5 năm trước, thế giới mất đi một trong những tên tuổi sáng tạo hàng đầu của thế giới smartphone chỉ vì một thương vụ sáp nhập mang tầm vóc thảm họa. Đến nay, kịch bản này lại lặp lại gần như hoàn hảo với Motorola và Lenovo.
Tháng 2, ngay trước thềm một trong những sự kiện quan trọng nhất của thế giới công nghệ cao – MWC 2016, Lenovo tổ chức riêng một buổi họp báo chỉ để giải thích lý do từ bỏ thương hiệu Motorola. Rick Osterloh, vị cựu CEO của Motorola trước khi về tay Lenovo, đưa ra khẳng định rằng Motorola vẫn tiếp tục tồn tại nhưng giờ đã là một nhánh của Lenovo nên sẽ chuyển sang sử dụng thương hiệu mẹ. Tuyên bố đó cũng khiến các fan còn sót lại của Motorola yên lòng hơn một chút, bất chấp rằng sự kiện MWC của năm nay tràn ngập các đột phá quan trọng: LG có smartphone module còn Samsung đẩy mạnh ra mắt VR.
3 tháng sau, Osterloh đã từ bỏ Lenovo để trở về với Google. “Lenovo Moto” chẳng có một sản phẩm gì mới ngoại trừ 3 chiếc Moto G hoàn toàn mờ nhạt trước binh đoàn smartphone giá rẻ của năm nay. Công ty Trung Quốc vẫn quay cuồng trong “tái cơ cấu”.
Có lẽ, thương vụ sáp nhập Lenovo vào Motorola cũng đang thảm họa không kém gì mối tình bi kịch của HP và Palm.
Mối tình hoàn hảo
Khuôn mẫu của 2 thương vụ này giống hệt nhau: nhà sản xuất PC số 1 thế giới mua lại một thương hiệu di động được yêu quý của nước Mỹ. Cả Palm và Motorola đều nắm giữ nhiều bằng sáng chế quan trọng của công nghệ di động, và cả 2 đều có thể coi là những tên tuổi đặt nền móng cho lĩnh vực thiết bị cá nhân. Ở thời điểm bị bán lại cho HP và Lenovo, Palm và Motorola đều đang trải qua giai đoạn “Phục Sinh” nhờ có các thiết kế phần cứng và phần mềm mới lạ, nổi bật trên thị trường.
Hãy nhớ lại chiếc Palm Pre của năm 2009: khi iPhone vẫn còn chập chững những bước đầu tiên còn Android vẫn còn chưa sở hữu bất kỳ một sản phẩm phần cứng hoàn thiện nào, Palm Pre hoàn toàn có cơ sở để trở thành chiếc smartphone tân tiến nhất thế giới. Với Motorola, mẫu đầu bảng Moto X với nhiều tính năng sáng tạo cùng 2 mẫu Moto G, Moto E cấu hình giá rẻ đã góp phần đưa thị trường di động sang một kỷ nguyên mới. Vào thời điểm đó, Motorola còn “dám” lắp ráp smartphone tại nước Mỹ thay vì chuyển chu trình sang Trung Quốc như toàn bộ các tên tuổi khác.
Chiếc Moto X đầu tiên là một trong những điểm sáng của thị trường smartphone 2013.
Song, bất chấp các sản phẩm mang tính cách mạng, hoàn cảnh của Palm và Motorola trước khi bị bán lại đều rất ngặt nghèo. Thế giới di động của năm 2009 cũng khắt khe không kém gì năm 2015, và Palm đơn giản là quá nhỏ bé để có thể cạnh tranh với các tên tuổi cũ như Nokia, Sony Ericsson hay các tên tuổi mới như Apple và HTC. Motorola của năm 2014 thực chất đã phải “bán mình” một lần, vẫn đang đốt tiền của công ty mẹ và cùng lúc gây ảnh hưởng tới mối quan hệ của Google với các đối tác phần cứng như Samsung và LG.
Khi HP và Lenovo xuất hiện, người ta đều nghĩ rằng điều tốt đẹp nhất đã đến với Palm và Motorola. 2 nhà sản xuất PC hàng đầu thế giới có đầy đủ vũ khí để giúp Palm và Motorola tìm ra lối thoát: quy mô sản xuất mang tầm vóc toàn cầu, kinh nghiệm sản xuất phần cứng lâu năm và cuối cùng là kho dự trữ tiền mặt khổng lồ.
