Một bác sĩ vừa công bố phương pháp phẫu thuật mới dùng từ tính: đơn giản hơn, ít đau hơn, không để lại sẹo

    zknight,  

    Bệnh nhân có thể lựa chọn vết mổ dài 1 thay vì 15 cm, chỉ 1 thay vì 4 vết mổ.

    Nếu có một thứ gì đó được gọi là “cuộc cách mạng” cho các bác sĩ phẫu thuật và bệnh nhân, đó phải là một kỹ thuật mổ đưa mức xâm lấn xuống độ tối thiểu. Giảm số lượng và độ rộng vết mổ, giảm sẹo để lại và đau đớn cho bệnh nhân, tất cả đã được thực hiện với công nghệ mổ nội soi rất phổ biến hiện nay.

    Nhưng các bác sĩ vẫn chưa thể hài lòng. Họ đã phát triển thành công một phương pháp phẫu thuật còn hiệu quả hơn nữa. “Chúng tôi luôn muốn tìm kiếm ra một phương pháp phẫu thuật không đau đớn và không để lại sẹo”, Homero Rivas, trưởng khoa Phẫu thuật tiên tiến tại Đại học Stanford nói.

    Bây giờ, ông đã thực hiện được ước muốn của mình, khi hợp tác với một công ty startup mới có tên Levita Magnetics.

     Sau mổ nội soi, công nghệ phẫu thuật cách mạng tiếp theo đã xuất hiện

    Sau mổ nội soi, công nghệ phẫu thuật "cách mạng" tiếp theo đã xuất hiện

    Đúng như cái tên của nó, Levita Magnetics cung cấp các dịch vụ phẫu thuật sử dụng một công nghệ hoàn toàn mới: “Phẫu thuật từ tính”. Ưu điểm của công nghệ này là nó sẽ giúp những ca phẫu thuật ở bụng đơn giản hơn, ít đau đớn hơn và không để lại sẹo cho bệnh nhân.

    Ngay sau khi Levita Magnetics chuyển trụ sở từ đất nước Chile tới thung lũng Silicon, họ đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng công nghệ mới trong phẫu thuật túi mật.

    Về cơ bản, phẫu thuật từ tính hoạt động dưới sự trợ giúp của một thiết bị rất đơn giản. Nó là một chiếc kẹp được gắn nam châm ở một đầu. Chiếc kẹp được đưa vào cơ thể thông qua một lỗ mở nhỏ trong rốn.

    Sau khi vào cơ thể, chiếc kẹp tóm lấy túi mật. Bác sĩ phẫu thuật giữ một nam châm phía ngoài bụng bệnh nhân để cầm được nó. Dao mổ tiếp tục được đưa vào từ vết mở ở rốn và cắt túi mật. Sau đó, bác sĩ thả nam châm phía bên ngoài, chiếc kẹp lúc này đã nắm được túi mật bị tách rời. Cả hai được đưa ra ngoài qua vết mở ở rốn. Sau đó thì nó được đóng lại, nguyên vẹn, không thấy sẹo.

    Kỹ thuật mổ sử dụng thiết bị từ tính của Levita

    Hãy so sánh kỹ thuật mới với những gì mà bệnh nhân cắt túi mật phải trải nghiệm trong quá khứ. Phẫu thuật truyền thống đòi hỏi các bác sĩ phải mở một đường trên thành bụng bạn. Với cắt bỏ túi mật, đó là một đường rạch khủng khiếp, dài tới 15 cm dưới xương sườn phải.Lí do vì họ cần một vị trí tốt và đủ không gian để thao tác tới vị trí túi mật.

    Mở vết mổ dài trên thành bụng phá vỡ bức tường bảo vệ cơ thể, để lại rất nhiều nguy cơ nhiễm trùng. Hơn nữa, sau khi nó được khâu lại bệnh nhân sẽ có một vết sẹo khủng khiếp. Trong một kỹ thuật tiến bộ hơn là mổ nội soi, các bác sĩ cũng phải dùng đến 4 vết mổ trên bụng để cắt bỏ được túi mật.

