Hóa ra chúng chưa tuyệt chủng, chỉ là trốn kĩ quá mà thôi.
Sau nhiều thập kỷ sống trong lo lắng, cuối cùng ta đã có bằng chứng khẳng định rằng chó hoang vùng cao nguyên New Guinea chưa bị tuyệt chủng tại môi trường sống tự nhiên này của chúng. Các nhà nghiên cứu cũng đã khẳng định sự tồn tại của nhiều cá thể chó vẫn sống khỏe và hiện đang ẩn mình tại một trong những khu vực xa xôi và hẻo lánh nhất trên Trái Đất.
Theo như kết quả phân tích ADN, loài chó này là một trong những giống chó cổ xưa và nguyên thủy nhất từng hiện còn sống, và những tấm ảnh mới được công bố gần đây đã cho thấy vùng sườn núi trung tâm New Guinea xa xôi đang có ít nhất 15 cá thể chó hoang (gồm cả con đực, con cái và con non) sống cách biệt xa khỏi con người.
“Việc lần đầu tiên phát hiện và xác nhận được sự tồn tại của loài chó hoang cao nguyên trong suốt nửa thế kỷ này không chỉ khiến chúng tôi hào hứng, mà đây còn là một cơ hội tuyệt vời cho khoa học”, nhóm nghiên cứu đứng đằng sau khám phá này, Tổ chức Chó hoang Cao nguyên New Guinea NGHWDF cho hay.
“Chúng tôi đã có thể xác định được vị trí của chúng, quan sát và ghi lại những tài liệu, thu thập những mẫu sinh học quý giá, và bằng cách thử ADN chúng tôi đã xác định được rằng ít nhất một số cá thể của loài chó hoang này còn sống, và đang sinh tồn tại vùng cao nguyên New Guinea”.
Trong quá khứ, người ta mới chỉ chụp ảnh những con chó này được hai lần. Một lần vào năm 2005 và một lần vào năm 2012, cả hai lần chụp đều tiềm năng nhưng không lần nào các nhà khoa học có thể khẳng định đó là loài chó hoang cao nguyên. Hơn nửa thập kỷ nay, không dấu vết nào của chúng xuất hiện và các nhà khoa học đã lo sợ rằng loài chó này đã tuyệt chủng. Có lẽ, chúng chỉ trốn quá giỏi mà thôi.
Năm ngoái, đội ngũ nghiên cứu tại NGHWDF đã tới tỉnh Papua phía Tây New Guinea. Được dẫn dắt bởi nhà động vật học James K McIntyre, đội ngũ đã kết hợp với các nhà khoa học địa phương tại Đại học Papua để tìm ra được loài chó đã tránh né con người hơn 50 năm nay.
Tháng Chín năm 2016, các nhà nghiên cứu tìm thấy một dấu chân chó – một dấu hiệu cho thấy họ đã đi đúng đường. Dấu vết ấy cùng một số bằng chứng khác đã chứng tỏ rằng có một loài động vật giống chó nào đó đã lui tới vùng rừng rậm của cao nguyên New Guinea, một nơi cách mực nước biển 3.460 tới 4.400 mét.
Một hệ thống camera đã ngay lập tức được lắp đặt tại địa điểm trên, một khu vực “mồi” được chuẩn bị. Và chỉ trong 2 ngày, camera đã chụp được 140 hình ảnh của loài Chó Hoang Cao nguyên, nơi chụp được là Puncak Jaya – đỉnh cao nhất của Núi Carstensz và cũng là đỉnh đảo cao nhất trên thế giới.
Đội ngũ cũng đã có thể quan sát và ghi lại hình ảnh chính thức đầu tiên về loài chó này, và những phân tích ADN thông qua mẫu phân chúng để lại đã cho thấy rằng Chó Hoang Cao nguyên có họ hàng với loài chó dingos của Úc và loài chó hát New Guinea – một giống chó lai hậu duệ của loài chó hoang New Guinea.
Không may là ta vẫn chưa có đủ bằng chứng để chứng minh chính xác những loài chó này có mối liên hệ như thế nào, nhưng với những phân tích sâu hơn, hi vọng rằng ta sẽ thu thập được những thông tin cụ thể hơn. Đây là những đầu mối tốt nhất mà ta có để hiểu được cách loài chó tiến hóa từ thuở xa xưa.
Như NGHWFD giải thích:
“Những mẫu hóa thạch chỉ ra rằng loài chó này đã định cư trên hòn đảo từ khoảng 6.000 năm trước và từng được tin rằng chúng đã tới đây cùng con người. Tuy nhiên, những bằng chứng mới chỉ ra rằng loài chó này tự tìm đường tới đảo, không liên quan gì tới con người”.
Họ nói thêm rằng mặc dù mối liên hệ của Chó Hoang Cao nguyên với hai loài chó kia vẫn còn là một chủ đề được tranh cãi rất nhiều cũng như vẫn đang được xét duyệt, tầm quan trọng (trong cả khoa học và lịch sử) vẫn có giá trị rất cao: ta sẽ hiểu được quá trình tiến hóa của chó, của mối quan hệ khăng khít giữa loài người chúng ta và chúng, từ đó hiểu được thêm về quá trình tiến hóa của chính con người.
Trong những hình ảnh này, những con Chó Hoang Cao nguyên vẫn mang vẻ đẹp thường thấy của những con chó mà chúng ta thấy: đa số con có lông màu vàng, bên cạnh những con đen hay lông màu kem; đuôi chúng vểnh ngược lên giống như Shiba Inu ngày nay; mọi con (được quan sát cho tới nay) đều có tai tam giác vểnh, dựng thẳng ở trên đầu.
Dù chưa có bằng chứng xác thực, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng loài Chó hoang này cũng có một giọng sủa đặc biệt giống như những hậu duệ tại New Guinea của chúng, điểm đã khiến chúng có cái tên lạ lẫm là “chó hát – singing dog”.
Cảnh báo: đàn chó "hát" rất to ở video dưới.
Chó hát New Guinea.
Theo như thông số của NGHWDF công bố, thì hiện có khoảng 300 cá thể chó hát New Guinea còn tồn tại trên thế giới, chúng đang sống trong các sở thú, những cơ sở bảo tồn riêng và loài chó này ngoài giọng đặc biệt, chúng còn thường hòa âm với nhau tạo nên một bản nhạc có thể dài tới vài phút. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu về loài chó này và sẽ sớm đưa ra thêm những báo cáo khoa học nữa trong vài tháng tới.
Vẫn còn tin tốt lành, các nhà khoa học cũng rất lạc quan về tương lai của những con chó này cũng như cơ hội sinh tồn của chúng. Các công ty khai thác mỏ địa phương đã được giao nhiệm vụ thực hiện các biện pháp kiểm soát môi trường đặc biệt, tại những khu vực hẻo lánh cũng như hệ sinh thái xung quanh các cơ sở của họ.
Chào mừng tới với ánh sáng của khoa học và khám phá, Chó Hoang Cao nguyên New Guinea!
Tham khảo ScienceAlert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android