xuất hiện trên một mẫu iPhone phổ thông, thay vì dòng cao cấp vốn đem lại phần lớn doanh thu và lợi nhuận. iPhone 16e sẽ là "vật thí nghiệm" để Apple thăm dò phản ứng của người dùng và thu thập dữ liệu thực tế về hiệu quả của modem tự sản xuất, trước khi quyết định có đưa nó lên những mẫu iPhone chủ lực hay không.
Các chuyên gia dự đoán rằng thế hệ iPhone tiếp theo ra mắt vào mùa thu năm nay sẽ có khoảng 20% sử dụng modem C1, phần còn lại vẫn "trung thành" với Qualcomm. Nếu modem mới hoạt động đủ tốt, Apple nhiều khả năng sẽ hoàn toàn "đá" Qualcomm ra khỏi iPhone trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, họ vẫn sẽ phải trả phí bản quyền cho các bằng sáng chế không dây của Qualcomm ít nhất là đến tháng 3/2027.
Đó cũng là thời điểm hợp đồng cấp phép giữa hai công ty hết hạn. Khi đã hoàn toàn làm chủ công nghệ modem, nhiều khả năng Apple sẽ tìm cách "khai chiến" lại với Qualcomm để giảm tiếp mức phí bản quyền mà họ cho là quá cao. Trong khi đó, Qualcomm sẽ phải đối mặt với triển vọng mất đi một khách hàng "máu mặt" chiếm tới 1/5 doanh thu hàng năm của mình.

Ông Johny Srouji (bên phải) đang cùng một kỹ sư Apple khác kiểm tra hiệu năng của modem C1 mới trong phòng thí nghiệm tách biệt với tín hiệu vô tuyến bên ngoài
Modem C1 mới chỉ là bước đầu tiên trong cuộc "nổi dậy" của Apple nhằm tự chủ công nghệ và không còn bị ràng buộc bởi các đối tác bên ngoài. Trước đó, "Nhà Táo" đã gặt hái thành công với dòng chip xử lý M-series dành cho máy Mac. Nếu có thể làm được điều tương tự trên mảng modem di động, Apple sẽ tiến thêm một bước dài trên con đường hiện thực hóa tham vọng kiểm soát mọi linh kiện bên trong những sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, ngay cả một gã khổng lồ như Apple cũng không dễ làm lung lay vị thế thống trị của Qualcomm trong thị trường chip di động. Qualcomm không chỉ sở hữu hàng chục nghìn bằng sáng chế quan trọng, mà còn đang dẫn đầu về công nghệ modem 5G. Để bắt kịp đối thủ, Apple sẽ phải đầu tư nhiều hơn nữa vào nghiên cứu và phát triển.
Cuộc đua về công nghệ modem giữa "kẻ thách thức" Apple và "ông hoàng" Qualcomm hứa hẹn sẽ còn nhiều diễn biến hấp dẫn trong những năm tới. Tuy nhiên, người chiến thắng cuối cùng sẽ là người dùng, khi họ được hưởng lợi từ những tiến bộ công nghệ và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các "đại gia".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
OPPO ra mắt smartphone gập mỏng nhất thế giới, giá gần 50 triệu đồng
OPPO Find N5 chính thức vượt mặt Honor Magic V3 trở thành mẫu smartphone gập mỏng nhất thế giới.
Người dùng iPhone Pro nâng cấp điện thoại nhanh hơn bao giờ hết