Một chiếc bàn phím cơ mang thương hiệu Apple, tại sao không?
Bán phím cơ vốn đắt. Đồ Apple luôn đắt. Tại sao không hợp cả hai thứ lại mà bán?
- Đánh giá bàn phím cơ không dây Anne Pro II: Lùi một bước, tiến hai bước
- Đánh giá Drevo BladeMaster: bàn phím cơ chỉ mất 1 ngày để gọi đủ vốn Kickstarter có gì mà hot thế?
- Cũng là phím cơ nhưng chiếc bàn phím này chỉ có giá 350.000 đồng, rẻ như vậy nhưng liệu có ngon?
- Xiaomi ra mắt bàn phím cơ Mi Gaming Keyboard dành riêng cho game thủ: Có đèn LED RGB, giá chỉ 780.000 đồng
- Cha đẻ của phím cơ Cherry và đế chế xây nên từ một nút bấm nhỏ bé
Những năm gần đây, Apple đã và đang cố gắng loại bỏ các loại nút bấm khỏi các thiết bị mà họ bán ra. Nhưng nếu thử nghĩ xem nếu Apple thiết kế và bán ra bàn phím cơ thì sẽ đẹp và "ngon" như thế nào.
Là một công ty công nghệ hàng đầu, Apple từ trước tới nay vẫn luôn nổi tiếng bởi 2 thứ: máy tính phục vụ cho việc sáng tạo như vẽ vời, đồ họa, làm video và đặc biệt là ghét nút bấm. iPhone X là một ví dụ không thể điển hình hơn.
Nhìn theo hướng tích cực thì việc loại bỏ nút bấm trên thiết bị đã mở ra một hướng đi mới cho ngành công nghiệp sản xuất thiết bị di động. Hãy nhớ về thời điểm cách đây hơn 10 năm, xu hướng di động của cả thế giới đã thay đổi hoàn toàn khi Apple trình làng bàn phím ảo với màn hình cảm ứng đa điểm trên iPhone. Tân tiến là thế nhưng từ khi ra mắt bàn phím cơ chế cánh bướm cho MacBook hồi 2015 và rồi vật lộn cải tiến nó trên MacBook Pro, bàn phím có vẻ vẫn là thứ khiến Apple phải đau đầu.
Mang tiếng nâng tầm trải nghiệm từ giải trí đến làm việc bằng đại gia đình Mac hay nói chung hơn là những chiếc máy tính cá nhân, Apple có vẻ như bỏ quên một thị trường béo bở đang tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây: bàn phím cơ. Ừ thì bàn phím Magic Keyboard vẫn dùng tốt. Nhưng mà với mấy thanh niên chơi phím cơ lâu năm như tôi thì thực sự không thể mê được mặc dù hàng ngày đi làm vẫn lạch cạch bàn phím cánh bướm thế hệ 2 trên con MacBook Pro.
Vẫn biết Apple không ưa mấy cái nút bấm, nhất là khi mới đây họ còn đăng kí bằng sáng chế với bàn phím ảo tích hợp ForceTouch (tương tự như trên TouchPad của MacBook). Mà nếu làm thế thật thì khả năng cao là nhà Táo sẽ lại mất thêm một lượng lớn khách hàng "Pro" vốn đã bị sụt giảm tương đối từ khi MacBook Pro thế hệ mới ra đời. Làm việc nhiều mà dùng bàn phím cảm ứng thì khó chịu để đâu cho hết?
Bàn phím cơ Drevo Joyeuse. Một ví dụ về việc bấm phím sướng tay tới mức nào.
Kể cả có thích chơi một mình một kiểu thì Apple vẫn nên thực sự suy nghĩ về việc đi theo hướng loại bỏ hoàn toàn phím vật lý. Từ khoảng 2015 tới giờ, xu hướng chơi bàn phím cơ đang ngày một phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều người đam mê phím cơ, thậm chí chơi đến mức "hardcore" một chút với những chiếc custom trị giá cả ngàn đô, những set keycap đắt đỏ, lại là những người đang sử dụng Mac cho công việc hàng ngày.
Đặc biệt, bằng sáng chế của switch Cherry MX, vốn được coi là chuẩn mực của phím cơ, đã hết hạn được vài năm và các nhà sản xuất giờ đây hoàn toàn có thể đưa ra những cải tiến để tạo ra một dòng switch cho riêng mình. Chịu khó nhất có thể kể đến Kailh khi ra mắt đủ các kiểu switch có nguyên mẫu là Cherry MX như Box switch, Optical Switch... Rồi đến chính cả Cherry, cha đẻ của dòng switch MX cũng đã tạo ra những dòng switch mới, thấp hơn như ML để có thể đặt vào những chiếc bàn phím hướng tới sự nhỏ gọn.
Thực tế, Apple đã từng rất nổi tiếng với những chiếc bàn phím cơ của mình, điển hình là chiếc AEK II sử dụng switch Alps. Dòng switch này đến giờ vẫn được rất nhiều dân chơi yêu thích, đặc biệt là dòng màu hồng (salmon) với cảm giác khấc tactile cực kì rõ. Với chân stem cực dị, những dân chơi muốn chơi Alps hay Matias (clone của Alps) vẫn phải đi tìm kiếm những set keycap của AEK II để lắp lên những con hàng custom đời mới. Hàng cổ còn được chuộng thế thì với thiết kế hàng top của Apple đi kèm với chất lượng cao, chắc chắn Apple sẽ nổi lên trong làng phím cơ như một tượng đài đẹp, ngon tay, đắt như HHKB hay Topre vậy (không tính custom).
Mặc dù cho thấy định hướng loại bỏ nút bấm vật lý, lâu lâu Apple vẫn lại làm những điều có chút ngược lại. Màn ra mắt của chiếc iMac Pro đắt đỏ được đi kèm với Magic Keyboard phiên bản có phím số numpad. Rõ ràng Apple cũng nhận thức được rằng nhiều người dùng "pro" vẫn cần khá nhiều phím và việc bỏ bàn phím vật lý hoặc sử dụng phiên bản rút gọn là chưa thực sự khả thi.
Dù có cố loại bỏ những linh kiện hay tính năng mà mình cho là thừa thãi, Apple cũng không thể phủ nhận được một điều là những người dùng "pro" của họ luôn cần nhiều hơn những thứ mà táo khuyết có thể bán ra. Chúng ta vẫn có thể thấy nhiều người đã và đang mod những chiếc iMac thệ hệ trước (trước phiên bản "thùng rác sang chảnh") để chạy phần cứng đời mới hoặc nghiên cứu Hackintosh để có thể sử dụng MacOS trên máy tính cấu hình cao.
Tựu chung lại, để có thể giành lại tình yêu tuyệt đối từ những khách hàng "pro", Apple chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng chắc chắn họ biết được một điều là, những khách hàng đó, những người đã chi hàng nghìn, hàng chục nghìn USD vào các sản phẩm của Apple suốt nhiều năm qua.
Và một xuất phát điểm đơn giản nhất có thể đơn giản chỉ là một chiếc bàn phím cơ giá vài trăm USD (chắc chắn là sẽ overprice như vốn đồ Apple phải thế), có thiết kế đẹp và mang lại cảm giác gõ ngon, bất chấp việc đi ngược lại định hướng tối giản nút bấm của mình. Đến lúc đấy, kiểu gì chúng ta cũng lại được xem một video quảng cáo có Jony Ive chia sẻ về quá trình chế tác rồi này nọ của một chiếc bàn phím như cách họ vẫn làm với các sản phẩm khác của mình.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming