Mới nhận lương đã kêu hết tiền, hãy học người Nhật phương pháp Kakeibo giúp cắt giảm chi tiêu đến 35%
Kakeibo trong tiếng Nhật có nghĩa là một cuốn sổ gia đình truyền thống. Đây là một phương pháp hữu hiệu và đang được đa số người Nhật sử dụng để quản lý chi tiêu và tiết kiệm tiền.
Mong chờ mỏi mòn mãi mới đến ngày cuối tháng để nhận lương, nhưng "anh" lương về chưa kịp nhảy múa hát ca, bạn đã lại than thở chẳng còn đồng nào để sống vào những ngày tiếp theo nữa. Câu hỏi "tiền đi đâu hết thế nhỉ?" cứ quanh quẩn ngày này qua ngày khác mà không thể tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Vậy thì, hãy học thử người Nhật phương pháp tiết kiệm tiền này đi, nó đã giúp hàng triệu người trên khắp thế giới rồi đấy!
Bình thường, phần lớn số tiền lương của bạn dùng cho những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như thuê nhà, hóa đơn tiền điện tiền nước, chi phí đi lại, ăn uống.... Số tiền còn lại, bạn đem đi chi tiêu cho những nhu cầu phát sinh hoặc giải trí nhưng không hề có kế hoạch cụ thể.
Nhận được tiền lương, bạn sẵn sàng lăn xả vào những cuộc sale khủng, những món hàng xa xỉ hay những bữa ăn đắt tiền. Rồi một giọng nói nhỏ trong tâm trí bạn vang lên: "Tại sao lại phải tiết kiệm? Dù sao bạn cũng sẽ không bao giờ giàu. Vậy thì tự thưởng cho mình một món đồ xa xỉ đi nào. Bạn xứng đáng với nó mà!"
Vậy là Kakeibo sinh ra, nó được coi là lối sống mới của người Nhật giúp mọi người có thể sử dụng hữu ích những đồng tiền mình làm ra. Phương pháp này được biết đến vào năm 1904, do Hani Motoko, nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản sáng tạo ra. Cô muốn giúp phụ nữ trang trải được cuộc sống của mình và giữ được sự cân bằng trong chuyện tài chính. Kakeibo trong tiếng Nhật có nghĩa là một cuốn sổ gia đình truyền thống. Và kể từ đó đến nay, người Nhật đã duy trì được lối sống cần kiệm nhờ phương pháp này khiến cho cả thế giới phải ngưỡng mộ và học hỏi.
Một chu trình Kakeibo được dựa trên 4 câu hỏi rõ ràng:
- Bạn có bao nhiêu tiền?
- Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền?
- Bạn sẽ tiêu bao nhiêu tiền?
- Bạn có thể cải thiện bằng cách nào?
Khái niệm này được mô tả như sau: Vào đầu mỗi tháng, bạn hãy ghi ra giấy những khoản chi phí cần thiết. Sau đó, đến cuối tháng, hãy xem lại những gì bạn đã đạt được. Nghe thì có vẻ đơn giản phải không?
Dưới đây là các bước thực hiện:
- Bước 1: Ghi lại tổng thu nhập của cả tháng và trừ đi các khoản tiền cố định (tiền nhà, hóa đơn các chi phí dịch vụ...) để biết mình còn dư ra bao nhiêu tiền để chi tiêu.
- Bước 2: Xác định số tiền muốn tiết kiệm trong tháng và cất riêng khoản này. Cố gắng không động đến nó.
- Bước 3: Ghi ra những khoản cần phải chi tiêu theo 4 hạng mục:
Sinh hoạt/Nhu cầu thiết yếu: thực phẩm, tiền đi lại, xăng xe, thuốc men...
Nâng cao: Ăn uống, mua sắm, hội họp...
Giải trí: Xem phim, du lịch, spa, nghe nhạc, sách truyện...
Phát sinh: Ma chay cưới hỏi, sinh nhật, sửa chữa đồ dùng, quà tặng...
