Mỗi công ty sở hữu một VPN là chuyện xưa rồi, những công ty này sở hữu nhiều VPN đến ngạc nhiên

    Tấn Minh,  

    Ngành công nghiệp VPN đã bùng nổ trong vài năm trở lại đây. Với nhận thức về bảo mật trực tuyến và quyền riêng tư ngày càng cao, cũng như mong muốn truy cập các nội dung giới hạn theo khu vực địa lý, ngày càng nhiều người tìm đến các dịch vụ VPN.

    Thế nhưng bạn có biết có bao nhiêu dịch vụ VPN được sở hữu bởi cùng một công ty hay không?

    Một khảo sát mới đây được tiến hành đối với 5 công ty gồm Avast, AnchorFree, StackPath, Gaditek và Kape Technologies cho thấy trong vòng vài năm trở lại đây, những công ty này đã thâu tóm tổng cộng 19 dịch vụ VPN ít tên tuổi hơn, bao gồm cả HideMyAss và CyberGhost VPN.

    AnchorFree

    Công ty năm trong tay nhiều dịch vụ VPN nhất chính là AnchorFree. Điều này không ngạc nhiên bởi đây là công ty duy nhất trong danh sách chủ yếu hoạt động trên thị trường VPN.

    Trong khi 3 công ty khác trong danh sách sở hữu những dịch vụ VPN nổi tiếng và hiệu quả cao, họ còn hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác chứ không riêng gì VPN, đặc biệt là lĩnh vực cung cấp dịch vụ và sản phẩm bảo mật thông tin.

    Mỗi công ty sở hữu một VPN là chuyện xưa rồi, những công ty này sở hữu nhiều VPN đến ngạc nhiên - Ảnh 1.

    AnchorFree hiện sở hữu 7 dịch vụ VPN nhỏ, bao gồm: Hotspot Shield, Betternet, TouchVPN, VPN in Touch, Hexatech, VPN 360 và JustVPN.

    AnchorFree không phải lúc nào cũng minh bạch khi cho người tiêu dùng biết về những thương hiệu họ sở hữu. Một số dịch vụ được gắn logo AnchorFree, một số khác đòi hỏi bạn phải nghiên cứu thật kỹ các điều khoản sử dụng trên website mới biết được chủ nhân đằng sau đó.

    StackPath

    Công ty tiếp theo trong danh sách là StackPath. Đây là một công ty an ninh mạng cực lớn, với số vốn lên đến 180 triệu USD, doanh thu năm 2017 đạt hơn 157 triệu USD.

    Lèo lái thành công này của StackPath là những thương hiệu con và sản phẩm đa tính năng mà StackPath sở hữu, bao gồm nhiều dịch vụ VPN như IPVanish, StrongVPN, Encrypt.me, cũng như CDN, điện toán đám mây, và các sản phẩm bảo mật thông tin.

    Mỗi công ty sở hữu một VPN là chuyện xưa rồi, những công ty này sở hữu nhiều VPN đến ngạc nhiên - Ảnh 2.

    StackPath còn cung cấp cơ sở hạ tầng để các thương hiệu khác có thể kinh doanh dịch vụ VPN của riêng họ, nhờ dịch vụ WLVPN của mình. Hạ tầng của StackPath chính là "xương sống" cho dịch vụ VPN của Pornhub (còn được gọi là VPNHub) và Namecheap VPN.

    Avast

    Avast là một công ty an ninh mạng Cộng hòa Séc, nổi tiếng với sản phẩm trình diệt virus miễn phí. Qua nhiều năm, công ty đã âm thầm tìm được một chỗ đứng vững chắc trên thị trường VPN đầy cạnh tranh.

    Mỗi công ty sở hữu một VPN là chuyện xưa rồi, những công ty này sở hữu nhiều VPN đến ngạc nhiên - Ảnh 3.

    Avast sở hữu 4 dịch vụ: HideMyAss, Avast Secureline VPN, AVG Secure VPN, và Zen VPN. Điều thú vị là Avast đã chung tay tạo nên 2 sản phẩm trong số đó, chính là HideMyAss và AVG Secure VPN - thông qua thương vụ thâu tóm AVG Software trị giá 1,3 tỷ USD hồi năm 2016.

    Kape và Gaditek

    Sở hữu chỉ 2 dịch vụ VPN, Kape và Gaditek là những công ty quy mô nhỏ nhất trong danh sách, nhưng đặc trưng của họ là sự khác biệt.