Những kẻ bán mình đang trong giai đoạn hồi sinh
Các fan của Android có lẽ sẽ không thể quên được vị thế đặc biệt của Motorola trên mảng thiết kế. Đây là một trong những nhà sản xuất phần cứng đầu tiên dám từ bỏ các bộ giao diện tự chế nặng nề để chuyển sang sử dụng một trải nghiệm gần với Android gốc. Những tính năng sau này bị sao chép khá nhiều như gõ màn hình để mở khóa, trợ lý ảo luôn lắng nghe hoặc thông báo luôn hiển thị cũng là do Motorola tiên phong.
Palm của năm 2009 thậm chí còn ấn tượng hơn. Dù yểu mệnh nhưng webOS vẫn là hệ điều hành thiết lập chuẩn mực cho thế giới. Ví dụ, giao diện quản lý đa nhiệm dạng thẻ có trên iOS và Android cũng đến từ webOS và Palm Pre. Khả năng cập nhật tự động trên máy (không qua các phần mềm bổ trợ như iTunes) cũng là do Palm tiên phong. Palm cũng đi đầu về khả năng quản lý thông báo (notification) hiệu quả. Năm 2009, nếu muốn tích hợp danh bạ điện thoại với Facebook, bạn chỉ có thể chọn Palm.
Trong khi Samsung nói riêng và Android nói chung phải đợi đến tận năm 2011 mới có thể cạnh tranh trực diện với iPhone (qua Galaxy S II) thì Palm đã sở hữu sẵn một chiếc smartphone ngang tầm với sản phẩm của Táo. Nhà lãnh đạo Jon Rubinstein của Palm từng là một tên tuổi đi đầu tại Apple, và đến năm 2009 Palm cũng đang trải qua quá trình “Apple hóa” đầy thành công. Các buổi trình diễn của Palm hiệu quả không kém gì Steve Jobs; danh mục sản phẩm Palm cũng được tối ưu và đơn giản như iPhone. Hình ảnh của Palm là hình ảnh cao cấp, đánh trúng vào đối tượng người dùng cho tới nay vẫn mang lại nguồn sống cho Apple.
Những lời mật ngọt đầu tiên
Tất cả những gì Palm và Motorola cần chỉ là một nguồn vốn dồi dào để tiếp tục trở lại thành một thế lực trên mảng di động. Ở phía còn lại của thương vụ sáp nhập, cả HP và Lenovo ban đầu cũng hứa hẹn để Palm và Motorola hoạt động độc lập, không can thiệp vào quá trình phát triển vũ bão của Palm và Motorola.
Trong giai đoạn “trăng mật”, HP hứa sẽ đầu tư rất nhiều tiền vào Palm. Thậm chí, Hewlett Packard còn tuyên bố đang có những kế hoạch “mạnh mẽ” để giữ lại toàn bộ nhóm lãnh đạo cao cấp của Palm.
Nếu bạn – tín đồ smartphone của năm 2016, cảm thấy quen thuộc với kịch bản này thì lý do là bởi Lenovo cũng đã từng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ như vậy khi mua lại Motorola từ Google. Dĩ nhiên, Osterloh chỉ được tuyển vào vị trí giám đốc điều hành trong giai đoạn chuyển giao từ Google sang Lenovo, song ngay cả bước đi này cũng cho thấy Motorola vẫn sẽ được hoạt động độc lập. Lenovo có vẻ đã nhận ra tiềm năng to lớn của Motorola (hay nói chính xác hơn là những gì Motorola đang làm tại thời điểm 2014), và điều mà gã khổng lồ Trung Quốc cần làm chỉ là “nuôi dưỡng” cho thương hiệu Motorola cùng các mẫu smartphone Moto đến với thành công rộng khắp.
Trong giai đoạn “trăng mật”, Lenovo có vẻ không hề muốn hòa tan Motorola vào Lenovo và mất đi một trong những thương hiệu smartphone lúc đó vẫn được yêu quý trên toàn cầu.
Nhưng vì bất cứ lý do gì, HP cũng đã đổi ý. Gã khổng lồ PC cho rằng thương hiệu của mình sẽ có giá trị hơn thương hiệu Palm, và kết quả là những chiếc TouchPad và Pre 3 đều dùng thương hiệu HP. Ít ra, điều này giúp cho Palm mãi mãi là kỷ niệm đẹp trong trái tim của người yêu công nghệ thập kỷ 2000.