    Tuy nhiên, với phẫu thuật sử dụng công cụ từ tính của Lavita, khi mà 1 vết mổ duy nhất được mở trong rốn, nó sẽ khắc phục được mọi nhược điểm của mổ hở truyền thống và mổ nội soi. Không có một vết mổ dài 15 cm và cũng không có 4 vết mổ. Nó thậm chí chỉ để lại sẹo ở khu vực không thể nhìn thấy.

    Với chiếc kẹp gắn nam châm tách rời, phương pháp mổ của Lavita tạo ra được một không gian thao tác rộng hơn mổ nội soi, không bị ràng buộc bởi số lượng và độ rộng vết mổ. Bạn có thể đưa chiếc kẹp tới mọi nơi trong bụng, thông qua đường rốn. “Đó cơ bản là một vết mổ miệng vào duy nhất”, Evan Goldstein, một bác sĩ phẫu thuật bình luận.

     Đây là hai phương pháp phẫu thuật túi mật phổ biến hiện nay

    Đây là hai phương pháp phẫu thuật túi mật phổ biến hiện nay

    Những bệnh nhân thử nghiệm đầu tiên

    Hiện tại, phẫu thuật từ tính đã và đang được áp dụng trong các ca cắt bỏ túi mật tại Đại học Duke, Stanford và Bệnh viện Cleveland. Trước đó, Levita đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng trên 50 bệnh nhân, trong đó chứng minh phẫu thuật từ tính không để lại bất kỳ một tác dụng phụ nào.

    Bạn có thể đưa một dụng cụ phẫu thuật vào trong bụng, gắn một nam châm. Và rồi nó có thể di chuyển xung quanh, hầu hết các khu vực khác nhau trong bụng bạn mà không có một điểm ràng buộc nào cả”, Rivas một bệnh nhân đã sử dụng phẫu thuật từ tính cho biết. “Kỹ thuật mới đơn giản nhưng rất sáng tạo”.

    Giám đốc điều hành của Levita, Rodriguez-Navarro, cho biết: Tới nay đã có ít nhất 20 ca phẫu thuật tại Mỹ áp dụng công nghệ phẫu thuật mới. Trước đó thì nhiều ca phẫu thuật khác đã được thực hiện tại Chile, quê hương của Levita. Đó là một khởi đầu hứa hẹn tại một vùng đất mới.

    Tuy nhiên, startup trong lĩnh vực y tế không phải lúc nào cũng đơn giản như câu thần chú “Có sản phẩm là có tất cả”. Để Levita có thể tồn tại và “cất cánh”, công ty sẽ cần phải thuyết phục được các nhà quản lý y tế rằng phẫu thuật từ tính đem lai hiệu quả kinh tế.

     Kỹ thuật mổ mới sử dụng bộ công cụ khá đơn giản

    Kỹ thuật mổ mới sử dụng bộ công cụ khá đơn giản

    Nếu quyết định mua sắm và sử dụng công nghệ tân tiến, đắt tiền như của Levita, các đơn vị y tế nhỏ lẻ sẽ không có được hiệu quả đầu tư. Điều này khiến cho phẫu thuật từ tính cho tới nay, mới chỉ được thử nghiệm ở những bệnh viện lớn với nguồn vốn dồi dào như Stanford và Cleveland.

    Một phương án để giải quyết nút thắt này là Levita phải chứng minh được công nghệ của họ có thể làm nhiều hơn những ca phẫu thuật túi mật. Chẳng hạn, nếu phẫu thuật từ tính có thể được áp dụng trong cắt bỏ ruột thừa, các cơ sở y tế sẽ có thêm lí do để cân nhắc về khoản chi phí mà họ sẽ bỏ ra để đầu tư vào thiết bị mới.

    Sự thật, đó cũng là con đường tương lai của Levita. Họ muốn biến phẫu thuật từ tính trở thành một phương pháp thay thế phẫu thuật truyền thống. “Chúng tôi chỉ xem phẫu thuật túi mật như một bước đệm”, Rodriguez-Navarro nói. “Tiếp theo, chúng tôi đang hướng đến phẫu thuật ruột thừa, thắt dạ dày, cắt bỏ khối u thận, đại tràng và nhiều điều hơn thế nữa”.

    Tham khảo Fastcompany

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