- Bước 4: Xây dựng mục tiêu tài chính của tháng, ví dụ như kế hoạch nghỉ hè, kế hoạch đi du lịch xa, kế hoạch cho người thân, gia đình...
- Bước 5: Xây dựng những cam kết dành cho tháng, ví dụ như tìm được một cửa hàng cung cấp đồ dùng, thực phẩm rẻ hơn, hạn chế đồ ăn nhanh, giảm số lượng tiêu thụ thuốc lá, mỹ phẩm...
- Bước 6: Vào cuối tháng, hãy ngồi lại và hạch toán xem bạn đã chi tiêu bao nhiêu và tiết kiệm được bao nhiêu (không tính với khoản tiết kiệm ở bước 2).
- Bước 7: Tìm ra những chênh lệch trong chi tiêu, những khoản tiền lãng phí, thiếu hợp lý và điều chỉnh lại cho tháng tiếp theo.
1. Chúng ta cần chuyển trọng tâm từ tiết kiệm sang chi tiêu
Tất nhiên, chúng ta đều đang cố gắng làm việc thật chăm chỉ để kiếm tiền sinh nhai và cũng để dùng tiền tận hưởng những tiện ích, dịch vụ tốt nhất.
Vì vậy, chúng ta cần phải định hình lại thái độ của mình đối với việc lập ngân sách: phải chi tiêu tối ưu nhất để tiết kiệm được tối ưu nhất và ngược lại. Đây là điều quan trọng cần nhớ khi thực hành tiết kiệm.
Nói cách khác, nếu xác định việc tiết kiệm là một việc làm không thể, thì phương pháp này sẽ trở thành một việc vô nghĩa và nếu thực hành, có khả năng chúng ta sẽ từ bỏ sớm. Nhưng nếu chúng ta lập ngân sách một cách tỉ mỉ, chi tiết và thực hành nghiêm túc, thì chúng ta hoàn toàn có thể tiết kiệm nhưng vẫn có thể có được những gì mình muốn.
2. Viết ra giấy những gì mình cần chi tiêu trong tháng
Giấy bút chính là phần cơ bản nhất của thực hành Kakeibo. Công nghệ số hiện nay đang xâm chiếm cuộc sống của chúng ta. Lối sống hiện đại khiến ta sống không thiếu được điện thoại hoặc máy tính. Nhưng làm việc với những con số được ghi trên giấy tờ sẽ giúp bạn kiểm soát được việc chi tiêu một cách chi tiết và hiệu quả hơn là trên máy móc.
Thế giới mà chúng ta sống đang trôi nhanh đến mức mọi thứ đều có thể được mua và bán rất nhanh. Chỉ cần một cú click chuột, bạn đã có ngay một món đồ, đồng thời một khoản tiền trong tài khoản của bạn cũng được trừ đi ngay lập tức. Phương pháp Kakeibo này giúp bạn hành động chậm lại và suy nghĩ bình tĩnh về những gì bạn định mua.
Vì vậy, đầu tháng hoặc ngay khi nhận được lương, bạn hãy ngồi xuống và đặt giấy bút trước mặt mình. Hãy nhìn vào số tiền mình có, từ tiền lương, khoản tiền thu nhập ngoài hay những khoản vay được trả... và tổng hợp lại. Sau đó, hãy trừ đi những khoản chi tiêu cố định như những khoản dịch vụ phải trả, hóa đơn trong tháng, và lấy ra khỏi tổng số tiền bạn đang có.
Điều này giúp bạn có được một khoản tiền để đưa ra những sự lựa chọn cho việc tiết kiệm và chi tiêu tối ưu. Đừng lo lắng, việc thực hành tiết kiệm bây giờ mới bắt đầu.
3. Bạn cần phải trung thực và nghiêm túc
Kakeibo là phương pháp giải mã tài chính của bạn. Bạn sẽ biết mình kiếm được bao nhiêu tiền và những khoản bạn phải chi tiêu là bao nhiêu, đồng thời, bạn sẽ biết được phần còn lại sau khi trừ đi những khoản chi cố định là bao nhiêu và tìm hiểu xem bạn sẽ sử dụng chúng như thế nào cho hợp lý.