Quyết định thảm họa của Lenovo
Lenovo đang tái hiện kịch bản của HP một cách chính xác gần như tuyệt đối. Phớt lờ lời hứa rằng Motorola sẽ hoạt động độc lập, Lenovo đã liên tục để cho thương hiệu Motorola chìm vào quên lãng. Những chiếc Droid Turbo ra mắt trong thầm lặng, và tuyên bố khai tử thương hiệu Motorola được đưa ra khi thế giới đang mải mê theo dõi những bước tiến cách mạng của CES 2016.
Đây thực sự là một quyết định thảm họa của Lenovo. Gã khổng lồ Trung Quốc đã mất tới hàng năm trời đầu tư vào smartphone, nhưng cái tên “Lenovo” chưa bao giờ tìm được chỗ đứng trên mảng kinh doanh vô cùng khắc nghiệt này. Lenovo lẽ ra đã nên khai tử hoàn toàn các thương hiệu smartphone Lenovo (như Vibe – cái tên chẳng ai biết đến) để chuyển sang đầu tư bộ máy sản xuất cho thương hiệu Motorola. Nhưng Lenovo không làm như vậy, và tất cả những gì chúng ta có là “Lenovo Moto”, một thương hiệu yếu đuối về mọi phương diện.
Quá trình hồi sinh vũ bão bỗng dưng dừng lại. Vị trí số 1 của thế giới PC, như HP của 5 năm trước và Lenovo của ngày hôm nay, cũng kéo theo một hệ lụy không mong muốn: cơ cấu quản lý phức tạp nhiều tầng quan liêu. Nhưng để là một trong những tên tuổi đi đầu của ngành smartphone, các công ty lại cần suy nghĩ nhanh nhạy và cơ cấu dịch chuyển linh hoạt. Jon Rubinstein hiểu rất rõ điều này khi bán lại Palm cho HP: trong tuyên bố “bán mình”, ông bày tỏ hy vọng HP sẽ là “đối tác hoàn hảo để đẩy nhanh quá trình tăng trưởng của webOS”.
Có còn tương lai?
Sự thật diễn ra hoàn toàn trái ngược. HP và Palm vật vã để hòa nhập 2 nền văn hóa doanh nghiệp đầy mâu thuẫn. Mất hàng tháng trời họ mới đạt được một tầm nhìn đồng nhất, và cuối cùng tầm nhìn đó cũng đã thất bại.
Lenovo và Motorola đang phải trải qua một quá trình khó khăn tương tự. Trong khi Osterloh và bộ sậu cũ của Motorola không hề lên tiếng bao biện cho quyết định khai tử thương hiệu này, họ vẫn xin có thời gian để trở lại với tốc độ sáng tạo như thời kỳ còn chưa phải đối mặt với 3 chữ “tái cơ cấu”. Nhưng đây có lẽ sẽ là một tấn bi kịch được báo trước: các tập đoàn toàn cầu không thể cấy ghép các đội ngũ quy mô nhỏ và hy vọng mọi thứ sẽ tiếp tục diễn ra trôi chảy. Lenovo khẳng định sẽ trao quyền lãnh đạo toàn bộ mảng di động của mình (bao gồm Lenovo Mobile Group và Motorola) cho đội ngũ Motorola, nhưng sự thật là quá trình phát triển sản phẩm mang thương hiệu Moto đã bị ảnh hưởng trầm trọng.
Bộ 3 Moto G mới ra mắt trong năm nay đã chứng minh điều đó: các đối thủ Trung Quốc hiện đều đã vượt xa smartphone Moto cả về thiết kế lẫn phần cứng. Mặt bằng trải nghiệm Android đã được nâng cao tới mức những chiếc Moto G không còn gì nổi bật nữa. Moto G, Moto G Play và Moto G Plus đều là những chiếc điện thoại tốt. Nhưng trong năm nay, “tốt” không phải là tiêu chí đủ làm nên thành công cho smartphone.
Chỉ một chiếc Moto X đầy sáng tạo mới có thể đem lòng tin của người hâm mộ trở lại với Lenovo Moto. Xét tới tình cảnh hiện nay, một chiếc smartphone như thế có lẽ sẽ chẳng thể ra đời. “Chôn chân” trong quá trình cải tổ liên miên của Lenovo, Motorola có vẻ đã mất hết sức sáng tạo kỳ diệu của thời kỳ nằm dưới trướng Google!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín