Về việc ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chỉ Bộ TT&TT và Bộ Công an là không xuể mà tất cả phải cùng vào cuộc.
- Bụi Mặt Trăng độc hại hơn bạn tưởng!
- Sốc trên TikTok: Đừng thờ ơ với những thử thách độc hại, nạn nhân có thể là người thân của bạn!
- Nghiên cứu mới chỉ ra những chất hoá học độc hại không chỉ còn nằm dưới lòng biển mà đã hoà cả vào trong nước mưa
- Báo động tình trạng đưa tin không chính xác, độc hại trên mạng Internet
- Hãy xóa ngay những ứng dụng Android độc hại giả danh phần mềm dọn rác này
Nêu câu hỏi chất vấn về lĩnh vực thông tin và truyền thông trước Quốc hội sáng 4/11, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (tỉnh Phú Yên) cho biết, ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng xử lý. Xử lý trường hợp đưa tin thất thiệt cũng rất vất vả, khó khăn và nếu xử lý không cẩn thận thì có thể dẫn đến tình trạng PR cho người muốn nổi tiếng.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào triệt để, căn cơ nhất trong khi lực lượng của ngành thông tin truyền thông thì mỏng mà chúng ta có hàng chục triệu tài khoản trên các mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản có địa chỉ ở nước ngoài.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (tỉnh Phú Yên)
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn: "Lực lượng thì mỏng, trong khi đó một người Việt Nam hiện nay có gần 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau. Đây là con số cao".
Cho rằng "thế giới thực ra sao, lên không gian mạng như vậy", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị "ai nào quản lý cái gì ở đời thực thì sang không gian mạng quản lý cái đó".
"Tất cả chúng ta phải vào cuộc. Các bộ ngành quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng. Các địa phương quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng, quản lý các tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường, thậm chí tế bào của xã hội là gia đình quản lý con cái trên không gian mạng. Chỉ như vậy, toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng. Một mình Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an là 2 lực lượng chính thì không xuể" – trưởng ngành thông tin truyền thông chia sẻ.
Về vấn đề tin giả, Bộ trưởng cho biết, trên không gian số, tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các Nghị định quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; hạ thời gian mà các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ.
Về mức phạt đưa thông tin, hiện nay chúng ta tăng lên 3 lần, tuy nhiên so với các nước trên thế giới, mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe.
Tranh luận tại hội trường về câu trả lời "thế giới thực ra sao, lên không gian mạng như vậy" của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa hoan nghênh quan điểm này song theo đại biểu, trên mạng sẽ khác ở ngoài đời về quản lý theo lãnh thổ, địa giới hành chính còn trên mạng là nền tảng đa quốc gia.
"Nếu chúng ta chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản có vi phạm thì chẳng khác gì khi thực hiện phòng COVID-19 mới dừng ở việc đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa…" - đại biểu tỉnh Phú Yên cho rằng, giải pháp căn cơ nhất phải là nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu độc, giống như có vaccine.
Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều thông tin hay, phản biện, tích cực, mang tính thuyết phục cao cho cho công chúng có thể đọc được.
"Phải khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào vấn đề nóng với một thái độ trách nhiệm, không né tránh. Không phải chỉ khen một chiều mới hay. Bởi vì thực tế nếu thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc. Như Bộ trưởng đã nói chế tài sau 3 tiếng phải xóa bỏ thông tin độc hại. Nhưng chỉ cần sau 5 phút thôi, một thông tin độc hại đã lan tận đâu rồi" – đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết: "Quan trọng nhất là phải không uống thuốc độc ngay từ đầu. Nếu để độc hại ngấm vào rồi uống giải độc thì chúng ta chắc chắn mãi mãi sẽ phải chạy theo, rất vất vả, đôi khi là PR cho những người sử dụng mạng xã hội ngoài địa giới hành chính của chúng ta thì không thể dùng biện pháp như là trên mạng có gì thì ngoài đời có cái đó được".
Quang cảnh phiên chất vấn
Trước ý kiến của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa về sức đề kháng trước thông tin xấu độc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ví thông tin giống như không khí, "tin xấu mà nhiều thì không khí bị vấy bẩn".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rõ thêm về quan điểm "ai quản lý cái gì ở đời thực thì quản lý cái đó trên không gian mạng". Theo đó, lĩnh vực công thương, văn hóa… quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng. Chỉ như vậy mới làm lành mạnh không gian mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa việc đào tạo kỹ năng số vào nhà trường cho học sinh. Đây chính là một loại đề kháng. Bên cạnh đó, Bộ đã lập nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân trên không gian mạng để tìm kiếm, hỏi đáp và có kỹ năng cơ bản trong mội trường số.
"Không gian mạng là của chúng ta. Mỗi chúng ta phải có trách nhiệm làm cho không gian mạng ấy lành mạnh" – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang vận hành hệ thống giám sát an ninh mạng quốc gia, trong đó có giám sát an ninh thông tin để chủ động rà quét, gỡ thông tin xấu độc để góp phần làm sạch môi trường mạng của toàn dân.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 16 Pro Max bản khóa SIM tràn về Việt Nam, giá rẻ hơn 7 triệu đồng
Tuy nhiên, cũng như các thế hệ trước, iPhone 16 Pro Max Lock vẫn tồn tại hàng loạt những hạn chế.
Elon Musk dùng “đũa máy khổng lồ” gắp thành công tàu vũ trụ đang lơ lửng trên không