Một khi bạn biết được tiền của mình sẽ đi đâu, bạn cũng biết được luôn những gì mình cần và những gì không cần. Chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều cần ăn uống, vì vậy đó là một khoản cần phải có. Và chắc chắn, quần áo cũng là một điều cần thiết, nhưng liệu nó có thực sự cần đến mức bạn phải chi tiêu toàn bộ số tiền dự phòng của mình cho những shop thời trang?
Vì vậy, hãy viết ra những khoản chi phí cần thiết nhất. Bằng cách sắp xếp những khoản chi tiêu của mình theo những gạch đầu dòng, bạn có thể xác định được những lĩnh vực bạn có thể cắt giảm được.
4. Tiền mặt tốt hơn thẻ
Ngày nay, chúng ta có thói quen sử dụng thẻ nhiều hơn là tiền mặt. Nhưng phương pháp Kakeibo chỉ ra rằng hành động này đang phá hủy chính chúng ta. Quẹt thẻ khiến ta ít phải chịu trách nhiệm cho những khoản chi tiêu của mình, trong khi hành động thực tế là sử dụng tiền mặt sẽ khiến ta phải suy nghĩ nhiều hơn.
Phương pháp này cũng khuyến khích mọi người rút tiền ra khỏi thẻ và chia nhỏ nó thành các phong bì dán nhãn để giúp bạn giữ được giới hạn cho mình. Việc đặt tiền mặt vào những chiếc phong bì khiến bạn ít có khả năng chi tiêu cho những việc làm không cần thiết như đi nhậu cùng bạn bè, mua sắm...
Với 4 phân loại nói ở đầu bài, hãy chia số tiền mà bạn muốn chi tiêu và cho vào một chiếc phong bì. Đồng thời, cũng hãy để ra một phần tiền tiết kiệm để riêng.
Những hành vi nhỏ có thể sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong các mục tiêu tiết kiệm của bạn. Đồng thời bạn phải thực sự kiên nhẫn và nghiêm túc với những gì mình đã đề ra.
5. Bạn nên kết thúc tháng bằng cách phản ánh sự tiến bộ của bạn
Cuối tháng, bạn hãy xem xét kĩ lưỡng về những khoản chi tiêu trong 4 tuần liền của mình và ghi nhận những thành công cũng như điểm yếu của bản thân, và đặt ra mục tiêu mới cho tháng tiếp theo.
Hiện nay, có một số ứng dụng trên điện thoại cho phép chúng ta kiểm soát được những khoản chi tiêu của mình. Tuy nhiên, những ứng dụng đó chỉ cho thấy chúng ta đang mắc sai lầm ở đâu. Còn khi viết ra giấy, bạn sẽ có được một góc nhìn rõ ràng hơn.
Việc ghi lại những gì đã chi tiêu, nó giúp bạn có một cái nhìn chi tiết, cụ thể. Và khi duy trì nó thường xuyên, bạn sẽ ý thức được rõ ràng những thói quen chi tiêu của bản thân. Và trong quá trình ghi chép đó, bạn sẽ dần hiểu được xu hướng chi tiêu của mình. Bạn sẽ nhận ra có những khoản thực sự không cần thiết, hay có những khoản mà bạn tiêu quá nhiều, hay những khoản bạn đầu tư chưa hợp lý. Khi đã nhận biết được những khoản chi tiêu lãng phí, không hợp lý, bạn sẽ điều chỉnh được việc tiêu tiền của mình sau này.
Hiện nay, phương pháp này đang được đại đa số người dân Nhật Bản sử dụng, bởi họ tin rằng việc nhìn thực tế vào những con số ghi trên giấy sẽ hiệu quả hơn so với việc nhìn vào màn hình. Bên cạnh đó, đây cũng là phương pháp khiến nhiều người trên thế giới cảm thấy thực sự có hiệu quả và đã thực hành theo. Người ta tin rằng, phương pháp này có thể giúp bạn cắt giảm được các khoản chi tiêu tới 35%.
(Tổng hợp)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4