    Kape chủ yếu là một công ty đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, và đã lên sàn chứng khoán London. Gaditek, ngược lại, là một startup năng động đến từ thành phố Karachi của Pakistan.

    Mỗi công ty sở hữu một VPN là chuyện xưa rồi, những công ty này sở hữu nhiều VPN đến ngạc nhiên - Ảnh 4.

    Vũ khí của Kape là dịch vụ CyberGhost VPN của Romania, do hãng thâu tóm được vào tháng 3/2017 với giá gần 9,7 triệu USD. Vào năm 2018, hãng tiếp tục mua lại một dịch vụ VPN cao cấp khác là ZenMate. ZenMate hiện có hơn 40 triệu người dùng.

    Gaditek chủ yếu tập trung vào phân khúc giá rẻ. Hãng sở hữu hai dịch vụ PureVPN và Ivacy, đều là hai dịch vụ với những gói cước với chi phí rất dễ chịu.

    Việc một công ty sở hữu nhiều dịch vụ VPN liệu có đáng để nói hay không? Thực ra chẳng có gì sai, hay không hợp lý, khi mà một công ty lớn hơn thâu tóm các đối thủ nhỏ hơn. Cứ nhìn Google mà xem, họ đã thâu tóm hơn 200 công ty trong 20 năm qua. Thâu tóm chính là trái tim và linh hồn của các doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghệ. Nhưng điều đó không giải thích được tại sao thị trường VPN lại phân mảnh đến vậy, khi mà hầu như chẳng có thương hiệu nào hoàn toàn sáp nhập vào công ty sở hữu cả.

    Liviu Arsene, chuyên viên phân tích cao cấp tại Bitdefender, nhận định rằng điều này vô tình giúp củng cố quan điểm bảo mật và riêng tư vốn là yếu tố sống còn cho sự thành công của một dịch vụ VPN.

    "Càng có nhiều nhà cung cấp VPN, mỗi người trong số họ lại sở hữu những công nghệ ẩn danh và bảo mật của riêng mình, càng ít có cơ hội cho chính quyền can thiệp vào quyền riêng tư bằng cách theo đuổi một nhà cung cấp VPN lớn duy nhất. Việc có một loạt các nhà cung cấp VPN để lựa chọn cho phép những người dùng coi trọng quyền riêng tư có thể luôn luôn chuyển đổi giữa các nhà cung cấp, từ đó giúp họ che giấu hoạt động của mình tốt hơn".

    Arsene còn cho rằng cho phép các nhà cung cấp VPN giữ được sự độc lập với công ty mẹ sau một vụ thâu tóm cũng góp phần giúp họ có thể duy trì sự cơ động và cải tiến. "Các nhà cung cấp VPN lớn điều hành một cơ sở hạ tầng quy mô lớn duy nhất gặp khó khăn hơn trong việc tích hợp những công nghệ mới tập trung vào quyền riêng tư, bởi các vấn đề về tính tương thích, khả năng tích hợp, và quá trình triển khải" - ông nói.

    "Ngành công nghiệp VPN có một mục tiêu lớn là có càng nhiều máy chủ vòng quanh thế giới càng tốt, nhằm đảm bảo sự hiện diện và tầm phủ sóng đối với các khách hàng. Thâu tóm các công ty VPN nhỏ hơn và cho phép họ hoạt động độc lập là hợp lý vì những cơ sở hạ tầng đó cần phải linh hoạt, nhanh nhạy, và liên tục tích hợp những công nghệ quyền riêng tư mới nhằm mang lại sự riêng tư ngày càng cao cho khách hàng" - Arsene nói thêm.

    Ý kiến này được tán đồng bởi một đại diện của Hide.me, rằng việc có nhiều nhà cung cấp riêng rẽ cho phép các tập đoàn VPN lớn hơn nhắm đến mọi phân khúc thị trường.

    "Sẽ có lợi hơn khi có được người dùng thông qua thâu tóm các nhà cung cấp VPN nhỏ hơn, so với khi có được người dùng thông qua sử dụng các kênh marketing truyền thống. Một khi có được những người dùng này, họ sẽ sử dụng một thương hiệu nhỏ hơn để thử chạy các mô hình kinh doanh khác nhau mà không gây ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu chính. Thông thường, các nhà cung cấp VPN nhỏ hơn bị thâu tóm có một cấu trúc giá khác so với thương hiệu chính, và họ có thể phủ sóng một phân khúc thị trường đáng kể" - họ giải thích.

    Tham khảo: TheNextWeb

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày